Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Rắn Trong Đời Sống Và Khoa Học

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn Hoá - Khoa Học & Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: Sáu 2 08, 2013 4:19 am    Tiêu đề: Rắn Trong Đời Sống Và Khoa Học Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

RẮN TRONG ĐỜI SỐNG VÀ KHOA HỌC

Rắn và con người

Từ thời tiền sử loài rắn sinh ra gắn liền với đời sống con người. Theo sách Khải Huyền trong Kinh Thánh thì Adam và Eve là người Nam, Nữ đầu tiên thủy tổ loài người do Chúa trời tạo ra ở Vườn Điạ Đàng và dạy rằng: “Hết mọi cây trong vườn chúng con có quyền ăn, trừ cây biết lành biết dữ ở giữa vườn, nếu ăn vào chúng con sẽ chết.”. là cây Đời Sống (Tree of Life). Con rắn “quỷ quyệt hơn mọi con thú trên cánh đồng.” gian ngoan cám dỗ Eva rằng: “Ăn trái đó không chết đâu, trái lại mắt bà sẽ mở ra và trở nên giống như Chúa.” Eva không cưỡng lại được sự cám dỗ hái rồi đưa cho Adam cùng ăn. Lập tức mắt họ mở ra và thấy mình trần truồng, và họ bị trục xuất khỏi Vườn Điạ Đàng xuống thế gian. Thiên Chúa xót xa khi nhìn con cái mình đi vào con đường tội lỗi và đau khổ, “Thiên Chúa làm cho Adam và Eve những chiếc áo bằng da và mặc cho họ”(St 3,21), và tìm mọi cách ngăn chặn tội ác để giúp con người khỏi khổ đau, câu chuyện Adam và Eve là nền tảng của học thuyết Thiên chúa giáo: “Tội lỗi đến với thế giới qua con người và chết qua tội lỗi, và vì thế cái chết xảy đến với tất cả loài người bởi con người là tội lỗi..“ Chúa cũng trừng phạt con rắn “phải đi bằng bụng, và phải ăn bụi trong suốt những ngày của cuộc đời rắn”. Bởi vậy rắn được coi là tượng trưng cho tội ác và hiểm độc, thù dai, rắn cũng là biểu hiệu cho Satan. Hình tượng con rắn trong dân gian thường tượng trưng cho hạng người xấu, tiểu nhân, giả dối cần phải tránh xa như: „hang hùm nọc rắn“, hay hạng người như „Sư hổ mang“, „khẩu Phật tâm xà“ là lời như của Phật nhưng tâm là của quỷ, hay „đánh rắn phải đập đầu“ vì để sống nó sẽ trả thù .

Theo truyền thuyết rắn là sinh vật được nhiều quốc gia trên thế giới sùng kính coi rắn như là thần linh dưới nhiều hình thức khác nhau, là một hình tượng tín ngưỡng vô cùng phức tạp. Nhiều huyền thoại hấp dẫn như rắn sống lâu năm sẽ biến thành nàng tiên đẹp kiều diễm… rắn cho ngọc quý. Một số bộ tộc Phi châu, Úc châu, Á châu …..còn tục thờ cúng rắn họ cho rằng rắn có khả năng thay da, sống trường sinh bất lão. Cổ tích Việt nam cũng nhắc đến sự trường sinh của rắn qua câu chuyện “rắn già rắn lột da sống đời“. (các nhà Sinh vật học nghiên cứu rắn có thể sống tới 50 năm), ở Việt Nam ngày nay nhiều nơi còn mê tín dị đoan thờ lạy rắn. Người Ai Cập thời xa xưa cho rằng rắn là thần hộ mạng tượng trưng cho sự khôn ngoan, thiêng liêng cho nguồn năng lượng và sự sáng tạo, sự tái sinh, bất tử, vĩnh cửu cho các vì vua chúa. Còn lại dấu tích hàng nghìn năm về trước, trên các vương miện của các vua Ai Cập đều có chạm hình rắn bằng vàng hay bằng ngọc còn lưu giữ trong các viện bảo tàng (cấm chụp hình).Trong chuyến du lịch Ai cập cuối năm 2012 tôi chụp hình trên bức tường cao của đền thờ ở kim tự tháp bậc thang Djoser xây dựng từ năm 2650 trước công nguyên, còn những con Cobra, cũng như đền thờ thần Horus ở Edfu trên cổng có hình hai con rắn.

Chùa ở Campuchia có hình là một con rắn chín đầu gọi là thần rắn Naga. Nhìn chung theo các tài liệu thì rắn làm ảnh hưởng đời sống văn hóa của nhân loại bằng nhiều hình thức và sự biểu hiện khác nhau. Nó mang những ý nghĩa biểu tượng nhất định cho văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, lối sống theo bản sắc của một dân tộc.

Đời sống rắn trong thiên nhiên

Theo tác phẩm Tiere und Lebensräume hiện nay trên thế giới có hơn 2600 loại rắn. Trải qua quá trình thay đổi của thiên nhiên, một số loài rắn có những đặc tính riêng biệt của mình, rắn có chiều dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau nhưng có đặc điểm chung là có thể cuộn tròn. Số đốt xương sống và xương sườn của loài rắn có khoảng 160 tới hơn 400 đốt. Rắn là một loài động vật máu lạnh, bò sát, cùng lớp với thằn lằn, tắc kè nhưng rắn không có chân mà di chuyển bằng cách trườn bò. Loài rắn thuộc chi Caenophidia, số vảy bụng và hàng vảy lưng của nó tương ứng với số đốt xương sống. Một số rắn đặc biệt có khả năng lướt nhanh, hầu hết là thuộc chi Chrysopelea nhờ cấu trúc khớp xương lưng của rắn mềm mại và dẻo dai, di chuyển trên cây rắn có thể “bay” hơn 15 mét để sang cây khác, nhờ cách uốn mình trong không khí, rắn có những loại có nọc độc, và không có nọc độc.

Những con rắn độc sử dụng nước bọt, nọc độc tiết qua những chiếc răng, nọc độc từ miệng rắn có thể làm tê liệt và giết chết con mồi. Nọc độc là độc tố tác hại qua đường máu đến thần kinh. Có đến 450 loài rắn độc trên thế giới, trong đó có 250 loài có nọc độc giết người. Toàn thân rắn được bao bọc lớp da có vảy cứng không tăng trưởng tương ứng theo sự trưởng thành của thân thể rắn, bởi vậy mỗi năm rắn phải lột da để lớn theo chu kỳ và loại bỏ ký sinh trùng. Phần nhỏ ở cuối đuôi rắn không thể thay đổi nên khi rắn lớn lên làm thắt chặt, thì rắn tự cắt đứt đường máu đưa tới khúc đuôi và từ từ nó sẽ rụng đi. Da rắn có vảy như cái chân để trườn bò khi di chuyển, thân dài và nhỏ của nó uốn thành hình chữ S. Khi bò các vảy trườn theo lồi ra và rắn dùng đầu nhọn của các chiếc vảy để trèo lên những đám cỏ hoặc mô đất gồ ghề.

Thông thường rắn ăn thịt những loài chuột, ếch, nhái, chim… nhưng rắn lục chỉ ăn sâu bọ, loài rắn hổ Kobra thường ăn đồng loại. Xương hàm dưới của rắn rất linh động, hai hàm của nó không gắn liền cố định mà được nối thẳng vào sọ, cho phép chúng mở rộng miệng để nuốt trọn con mồi dù cho con mồi có lớn hơn nhiều so với đường kính thân rắn, nhờ có hệ xương hàm nhiều khớp và dây chằng đàn hồi nên rắn có thể há miệng rất to. Rắn nuốt sống con mồi nén xương sống lại giống như chiếc đàn xếp để con mồi trôi xuống. Mi mắt rắn trong suốt và thường xuyên đóng kín, được gọi là vảy mắt.

Loài rắn không có vành ngoài tai, cho nên thính giác của chúng tương đối kém. vì mắt của chúng sinh ra ở hai bên đầu, nên nhìn cũng bị hạn chế, thính giác và thị giác có khuyết điểm thì khứu giác của chúng trở thành cơ quan cảm giác quan trọng nhất. Khứu giác của loài rắn do khu cảm giác ở phần dưới miệng và khoang mũi họp thành. Khi bò rắn dùng cái lưỡi có chẻ nhánh của mình thò ra thụt vào để kiếm mồi. Ngoài ra có một số loài rắn còn phát triển một số cơ quan cảm giác đặc biệt, chẳng hạn như có nhiều loài rắn có những lỗ nhỏ nằm giữa mắt và lỗ mũi, những lỗ nhỏ ấy rất nhạy cảm. Đó là cơ quan cảm nhiệt của rắn. Trong những lỗ nhỏ ấy có một lớp màng mỏng nối liền với thần kinh ở bộ óc rất nhạy với nhiệt độ phát ra từ các loài động vật có máu nóng. Dù rắn mù mắt hay chúng đang ở trong bóng tối nó cũng có thể phát hiện ra những con mồi ở cách xa khoảng nửa mét. Những cơ quan cảm giác nhạy cảm này đối với loài rắn là điều kiện quan trọng để sinh tồn. Ngoài tác dụng dùng để săn mồi và tránh kẻ thù, là phương tiện con đực tìm con cái giao phối. Rắn không thể điều chỉnh sinh lý như các loài động vật máu nóng như loài có vú và chim, dù nhiệt độ bên ngoài thay đổi rắn vẫn giữ nhiệt độ trong cơ thể. Những vùng khí hậu lạnh như Châu Âu loài rắn phải ngủ trong hang suốt mùa đông như con gấu, khí hậu miền nhiệt đới thích hợp cho các loài rắn sinh sống, ở Việt Nam có đầy đủ các loại: rắn lục đầu đen, rắn lục đầu đỏ, rắn lục, rắn cạp nia, rắn cạp nong, rắn đòn cân, rắn độc, rắn gió, rắn giun, rắn khô mộc, rắn lai, rắn lục, hoa cải, rắn lục núi, rắn lục sừng, rắn lửa, rắn mai gầm, rắn nước, rắn sọc đốm đỏ, rắn sọc khoanh, rắn vú nàng, rắn xe điếu rắn đẹn bụng vàng, rắn đẹn cơm, rắn đẹn đuôi gai, rắn đẹn khoanh, rắn đẹn mỏ, rắn đẹn mõm, rắn đẹn vết, rắn đẹn sọc dưa, rắn hổ lửa, rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, rắn hổ trâu …Ngoài ra người ta còn thấy rắn ở trong rừng rậm vùng cao nguyên trên đầu có mào, có sừng.

Rắn có đủ các màu sắc, sinh sống ở hầu hết các môi trường trong thiên nhiên. Từ trên núi cao đến sông sâu biển rộng, từ sa mạc nóng cháy đến rừng rậm, trên cây hay dưới đất, dù không có chân nhưng bò rất nhanh mà không gây ra tiếng động. Rắn có thể di chuyển nhiều tư thế bò ngang, thẳng, nửa dưới đất nửa thẳng đứng… Phần lớn rắn đẻ trứng và rời bỏ trứng của chúng sau khi đẻ; tuy nhiên một số loài giữ trứng trong cơ thể đến khi trứng nở. Gần đây khoa học xác định được một số loài rắn đẻ con là một điều khác thường trong giới bò sát. Mỗi năm rắn hổ mang chỉ giao hợp một lần với thời gian từ 20-34 giờ, từ tháng 4 hay tháng 5 và đẻ trứng tháng 6 và tháng 7 mỗi con đẻ 6-7 trứng, riêng rắn chúa đẻ 20-30 trứng, thời gian nở con từ 50-57 ngày, rắn mới nở có thể cắn chết người.

Các loài rắn lớn trong họ Boidae là trăn gồm có: trăn cộc, trăn đất, trăn gấm, trăn gió v.v. loài trăn săn các động vật máu nóng bằng cách cắn, ngậm con mồi và dùng thân mình quấn con mồi cho đến chết rồi nuốt vào từ từ. Răng trăn cong vào trong nhưng nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn. Trăn có hai phân họ lớn: Boinae và Erycinae. Các loài trăn lớn (mãng xà) thuộc họ Pythonidae. Ban ngày ngủ ban đêm đi kiếm ăn, thích nơi ấm áp để ngủ qua mùa đông. Các mùa khác trăn kiếm ăn và sinh sản. Trăn là loài ưa môi trường nước, do đó di chuyển dưới nước rất nhanh, chậm chạp trên cạn. Là loài bò sát khổng lồ, nên thức ăn là những con thú to lớn như heo rừng, nai, hươu, báo, bò, trâu rừng loại nhỏ chúng cũng quấn chết và nuốt chửng, loài trăn mắt lưới Đông Nam Á, được coi là họ trăn lớn nhất thế giới bò sát, chiều dài 15m, thân to (đường kính) tới 85cm và nặng 447kg. Hiện nay ở Việt Nam trên Thất sơn, rừng U Minh người ta còn phát hiện nhiều loài trăn lớn, thường bị thợ rừng săn bắt. Theo luật của tạo hóa có sinh có diệt, nên rắn cũng bị loại chồn cũng như những con rết lớn ăn thịt, rắn con mới sinh thì bị con chim bìm bịp ăn (phim tài liệu trên Tivi).

Truyền thuyết rắn báo oán

Một hôm cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để làm chỗ dạy học. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dọn nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ…Đêm đó lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ “tộc-họ” qua ba lớp giấy, ứng với việc gia tộc ông sẽ bị hại đến ba họ. Ngày sau con rắn mẹ hóa ra bà Nguyễn Thị Lộ để làm hại ba đời nhà ông. Đến đời Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí lại có thêm chi tiết: Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ.

Rắn với ngành Y khoa

Hippocrate (470-366 B.C.) là người sáng lập ra nền Y khoa hiện đại được xem là thầy thuốc vĩ đại nhất. Ông cũng soạn thảo “Lời thề Đạo đức Y khoa” hay gọi là “Lời thề Hippocrates”. Lời thề thiêng liêng này được các bác sĩ trang trọng đọc trước khi bắt đầu hành nghề Y. Hippocrates được xem là vị tổ của ngành Y học Tây phương. Ngoài ra còn có biểu tượng của ngành Y khi thì thấy hai con rắn hay một con rắn quấn quanh cây gậy, hay cái chén có con rắn. Theo thần thoại Hy lạp về Hermes và Asklepios có nhiều giải thích khác nhau về rắn, tôi sưu tầm và tóm lược những điểm chính.

a/ Chiếc gậy của Hermes: theo truyền thuyết Apollo trao đổi với Hermes, người anh em khác cha, một chiếc đũa bằng vàng. Hermes sử dụng nó để tách riêng hai con rắn, nhưng những con rắn cuộn lại theo chiều ngược…biểu tượng của thần Hermes tượng trưng bởi cây gậy có nhánh nguyệt quế hoặc cành ô liu. Sau đó, các nhánh được quấn quanh cây gậy để tạo ra hình hai con rắn quấn lại với nhau, nó có hai cánh, tượng trưng cho vận tốc của Hermes sứ giả của các vị thiên thần (những con rắn đại diện cho lửa và nước, đất và cảnh trời), đó là biểu tượng của hòa bình do các thiên sứ mang lại. Một giải thích khác nhấn mạnh đến sự cặp đôi của các con rắn và biểu tượng của khả năng sinh sản. Con rắn quấn quanh cây gậy, tượng trưng cho cây sự sống, có ý nghĩa là sự kiêu ngạo bị chinh phục và khuất phục, nọc độc của nó biến thành thuốc điều trị.

Theo một số tài liệu khác thì phù hiệu „cây gậy và con rắn“ được xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, là hình cây gậy có hai con rắn bện quanh, trên đầu gậy có một đôi cánh. Theo thuyết này thì kể rằng Hermes là con trai của thần Jupiter và nữ thần Maia, dùng cây gậy thần của mình để ném vào giữa hai con rắn đang cắn nhau “một mất một còn” sau đó chúng thôi cắn và cùng quấn quanh cây gậy thần đó.

b/ Thần thoại về Asklepios: ông ta nhìn thấy một con rắn tiến về phía mình, ông hướng cây gậy của mình về phía nó. Con rắn tự cuộn lại, Asklepios đập cây gậy xuống đất giết chết nó. Con rắn thứ hai đột nhiên xuất hiện ngậm loại dược thảo bỏ vào miệng con rắn đã chết và con rắn này được cứu sống, nhờ vậy ông phát hiện đặc tính của các loại thảo dược đó. Con rắn còn là một biểu tượng của cuộc sống và sinh lực bởi vì nó có đặc tính thay đổi da, có thể lấy lại thời thanh xuân. Con rắn bò sát đất, có nghĩa là nó biết tất cả những bí mật và các đặc tính y dược của các loại thảo mộc, hoặc những bí ẩn sự chết. Asklepios chỉ dấu cho bệnh nhân những liệu pháp sử dụng các loại thảo mộc để trị lành bịnh, giúp vô số người thoát những cơn bịnh hiểm nghèo. Để tỏ lòng biết ơn người đã cứu nhân độ thế thời đế chế La mã các đền thờ được lập nên để vinh danh Asklepios và từ đó cây gậy Asklepios được gắn liền với ngành y.

Việc tôn thờ Asklepios sau đó lan rộng ra khắp nước Hy lạp, đến Châu Á, và Ai Cập, đến cả thần dân trung thành với Alexandre Đại đế. Asklepios là người ngoại quốc đầu tiên được thừa nhận ở La mã. Di tích Asklepios được tìm thấy liên quan đến ngành Y trong cuốn giáo khoa Y khoa của thầy thuốc nổi tiếng người Ả rập Avicenna vào năm 1544, có in hình Asklepios ở trang bìa. Rồi từ đó phù hiệu của Asklepios được sử dụng là biểu tượng của ngành Y ở nhiều nơi, từ Châu Âu (Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Anh) sau đó phổ biến đến các quốc gia trên thế giới. Ở Ai cập cổ đại các mẫu rắn được dùng trong các kiểu viết chữ tượng hình. Trung quốc và cả Việt Nam xem rắn là một loại thuốc trị được nhiều chứng bệnh. Nhật cũng tìm thấy vết tích rắn vẽ trong các ngôi mộ cổ v..v.. Cây gậy là biểu tượng của bác sĩ khắp nơi trên thế giới cứu nhân độ thế. Nói chung sự liên quan giữa rắn với ngành Y là gần gũi hơn cả, tinh thần Asklepios trong thực hành Y khoa có thể đáp lại lòng mong mỏi của bệnh nhân, cây gậy tượng trưng cho cây sự sống, tính thận trọng trong ngành Y Dược là sự cống hiến cho nhân loại.

Cái chén của Hygeia

Hygiea nữ thần Sức khoẻ (God of Health) cầm cái chén với con rắn cuốn quanh tay, trong vị thế giống như rắn sắp sửa thả lưỡi vào chén. Chữ “hygiene” bắt nguồn từ chữ Hygeia, dần dần biểu tượng chỉ có cái chén và con rắn trở nên quen thuộc và được mang tên là “Chén Hygeia”. Nhiều người coi cái chén của Hygeia và con rắn như biểu tượng sự sống tiêu biểu là chén thuốc nước và con rắn tượng trưng khả năng làm lành bệnh. Chén Hygeia làm biểu tượng cho những nhà chế thuốc ở Italy từ năm 1222. Năm 1922 người Ý dùng nó trong dịp lễ mừng kỷ niệm 700 năm thành lập Đại học Padua, là trường đại học hàng đầu của Ý nổi bật lâu đời ở Châu Âu. Năm 1796 chén Hygeia chính thức sử dụng làm biểu tượng cho ngành Dược. Tại Đức từ năm 1951 Fritz Ruppercht Mathieu phát hoạ phù hiệu cho nhà thuốc Tây chữ A nghiã là „Apotheke là nhà thuốc“ màu đỏ có hình cái chén và con rắn.

Rắn trong ng ành Y học Tây phương

Nọc rắn khác biệt rõ rệt từ loài này sang loài kia, nhưng chúng đều có một điểm chung là mỗi loại đều là những hợp chất phức tạp, được tạo thành từ hàng nghìn protein và enzyme khác nhau. Phần lớn các loài rắn độc được chia làm 3 họ: Colubridae, Elapidae hoặc Viperidae, nọc độc phóng ra từ tuyến nước bọt chia làm 3 nhóm chính: cytotoxins, neurotoxins và hemotoxins. Rắn cắn chết người mỗi năm, nhưng nọc độc chết người của nó tiềm tàng khả năng cứu chữa cho các bệnh của con người (dược liệu trị huyết áp phổ biến, dùng để chữa các khối máu nghẽn, nghiên cứu đến những chứng bệnh như động kinh có nhiều hoạt động điện não, chữa trị các cơn đau hoặc giúp người bị nghiện cai thuốc, bệnh Alzheimer, chữa thấp khớp, đau nhức, làm giảm đau cho bệnh ung thư…) nọc độc của loài rắn chứa một loại protein làm giảm đau mạnh tương đương như morphine. Rắn Mamba đen là một trong những loài rắn nguy hiểm nhất trên thế giới, sống ở Phi châu thuộc phiá Nam sa mạc Sahara dài 2,5 m đến 4,5 m, bò nhanh 24 km/h. Mỗi lần cắn phun ra 400 mg nọc độc. Chỉ cần 15-20 mg đủ làm con người chết trong một thời gian rất ngắn.

Các nhà nghiên cứu Pháp trình bày trên tạp chí Anh, “Natur/Thiên nhiên“ thí nghiệm thành công nọc độc rắn Mamba đen (Schwazen Manba/ Dendroaspis polylepis polylepis) làm giảm đau như Morphine không bị phản ứng, “Khi tiến hành thí nghiệm trên loài chuột, nọc độc cho thấy khả năng giảm đau mạnh tương đương với morphine nhưng lại không gây ra nhiều tác dụng phụ”. Cách lấy nọc rắn dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ vào mang tai rắn kích thích tuyến nọc độc nằm dưới da của mỗi bên mang tai, nọc rắn theo rãnh của răng chảy ra dụng cụ lấy nọc, nọc là chất lỏng không màu trong suốt, qua tiến trình làm khô giữ được tác dụng như nọc rắn tươi là nguồn cung cấp thuốc quan trọng để bào chế thuốc… lấy nọc rắn vào mùa hè, mỗi tháng một lần một con lấy được trung bình 0,25 ml, nhưng còn tùy thuộc vào những loại rắn lớn thì nhiều hơn.

Rắn trong ngành Đông Y

Việt Nam có các trại nuôi rắn được phát triển, nổi tiếng như trại rắn Vĩnh Sơn (Phú Thọ), trại rắn Đồng tâm (Tiền Giang). Một số loài rắn thường dùng làm thuốc: Rắn hổ mang là chúa tể của loài rắn. Rắn hổ mang còn có tên gọi là hổ lửa, hổ phì, tên khoa học là Naja Naja, thuộc họ rắn hổ (Elapidae). Rắn cạp nong (rắn mai gầm) (Bungarus fasciatus Schneider) Rắn cạp nia (rắn mai gầm bạc) (Bungarus candidus L. Rắn ráo (Ptyas mucosus), họ Rắn nước (Colubridae). Các loài rắn biển (đẻn đai xanh, đẻn đốm, đẻn khoang,…) thuộc chi Hydrophis, họ Rắn biển (Hydrophiae).

Thịt rắn (bỏ nội tạng): chứa protein, acid amin. Thường dùng dưới dạng rượu thuốc gồm 1 bộ 3 con gọi là tam xà (1 hổ mang, 1 cạp nong, 1 rắn ráo), hoặc bộ 5 con gọi là ngũ xà (1 hổ mang, 1 cạp nong, 1 cạp nia, 2 rắn ráo). hay làm thành thuốc viên chữa đau nhức khớp xương, tê bại, nhọt độc.

Nọc rắn: rất độc do có các enzym và protein độc. Thường dùng dưới dạng thuốc tiêm, thuốc mỡ chữa tê thấp, giảm đau cho bệnh nhân ung thư, hạn chế phát triển khối u.

Mật rắn: chứa các loại acid mật, chữa thấp khớp, đau lưng, sốt kinh giảm ở trẻ em, ho, hen suyễn, sát khuẩn vết thương. Dùng dưới dạng rượu thuốc hay sirô.

Xác rắn: chữa động kinh, co giật ở trẻ em, đau cổ họng, ghẻ lở. Dùng 6-12g một ngày, dạng thuốc sắc hay sao vàng tán bột uống, ngâm cồn bôi ngoài.

Rượu rắn có công dụng trị các chứng tê liệt, đau nhức, phong thấp, bồi bổ sức khoẻ, ăn uống chậm tiêu. Rượu rắn Phụng Hiệp là thổ sản địa phương, Họ làm theo ba cách như ngâm rắn tươi, rắn khô và bột rắn, phải là rắn sống mổ bụng từ ức tới hậu môn, bỏ hết chỉ giữ lại mỡ và mật vì đây là hai vị thuốc.. Nhiều nơi không ngâm rượu nguyên con rắn thì nấu cao rắn… theo „tập đòan Tuệ Linh“ quảng cáo.

Tại Việt Nam người ta đồn và quảng cáo: sừng tê giác, ngà voi, tay và mật gấu, rượu rắn, hổ cốt …đều là “thần dược“ chữa được bá bệnh, cường dương bổ thận “ông uống bà khen“. Phải cẩn thận đừng vội tin, quảng cáo làm tiền không trách nhiệm. “khỏe đâu không thấy, chỉ thấy rước họa mà thôi” tốn kém tiền bạc. Bởi vì các nhà khoa học Tây phương chưa chứng minh được kết qủa các loại „thần dược„ của người Việt Nam. Theo Tây y bệnh nhân chữa trị theo phương pháp khoa học, Bác sĩ định bệnh cho uống thuốc chữa hết bệnh, còn theo ngành Đông y dùng thuốc Bắc chỉ có tác dụng điều trị hỗ trợ. Có trường hợp từng xảy ra, người ở Đức về Việt Nam mua rượu rắn uống phải giã từ cuộc chơi. Bác sĩ khám nghiệm tử thi cho biết là ngộ độc. Người Tây phương họ không ăn uống như ở Việt Nam, nhưng người nào cũng khoẻ mạnh tuổi thọ thường trên 80. Nếu bị đau nhức cơ thể, tứ chi nên tập thể dục, đi Fitness sẽ khỏe, không có rượu nào chữa trị hết bệnh.

Sau năm 1975 thì đời sống tại quê nhà có thể ảnh hưởng Tàu nên về vấn đề ăn uống „hỗn tạp“ hơn, phần lớn quan trọng ăn uống chỉ để cường dương bổ thận… Sài Gòn có nhiều quán nhậu, đặc sản thịt rắn, uống máu, nuốt mật sống của rắn. Các loài rắn bị săn bắt để ăn thịt hay ngâm rượu, có nhiều loại sắp bị tuyệt chủng, không còn rắn để bắt chuột, gây thêm nạn chuột sinh sản nhiều phá hoại ngũ cốc …Ấn Độ từ năm 1972 có luật cấm bắt rắn, dù những người bắt rắn huấn luyện múa theo điệu sáo để mua vui, nếu người nào vi phạm bị phạt tù.

Năm 2013 là năm Quý Tỵ ngày 10.2.2013 cầm tinh con rắn hy vọng đời sống của rắn phải được bảo vệ vì loài rắn phục vụ cho khoa học, điều chế thuốc từ nọc rắn để chữa bệnh, giúp con người có thể kéo dài tuổi thọ.

( ST )



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn Hoá - Khoa Học & Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI