Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Nụ Cười Thần Thánh

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Biên Khảo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: CN 6 24, 2012 11:00 am    Tiêu đề: Nụ Cười Thần Thánh Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này




NỤ CƯỜI THẦN THÁNH

Ngành du lịch VN đã có thời chọn nụ cười làm biểu tượng của “Việt Nam- Điểm đến của thiên niên kỷ mới”. Nhưng nụ cười đã đá hậu ngành du lịch.Cô người mẫu “Nụ cười Việt Nam” sau này đã quay sang kiện Tổng cục Du lịch vì đã sử dụng hình ảnh của cô tùy tiện và vi phạm quyền nhân thân.

Kampuchia mới đây cũng chọn nụ cười làm biểu tượng cho ngành du lịch. Họ không chọn nụ cười của những thiếu nữ xinh đẹp làm mục tiêu thu hút, mà chọn nụ cười của … thần thánh (cho chắc ăn, khỏi lo “vi phạm quyền nhân thân”), mà du lịch Kampuchia gọi đó là “Nụ cười Angkor” (Smile of Angkor).

Angkor là 1 quần thể kiến trúc gồm 2 khu đền chính: Angkot Wat (Đế Thiên) và Angkor Thom (Đế Thích). Chưa cần nói đến sự hùng vĩ của kiến trúc đền đài, chỉ với nghệ thuật điêu khắc trên đá cả hàng ngàn tượng vũ công apsara và các vị thần, cũng là điều khó tưởng tượng nổi. Từng khuôn mặt, từng dáng điệu của cả ngàn bức tượng đó không hề trùng lắp nhau. “ Nụ cười Angkor” là một trong những khuôn mặt đó.

Chỉ riêng trong đền Bayon, thuộc khu Angkor Thom, có đến 54 ngọn tháp với 216 khuôn mặt vị thần được điêu khắc ở bốn mặt mỗi tháp, nhưng chỉ duy nhất có một khuôn mặt đang cười, một nụ cười thanh thoát, độ lượng. Ý nghĩa của nụ cười đó đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Có người cho rằng nó mang dấu ấn thiền định của Phật giáo. Vị thần nào đã mang nụ cười siêu thoát đó cũng là điều bí ẩn. Những nhà nghiên cứu Khmer tin rằng đó là hình ảnh của vua Jayavanman VII, người đã cho xây đền Bayon.

Angkor đã từng là kinh đô của Khmer cách đây cả ngàn năm, ghi dấu những năm tháng vàng son, hùng mạnh, trình độ văn minh vượt trội, mà người ta gọi đó là “thời đại Angkor”. Cũng không ngạc nhiên khi UNESCO xếp di tích Angkor vào trong danh sách những kỳ quan thế giới.

Không chỉ xem nụ cười Angkor là biểu tượng du lịch, Kampuchia, giữa năm 2011 đã đi xa hơn nữa khi cho trình diễn trên sân khấu 3D, với kỹ thuật hình ảnh và âm thanh hiện đại, các show diễn mang đậm tính sử thi, tái tạo lại thời kỳ vàng son của thời đại Angkor

Show diễn kéo dài 75 phút, gồm 6 chương. Mở đầu là chương “ Đối thoại với thần linh”, một thiếu niên Khmer hỏi vị thần về ý nghĩa nụ cười, và chương kết thúc cũng lại là: “Nụ cười Angkor”. Ấn tượng!

Du lịch Thái Lan cũng có show diễn giới thiệu về lịch sử và văn hóa như thế tại nhà hát Alangkarm (Pattaya), với tên gọi đầy tính… marketing: “ Thai Extravaganza Show”, nhưng công phu, kỹ thuật hơn, voi đi ngựa hí, súng thần công chen lẫn gươm dáo,… Chương trình xen lẫn cả những pha tấu hài, thành ra… tạp kỹ. Các tour du lịch Việt Nam đến Thái thường bỏ qua chương trình này.

Hoành tráng hơn nhiều phải nói đến show “ Tống Thành” ở Hàng Châu (Trung Quốc) với banner quảng cáo “Cho tôi một ngày, sống lại ngàn năm”. Nhà hát xây dựng trong một khu du lịch, với nhà cửa phố xá tái tạo lại sinh hoạt thời nhà Tống. Thời lượng lịch sử trong show diễn chỉ độ mươi phút, gói gọn trong câu chuyện bi tráng của Nhạc Phi (mà công tội của Tần Cối hiện nay vẫn còn là điều tranh cãi). Còn hầu hết là những chuyện huyền thoại, Thanh Xà Bạch Xà, Lương Sơn Bá/ Chúc Anh Đài, hay cả một buổi thiết triều với cả trăm cung tần mỹ nữ xinh đẹp, vũ điệu tha thướt, tưởng như thời thái bình thịnh trị, khi quân Kim đang áp lực phía Bắc. Nghệ thuật và kỹ thuật của show diễn có thể nói là hoàn hảo nhưng đầy tính…phô diễn.

Ở mức độ hoành tráng, kỹ thuật và nghệ thuật trình diễn thì “Nụ cười Angkor” thua xa “Thai Extravaganza Show” và càng không thể so với “Tống Thành”, chẳng hạn chuyển đoạn các chương hồi còn gượng ép, diễn viên múa chưa chuyên nghiệp, có khi còn cười giỡn trên sân khấu, còn phải vay mượn những pha múa dẻo (xiếc) với diễn viên của Trung Quốc,.. nhưng rõ ràng show diễn “Nụ cười Angkor” mang đậm tính sử thi hơn nhiều, mà nơi đó, một sự ngưỡng mộ và luyến tiếc đã chạm được tới tâm hồn người xem.

Show “ Nụ cười Angkor” còn quá mới, và theo thời gian họ sẽ phải hoàn thiện kịch bản và nghệ thuật diễn nhiều hơn. Show “Tống Thành của Trung Quốc đã ra đời cả chục năm cũng thế. Tôi đã xem show này 2 lần, cách nhau 3 năm, họ vừa cho trình diễn, vừa thay đổi và nâng cấp theo thời gian

Angkor đã trở thành hoang phế trong rừng sâu cả vài trăm năm khi quân Xiêm xâm lấn Khmer đầu thế kỷ 15. Nhiều người cho rằng chính người Châu Âu đã khám phá ra phế tích này khi di cảo của nhà tự nhiên học Henri Mohout (Pháp) được ấn hành tại Paris và London năm 1863. Nhưng Claude Jacques, một giáo sư người Pháp, dạy và nghiên cứu lịch sử Khmer, trong tác phẩm “Ancient Angkor” đã bác bỏ điều này, cái mà ông gọi là quan điểm cái gì cũng lấy Châu Âu làm tâm điểm (Eurocentric). Ông khẳng định, người Khmer không bao giờ quên sự hiện hữu của Angkor, cho dù hồi đó nhiều đền đài có thể bị bỏ hoang, nhưng Angkor Wat lúc nào cũng có người và là nơi thiêng liêng thờ phượng.

Angkor là kỳ quan của thế giới, một thời vàng son, một thời hoang phế. Bây giờ đang sống lại với “Nụ cười Angkor”, là niềm tự hào của Khmer, thế nhưng thông điệp quảng cáo trên mạng bằng tiếng Anh lại khiêm tốn, nhẹ nhàng (tạm dịch): “ 90% vũ công trong “Nụ cười Angkor” là người Kampuchia, trong số đó, có em là trẻ mồ côi, có em là con cháu của nạn nhân bị bẫy mìn. “Nụ cười Angkor” đã tạo việc làm cho các em, đã huấn luyện các em thành vũ công, và rồi các em sẽ trở thành di sản của văn hóa Kampuchia. “Nụ cười Angkor”cũng cộng tác với hai trường mồ côi để tài trợ cho các em học sinh. Hãy đến với “Nụ cười Angkor”, bạn không chỉ thưởng thức nên văn hóa đích thực của Kampuchia mà còn giúp đỡ người dân Kampuchia nữa”. Quảng cáo thế này, ai mà ngó lơ cho nổi !

Thống kê cho biết, 7 tháng đầu năm 2011, số du khách quốc tế đến Kampuchia là 1,6 triệu (so với Việt Nam cùng kỳ là 3.425.820).

“ Nụ cười Angkor” đã có khởi điểm, đã bước chân vào cuộc đua, và có cái để nâng cấp. Vài ba năm nữa, chắc chắn nó sẽ hoàn thiện và sẽ là show diễn đậm tính sử thi nhất.

Xin nhái lời của Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng để nói về “Nụ cười Angkor” : Đây là bước chân nhỏ bé của một đất nước đang phát triển, nhưng là bước tiến vĩ đại của một dân tộc vừa thoát khỏi nạn diệt chủng.

Trông người ngẫm ta! Chỉ riêng bộ phim Lý Công Uẩn “Đường tới thành Thăng Long” cũng để lại quá nhiều vấn đề



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Biên Khảo Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI