Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Chào từ biệt SaoMai

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sáng Tác
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Nguyen Ngoc Hai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 9 2009
Số bài: 1789
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Sáu 3 04, 2016 8:20 am    Tiêu đề: Chào từ biệt SaoMai Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Một bài viết đã lâu - đến nay mới tìm thấy lại được - xin được đăng tải...

Một chút cảm nhận qua hồn thơ của Phan Sư huynh mà NNH đã nhận được…

   (Nguyên văn bài thơ…)
CHÀO TỪ BIỆT SAO MAI
thơ Phan Xuân Sinh

Buổi tối
bên nầy Thái Bình Dương
Chào bên kia Sao Mai buổi sáng

Chào những người bạn
nhìn về ngôi trường
những nhát búa đập vào bức tường
như đập vào chính ký ức chúng ta
như đập vào trái tim rỉ máu
như xé toạc lồng ngực vỡ toang
những đôi mắt đứng tròng
quờ quạng tìm nhau
những đôi tay ôm mặt
gục đầu
không dám nhìn Sao Mai lần cuối

còn đâu
khung cửa sổ dấu nụ cười rộn rã
tà áo bay,
khép nép trên balcon  ngày nào
tiếng chuông không còn ngân vang
báo giờ vào học
thầy trò đang ngơ ngác
không tìm ra lớp của mình
Sao Mai có chi tội tình
Mà lãnh bao nhiêu oan nghiệt?

Buổi tối
bên nầy Thái Bình Dương
chào bên kia Sao Mai buổi sáng

đôi mắt chúng ta đục mờ
khi hay tin Sao Mai quỵ ngã
lòng quặn đau, như có ai đang cào xé
những nụ cười tắt lịm trên môi
khi cổng trường  khép lại
một màn đen bao phủ đất trời
trận cuồng phong cuốn phăng tất cả
chỉ để lại hoang tàn
Sao Mai không còn nữa.

Ôi, năm mươi năm
những con chữ cắm sâu vào mạch sống
làm giàu thêm cho đất nở hoa
các thế hệ tiếp nhau vững bước
vun trồng lịch sử quê nhà
Sao Mai góp một bàn tay nhỏ nhoi
nhưng thật vô cùng đáng kể
vẫn bao đời  khiêm nhường, nép mình trong khung cửa
như mẹ già thẹn thùng, nhân ái
chăm sóc đàn con như chăm bón khu vườn,
nở hoa kết trái
đó là thánh địa vô cùng hiển linh
của những người con  muôn nơi
để hướng về khi tưởng nhớ

Buổi tối,
bên nầy Thái Bình Dương
chào bên kia Sao Mai buổi sáng

bao nhiêu đứa con tản mác phương xa
bây giờ đang nhìn về quê nhà
khi hay tin trường mẹ gục ngã
hàng ngàn, hàng ngàn.. người
sững sờ, quằn quại
những đôi mắt đau đáu thất thần
để những giọt lệ lăn tròn trên má
đưa cánh tay lên vẫy nhẹ:
“Chào Từ Biệt Sao Mai”


                      Houston, ngày nhớ lại trường cũ

       
  [img]<a href=[/img]" />
________________________________

Những ngày này, tại quê nhà đang bước vào mùa thu của Thanh Tịnh với một đoản văn bé nhỏ nhưng chứa đựng một tình cảm sâu sắc nhất của lứa tuổi học trò cho dẫu vào thời kỳ nào. Bài học đầu tiên Tôi đi học… đã làm cho biết bao nhiêu con người phải dấy lên những niềm cảm xúc, những trang giấy bút của những dòng ý tưởng thật sâu đậm mang tính một thời để rồi cứ mãi còn vấn vương cho đến ngày sau…. Mùa khai trường của Thanh Tịnh thì mẹ dẫn con đi trên con đường dài và hẹp, con đường ấy tôi đã quen đi lại lắm lần… bài đi học của thi nữ Hạ Nguyên trong thi phẩm Tiễn con – cho dù là con đã đi vào trường đại học rồi mà mắt mẹ vẫn rưng rưng trong niềm sâu lắng:

Mùa thu ấy ngày con vào lớp
Là niềm vui rạo rực trong ta
Cặp đeo vai con xênh xang áo mới
Mắt sáng ngời muôn vạn vật nở hoa

                      (Tiễn con – HạNguyên)

Mùa thu ấy, của  thi nhân HaNguyen trong ngày vinh dự nhìn con vào giảng đường Đại học; không biết có giống như cảm xúc của người mẹ trong bài tôi đi học không – khi mà:

… Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp… (Tôi đi học – Thanh Tịnh)

Đó là Tôi đi học của bậc tiền bối Thanh Tịnh của ngày xa xưa lắm rồi… Có thể nói ngày hôm nay khi tiếng trống khai trường lại rộn rã vang lên, từng học trò nhanh nhảu hân hoan bước vào lớp học; trước mặt “cậu bé” chỉ là một tấm bảng đen… Và cậu cũng không ngờ rằng chính trên chiếc bảng đen ấy, cứ thôi thúc mãi cho cậu với những tháng ngày “như chúng tôi” của ngày xưa vậy…

Chuyện ngày xưa, khi ấy còn có một ngôi trường, không phải như ngôi trường làng Mỹ Lý của Thanh Tịnh; không phải như giảng đường đại học của con trai chị HaNguyen; hoặc như ngôi trường Nguyễn Du của con gái chị TuLip, hoặc như ngôi trường kỷ niệm  của con gái chị Hạc Giấy, hoặc của chị Lệ Hường, Nữ sinh gì đó… mà ngôi trường đó ngày hôm nay chỉ còn nhạt nhòa trong từng ký ức của những người học trò ngày xưa… cũng là một ngôi trường hình như cũng như bao nhiêu ngôi trường khác; để rồi giờ đây “Người đã ra đi và mất hẵn” – mất đi những buổi chiều, mất đi những ngày dài tình thơ, mất đi những khung cửa lộng gió, mất đi hình hài bên công viên nhìn em đang ngẫn ngơ quên lời thầy giảng bài mà mơ về nơi đâu… Một ngôi trường mà ngày hôm nay nơi một phương xa – tác giả đã ngỡ ngàng khi viết lên:

Một dòng lệ rơi, những dòng lệ rơi – thế là hôm nay sau một bài viết vừa xong, 50 năm chưa đủ một đời người, 50 năm chưa đủ làm một kiếp phù du, những tiếng gạch ngói từ từ vang lên và đổ xuống, như sợi tóc người mẹ phải rụng rơi, bỏ lại những tháng ngày dài, khói bụi mịt mù như sẽ che dấu đi những hàng lệ nhòa của những đứa con phải một lần trong đời chít lên mình những giải khăn tang, một vành khăn tang, rất nhiều vành khăn tang ở trên cuộc đời này, những vành khăn tang hiện diện trên đầu của những người con nhà mẹ, hình ảnh của một nỗi buồn hầu như vô tận và cõi nghìn thu sẽ không còn giấy viết bút mực nào nói cho hết… nhưng quan trọng hơn là có những vành khăn sô sẽ tồn tại trong trái tim nhỏ bé của những người con Sao Mai hôm nay… Ngày hôm nay, cho dẫu đã được vài ngày qua, ngôi trường đã từ từ ngã xuống, đễ vĩnh viễn đi vào nghìn thu muôn thưở, thế là trên cuộc đời cay đắng này, chỉ còn lại những giọt lệ sầu xót thương, còn lại những chiều vàng héo hắt. Hình ảnh của người mẹ - của một ngôi trường một thời son sắt, một thời hành tiến, trên những thành tích vang dội của miền Trung này sẽ mãi mãi mất đi rồi…

Chỉ còn ngồi đây để mà nhớ, nhớ về cho một thời – bên cạnh những nàng tiên nữ Siva còn uốn lượn trong những vũ khúc Apsara ngày xưa, để rồi cũng chính những tháng ngày còn lại cho hôm nay, lòng người vẫn còn mãi khúc hát thương đau để nhớ về cho một Đồ Bàn vàng son oanh liệt của thưở nào… Hôm nay cũng thế… một dấu tích kỷ niệm không thể nào quên trong tâm trí của những người con nhà mẹ SaoMai này cũng thế, vẫn còn vang mãi Trường Sao Mai – quê hương tôi dấu yêu ngàn đời, rung rinh rung rinh hoa lá reo cười… chợ chiều xao xác bóng người…   Đây thanh niên học sinh Sao Mai, nối nghiệp xưa bao đấng anh tài… nặng trên đôi vai sứ mệnh người trai, chói danh học sinh Sao Mai…. Khúc hành tiến như vẫn còn vang mãi trong tiếng gạch nghiêng đổ, bụi khói vẫn còn tung bay mịt mù hòa lẫn với những điệu nhạc hành tiến của SaoMai một thời vang khúc khải hòan….
   (Trích trong bài Chỉ còn là giấc mơ – NNH)

Thế rồi ngày hôm nay, khi tiếng trống khai trường chỉ còn ngày mai nữa thôi sẽ vang lên trong cảnh rộn rã của mùa thu thay lá, vang lên trong nắng mùa thu dìu vợi kia… thì đã có những xót thương nhân trần đầy đau thương của nhiều tâm hồn đang nhớ về cũng cho một ngôi trường cũ giờ đây đã xa rồi.

Buổi tối
bên nầy Thái Bình Dương
Chào bên kia Sao Mai buổi sáng

Chào những người bạn
nhìn về ngôi trường
những nhát búa đập vào bức tường
như đập vào chính ký ức chúng ta
như đập vào trái tim rỉ máu
như xé toạc lồng ngực vỡ toang
những đôi mắt đứng tròng
quờ quạng tìm nhau
những đôi tay ôm mặt
gục đầu
không dám nhìn Sao Mai lần cuối



  [img]<a href=[/img]" />     

Phan Xuân Sinh – một nhà thơ lớn của “ngôi nhà SaoMai” đã phải ray rứt và xót xa khi mùa khai trường lại tự nhiên trở về với bao nhiêu con người… Ngày hôm nay biết bao nhiêu người vui, rộn ràng đang tung tăng đến trường đến lớp, nhưng cũng biết bao kẻ còn mãi khóc thầm cứ đứng mãi bên kia đường để nhìn về cho một chốn xin được tạm gọi là Thánh địa này… Hình như chính Phan Sư huynh cũng đã dạt dào nhiều lắm và còn mãi khóc thầm khi mùa tựu trường lại đến; cho dẫu ngày hôm nay có lẽ cảm xúc của tác giả bài thơ cứ mãi hòa quyện vào tiếng trống đầu tiên của một năm học… Bài thơ “Chào từ biệt SaoMai” của Phan Sư huynh như một lời than khóc và tiếc thương được gửi đi biết bao người cũng như Phan Sư huynh vậy… Ở đây, chúng tôi không muốn đề cập nhiều gì về cho Phan Sư huynh về sự nghiệp văn phẩm và cuộc đời của anh; mà chúng tôi chỉ nhìn vào bề sâu của một giọt lệ khi mà chính Phan Sư huynh đưa con đi đến trường cũng như thi nữ Hạ Nguyên, Hạc Giấy, TuLip, hay thi nhân Nữ Sinh nào đó… để rồi tất cả cũng như chính cá nhân tôi hôm nay, khi đang đứng trong sân trường của mùa thu thay lá, nghe tiếng trống giục vang, mà lòng lại cảm thấy buồn như Phan Sư huynh, hoặc chị Hạ Nguyên, TuLip, Hạc Giấy, hoặc của chị Nữ Sinh vậy…

Kể từ khi nhận được bài thơ Chào từ biệt SaoMai, chúng tôi cứ ngỡ rằng: Phan Sư huynh đã từ giã mái nhà thân yêu nào đó, hay sẽ từ giã những con phố, những ánh đèn để đi về nơi xa xăm của miền gió cát nào… nhưng khi đọc qua được “nỗi niềm sâu lắng” của Phan Sư huynh thì chúng tôi mới cảm nhận được: niềm lưu luyến và từ biệt cho một ngôi trường như chúng tôi hiện nay – những con người được tung cánh bay đi từ ngôi trường đó, và được chắp cánh “bước vào đời” bằng chính những hành trang kiến thức của chính mình… Buổi tối bên kia Thái Bình Dương, Phan Sư huynh chắc dạt dào với những niềm tâm sự với chính mình để nhớ về cho một ngôi trường làng mà ngày xưa Phan Sư huynh cũng như bao con người đều cho đó là một kỷ niệm, một hồi ức, một cái gì đó rất đáng nhớ và lớn lao lắm; mà cũng phải, tại xứ Đà thân yêu, khúc ruột của miền Trung khô cằn ấy, có những ngôi trường như PCT, BC, NH, NTN/HĐ, PTG, AS, Pascal… nhưng trường nào cũng còn nguyên vẹn; duy chỉ có ngôi trường SaoMai là đã đi vào vùng thiên cổ; ngay chính cả công viên thơ mộng trước mặt ngôi trường cũng nối gót theo sau như đem theo tất cả những hoài bão ước mơ của một thời tuổi trẻ ấy… chỉ còn lại dòng sông, dòng sông thiếu vắng đi con đò của những ngày xưa, mà ngày xưa ấy “người đưa đò” cũng đã ra đi vào vùng thiên cổ gió cát nào rồi… tại sao lại thế? Tại sao những người con ngày ấy cũng đã đi theo vào miền miên viễn hoặc vùng viễn xứ nào để rồi hôm nay cứ ngồi đó để cho từng giọt lệ rơi rơi khi mùa khai trường lại trở về một cách vô tình như thế….

Buổi tối
bên nầy Thái Bình Dương
Chào bên kia Sao Mai buổi sáng



Lời kêu gào, than khóc của những người con SaoMai ngày xưa hôm nay cứ mãi quyện tròn trong những giọt lệ cho nghìn thu; biết bao nhiêu lời than khóc, niềm cay đắng cứ mãi còn dâng trào; không hẵn chính Phan Sư huynh thôi đâu, mà còn biết bao nhiêu người con cũng như thế… cũng đã khóc lóc và than vãn, có thể nói niềm đớn đau trong nỗi nghẹn ngào khi nhìn và chào những người bạn cùng trang lứa; những người bạn của ngày xưa và của hôm nay,  

Chào những người bạn
nhìn về ngôi trường
những nhát búa đập vào bức tường
như đập vào chính ký ức chúng ta
như đập vào trái tim rỉ máu
như xé toạc lồng ngực vỡ toang
những đôi mắt đứng tròng
quờ quạng tìm nhau
những đôi tay ôm mặt
gục đầu
không dám nhìn Sao Mai lần cuối

còn đâu



[img]<a href=[/img]" />

Nỗi niềm của nhà văn lão thành tiền bối Thanh Tịnh đã khơi lại ngày xưa mà ai ai cũng đã trải qua ở ngôi trường làng Mỹ Lý – nói đến đây tác giả bài viết chợt nhớ về cho vị Giáo sư già Trần Tế – ngày hôm nay cũng đã đi vào miền thương nhớ rồi… nhưng nhà văn lão thành kia vẫn còn được nhìn thấy một ngôi trường làng đầy ắp những kỷ niệm thương nhớ và khó quên, còn ở đây Phan Sư huynh cùng những người con ngày xưa cứ mãi khóc thầm chưa nói nỗi câu từ biệt cho hôm nay, dù rằng Phan Sư huynh ngày hôm nay đã nói lên “Chào từ biệt…” nhưng hình như chính tác giả bài thơ cũng chưa nói lên thành lời…. Bởi vì chính trong tâm tư của Phan Sư huynh cũng như còn thấy được cái hình ảnh ngày xưa cũ còn mãi hiện về…

khung cửa sổ dấu nụ cười rộn rã
tà áo bay,
khép nép trên balcon  ngày nào
tiếng chuông không còn ngân vang
báo giờ vào học
thầy trò đang ngơ ngác
không tìm ra lớp của mình



Khung cửa sổ như đã giấu nụ cười rộn rã, con phố nhỏ của ngày xưa như gió thôi vờn bay, tà áo ai ngày xưa giờ đây chỉ còn là ảo ảnh mà thôi; cho dẫu ngày hôm nay chỉ là một vùng quê nghèo này, tiếng học trò vẫn ê a như ngày nào của tôi với người thầy Võ Đức Thạnh hay cô Trần Thị Thiện khi còn ở bậc Tiểu học… để rồi hôm nay nhiều khi chính tôi cũng phải thổn thức cho mỗi đêm chợt về trong ký ức và hầu như những người con SaoMai ngày xưa – bây giờ cũng thế, chỉ còn tiếng trống tan trường hay vào lớp, thay vì tiếng chuông cứ mãi ngân vang trong ký ức của mỗi con người, giờ vào học của ngày xưa khi còn đợi đón thầy vào lớp với tiếng cười rộn rã trong mỗi bài tập về nhà, hoặc bữa nay có bài kiểm tra của thầy…., còn hôm nay khi tiếng trống vào lớp của từng em bé nhỏ, tôi đã đứng lặng nhìn các em sắp hàng đi vào lớp mà tưởng chừng như các em đã đi vào ngưỡng cửa cuộc đời tuổi thơ của các em, để rồi trong bài giảng, cái tâm của người thầy lại đem hết cả huyết nhục truyền đạt lại cho các em với những tinh hoa nhất của lứa tuổi học trò… Với tâm tình của Phan Sư huynh có lẽ cũng chính là của cá nhân tôi của ngày hôm nay một khi nhớ về cho ngôi trường cũ kia đã xa rồi, cũng như tất cả những người con ngày ấy hôm nay sẽ còn lại – cũng thế mà thôi… bởi vì trên hành lang lầu hai, lầu ba, gió từ đâu thổi về làm cho áo em vẫn còn bay bay, trong khung cửa lớp, tiếng chuông đã tắt lịm lúc nào nhưng người con gái vẫn còn đứng đợi nắng đi qua để rồi chưa thể vào trong lớp làm cho tôi phải ngẫn ngơ một thoáng gì đó không thể nói ra được… ngày ấy có lẽ Phan Sư huynh đã giấu đi nụ cười mỉm chi khi tà áo ai đó bay bay ngoài khung cửa… cũng như chính tôi ngày nay khi còn ngồi ở phòng giáo viên nhìn ra khung cửa văn phòng để nhìn thấy bóng vài em nhỏ đã chạy mau vào lớp… các em không sợ trễ giờ học, mà sợ bị Sao Đỏ trừ điểm, khác hẵn với ngày xưa khi trong khung cửa ấy, ai đó cũng đã ngẫn ngơ sợ mất bóng áo dài trinh nguyên của hồn ai đó trong nắng chiều để rồi bụi phấn của thầy bay vào trong ai lúc khi thầy đã viết mạnh trên bảng tựa đề bài học…

Ngày hôm nay, biết bao nhiêu người con của ngôi nhà Mẹ SaoMai đã phải thầm nhớ như chính tôi, như chính Phan Sư huynh để xót thương về cho rất nhiều kỷ niệm ấy, và hình như ai đó cũng đã khóc thầm bên những hoài niệm khi hình ảnh người mẹ già chẳng còn bóng dáng đâu…

Mẹ đã đi và vào vùng thiên cổ
Bóng hình ai chợt thổn thức hôm nào
Trong đêm vắng sầu ai vương gối chiếc
Lòng cô quạnh trong nỗi buồn đêm thâu…
 (NNH)

Nhưng người con SaoMai nào đây vẫn còn khóc được khi nhớ về cho ngôi trường cũ, khác hẵn với ngôi trường Mỹ Lý của Thanh Tịnh, khác hẵn với con đường làng của ngày mẹ dẫn con đi vào giảng đường… như chính mẹ đã dẫn con đi trên con đường dài và hẹp, cho dù con đường ấy đã quen đi lại nhiều lần; cũng khác hẵn với con đường làng của tôi ngày hôm nay khi từng em nhỏ đội trời mưa nắng ngày hai buổi đến trường… Ngôi trường cũ của tất cả chúng ta ngày hôm nay chỉ còn là một Thánh địa trong từng kỷ niệm, trong từng ký ức của mỗi con người mà thôi, và có lẽ ai đó cũng như Phan Sư huynh hoặc như chính tôi cũng phải thổn thức cho mỗi lần khi nhớ đến ngôi trường; mắt ai đó đã rưng rưng lệ sầu khi nắng chiều chưa phai, và có cớ để mặc cho trời mưa giông tố cứ mãi lăn dài, trời mưa to hay chính cõi lòng ai đang than khóc cho những nụ cười tắt lịm trên môi, khi cổng trường  khép lại…

Nhưng người con SaoMai nào đây vẫn còn đứng nơi góc đường xưa để mãi nhìn về cho bóng hoàng hôn chưa thể khép nổi với những chùm hoa sứ bên cổ viện Chàm và còn nghe mãi khúc tình ca đau thương kia, ngay cả nơi công viên hẹn hò đầy gió của một dòng sông chứa đựng nhiều nỗi muộn sầu mà tóc vẫn cứ vờn  bay trong gió…bên kia công viên, phía bên kia cổ viện, những chùm hoa sứ như thôi cười trong gió, phía ngoài dòng sông như thôi đong đưa mặt nước mà cũng lặng im để buồn trôi cho một tháng ngày xót xa của những vết lăn trầm mà địa đàng ấy thôi mãi dấu chân xưa…

Tiếc thương cho một đời, xót xa cho một thời, đau thương cho một kỷ niệm của biết bao nhiêu người con đã ra đi từ dạo ấy, hình như chính ai ai đó không thể nói lên được một lời chào từ biệt như Phan Sư huynh; và ngay cả chính tôi cũng thế, khi chính ngày xưa và cho đến mãi hôm nay: cũng không nói nỗi lời chia xa cho những mùa hạ về, có ai đã nói được lời trần tình đau thương và buồn bã ấy… Hình như tôi đã thấy không ai có thể nói nỗi lời chia xa chỉ vì một lý do thật chính đáng của hôm nay: Xin thời gian ngừng trôi để tôi còn mãi thấy được những ký ức của ngày xưa ấy… Phải thế không ? Hỡi những người con nhà Mẹ của hôm nay !!! Cho dẫu ngày hôm nay không những Phan Sư huynh, hay chính bản thân tôi, và cả những ai đó nữa đã thấy một thực tế buồn thương mà Phan Sư huynh đã nói lên:

đôi mắt chúng ta đục mờ
khi hay tin Sao Mai quỵ ngã
lòng quặn đau, như có ai đang cào xé
những nụ cười tắt lịm trên môi
khi cổng trường  khép lại
một màn đen bao phủ đất trời
trận cuồng phong cuốn phăng tất cả
chỉ để lại hoang tàn
Sao Mai không còn nữa.



Cho dẫu là đúng đi nữa: SaoMai không còn nữa. cái không còn như đang ở trong cái đang là của nhà hiền triết Ấn Độ Krishnamutir đã diễn tả trong những luận đề triết học nhân sinh mà tất cả mọi người con SaoMai của những giờ học Luận lý của thầy Triệu ngày xưa vào năm cuối cùng… thì hôm nay cái đang là ấy cũng có thể nói là một luận đề biện chứng cho những cái nhân sinh trong chính mỗi tâm hồn của những người con SaoMai cho dù đang ở bất cứ nơi đâu… 50 năm – trải qua một đời… chúng tôi khẳng định và dám nói một đời trong cuộc đời của những người con SaoMai còn hiện hữu hôm nay cũng là một triết lý nhân sinh dưới cái nhìn lăng kính trong mỗi con người chúng ta để chúng ta cùng nhau nhìn rõ và nhận thức được: sẽ còn mãi tồn tại; tồn tại như ánh sao trời trong biển đêm mù khơi kia, để rồi đêm dài ấy chúng ta còn nhìn thấy được ánh SaoMai cứ mãi le lói tận phương Đông và cứ mãi chờ đón ánh bình minh trong sinh quan của mỗi chúng ta…

50 năm – có thể là một đời, nhưng cũng có thể là chưa hết một đời mà đành phải chia xa… ai ra đi chưa hẹn được ngày trở lại, đi xa rồi nhưng chưa mãi quay về, miền gió bụi nào còn lắm phong ba mà ai cứ mãi gánh hàng rong đi tìm hoài những kỷ niệm; kỷ niệm ngày xưa trong mỗi con người, khi hơi thở tàn thu của người mẹ đã ngã xuống để vĩnh biệt… 50 năm, cho dù ai đó chưa tròn giấc mộng của một kiếp người của hôm nay, để rồi rơi xuống giọt lệ sầu đi vào cõi gió cát nào… Phan sư huynh đã kêu lên một tiếng xót xa: 50 năm, như chứng kiến 50 mùa phượng về trong tâm tư của những con người; ra đi từ ngày ấy – cho đến hôm nay thời gian 50 mùa hoa nở đã đi qua, nhưng tóc ai vẫn còn bay trong gió, sóng xô bờ vẫn còn vỗ mạn thuyền nơi những người đưa đò mà giờ đây cứ mãi ngồi trên bến cũ trong tiếng tiêu buồn chợt nhớ… nhìn lại 50 năm đi qua để lại bao nhiêu dấu hằn còn nghiêng ngã, để lại trong ai những chút nắng vàng chiều trên từng con phố nhỏ còn in dấu chân ai đi về, thời gian ấy đã thầm chứa bao nhiêu giọt sầu cho những mùa hạ buồn chia xa để lại sân trường vắng của độ nào chưa tắt hẵn tiếng cười… 50 năm, dấu vết một đời chưa hẵn tàn phai để rồi ngày hôm nay nơi phương trời Houston xa xôi ấy, Phan Sư huynh đã nói lên một lời chào, mà tôi cứ ngỡ như lời chào của mùa nắng hạ ngày xưa nào đó mà thôi…

Ôi, năm mươi năm
những con chữ cắm sâu vào mạch sống
làm giàu thêm cho đất nở hoa
các thế hệ tiếp nhau vững bước
vun trồng lịch sử quê nhà
Sao Mai góp một bàn tay nhỏ nhoi
nhưng thật vô cùng đáng kể
vẫn bao đời  khiêm nhường, nép mình trong khung cửa
như mẹ già thẹn thùng, nhân ái
chăm sóc đàn con như chăm bón khu vườn,
nở hoa kết trái
đó là thánh địa vô cùng hiển linh
của những người con  muôn nơi
để hướng về khi tưởng nhớ



SaoMai – dấu ngàn năm muôn thưở, không những Phan Sư huynh mà thôi, mà hầu như tất cả những người con đã được thoát thai từ chốn ấy cũng đều nâng lên bậc Thánh địa – một dấu tích vô cùng thiêng liêng và còn những nét huyền bí, ngày hôm nay cho dù nơi miền đất Houston, Texas, Cali, Phila, hay miền miên viễn nào, hoặc chính ngay trên quê mẹ nồng nàn, cho dù ở miền Nam quê nhà hoặc ngay cả nơi miền đèo heo hút gió như chính tôi hôm nay cũng thầm nhớ về cho một quãng đời 50 năm vẫn còn mãi tồn tại, vẫn còn mãi muôn thưở, vẫn còn mãi tiếng cười, và ngay cả những ánh nắng chiều trong sân trường đầy những cơn gió từ dòng sông, cho dù bên khung cửa ai đó còn miên man tiếc nuối, cho dù cành hoa sứ bên cổ viện chàm như mãi còn buồn và lắm nỗi đau thương như điệu luân vũ Apsara của ngày xưa… thì Hồn thiêng SaoMai vẫn còn bừng cháy trong mỗi trái tim, còn sống mãi cho hết cuộc đời này cho dẫu mới chỉ qua 50 năm…

[img]<a href=[/img]" />

50 mùa Xuân đi qua, chứa đựng 50 năm mùa phượng rơi đã về và qua rồi đi vào miền ký ức, thì phía sau 50 năm sẽ còn mãi những ngày dài bất tận trong mỗi người con SaoMai hôm nay, chúng ta cũng như Phan Sư huynh cho dẫu là chỉ chào từ biệt về một miền ký ức nào đó, nhưng rồi sau đó, chắc chắn chúng ta sẽ thấy một SaoMai trong tâm tưởng của tất cả chúng ta từ hôm nay và mãi đến ngàn sau; cho dù những người con… như Phan Sư huynh đã nói lên như thế, cho dù trên miền đất nào đi chăng nữa, chúng ta chào tạm biệt một dấu tích vàng son oanh liệt, chào đi những tháng ngày dài kỷ niệm không thôi, đó chỉ là một lời chào tạm biệt chưa muôn thưở, mà tất cả chúng ta phải còn nhìn thấy một SaoMai, một lần 50 năm nữa của ngày mai trong mỗi chúng ta vậy, cho dù hôm nay những đôi mắt đau đáu thất thần, để những giọt lệ lăn tròn trên má…. Cho dù chính cá nhân tôi hôm nay không biết đã bao nhiêu lần thổn thức, không biết đã bao nhiêu lần nhớ thương và tiếc nuối, không biết bao nhiêu lần hò hẹn, thì 50 năm vẫn còn cháy mãi trong tôi, trong tất cả những ai một ngọn lửa chưa thể phai tàn, cho dù nắng cháy, mưa sa, thì SaoMai vẫn luôn là ngọn lửa bừng cháy mãi trong tim của tất cả….

bao nhiêu đứa con tản mác phương xa
bây giờ đang nhìn về quê nhà
khi hay tin trường mẹ gục ngã
hàng ngàn, hàng ngàn.. người
sững sờ, quằn quại
những đôi mắt đau đáu thất thần
để những giọt lệ lăn tròn trên má
đưa cánh tay lên vẫy nhẹ:
“Chào Từ Biệt Sao Mai”



Một đời đi qua, còn biết bao nhiêu hẹn hò, còn biết bao nhiêu niềm tiếc nuối, thì tất cả những người con nhà Mẹ hôm nay, hoặc những người thầy, cô giáo của ngày xưa và chính cả những tà áo trắng hôm nay cũng thế, chúng ta chào từ biệt SaoMai trong những chén tình sầu ly bôi mà thôi, chứ khi trên mọi nẻo đường về cũng như những chiều xưa chưa tắt nắng trên con phố nhỏ, thì bóng ai vẫn còn in mãi dấu chân xưa… Đường về ngày ấy và tận mãi hôm nay cũng như chính: Con đường ấy tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng sao vẫn còn thấy thân thương…

Quê nhà, những ngày dài nhớ nhung và tiếc nuối.
NguyenNgocHai.

   
[img]<a href=[/img]" />
 

[img]<a href=[/img]" />
   
  … thì Hồn thiêng SaoMai vẫn còn bừng cháy                                
     trong mỗi trái tim, còn sống mãi cho hết cuộc
        đời này cho dẫu mới chỉ qua 50 năm…




----------------------------------


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email Địa chỉ AIM
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sáng Tác Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI