Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

THƠ -VĂN - NGUYỄN ĐÌNH XÊ
Chuyển đến trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10  Trang kế
 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Vườn Thơ Sưu Tầm
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Ba 3 06, 2012 6:20 am    Tiêu đề: THƠ -VĂN - NGUYỄN ĐÌNH XÊ Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Ranh giới

Nguyễn Đình Xê


Không có ranh giới trong ánh nhìn của anh
Hương tóc em nói thế
Không nỗi buồn nào trong niềm say đắm của anh
Màu mắt em nói thế

Nỗi thao thức yêu vì hoài hoài cứ trẻ
Giấc mơ anh nói thế

Bầu trời cũng nói thế
Các vì sao cũng lấp lánh gật đầu

Chỉ còn em thôi
Lẽ nào em không thấy
Chỉ chờ em thôi lời của anh trong gió
Tình yêu không già
Tình yêu luôn ở tuổi hai mươi

Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Sáu 3 09, 2012 3:49 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Mận đỏ

Nguyễn Đình Xê

Quả mận đỏ rơi trên thềm gạch
Anh chờ em từ bốn giờ chiều
Mận ngọt hay chua anh nào biết
Chờ em, ngày xao xuyến hắt hiu...

Chờ em mùa thu vơi trong lá
Mây trắng trời xanh cô độc nửa vời
Con dế nhỏ bận đi tìm vạt cỏ
Giấu bặt tiếng than lưng cánh mỏi rồi.

Chờ em chủ nhật vơi hết ngày
Tuần ngơ ngác đón anh phía trước
Quả mận cô đơn chẳng ai buồn nhặt
Ngọt và chua cứ thế giấu trong mình.

Có thể tuần sau anh lại đến
Thềm gạch còn rơi quả mận hôm nào
Có thể mùa thu lại vơi trong lá
Vạt trời còn nguyên màu nắng hanh hao.

Anh lại chờ em từ bốn giờ chiều
Anh lại chờ em như thuở ban đầu...


Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 3 10, 2012 3:45 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Thôi đừng thèm tương tư


Nguyễn Đình Xê


Áo em xưa màu nắng
Em mang trời đi rao
Hỏi hoài em chả bán
Anh về nổi cơn đau

Anh về nổi cơn đau
Yêu cả trời ngờ vực
Nắng ngoài hiên đánh thức
Mùa đi qua tình cờ

Áo em có màu nắng
Tình anh thoáng ngẩn ngơ
Chắc chi em ân hận
Thôi đừng thèm tương tư

Nhủ lòng thôi tương tư
Cớ sao tình cứ gọi
Em thay màu áo mới
Sao ta hoài cơn đau…


Nguyễn Đình Xê



Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: CN 3 11, 2012 7:38 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hollywood ở Sài Gòn


Nguyễn Đình Xê


Có thể dựng lại một trụ đèn
Nhưng không thể tìm lại ánh sáng nguyên sơ
Có thể vẽ lại một góc phố
Nhưng không thể tìm lại bóng hình em lần đầu anh gặp

Có thể xây lại một cao ốc
Nhưng để làm điều này phải che cả một mảng trời xanh
Có thể lát lại mớ gạch nâu vỉa phố
Nhưng tìm đâu ra dấu chân người đứng đợi…

Bắt chước Hollywood anh dựng lại chốn cũ
Chẳng gặp em thao thức đợi chờ
Chỉ thấy gió qua mùa xưa vàng úa
Giọng cười trong buồn bã níu chân người

Và sương xuống chỉ mình anh với phố
Mắt buồn em Hollywood lấy đi rồi.


Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 3 12, 2012 8:54 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Bông công chúa trước nhà em


Nguyễn Đình Xê


Qua nhà em tôi cứ phải giật mình
Xác pháo rụng hồng khoảng thềm yên lặng
Nỗi tiếc nhớ rụng hồn tôi trầm lắng
Pháo nhà em ai đốt bao giờ?

Tôi nhầm rồi, xác những cánh hoa
Bông công chúa ơi sao hồng đến vậy
Chẳng xác pháo như trong mơ tôi thấy
Em còn đây nào đâu đã đi xa.

Em còn đây má thắm môi hường
Tóc thắt bím hương trinh nguyên bồ kết
Nụ cười ấy dành riêng tôi có phải
Còn nguyên đây xao động buổi xuân thì.

Em còn đây chưa thể thuộc về ai
Và sẽ đợi trăng rằm tôi rọi cửa
Hương tóc ấy theo tôi vào giấc ngủ
Đừng đi đâu đừng của riêng người.

Nhưng bông công chúa trước nhà em ơi
Đến bao giờ hoa sẽ hết đùa tôi?
Bao giờ nhỉ nỗi đau tôi đến thật
Chẳng còn hoa, chính là pháo thật rồi.

Bao mộng tưởng theo mùa đi mất
Đến một ngày hoa chẳng thiết đùa tôi
Sẽ tới lúc xác pháo kia nhức buốt
Em theo người bỏ mặc giấc mơ trôi.

Đến bao giờ hoa sẽ hết đùa tôi
Đến một ngày hoa không thể chờ tôi…


NGUYỄN ĐÌNH XÊ


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Năm 3 15, 2012 8:19 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Lời thì thầm của tuổi thơ

Tạp bút: NGUYỄN ĐÌNH XÊ


Lẫn trong chồng đĩa đủ sắc màu những tiền chiến, nhạc trẻ, nhạc ngoại, lạc lõng đĩa nhạc vọng cổ ấy.

Bên cạnh mớ đĩa có mẫu mã hiện đại là hình ảnh lòe loẹt của chiếc đĩa cổ. Gương mặt các ca sĩ được tô vẽ như khi họ đang ở trên sân khấu. Các con anh hẳn ngạc nhiên. Anh nghĩ thế vì nhiều lần phải mất hằng giờ lục lọi, anh mới lôi ra được đĩa nhạc này khuất lấp trong mớ đĩa bề thế của chúng.

Anh thường chọn những giờ vắng lũ trẻ để bỏ chiếc đĩa này vào máy hát đặt ở phòng khách của gia đình. Có chút gì hào hứng thầm lặng trong dáng vẻ của anh mỗi lần như thế. Lùi lại để ngồi vào chiếc ghế xa lông, mắt anh mơ màng xa xăm nhìn qua khung cửa sổ. Từ máy hát vang lên tiếng đàn mộc dạo đầu...

"Em ở nơi nào em ở đâu?
Lời ca tắt nghẹn giữa cung sầu
Quê nghèo áo nhuộm màu sương gió
Một kiếp phong trần lắm bể dâu...".

Bài hát diễn tả xúc cảm của một hành khách trên đường về lục tỉnh bắt gặp hình ảnh cảm thương của một bé gái dắt người cha mù hát dạo kiếm sống bên chân cầu. Làn hơi Minh Cảnh thời trai trẻ ngọt sắc làm sao! Có vẻ như danh tài vọng cổ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước ca bằng con tim rung cảm hết mực. Người nghe bị giọng bi thiết của ông lôi cuốn hòa vào nỗi khốn khó của một cảnh đời, để cùng thổn thức trước một số phận đắng cay: "Mỗi khi có dịp xuống Hậu Giang và đi ngang cầu Bến Lức, tôi lại nhớ những lời ca não nuột của em bé thơ ngây hát dạo ở ven đường...". Anh đã tua đi tua lại bản nhạc này cả trăm lần và lần nào cảm xúc trong anh cũng tươi mới như lần đầu. Một niềm hứng khởi dâng trào trong anh, vừa mộng mị tha thiết, vừa xót xa rung cảm.

Không biết bao lần lũ con anh ngạc nhiên khi bắt gặp ba mình say sưa mê đắm lời ca cổ xa lạ, lạc lõng ấy. Chúng biết anh không phải là người mê vọng cổ và đây chẳng phải là dòng nhạc mà ba của chúng vốn ưa thích. Anh không hề buồn khi thấy các con mình không vui mỗi khi tình cờ nghe bản nhạc này vang lên trong phòng khách. Thưởng thức âm nhạc là chuyện của xúc cảm, của sở thích. Xúc cảm ấy lắm khi gắn liền với hoài niệm. Anh có khoảng trời ký ức của riêng mình, thì cớ sao lại buộc lũ trẻ phải cùng mình đắm chìm vào khoảng trời mà chúng chưa hề quen biết. Chỉ biết rằng ùa về trong anh lúc này, qua tiếng đàn giọng ca ấy, là một trời tuổi thơ gian khó mà ngọt ngào.

Hơn 40 năm trước, có một cậu bé mê vọng cổ ngày ngày thả hồn theo từng làn điệu của những Út Trà Ôn, Tấn Tài, Lệ Thủy phát ra từ chiếc radio nhà hàng xóm. Những chiều được cha nhờ đạp xe xuống chợ huyện mua chỉ, mua nút cho tiệm may của ông, là lúc hạnh phúc nhất đối với cậu. Từ chợ huyện bước ra với mớ nút, chỉ trên tay, cậu không vội về nhà mà tức tốc phóng xe đến góc chợ, nơi có chiếc xe thuốc sơn đông mãi võ quen thuộc. Ở đó, xen kẽ giữa những lời rao của người chủ xe thuốc là các bản vọng cổ phát ra từ chiếc máy hát đĩa nhựa có gắn thêm chiếc loa lớn trên trần xe. Nhiều lần, giữa lúc cao trào của một giọng ca mùi mẫn, ông chủ xe thuốc lại cúp máy để đột ngột chuyển sang một bài quảng cáo cao đơn hoàn tán... Cho đến bây giờ, anh - cậu bé ngày xưa ấy vẫn như còn nghe rõ mồn một tiếng khèn khẹt phát ra từ một đoạn đĩa mòn hoặc âm thanh chan chát lúc chiếc đĩa đã quay đủ vòng rồi mà người chủ xe vẫn chưa kịp thay đĩa mới.

Giữa những lời rao huyên náo của người chủ xe sơn đông mãi võ là những giọng ca mùi mẫn cứ níu chân người. Tay vịn ghi đông xe đạp, mắt dán vào khoảng trời xanh xa xăm, cậu bé thả hồn theo từng lời ca, đắm đuối đuổi theo chuyện tình đẫm nước mắt của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, chí anh hùng hảo hớn của Võ Đông Sơ nhắn gửi người tình Bạch Thu Hà, rồi thổn thức cùng nỗi niềm trái ngang của anh bán chiếu trên sông Phụng Hiệp. Và hình ảnh buồn thương của cha con người mù hát dạo bên cầu Bến Lức kia cứ theo cậu bé vào tận giấc ngủ hằng đêm...

Cậu bé của hơn 40 năm trước ấy giờ đây thỉnh thoảng vẫn thấy lòng sầu vương theo ý nhạc năm nào. Ngồi trong phòng khách xa hoa bây giờ, mở lại chiếc đĩa cổ, cậu nghe lời ca cũ hay là nghe lại tiếng thì thầm của tuổi thơ đầm ấm bên cha mẹ?

Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 3 17, 2012 9:53 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Ổ khóa tình nhân

Nguyễn Đình Xê


Giữa xô bồ náo nhiệt của xã hội công nghiệp, người dân Seoul vẫn tìm thấy một nơi trên cao làm chỗ trú ẩn của tâm hồn

Namsan là ngọn tháp cao 479 mét nằm trong một khu rừng nguyên sinh ở phía Bắc thành phố Seoul được xây nên như một trong những điểm du lịch thơ mộng và lãng mạn của Hàn Quốc. Chỉ chưa đầy 30 giây và một cái bấm nút của người trực thang máy, tôi và mấy chục du khách già trẻ, gái trai đã có mặt trong tầng ngoạn cảnh cao 365 mét so với mực nước biển. Một Seoul bát ngát, lộng lẫy hiện ra giữa màn đêm qua lớp cửa kính. Thành phố nào về đêm mà chẳng rực rỡ, tráng lệ! Tôi vẫn thường bắt gặp đâu đó vẻ lung linh huyền diệu của nhiều thành phố khi nhìn qua ô cửa máy bay trong những chuyến bay đêm. Trong xiêm y tiệc hội, cô gái nào mà chẳng đẹp! Nhưng kìa, đôi trai gái trước mặt tôi quấn quýt bên nhau đang ríu rít điều gì khi cả hai cùng nhìn qua chiếc viễn vọng kính? Tò mò, tôi cũng thử ghé mắt vào. Qua màn sương, mặt nước sông Hàn lăn tăn gợn sóng, lấp lánh trong ánh đèn tỏa ra từ hai dãy trụ đèn dài miên man tưởng chừng đến tận chân trời.

Điểm khác biệt lý thú để nhận ra Seoul về đêm phải chăng là đây? Chính dòng sông với bề rộng đủ để hình thành một tính cách vừa thơ mộng vừa khoáng đạt và chiều dài như vô tận trôi giữa hai bờ nguy nga trùng trùng cao ốc, chập chùng núi đồi tạo nên phần hồn sinh động cho thành phố này. Trước đó, vào buổi sáng, vẻ hùng vĩ lẫn dịu dàng của dòng sông đã lôi cuốn tất thảy chúng tôi khi xe chạy qua đoạn đường dọc mạn Nam con sông mà tên gọi của nó chất chứa một niềm kiêu hãnh: Chỉ một thôi và lớn nhất. Như sông Hương ở thành phố Huế, những người đặt tên cho sông Hàn ở Seoul hẳn đã nhìn thấy giá trị lớn của một tặng vật mà thiên nhiên riêng dành cho đất nước này và đã gửi gắm vào nó thật nhiều khát vọng: Hãy là mình, duy nhất mình thôi với trọn vẹn nét hùng vĩ, chất dịu dàng để làm đẹp thêm đời sống con người.

Chàng trai trong cặp tình nhân đứng cạnh tôi có lẽ nhận ra khách lạ từ xa đến, giọng ân cần khi tôi gợi chuyện: “Sông Ngân Hà của chúng tôi đấy!”. Thú vị đấy nhưng sao lại ví với dòng sông ngăn cách lứa đôi? Tôi nói với đôi bạn trẻ Seoul về chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ, những tưởng sẽ đưa ra được một cảnh báo nào đó nhưng thật bất ngờ, cũng cái giọng sôi nổi của chàng trai: “Thì chính vì vậy con sông mới có giá trị của một chứng nhân. Nó thúc giục các lứa đôi biết yêu và nhắc nhở họ biết cách gìn giữ tình yêu!”. Hóa ra, đó cũng là một cách cảm thụ mới về cổ tích và huyền thoại từ chính những tâm hồn trẻ đang yêu mà tôi nghĩ chỉ khi đứng trên độ cao lung linh gần với mây trời, con người mới cảm nhận dễ dàng.

Ai đó hẳn có lý khi nói rằng càng lên cao, con người càng thấy mình nhỏ bé lại. Nhưng trước vẻ bát ngát uy nghi của đất trời, con người trong lúc cảm nhận bóng dáng nhỏ nhắn của mình cũng đồng thời hiểu thêm các nguyên lý để thêm yêu cuộc sống, thêm trải lòng độ lượng với tha nhân. Thật giá trị vô cùng khi có một Namsan như thế ngay giữa những tầng khối đồ sộ xô bồ và hiện đại của một thành phố hơn 11 triệu dân. Sebastian Kang- người bạn Seoul làm việc cho công ty du lịch tư nhân- nói rằng tháng nào anh cũng dành một buổi leo lên ngọn tháp này để “tìm lại sự thanh thản, cân bằng và nạp thêm năng lượng”. Nạp thêm năng lượng, nghe có vẻ lạ tai! “Vâng, đúng vậy! - Kang đáp với tất cả hồn nhiên- Làm cho tâm hồn tươi mới cũng là cách bồi bổ sinh lực!”. Thảo nào mà trong những dòng chữ giới thiệu về thắng cảnh này, người ta không ngại chỉ ra rằng đây chính là nơi trú ẩn ngay giữa lòng đô thị của cư dân Seoul. Tôi nhìn dòng người hăm hở trải bộ trên đoạn đường dẫn lên tháp, ồn ã nói cười dưới bóng mát của những tán rừng nguyên sinh. Chắc chắn không ít chàng trai cô gái đang hổn hển leo dốc kia thấy lòng vui hẳn lên vì sắp đến nơi trú ẩn của tâm hồn.

Cứ tưởng rời khu ngoạn cảnh bước vào thang máy là xong chuyến hành trình, là trở lại với chân tháp dưới kia, nào ngờ... Trước mắt tôi bây giờ là một hàng rào gắn cơ man nào là ổ khóa. Các ổ khóa đủ kiểu, đủ kích cỡ, lớn như trái dừa cũng có mà nhỏ như móng tay út cũng có, trùng trùng điệp điệp móc nối vào nhau tạo thành một hàng rào ngộ nghĩnh đủ sắc màu vây lấy phần chân tháp. Rỡ ràng trên mỗi chiếc ổ khóa là tên tuổi, cả chữ ký của các lứa đôi. Cô bạn Ashley Lim đi cùng giải thích rằng các ổ khóa này do các cặp tình nhân mang đến và tự tay họ móc vào hàng rào với lời nguyện tình yêu của họ sẽ mãi bền chặt, không điều gì có thể khiến họ chia lìa. “Chớ có ném chìa khóa của bạn đấy nhé!”, những tấm biển nhỏ mang dòng chữ này xuất hiện xen kẽ, tuồng chữ không có gì cho thấy nghịch ngợm hay bông đùa. Mà làm sao có thể đùa cợt với tình yêu! Những đôi trai gái dập dìu, thủ thỉ vào tai nhau bên tường rào trong sương lạnh Seoul nói với tôi điều ấy. Có chiếc ổ khóa nào mang tên Ashley Lim? Cô nhân viên của Công ty LG lảng tránh câu trả lời bằng cách nhìn lên mảnh trăng mỏng thượng tuần treo trên những tán tùng. Tôi hình dung hàng triệu chiếc ổ khóa đủ kiểu, đủ màu hàng hàng lớp lớp chồng lên nhau từ năm này sang năm khác để nghiệm ra rằng mỗi xứ sở tình nhân có cách riêng để giữ gìn và làm thi vị câu chuyện lứa đôi. “Sa mạc cấu thành nơi nào tình yêu tan biến”, viết những dòng bất hủ này cách đây hơn nửa thế kỷ, Cho Chi-hun, một nhà thơ lớn của Triều Tiên, hẳn đã trải nghiệm tận cùng những mất mát tang thương của một cuộc tình đổ vỡ. Chẳng biết nhà thơ có từng lang thang dưới những tàng cổ thụ ở Namsan và hậu thế của ông, khi nghĩ đến khu vườn tình nhân chất đầy ổ khóa này hẳn là đã thấm thía sâu xa tiếng kêu bi tráng của người tình vĩ đại năm xưa?

Tôi chúc Ashley Lim – cô nhân viên của Công ty LG, đơn vị tổ chức chuyến đi này- sớm tìm được chiếc ổ khóa cho riêng mình và nửa đùa nửa thật rằng dù sau này ở cách xa thành phố của cô hàng ngàn cây số, tôi vẫn hình dung được gương mặt cô rạng ngời hạnh phúc trong lúc cùng ai đó tự tay móc chiếc ổ khóa vào bức tường rào thánh thiện. Vẻ cảm động hiện rõ trên gương mặt cô gái: “Thật vậy sao? Nhưng làm thế nào mà anh nhìn thấy được?”.

Biết trả lời cô gái Seoul thế nào đây? Chẳng lẽ tôi phải kể hết những gì mình cảm nhận về một không gian trữ tình mà sôi động, luôn dành nhiều ưu ái cho đời sống tinh thần giữa một xã hội ngày càng ồn ào? Có nhiều điều để kể nhưng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ cô hiểu được cảm xúc của tôi tối ấy trên cao đỉnh Namsan. Qua lớp hàng rào trùng trùng ổ khóa tình nhân, tôi mơ hồ nhìn thấy chiếc chìa khóa mông lung ai đó lỡ tay đánh rớt dưới sông Hàn...

Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lmm
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 8 2008
Số bài: 5900

Bài gửiGửi: Bảy 3 17, 2012 10:18 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này


Hmm... bây giờ M muốn biết ai là Nguyễn Đình Xê, bài viết khá hay và làm mình thêm nhiều suy nghĩ!!! Anh là ai rứa?

Em còn đây chưa thể thuộc về ai
Và sẽ đợi trăng rằm tôi rọi cửa
Hương tóc ấy theo tôi vào giấc ngủ
Đừng đi đâu đừng của riêng người.



Đừng đi đâu đừng của riêng người? Nếu muốn người ta là của riêng mình, tại sao theo đuổi từ đầu? và cũng nên đừng bỏ cuộc nữa chừng... Hình như tác giả này có nhiều tâm sự như một người bạn của M đấy. Hmm.... I don't know




_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 3 19, 2012 8:09 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Anh Nguyễn Đình Xê hiện công tác tại Báo Người Lao Động TP. Hồ Chí Minh. Không nhiều đồng nghiệp, bạn bè biết anh làm thơ và thường góp mặt trong các tuyển tập thơ ở TP. Hồ Chí Minh như: Thơ tình Sài Gòn (NXB Trẻ, 2008), Hạnh ngộ (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2006)… Thơ của anh bàng bạc trái tim trong trẻo của một thi sĩ đa tình, hơn là nhà báo làm thơ. Ngay nỗi buồn tương tư của chủ thể cũng trong sáng: sự rụt rè, thao thức, ngẩn ngơ trong tính dung dị, giàu hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ.

Theo Báo Đà Nẵng



Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
loantran
HS SaoMai


Ngày tham gia: 03 4 2011
Số bài: 130

Bài gửiGửi: Ba 3 20, 2012 4:51 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Tuyet Nhung oi, Anh Nguyen Dinh Xe la ban cua minh hoi minh con o DaNang. Dao do Anh Xe lam viec o bao Quang Nam-DaNang. Anh Xe noi nang nhe nhang, de thuong nhu van tho cua anh vay. Nho Tuyet Nhung ma minh da biet duoc dia chi moi cua anh Xe. Chi tinh co thoi nhung minh cung cam on Nhung nhieu lam.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Ba 3 20, 2012 8:45 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chị Bích Loan ơi !
Anh Nguyễn Đình Xê nhờ em nhắn với chị rằng : Anh làm sao quên cô bạn ngày xưa vừa thông minh vừa duyên dáng cho được. Anh gửi lời cầu nguyện bình an đến chị và gia đình.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư 3 21, 2012 6:43 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Con hổ ở chợ Cồn

Nguyễn Đình Xê

Chính xác hơn, đó là con hổ đặt trong xe thuốc có tên Núi Rừng đậu thường xuyên ở khoảng đất trống bên đường Hùng Vương đối diện chợ Cồn Đà Nẵng. Con hổ nhồi bông trong tư thế gườm đối thủ, nhe nanh há miệng sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những ai đến gần.

Mắt hổ long lên dữ tợn. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn như thấy rõ hai chiếc răng nanh nhọn hoắt, cái lưỡi đỏ lòm của nó hướng về phía mình. Một mình hổ chiếm gần hết cái thân xe hiệu Renault màu xám đục, che khuất bóng dáng chú khỉ, ả gấu phía sau.

Lần đầu tôi nhìn thấy con hỗ dữ tợn này là khi theo cha tôi xuống chợ mua hàng. Xong một vòng dạo chợ đông đúc những người là người, mồ hôi nhễ nhại, ông kéo tay tôi băng qua bên kia đường Hùng Vương để ghé vào đám đông ồn ã chung quanh chiếc xe thuốc sơn đông mãi võ này. Tôi nhớ mình đã giật thót người và thiếu điều khóc ré lên khi nhìn thấy con hổ, hốt hoảng giấu mặt vào đùi cha tôi khiến ông phải vội cúi xuống dỗ dành...

Sau này tôi mới biết bữa đó cha tôi muốn tranh thủ chút thảnh thơi hiếm hoi ghé vào chỗ xe bán thuốc này để nghe vài bản vọng cổ mà ông vẫn thích. Hồi đó, ở Đà Nẵng, nhất là trong những xóm phố lao động, tìm được chiếc máy hát như chiếc máy đĩa của xe thuốc Núi Rừng quả chẳng dễ. Cha tôi chỉ biết nghe hát bội, vọng cổ qua chiếc radio hiệu Standard trong lúc ngồi miệt mài bên bàn máy may. Mà làn sóng điện thì họa hoằn lắm mới mở những bản nhạc mà ông ưa thích.

Chỉ khi đến bên xe thuốc này, cha tôi mới có dịp thưởng thức những Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Tình anh bán chiếu, những bài ca mà mỗi lần nghe chúng, cha tôi vẫn hào hứng hát theo với niềm say mê lạ kỳ. Chiều đó, dù cha tôi đành phải bỏ lại giữa chừng những Minh Cảnh, Út Trà Ôn, Lệ Thủy do đứa con trai 7 tuổi nằng nặc đòi về vì sợ bị... hổ vồ. Dù cha đã cố giải thích cho tôi rằng đó chỉ là con hổ nhồi bông vô hại nhưng tôi vẫn không ngưng khóc, cứ lo rằng nếu còn nán lại bên chiếc xe này thì cặp răng nanh nhọn hoắt kia chẳng mấy chốc sẽ quặp lấy mình.

Cái tình nhạc cổ của cha tôi ngày ấy sao mà da diết. Đang dán mắt vào bàn cắt may mà văng vẳng đâu đó bên nhà hàng xóm một làn điệu bài chòi, hát bội là y như rằng ông sẽ ngừng tay để gật gù nhẩm hát theo. Đặc biệt ông mê lối xuống xề của Minh Cảnh và Văn Hường trong các bài vọng cổ Võ Đông Sơ và Võ Đại Lang bán phở. Thỉnh thoảng vắng khách, ông ngã lưng trên chiếc giường kê sát bàn máy may, chân gác chữ ngũ, tay gõ nhịp xuống vạt giường để "độc diễn" một đoạn Đổng Trác gặp Điêu Thuyền.

Nghe kể rằng vào thời trẻ cha tôi từng chơi cho nhóm nhạc tài tử của gia đình do ông bác ruột tôi lập ra. Chỉ tài tử thôi và có lẽ nhận ra mình không có khiếu bao nhiêu, cha tôi sớm chia tay với... con đường âm nhạc để chuyên chú vào cuộc mưu sinh bằng nghề cắt may. Cái hồn ca nhạc chỉ trỗi lên vào những lúc người thợ có được chút thư thái như trong buổi chiều hiếm hoi năm xưa cha dắt tôi đến bên xe thuốc sơn đông đối diện chợ Cồn.

Góc nhỏ có xe thuốc Núi Rừng ấy bây giờ không còn nữa, thay vào đó là dãy phố tươm tất của một đoạn đường Hùng Vương bề thế những cao ốc, siêu thị. Xe thuốc sơn đông của gần nửa thế kỷ trước cũng đi đâu mất hút, lâu lắm rồi tôi không hề gặp.

Nhưng trong trí nhớ của tôi thì vẫn còn đó cái vòng tròn người vây quanh xe, tiếng rao sang sảng của người chủ xen giữa giọng mùi mẫn của Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy... Và con hổ trong lòng xe, trời ơi, mỗi lần qua đây tôi vẫn còn hồi hộp vì xúc động. Cha ơi, con làm sao quên được cái dáng cha chiều ấy cúi xuống lau nước mắt cho con rồi vội vã dắt con rời xa cái vòng tròn dễ sợ kia, bỏ lại bên kia đường những Minh Cảnh, Út Trà Ôn...

Nguyễn Đình Xê




Được sửa bởi Huynh thi Tuyet Nhung ngày Sáu 8 17, 2012 11:52 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Sáu 3 23, 2012 6:56 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Vào chợ Bà Hoa mua...giọng Quảng

Nguyễn Đình Xê

Thỉnh thoảng tôi vẫn được bà xã nhờ vào chợ Bà Hoa mua vài thứ nguyên liệu về chế biến món ăn Quảng. Chợ nhỏ nằm lọt thỏm giữa một xóm phố lao động thuộc khu Bảy Hiền vốn quen thuộc với bà con người Quảng sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh từ trước năm 1975 bày bán hầu như không thiếu một thứ gì có tính chất...Quảng Nam. Từ quả chuối sứ đến bát đường đen, từ mắm cái nục, mít trộn , bánh xèo, bánh đúc đến con cá chuồn, cá mòi trung, tất tần tật đều hiện diện trong các quầy hàng nhỏ nhắn, chật hẹp , đông đúc suốt từ sáng đến chiều. Có thể hơi cường điệu khi có người nói đây là cái chợ thu nhỏ cùng lúc tất cả các chợ quê ở đất Quảng như Bà Rén, Hà Lam , Vĩnh Điện, Ái Nghĩa nhưng kỳ thực là ở Bà Hoa ít khi thiếu các món truyền thống của quê mình. Len lỏi trong từng ngóc ngách, tôi thấm thía điều ai đó từng nói, rằng chợ là nơi níu giữ tâm hồn con người với những tình tự quê kiểng, vào chợ với nỗi buồn thì bước ra sẽ xóa sạch bao ưu tư để hăng hái đương đầu với bao vất vả chông gai chốn đất khách quê người.

Quày hàng của chị Tư - trạc gần 60 tuổi - nằm nhỏ nhắn bên hông chợ . Chị bày san sát trên các kệ và cả dưới nền xi măng nào là chuối chát, đậu xanh, đậu ngự, nào khoai lang khô xắt lát, trầu cau...Thấy tôi mua đậu đen với đường bát, người phụ nữ quê Túy Loan, vào Sài Gòn năm 12 tuổi vừa gói hàng vừa hỏi vặn: “ Rứa chú em có biết nấu chè đậu đen không đó?” “ Giỡn hoài bà chị, không biết ai mua làm chi. Quán chè đầy đường kia kìa, muốn lúc mô mà không có !” “ Ái chà, đừng tưởng bở chú em ơi ! - giọng chị chan chát - Rứa nấu như răng chú nói nghe coi ! Tưởng dễ mà không dễ đâu cha nội. Chè đậu đen mà ăn cái hột không bùi, không ngọt thì coi như trật lất rồi !”. Bà chị xứ Quảng sau đó chỉ vẽ tường tận cho tôi bí quyêt hầm cho hạt đậu chín nhừ, chế nước ra trước khi bỏ đường bát vào hầm tiếp, sau đó mới rót nước vào trở lại. Nồi chè của tôi trưa đó được mấy ông bạn khen ngọt lịm từ nước đến hạt .Nhưng hơn hẳn các bạn, tôi còn thưởng thức trước đó một hương vị mà chỉ nhờ lội vào chợ Bà Hoa mình mới được hưởng – hương vị quê nhà qua giọng nói đặc sệt Quảng Nam và tấm lòng đồng hương chân chất. Tôi nhớ trưa đó tôi đã hỏi chị Tư cớ sao vào Sài Gòn ngót nghét nửa đời người mà giọng chị không hề thay đổi, cứ chan chát ăn cục nói hòn và câu trả lời của bà chị Bảy Hiền làm tôi thấm thía: “ Đổi răng được mà đổi chú em. Cái giọng quê mình nó ăn vô máu rồi thì răng mà đổi cho được !”.

Chất Quảng khi đã ăn vào máu thịt rồi thì quả là khó mà thay đổi. Cũng như cái giọng đặc sệt không lẩn vào đâu kia, tính cách Quảng Nam cũng giúp người Quảng ở khu Bảy Hiền và vài địa phương khác ở thành phố này giữ được bản sắc văn hóa của một cộng đồng được tiếng tự trọng, ngay thẳng, cần mãn, vị tha. Tôi nghĩ không chỉ các ngóc ngách chằng chịt ở khu Bảy Hiền, không chỉ các ngõ phố chật hẹp chỉ vừa đủ để hai chiếc xe gắn máy đi lọt, lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy dệt mới hình thành một “ trận địa “ bảo vệ chất Quảng ở một thành phố công nghiệp hiện đại dung chứa đủ sắc màu văn hóa mà còn phải kể đến vai trò nòng cốt của cái giọng nói riêng có kia trong sứ mạng cao cả này.Từ thế hệ này sang thế hệ khác , “ trận địa “ ấy được gia cố vững bền có lẽ một phần xuất phát từ lòng hoài nhớ quê cũ, dù không phải lúc nào quê cũ cũng dịu dàng đằm thắm.

Cách đây hơn 20 năm, trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật thời bấy giờ , một cộng tác viên ở thành phố Hồ Chí Minh đã mượn chuyện tô mỳ Quảng ở Sài Gòn để gián tiếp nói về tính bảo thủ, ngại thay dổi của một bộ phận người Quảng ở Sài Gòn. Tác giả chỉ ra cái tô mỳ ấy, dù tồn tại giữa Sài Gòn hoa lệ với bao nguyên liệu phong phú song các chủ quán vẫn không biết dung cộng thêm thắt để tăng thêm chất lượng và độ hấp dẫn của đặc sản xứ Quảng ; vài nơi có cố gắng nâng chất lượng không đúng cách, làm phai nhạt cái hồn của mỳ Quảng. Bằng tình yêu mãnh liệt với tô mỳ Quảng, tác giả có cái lý của mình khi muốn đặc sản xứ Quảng đóng góp xuất sắc vào kho tàng ẩm thực Việt Nam nhưng những người Quảng chính hiệu ở Sài Gòn cũng không phải vô cớ mà không muốn thay đổi hương vị tô mỳ quen thuộc từng đi theo mình qua bao gian khó thăng trầm. Bưng tô mỳ trên tay là bưng một trời hoài niệm, lại thưởng thức cái phong vị từng góp phần làm nên cốt cách riêng có, là tiếp cận với phẩm chất thủy chung “ đã thấm vô máu rồi, làm răng mà đổi được !”.

Thưở bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng lên hương đoạt chức vô địch quốc gia năm 1992 rồi rơi vào khủng hoảng vài năm sau đó, câu chuyện bên ly cà phê sáng ở khu Bảy Hiền
thường rôm rả xoay quanh những cái tên Sinh, Toàn, Thìn, Hùng, Lợi, Vũ...Nhưng quan sát gần đây, tôi thấy không khí này chẳng còn hào hứng như xưa dù đại biểu bóng đá Đà Nẵng vừa giành ngôi quán quân cả nước. Thì ra người Quảng ở đây có cái lý của mình để điều chỉnh mức độ tự hào, ngưỡng mộ. Thời của Sinh, Toàn, Thìn, Lợi là thời của chất Quảng thứ thiệt, còn bây chừ nó lai rồi. Cầu thủ đến từ tứ xứ, lại thêm Tây, thêm Phi, vui thì vui đó nhưng thực tình là nó lại “ mất sướng “ biết chừng mô !

“ Vậy là chú không theo kịp đà chuyên nghiệp hóa rồi. Thời toàn cầu hóa này, có câu lạc bộ mô mà không thuê mượn cầu thủ ! Có hòa trộn như rứa mới phát triển chớ !”. Tôi chọc lại ông già Duy Xuyên vừa đưa ra những lời bình phẩm trên. Quay ngoắc về phía tôi, ông già hùng hổ: “ Biết rứa rồi, nhưng qua cứ thích cái chất Quảng của riêng mình hơn. Xem tụi thằng Hưng, thằng Học đi bóng, cứ thấy chân mình ngứa ngáy, cứ như chính mình đang đá dưới sân vậy...”.

À, thì ra vẫn là cái cốt Quảng Nam quê mình nó đã ăn sâu vào máu rồi, làm răng mà bỏ được !

Nguyễn Đình Xê







Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lmm
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 8 2008
Số bài: 5900

Bài gửiGửi: Sáu 3 23, 2012 6:05 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này


Giọng Quảng khó mà giả giọng lắm.... và nếu như nó đã ăn sâu vào máu rồi mần răng mờ bỏ được hè?

Nghĩ hoài thấy cũng kỳ lắm, mạ của M người Quảng Nam, lấy Ba M người Huế, mạ noái giọng Huế rặc lắm, tới lúc mấy người Dì từ Quảng ra thăm, M và anh chị em rình nghe, té là mạ mình đang nói giọng Quảng cũng giỏi lắm, mấy chị em tưởng là họ đang hát, không ngờ họ đang kể chuyện ngày xửa ngày xưa!




_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: CN 3 25, 2012 3:08 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Ngủ ở công trường


Nguyễn Đình Xê


Xong việc, anh nhớ ghé chỗ bọn mình nghỉ đêm nhé!”. Đến Phú Ninh những ngày đại công trường thủy lợi này còn trong giai đoạn hối hả thi công, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những lời mời thân tình như thế từ ban chỉ huy các B. Không phải vì nể nhà báo, cũng chẳng vì muốn báo chí “lăng xê” tên tuổi đơn vị mình, những lời mời ngủ lại công trường gói ghém tấm tình chân chất hồn nhiên của tuổi trẻ. Với tôi thời ấy, trong tư cách một phóng viên trẻ theo dõi mảng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, ngủ lại cùng các bạn trong các lán trại sơ sài phên vách, ngã lưng trên các tấm sạp đan bằng thân tre láng bóng mồ hôi tự bao giờ đã trở thành một cái thú trên hành trình tác nghiệp. Chính là lúc tứ bề yên lặng, có thể nghe rõ mồn một tiếng ngáy của từng đội viên thanh niên xung kích hay tiếng một chiếc tàu cau rụng xuống mái tranh, tôi thường hình dung những gì mình thu nhặt được qua một ngày rong ruỗi theo từng tuyến kênh để lắng lòng cảm nhận sức sống đa chiều của công trình tuổi trẻ lớn nhất đất Quảng thời bấy giờ.

Hải, chỉ huy trưởng đại đội thanh niên xung kích Tam An là người có nhiều kỷ niệm với những lần tôi “qua đêm” cùng đại đội của anh ở một đoạn kênh chính phía bắc ngang qua xã Bình Quý- Thăng Bình. Mạnh mẽ, quyết đoán trên hiện trường nhưng chàng trai này lại rụt rè, vụng về trong chuyện tình yêu. Phân công tác chiến, thống kê số lượng đào đắp, chi viện công trường trong những lần “đánh” kênh qua đá tảng, đại đội trưởng Tam An luôn xông xáo hoạt bát nhưng trong tối sinh hoạt cộng đồng quanh bếp lửa, anh chàng bỗng lúng ta lúng túng khi một giọng nữ nào đó cắc cớ đòi kể chuyện tình yêu. Có phải vì thế mà những lần nghỉ lại cùng lán với Hải, tôi thường bị anh chàng nài nỉ kể chuyện…tình. Vậy là, bao nhiêu chuyện tình góp nhặt qua sách báo, từ éo le lâm ly đến mộng mị, nghê thường, được tôi thao thao đến tận khuya sâu. Trong đó, Hải đặc biệt thích thú khi nghe tôi kể đến nỗi niềm thơ mộng của anh chàng chăn cừu với tiểu thư Stephanet trong truyện “Những vì sao” của A. Daudet. Chẳng biết đại đội trưởng sau đó có đủ mạnh dạn khi sinh hoạt chủ đề tình yêu lứa đôi với các đội viên nhưng trong tổng kết thi đua hằng năm, cái tên Tam An thường xuất hiện trong các nhóm dẫn đầu. Có một năm nào đó sau lúc công trình Phú Ninh hoàn thành, chàng đại đội trưởng năm xưa từ Tam Kỳ ghé Đà Nẵng thăm tôi. Hai anh em dắt nhau ra quán nước ngồi ôn chuyện cũ, nhắc lại những đoạn kênh lầm bụi trong nắng gắt, những bữa cơm công trường đạm bạc và cả nàng Stephanet trong mơ của đêm Phú Ninh đầy sao.

Mối đồng cảm, sẻ chia, hòa quyện cũng dễ gặp khi tôi đến với những B khác, từ Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên đến Hội An, Thăng Bình, Đại Lộc. Theo chân các bạn trẻ, chứng kiến cách sống, làm việc của họ qua từng đoạn kênh băng qua làng mạc, ruộng đồng dọc chiều dài đất Quảng- dù chỉ trong chốc lát- tôi học được từ họ biết bao điều, đâu riêng cho tác nghiệp của một phóng viên trẻ.

Có người bảo Phú Ninh thời ấy hơn cả một công trường thủy lợi đưa nước về ruộng đồng bấy lâu khô hạn của đất Quảng sau năm 1975 vì nó còn là trường học đối với bao người trẻ. Đó là ngôi trường dạy con người yêu quý lao động, yêu thiên nhiên, cuộc sống và yêu người yêu của chính mình. Nghỉ đêm ở công trường này, tôi chứng kiến những cuộc tình không kém thơ mộng nảy sinh từ mồ hôi nước mắt qua những ngày đào kênh đắp đập, đọc thấy trong nhật ký và trong báo tường của nhiều bạn trẻ ước mơ trong sáng về ngày mai. Tôi nhận ra nỗ lực bền bỉ của con người quyết vượt qua khó khăn nghịch cảnh trong màu da rám nắng của những nữ sinh Đà Nẵng vừa rời mái trường để đến với những khúc kênh Phú Ninh đầy đá tảng, trong tiếng guitar bập bùng và giọng hát hồn nhiên hào sảng của những đêm lửa trại ngay bên bờ một đoạn kênh vừa hoàn thành…Hơn 30 năm rồi, giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấm thía rằng nếu không có những ngày len lỏi trong khói bụi công trường, những đêm cùng san sẻ buồn vui bên ánh đèn dầu lán trại, không biết rung cảm với buồn vui của những người cùng trang lứa thuộc thế hệ Phú Ninh thì những trang viết của mình thời ấy hẳn sẽ khô khốc biết bao.

Chẳng lẽ tôi không kể được với bạn một kỷ niệm riêng có của mình về những đêm nghỉ lại Phú Ninh? Ờ, thì kể vậy, chuyện xưa mà! Đó là đêm, theo yêu cầu của tôi, Phúc- một thành viên trong ban chỉ huy B Đà Nẵng- dắt tôi tìm thăm cho được M. ở lán trại của cô ấy. Từ Đà Nẵng vào công trường này, tôi vẫn khao khát được ghé thăm cô bạn cùng xóm mà mình lắm khi tơ tưởng, những mong sự xuất hiện đột ngột của mình ở nơi cô ấy đang lao động có thể hâm nóng một chút gì đó ra chiều nguội lạnh. Len qua những cánh đồng rộn rã tiếng dế và tiếng ễnh ương, Phúc đưa tôi vào một lán trại ấm cúng dựng sát bên một nhà dân. Trong ánh sáng vàng nhẹ của ngọn đèn hột vịt, tôi nhận ra dáng M. mệt mỏi trên giường, bên cạnh là hai người bạn gái và một anh chàng cao lớn đang loay hoay mớm cho M. từng thìa cháo. Cơn sốt đã khiến M. không thể ra công trường từ hai hôm rồi. Vẻ mệt mỏi của M. khiến tôi áy náy nhưng dường như M cũng thấy lòng bối rối về sự có mặt bất ngờ của tôi. Không còn lý do gì để tôi nán lại lâu hơn nữa trong cái lán đầm ấm này, tôi kéo tay Phúc bước ra khỏi lán sau vài lời thăm hỏi M. Đêm ấy trời đầy sao, tiếng dế khuya lúc này sao buồn thế, đoạn đường trở lại lán trại chỉ huy giờ xa biết chừng nào!

Hơn 30 năm rồi, làm sao tôi quên được cảm xúc của mình trong cái đêm hắt hiu đầy sao ấy…

Nguyễn Đình Xê






Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Vườn Thơ Sưu Tầm Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Chuyển đến trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10  Trang kế
Trang 1 trong tổng số 10 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI