Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

THƠ -VĂN - NGUYỄN ĐÌNH XÊ
Chuyển đến trang Trang trước  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10  Trang kế
 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Vườn Thơ Sưu Tầm
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: CN Tháng 5 20, 2012 7:43 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hoài cảm

Âm nhạc, như xác nhận của nhiều nhà lý luận, có sức gợi nhắc, hoài cảm lớn lao và vì thế, không ít người trên thực tế thường thưởng thức các ca khúc bằng ký ức và lòng hồi tưởng nhiều hơn là qua việc cảm nhận cái hay cái đẹp của giai điệu, ca từ. Những hồi ức lãng mạn, trữ tình của bản thân từng người trong thời niên thiếu hoặc tuổi thanh xuân thường gắn bó với một giai điệu nào đó bất chợt vang lên trong ngày đời.



Giai điệu, từ đó, như chiếc đinh đóng chặt vào cảm xúc và đời sống, ở đó mỗi người- không phân biệt trình độ văn hóa, đẳng cấp và tầng lớp xã hội - có thể móc vào chúng những chiếc áo kỷ niệm đủ kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng của riêng mình. Vì là vật kỷ niệm nên chẳng có cái nào giống cái nào, có cái thích hợp với người này nhưng khó chịu với người khác. Vì vậy, đừng ngạc nhiên đặt những thắc mắc hoặc chê bai đại loại: bài hát đó “sến” đến thế mà cô nàng cứ hát mãi, giai điệu kia tầm thường quá vậy mà chàng kia cứ nhai đi nhai lại mãi…

Chiếc áo kỷ niệm thường chỉ thích hợp với từng cá nhân và không phải lúc nào người ta cũng mang ra mặc vào người, đôi khi chỉ cần nâng niu nó trên tay hoặc ướm thử vào người để cảm nhận mùi hương cũ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong một bút ký viết về các ca khúc của Trịnh Công Sơn, có kể chuyện các cô gái giang hồ trong lúc chờ khách vẫn ngân nga một giai điệu của nhạc Trịnh và rồi ngay cả con chim sáo ở một quán cóc ven đường tận miệt biên giới cũng biết lặp đi lặp lại một đoạn ca từ quen thuộc mà cô chủ quán yêu nhạc Trịnh vẫn thường hay hát mỗi khi thấy lòng trống vắng.

Nhà văn muốn minh chứng mức độ phổ quát của các ca khúc được viết từ một tâm hồn thao thức với tình yêu và thân phận con người. Và từ câu chuyện của nhà văn, có thể hiểu thêm một khía cạnh khác trong thưởng thức âm nhạc, rằng không phải chiếc áo kỷ niệm nào cũng đẹp. Nhưng dù đẹp hay xấu thì chúng đều là kỷ niệm của riêng mình, mà kỷ niệm thì không thể quên, chừng nào con người vẫn còn khả năng… nhớ.
Có lần trên phố Hùng Vương-Đà Nẵng thời còn đông đúc các tiệm bán máy thâu băng sau năm 1975, tôi chứng kiến một anh bộ đội dừng bước trên lề đường để nghe say sưa giai điệu của bài “Xuân này con không về” đang phát ra từ một cửa tiệm. Đó là bài hát nói về nỗi buồn nhớ của một đứa con đi lính Sài Gòn khi phải xa mẹ, không được về bên mái ấm gia đình trong những ngày Tết.

Nhưng có hề gì! Không có giới tuyến nào trong cảm thụ âm nhạc và xa hơn là trong các xúc cảm nhân văn. Anh bộ đội của chúng ta đang nhớ nhà vì anh cũng xa mẹ, xa đàn em thơ dại ở quê nhà. Bài hát đang làm anh rưng rưng nhớ mẹ, nhớ em và cảm nhận được giá trị rất thật của chiến thắng và hòa bình mà anh và đồng đội đã góp mồ hôi, xương máu làm nên, giúp anh sớm được sum họp với gia đình.

Với tôi, hình ảnh anh bộ đội kia trong một chiều xuân cách đây gần 30 năm như một bức tranh đẹp, bức tranh phác họa chân dung và sứ mạng của âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung kèm theo một nhắc nhở. Rằng khi thưởng thức âm nhạc, chớ quá câu nệ hay phân biệt mức độ cao sang hay tầm thường của một ca khúc, để rồi bỏ qua một cách oan uổng những xúc cảm đời thường hoặc vô tình xóa đi vết tích nồng nàn của kỷ niệm.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ



Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư Tháng 5 23, 2012 11:45 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hoa trắng ngọc anh


Cô là em gái duy nhất của một người bạn thân. Thỉnh thoảng, người bạn vẫn nhắc đến em gái của mình với lòng nhớ thương, quyến luyến khi không còn được ở bên mái ấm gia đình để anh em cùng ríu rít bên nhau như thời còn đi học trường làng

Hình như trong những lần về phép hiếm hoi, người anh cũng kể với em gái về người bạn cùng ở chung phòng với đủ chuyện buồn vui. Những chuyện kể hồn nhiên tự bao giờ đã nối một nhịp cầu. Vì vậy mà dù anh và cô chưa biết mặt nhau nhưng vẫn thấy thân quen.

Một ngày cuối tuần, anh đáp chuyến xe đò chạy bằng than qua gần hai trăm cây số cùng bạn ghé quê nhân kết thúc một đợt công tác. Thị trấn nhỏ nhắn, gần gụi đồng lúa bạt ngàn, thảnh thơi trời xanh mây trắng. Trong ánh chiều êm ả, họ gặp nhau lần đầu khi cô gái đang phụ ba mình tưới nước cho đám cây lá trong khoảnh vườn trước hiên nhà. Nụ cười cô chẳng khác bao nhiêu so với trí tưởng tượng của anh. Ánh mắt anh sao giống quá chừng những gì cô hình dung về người bạn thân của anh trai mình!

Anh đứng hồi lâu trước những cánh hoa trắng xoe tròn trong tán lá xanh thẫm ở góc vườn. Cái màu trắng tinh anh thuần khiết lần đầu anh gặp. Từng chiếc cánh nhỏ như chạm vào hồn người vẻ mộc mạc thanh bình cùng cảm giác sáng trong, thuần khiết. Ở phố phường rộn rịp ngoài kia, anh ngày ngày bị lôi theo bao thứ xô bồ, tất bật, tìm đâu ra một chút thanh tịnh để biết rưng rưng trước một sắc màu trong trắng. Nhìn anh say sưa bên chùm hoa trắng, cô giấu nụ cười e ấp.

Thị trấn nhỏ đón khách lạ và đứa con đi xa trở về bằng một chầu túy lúy ngay sau bữa cơm chiều. Mềm môi trở về sau bữa tiệc trên phố với đám bạn mới quen, trước khi vùi mình trong căn phòng của người bạn, anh chỉ kịp ngoái nhìn về ánh đèn dịu dàng hắt ra từ phòng học của cô. Cô giáo sinh đang trong những ngày cuối cùng ở bậc cao đẳng, trước khi trở thành cô giáo.

Nắng xuyên qua ô cửa sổ đánh thức anh sau một giấc say mềm. Thằng bạn vẫn còn ngon giấc như để bù cho bao ngày sống xa nhà. Đã nửa buổi rồi, căn nhà và khu vườn vắng lặng. Cô giáo sinh cũng đạp xe đến trường từ sớm tinh mơ. Cảm giác trống vắng, nửa phần ân hận, nửa phần hụt hẫng ùa vào lòng khi anh dạo một vòng quanh khu vườn không một bóng người.

Trở lại căn phòng của thằng bạn, định đánh thức bạn dậy, anh bỗng lặng người trong một cảm giác lâng lâng lần đầu bắt gặp trong đời: Trên chiếc bàn gỗ từng là bàn học của bạn ngày xưa, lặng lẽ một cánh hoa trắng ngần tinh anh và thuần khiết được ai đó cắm vội vàng trong một chiếc ly thủy tinh sóng sánh nước.



Anh cùng thằng bạn đáp vội chuyến xe trưa trở lại thành phố để kịp ngày làm việc đầu tuần. Qua cửa xe, bên sắc xanh của những cánh đồng miên man, bất tận, anh nhận ra màu trắng cánh hoa nhỏ kia cứ theo anh suốt mọi nẻo đường. Sau này anh mới biết hoa đó có tên là ngọc anh. Đó là lọ hoa đẹp nhất mà anh từng gặp cho đến bây giờ...

Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Nguyen Thi Nga
HS SaoMai


Ngày tham gia: 26 4 2012
Số bài: 665

Bài gửiGửi: Năm Tháng 5 24, 2012 3:49 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này


T.NHUNG ơi!Đọc HOA TRẮNG NGỌC ANH của Anh NGUYỄN ĐÌNH XÊ .Tự dưng làm mình xúc động thực sự.Hình như trong cuộc đời của mỗi chúng ta luôn cưu mang một bóng dáng,một tình cảm thật nhẹ nhàng,dễ thương trong sáng như ánh trăng rằm,là nơi chốn bình yên để trở về,mặc dầu chỉ trong tâm tưởng.cảm ơn những cảm xúc thuần khiết,trong sáng A đã nhắc nhớ em luôn trân trọng,những tình cảm quí giá mà mình đã vô tình bỏ quên !Có lẽ chúng ta còn quá NHỎ DẠI đã vô tình để hai câu thơ LẠC LÕNG biết bao nhiêu năm tháng.
TIẾC thay!!!

CẢM ƠN EM ĐOÁ VÔ THƯỜNG
NỞ RIÊNG MỘT CÕI TRONG VƯỜN TÂM ANH




_________________
Lá trúc che nghiêng vành nón đợi
Ai về? Thắt dải luạ trăm năm
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Tulip
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 8 2008
Số bài: 1925

Bài gửiGửi: Năm Tháng 5 24, 2012 8:14 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hai câu thơ của O Nga hay quá , cám ơn bài văn của Anh NĐX , một chút nhẹ nhàng , bay bổng của tình cảm ngày xưa ....


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư 8 01, 2012 8:15 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chào chú đi con!

Báo NLĐO Thứ Sáu, 28/07/2006 22:32

“Chào chú đi con!”, giọng người mẹ nhẹ nhàng hướng về phía cô con gái 16 tuổi ngồi bên cạnh mình. Lời nhắc nhở quen thuộc này tôi đã nghe biết bao lần từ miệng các bà mẹ đối với con mình nhưng quả lần này nó làm tôi cảm thấy ấm lòng một niềm vui khó diễn tả.

Tự nhiên, chân tình, cô gái ngoan ngoãn làm theo lời mẹ. Sau người chị, cậu em trai nhỏ hơn 3 tuổi cũng đứng dậy vòng tay nhỏ nhẹ phát âm từng tiếng một: “Cháu chào chú ạ...”.

Từ Mỹ, cùng với hai con nhỏ, chị về thăm lại Việt Nam sau hơn 20 năm định cư ở xứ người. Và cùng với việc thăm hỏi họ hàng, người thân, chị đã đưa các con đi dọc từ Nam ra Bắc để - theo lời chị - giúp các cháu hiểu rõ quê hương, nguồn cội. Chị không dám nghĩ đây là cuộc hành hương vì nó to tát quá nhưng làm sao để trong thời gian ngắn ngủi quý báu này, các con của chị có cơ sở thực tế để hiểu rõ hơn những gì chị đã kể với chúng về VN khi ở xứ người là điều người mẹ này đang gắng sức làm. Trên nền cao của chùa Thiên Mụ - nơi chúng tôi gặp mẹ con chị tại điểm dừng chân ở Huế - cử chỉ của người mẹ luôn ân cần khi giải thích cho con từng chi tiết về văn hóa, lịch sử. Trước khi đến Huế, mẹ con chị đã thăm Nha Trang, Quy Nhơn, Hội An, Đà Nẵng... Và tôi hình dung người mẹ chưa qua tuổi 50 này trong hình ảnh một hướng dẫn viên tận tụy hết mực trước ánh mắt và tâm hồn thơ trẻ của hai đứa con trong cuộc về nguồn giàu ý nghĩa với đời sống tinh thần của gia đình họ.

“Bất cứ lúc nào có thể, tôi luôn dặn các cháu đừng bao giờ quên VN bởi với chúng tôi, đất nước này là hiện thân của nguồn cội” - chị kể. Đừng quên nguồn cội, với chị, là phải học tiếng Việt, phải tiếp thu văn hóa truyền thống Việt, cả nếp gia phong, lễ nghi làm đẹp thêm quan hệ ứng xử giữa người với người, giữa thế hệ này với thế hệ khác. Minh chứng hùng hồn nhất cho ý nguyện và nỗ lực này của người mẹ: Hai người con chưa đến tuổi trưởng thành của chị, dù sinh ra, lớn lên ở Mỹ, vẫn nói tiếng Việt khá thuần thục, vẫn ứng xử rất lễ phép, hồn nhiên, chan hòa như bao đứa trẻ VN ngoan ngoãn khác lớn lên ở đất nước này. Càng đáng quý cái ý thức dạy dỗ các con đừng quên nguồn gốc Việt ở người mẹ này khi biết thêm rằng tổ tiên chị là người Hoa đến lập nghiệp ở vùng Chợ Lớn và lúc còn ở VN, chị đi học ở trường dành cho con em người Hoa.

Định hỏi chị về tên tuổi, địa chỉ nhưng rồi chợt nghĩ điều đó có thể làm chị không vui hoặc thấy mất đi vẻ tự nhiên của cuộc trò chuyện tình cờ khiến tôi lại thôi. Nhưng có hề gì! Những người mẹ như chị không hề hiếm, cách chăm sóc, dạy dỗ con cái như chị hẳn còn phổ biến ở nhiều gia đình để có những thế hệ VN lớn lên ở xứ người nhưng biết giữ tình tự quê hương, thiết tha với nguồn cội.

Như dòng sông Hương êm đềm dưới kia, tình cảm và lòng ngưỡng vọng quê nhà trong họ mãi trong xanh...

Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lmm
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 8 2008
Số bài: 5900

Bài gửiGửi: Tư 8 01, 2012 8:30 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chà, nhớ thơ văn anh Nguyễn Đình Xê mà không dám hỏi O.... Cám ơn TN nhiều




_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Năm 8 02, 2012 12:57 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hì hì...lâu lâu mò trên mạng chộp được một bài bèn đăng đó O Mộng ơi !


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 8 04, 2012 2:18 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Cây lá sớt chia

Báo NLĐO Thứ Bảy, 05/08/2006 23:09

Không còn đóng khung thân phận và chức năng trong bốn bờ rào cây lá, thông điệp của vườn An Hiên có lúc vang tận chiều sâu văn hóa của một vùng đất

Vườn An Hiên đây rồi! Ai đó reo lên khi xe dừng trước chiếc cổng vòm xưa cũ, tường vôi và mái ngói đã ngả màu có ghi số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên bên bờ Bắc sông Hương, TP Huế. Cung kính, chân thành và một chút rón rén như sợ bước chân mình có thể phá vỡ vẻ tĩnh lặng, chúng tôi bước qua cổng, từ giã màu nắng hè chói chang ngoài kia, từ giã tiếng ồn của những chiếc xe ngược xuôi đưa đón khách ghé thăm chùa Thiên Mụ.

Một thế giới khác mở ra trước chúng tôi, thế giới của cây lá và hương thơm các loài hoa. Nắng rọi xuống con đường lát gạch sau khi lọc qua những tán cây đủ kiểu, từ cái bóng đậm thấp của chanh, cam, mãng cầu ở sân trước, vẻ mỏng manh, nhẹ nhàng của lê, lựu bên tường nhà đến dáng hào phóng, chở che của xoài, dừa, sầu riêng, măng cụt ở sân sau.

Và hương thơm của đủ loài hoa trái cứ theo gió quyện vào, khi ngào ngạt, lúc phảng phất, cơ chừng mỗi bước chân của chúng tôi luôn được bao bọc trong không gian trong trẻo, quý phái của đất trời. Giữa trưa nắng mà hương hoa dặt dìu đến thế thì huống chi trong khuya hôm dưới trăng thanh gió mát!

Mỗi loài cây, một kỷ niệm, một tâm hồn

Mải say sưa, miên man trước đủ loài cây trái, đến khi ngước lên, chúng tôi bỗng giật mình trước cái bóng cao to của một cụ già quắc thước đứng ở ngạch cửa trong bộ bà ba nãy giờ lặng lẽ dõi theo chân khách. Từ chỗ nghiêm nghị, gương mặt ông chuyển sang thân tình, mời gọi, sau đó là một nụ cười gần gũi. Cảm giác mát mẻ, thân thiện lại ùa vào chúng tôi, lần này từ giọng nói, cung cách chân thành, cởi mở nhưng vẫn giữ nếp gia phong của bác Nguyễn Đình Châu, một trong những người cháu ruột của chủ nhà, từ TPHCM tình nguyện về coi sóc khu vườn.



Nhà tường 3 gian, 2 chái trong vườn An Hiên

An Hiên là khu nhà vườn xây dựng năm 1895 và được ông bà Nguyễn Đình Chi mua lại vào năm 1936. Đó là một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái có kiến trúc như rất nhiều ngôi nhà cổ còn sót lại đến bây giờ ở miệt Kim Long này. Càng về sau, ngôi nhà càng được bổ sung, tôn tạo với một số thiết kế phụ trợ cho hợp thời (chẳng hạn năm 1954, nhà xây thêm một bể cá trước sân). Như bao nhà cổ khác ở VN, cảm giác dễ nhận ra khi đứng dưới mái ngói âm dương trong lòng nhà An Hiên là vẻ ấm cúng, thân thiện, nét gia phong và chất sâu lắng bàng bạc trong từng viên gạch, thớ gỗ. Bên cạnh những bài thơ Đường nổi tiếng, đập vào mắt mọi người khi ngồi vào bàn khách đặt ở gian phải là 4 chữ “Văn võ trung hiếu”. Người xưa đã dạy con cái và tự răn mình những câu tâm huyết, thiết thực. Người chủ quá cố của ngôi nhà là bà Nguyễn Đình Chi, hiệu trưởng trường Đồng Khánh, Huế vào đầu thập niên 1950. Trong thời chống Mỹ, người hiệu trưởng của trường nữ trung học nổi tiếng này từng lên chiến khu và sau đó ra Bắc để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Mỗi cây trái ở An Hiên, qua lời bác Châu, thường gắn liền với một kỷ niệm. Có phải vì thế mà đứng trước cây, nhiều người như đối diện và trò chuyện thân quen với một tâm hồn? Này là cây quế nhập vườn sau chuyến công cán vùng núi của người chú ruột, lá quế nồng thơm như bao cây quế lớn lên ở vùng cao. Cây sim trồng ở mái hiên phía Tây thì được các con bà Nguyễn Đình Chi mang về trồng để giúp mẹ khua đi nỗi nhớ rừng.

Sinh thời, bà Chi vẫn thường đến bên gốc sim này đứng hồi lâu trước khi hái vào lòng bàn tay những quả tím nhỏ, như nhặt nhạnh từng kỷ niệm háo hức và thơ mộng của thời thanh xuân đi làm cách mạng. Cổ nhất và quý phái nhất có lẽ là cây hồng trồng trước sân, bên cạnh mặt ao long lanh mây trời. Thời gian đã làm thân cây có phần già cỗi nhưng sức sống thì dường như vẫn còn nén chặt trong thân cành. Mùa này hồng ít trái, chúng tôi vì thế chỉ thưởng thức vị ngọt của nó qua lời nhận xét của bác Châu: đó là giống hồng không hột, vị ngọt lịm người, nhất là những trái chín đỏ trên cây.

Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cảm nhận vị ngọt của cây hồng này theo cách riêng: “Những trái hồng ngọt và thanh đến độ tưởng chừng mỗi miếng của nó có thể tan thành dư vang của một tiếng chim”. Chắc chắn vị ngọt đó phải xuyên suốt thời gian và phải cảm nhận bằng tâm thức, nếu hình dung gương mặt rạng rỡ của ông Nguyễn Đình Chi một chiều gần 70 năm trước, khi ông nhận cây hồng này từ tay ông Nghè Mai, cháu nội của thi hào Nguyễn Du. Đó là giống hồng chiết từ thân một cây hồng mà chính Nguyễn Du đã cất công mang về nước sau chuyến đi sứ ở Trung Quốc.

Vậy đó, từ kỷ niệm, dấu ấn riêng tư trong gia đình chủ vườn An Hiên đến giai thoại, huyền thoại và cả cổ tích, sử thi, khu vườn đong đầy cảm xúc, bàng bạc bóng hình quá khứ và sinh động đời sống hiện tại. Hình như ngay từ lúc xây dựng, chủ nhân của vườn An Hiên- cũng như bao khu vườn khác bên bờ sông Hương này- không nghĩ sự hiện diện của vườn chỉ dành riêng cho bản thân, gia đình họ mà còn nghĩ đến cộng đồng bên ngoài như những đối tượng cảm thông, chia sẻ và cộng hưởng. Cho nên, dù rộng đến 6.000 m2 nhưng lúc nào và ở góc nào, vườn cũng giữ được vẻ ấm cúng, khoáng đạt như mở sẵn lòng ra với mọi người.

Gạch nối giữa bao thế hệ

Giữa vô vàn những lời trầm trồ ngưỡng vọng dành cho An Hiên và sự kính trọng dành cho chủ nhân khu vườn, tôi chú ý đến dòng chữ của một người New Zealand có tên Denise Arcus viết trong sổ lưu niệm đặt ở phòng khách: “Biết về một đời cây, một vườn cây từ lúc bắt đầu gầy dựng cho đến khi kết thúc trong một khu vườn như thế này quả là điều thú vị.
Khác nào ta khám phá về lai lịch và đời sống phong phú của con người được dẫn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở chính nơi họ sinh ra, lớn lên”. Như một thế giới thu nhỏ, khu vườn là nhân chứng sống bao dung và hiền thục của các thế hệ, một chứng tích của đời người, nuôi dưỡng quá khứ và làm thăng hoa đời sống hiện đại trong những tàn lá xanh, trong vị ngọt cây trái và hương thơm của những loài hoa. Không còn đóng khung thân phận và chức năng trong bốn bờ rào cây lá, thông điệp của khu vườn có lúc vang tận chiều sâu văn hóa của một thành phố, một vùng đất.

Từ Huế, bác Châu kể cho tôi qua điện thoại rằng vườn An Hiên vừa được một đoàn làm phim của truyền hình Nhật chọn làm cảnh để thực hiện một phim tư liệu mang chủ đề bảo tồn, khôi phục giá trị truyền thống văn hóa phương Đông, trong đó đề cao nếp gia phong và mối quan hệ giữa các thế hệ, giữa con người và thiên nhiên hoa trái. “Họ đem cả đào kép theo đoàn- giọng bác Châu hào hứng - cũng khăn đóng áo dài và đủ thứ y phục truyền thống Nhật, cũng vái lạy trước bàn thờ”.

Trong phút nghỉ tay, trưởng đoàn làm phim đến từ nước Nhật hiện đại phân trần với bác Châu rằng lỗ hổng về kiến thức văn hóa truyền thống trong tâm hồn thế hệ trẻ nước Nhật ngày nay lớn quá. Đó là lý do khiến họ lặn lội mấy nghìn cây số đến khu vườn này để tìm thêm tư liệu minh chứng về vai trò và sức sống trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, cây trái cùng bao giá trị tinh thần gần gũi với nếp sống, bản lĩnh người xưa.

Chen giữa tiếng ho khục khặc, tôi nghe giọng bác Châu run lên vì xúc động. Tội nghiệp và đáng phục cụ già 78 tuổi, người lính đặc công, chiến sĩ tình báo năm xưa từng có 10 năm bị giặc bắt giam ở Côn Đảo, người sinh ra ở Huế nhưng từ tuổi thanh niên phải rời Huế để tham gia chiến đấu ở miền Nam! Dù hiện đang mang trong mình cùng lúc chứng cao huyết áp và căn bệnh thấp khớp, di chứng của những tháng năm đánh giặc, ngủ hầm, 10 năm qua, bác Châu vẫn sẵn sàng từ bỏ cảnh sống an nhàn, sung túc ở TPHCM để về đây trông coi khu vườn như một cố gắng bảo tồn gia phong và chất nhân văn của Huế. Ông cụ đã về vườn một cách thực chất bằng cách làm cho khu vườn thân yêu của mình ngày mỗi thêm xanh, hồn vườn ngày thêm đằm thắm.

Về vườn nhưng chất hào sảng qua giọng nói, tiếng cười của ông thì dường như không hề vơi bớt, như buổi trưa nào ông tỉ mẩn dắt chúng tôi đi suốt khu vườn để giới thiệu với khách về lai lịch, đời sống từng ngọn cỏ, loài hoa. Ở nơi xa cả ngàn cây số, tôi hình dung gương mặt chịu đựng nhưng đầy niềm vui và cái dáng âm thầm, cần mẫn của bác Châu. Và tôi tin có ông bên cạnh, cây lá An Hiên sẽ thêm sức sống để tiếp tục dâng tặng cho đời tầng tầng hoa trái.

Ai nói An Hiên như khu vườn u nhàn, trầm mặc, ký thác vào đời triết lý sống phương Đông cùng bao nỗi niềm về một thời xa xưa, tôi ngưỡng vọng An Hiên như khu vườn biết sẻ chia, san sớt bao buồn vui của phận người...


Nguyễn Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 8 04, 2012 4:20 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nếu có lần đến Huế - xin các bạn đừng quên ghé thăm nhà vườn An Hiên !
Minh họa thêm một vài hình ảnh về nhà vườn An Hiên- số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên bên bờ Bắc sông Hương, TP Huế.










Ngõ vào nhà vườn An Hiên . Ảnh internet







Khách du lịch viếng nhà vườn An Hiên. Ảnh internet





Ảnh Internet



Người chủ quá cố của ngôi nhà là bà Nguyễn Đình Chi( bà Đào Xuân Yến ), hiệu trưởng trường Đồng Khánh, Huế vào đầu thập niên 1950.Ảnh Internet.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 8 04, 2012 8:04 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Ra Huế thăm Mỹ Trân



Dùng cơm trưa với gia đình Mỹ Trân



Chiều đi Kim Long ăn bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc



Bên gốc mít trĩu quả







Khá ngon !


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lmm
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 8 2008
Số bài: 5900

Bài gửiGửi: Bảy 8 04, 2012 9:11 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này


TN có mái tóc dài đẹp lắm, dễ thương thật!!!!



_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
loantran
HS SaoMai


Ngày tham gia: 03 4 2011
Số bài: 130

Bài gửiGửi: Hai 8 13, 2012 6:52 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nhung ơi, tóc dài dễ thương quá Wink Dạo này Loan bận lắm cho nên tạm thời "đóng cửa" facebook, không nói chuyện với Nhung thấy nhơ nhớ nhưng công việc ngập đầu, muốn khùng luôn. Thỉnh thoảng email nói chuyện được không Nhung. Địa chỉ email của Loan: bijou2@optusnet.com.au hoặc tonnutran@gmail.com


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 8 13, 2012 8:57 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hi chị !
Không nên bận hoài, phải có lúc không bận (buổi tối )
Laughing
OK ! Thỉnh thoảng chị em mình sẽ nói thầm đáp khẽ bằng email nhé !


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Sáu 8 17, 2012 7:24 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Củ sắn của bác xích lô

Báo NLĐO Chủ Nhật, 16/09/2007 12:09

Chiếc nón nhựa trên đầu, hai ống quần cột túm, lưng áo đẫm mồ hôi, trên tay là mớ sắn (khoai mì) luộc vừa lôi ra từ trần xe xích lô, bác Chi vừa nhai sắn vừa hào hứng góp chuyện cùng những người bạn yêu bóng đá như mình. Sau một ngày lao động, họ vẫn gặp nhau trước cổng sân Chi Lăng này. “Diễn đàn đường phố” tự phát chuyên chỉ một đề tài duy nhất là bóng đá mà thu hút đủ thành phần: từ người đạp xích lô, chạy xe ôm đến nhà buôn, viên chức, học sinh

Đến với bóng đá, hợp nhau vì lòng đam mê, những mẩu chuyện rôm rả phút chốc kéo họ gần lại với nhau. Trái bóng trong những ngày không lăn ở thảm cỏ xanh trong kia lại tiếp tục lăn những vòng sống động bên hè phố, háo hức chờ đến cuối tuần. Nếu phải chọn một người tiêu biểu cho cái cộng đồng đầy nhiệt huyết vì bóng đá này thì người ấy có lẽ là bác xích lô chiều chiều vẫn dừng xe bên lề, miệng nhai sắn luộc kia. Một tình yêu bóng đá đích thực, một lòng tha thiết với sắc áo màu cờ, những nhận xét của bác Chi thường gói ghém ước mơ về một nền bóng đá quê xứ nuôi lớn nhiều nhân tài, các CLB bóng đá ăn nên làm ra, bóng đá nước nhà đủ sức sánh vai bè bạn. Hiểu chuyện bóng đá xứ sở, bác Chi thuộc lòng từng dáng chạy cầu thủ, gợi chuyện và vỗ về cầu thủ trước và sau mỗi trận đấu như trò chuyện với con em mình. Nhiều cầu thủ trưởng thành ở cái nôi bóng đá này cũng thân thuộc với bác Chi, tìm thấy nơi bác chỗ dựa ấm áp. Vài cầu thủ rời sân bóng sau buổi tập chiều ngang qua chỗ bác Chi sau tiếng chào, còn tiện tay nhón lấy một khoanh sắn luộc bỏ vào mồm...

Và hình ảnh bi tráng thể hiện tấm lòng của bác Chi với màu cờ sắc áo đất Quảng có lẽ là một chiều hè năm 1991 sau lúc nghe tin đội Quảng Nam – Đà Nẵng thất bại trên sân Thống Nhất trước đội Hải Quan ở trận chung kết giải VĐQG. Chiều ấy, tay vin vào cánh cổng sắt đóng kín của sân vận động Chi Lăng, bác Chi khóc ngon lành như đứa trẻ bị bạn giành quà, gặp ai cũng mếu máo: “Răng mà thua tức tưởi như rứa hè!”.

Về Đà Nẵng lần này, tôi cố tìm lại cái đám đông nhiệt huyết từng là nét riêng của bóng đá đất Quảng 10 – 15 năm trước, tìm lại bóng dáng bác xích lô với chuyện tình bóng đá của ông. Đám đông mới bây giờ dời vào một góc nhỏ trong khuôn viên sân vận động, bên cạnh những mái tóc bạc màu là những gương mặt mới không kém phần hào hứng. Nhưng đâu rồi chiếc nón nhựa trắng và người phu xích lô già với mớ sắn luộc trên tay?



Thành phố nhỏ, đi miết rồi cũng gặp. Bác Chi đây rồi, đầu đã hói, lưng bắt đầu còng, vòng xe chậm dần, chiếc mũ nhựa cũng ngả màu nhưng những thứ ấy không phải là thay đổi lớn nhất. Điều bất ngờ đến bàng hoàng là bác Chi không còn mặn mòi với bóng đá và tự hứa với chính mình đừng bao giờ đến với cái cổng sân bóng ở đường Ngô Gia Tự kia nữa: “Tôi hứa với mình như rứa sau khi nhận ra mình bị sân cỏ lừa phỉnh quá nhiều bận”.

Câu trả lời phảng phất giọng điệu thất vọng về một tình yêu bị phụ bạc. Người phu xích lô già bảo rằng lòng đam mê sân cỏ trong ông vẫn còn nhưng bây giờ, đó là thứ “tình yêu biết cảnh giác” và vì vậy không còn hứng thú chờ đợi những trận đấu với lòng háo hức. Lắm lúc, ông giận mình khi hồi tưởng những giọt nước mắt chân chất mà mình đã nhỏ xuống năm xưa cho cái gọi là màu cờ sắc áo vốn ngày càng bị cầu thủ coi rẻ, xem thường.

Có một thời, các CLB bóng đá VN được nuôi lớn bằng tình yêu, lòng bao dung của người hâm mộ, bằng sức mạnh tinh thần thổi lên từ một công chúng hồn nhiên. Bây giờ, những chuyện tình như thế phai nhạt dần và địa chỉ làm mất lòng tin công chúng thì ai cũng rõ.

Nhà quản lý nào bây giờ cảm nhận được vị ngọt của khoanh sắn luộc từ tay bác phu xích lô già mang tặng cầu thủ? Bóng đá VN phải biết khóc khi đánh mất một người tình như bác xích lô kia.

Đình Xê


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lmm
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 8 2008
Số bài: 5900

Bài gửiGửi: Sáu 8 17, 2012 8:58 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Cho M gửi lời cám ơn anh Xê này nhé

Thơ văn của anh nhẹ nhàng và trong lúc đọc mình thấy chính mình.

Cám ơn TN luôn hỉ? Hy vọng mình gặp lại năm tới




_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Vườn Thơ Sưu Tầm Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Chuyển đến trang Trang trước  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10  Trang kế
Trang 3 trong tổng số 10 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI