Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Tình đã ngủ say.

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Phan Xuân Sinh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Nguyen Ngoc Hai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 9 2009
Số bài: 1789
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Ba 7 13, 2010 10:06 am    Tiêu đề: Tình đã ngủ say. Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Giới thiệu bài Hồi ký của Phan Sư huynh...
tình đã ngủ say

Khi người đụng trái tim ta
là bao nhiêu mộng vỡ òa theo nhau
khi tình ta mãi lún sâu
là lòng người nhạt sắc màu yêu thương
PXS

Từ khi chúng tôi chia tay nhau cho đến bây giờ đã gần 40 năm rồi, hơn một nửa đời người. Nhưng mỗi lần nghĩ tới Sách tôi đều cảm thấy đau nhói, không phải vì tôi còn “yêu” Sách, mọi chuyện đối với tôi nó đã chết theo thời gian. Không ai còn chung tình vớ vẩn như vậy, tất cả chúng tôi mỗi người đếu có một cuộc sống riêng, con cháu đầy đàn, hồn ai nấy giữ. Thế nhưng mỗi lần gặp lại tự nhiên tôi cảm thấy ray rứt, nhìn Sách thật tội nghiệp với một cuộc sống kham khổ, hạnh phúc bị tước đoạt, con người héo hon trong u uất. Tôi tự hỏi Sách chịu đựng một hoàn cảnh sống như thế nầy cho đến bao giờ? Chúng tôi đã từng đến với nhau, đã từng gặp gỡ sau những ngày dài khi chia tay. Chúng tôi vẫn giữ với nhau ở một vị thế mà không bị xé rào hay sự đòi hỏi làm chúng tôi mờ mắt. Chúng tôi quý mến nhân cách của nhau mặc dù không cần thiết như vậy. Thế nhưng cái đó đã thể hiện ý thức tôn trọng, một rào cản chắc chắn chúng tôi không nên vượt qua để vi phạm. Cuộc đời của đứa nào cũng te tua bầm giập, còn gì đâu để còn phải giữ gìn.

Tôi nhớ năm 1976, sau khi tôi lấy vợ được vài tháng thì Sách từ Đà Nẵng vào Sài Gòn thăm tôi. Lúc nầy người chồng đầu tiên của Sách vừa mới mất (tại mặt trận Pleiku 1975) trước ngày hòa bình chừng hai tháng. Tôi ngạc nhiên là Sách cùng đi với Ngọc Bích, người bạn gái của tôi sau nầy. Ngọc Bích có một người anh trai là bạn cùng khóa Không Quân với chồng của Sách. Vì thế Ngọc Bích và Sách quen nhau bởi dây mơ rễ má như vậy, chứ một người ở Đà Nẵng và một người ở Sài Gòn làm sao quen nhau. Tôi mời hai người ra ngoài quán café để dễ dàng nói chuyện, vì trong sở làm việc của tôi ồn ào, người ra kẻ vào nhiều gây trở ngại trò chuyện của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp lại Sách kể từ ngày Sách đến thăm tôi tại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng mùa hè 1972, khi tôi bi thương từ mặt trận được trực thăng chở về.

Trong suốt câu chuyện tôi không hỏi gì về cái chết chồng của Sách, vì tôi không muốn cho Sách hiểu lầm rằng tôi quan tâm vì để thỏa mãn lòng tự ái. Tôi chỉ ngồi nghe hết chuyện nầy tới chuyện khác mà trong những câu chuyện, Sách tin tưởng rằng người chồng vẫn còn sống, có thể bị bắt học tập cải tạo đâu đó, hoặc đang sống tại nước ngoài chưa tiện liên lạc được với vợ con. Tôi cũng mừng thầm mong rằng sự tin tưởng của Sách là sự thật, một ngày nào đó gia đình Sách được đoàn tụ dù ở bên nầy hay bên kia đất nước. Ngồi nói chuyện, tôi chú ý từng hành động, từng cử chỉ của Sách. Sách không còn như xưa. Cái liến thoắng lanh lẹ, cái trì chiết đanh đá mà sau khi có chồng, va chạm với cuộc sống thật ngoài đời, đã dạy cho Sách những kinh nghiệm chống chọi. Tôi không ngạc nhiên điều đó, cái ngạc nhiên nhất của tôi là được Sách dài dòng kể lể về cái hạnh phúc trước đây đã sống với chồng con, cái hạnh phúc ngắn ngủi nhưng rất tuyệt vời nầy đã làm vết thương cũ của tôi dậy lên và cảm thấy nhức nhối. Cũng bắt đầu từ đó tôi khinh Sách, nhìn Sách với con mắt không mấy thiện cảm. Đúng ra khi gặp lại tôi, một người tình đầu đời của Sách, Sách phải tỏ ra có một chút hối tiếc, một chút đau đớn, vì khi chia tay nhau, tôi không có một lầm lỗi nào với Sách, thì không lẽ gì Sách kể những chuyện hạnh phúc để trả thù tôi. Cái ấn tượng gặp gỡ lúc ban đầu, đã làm cho tôi có thái độ phủi tay lánh mặt. Không cần phải nhớ đến trước đây mình có một con “bồ” đang sống trong kham khổ hiện thời, Có ai đó bên quê nhà nhắc tới Sách, tôi tìm cách tảng lờ như không biết. Bởi vì tôi không thể chấp nhận một người tình trước đây đi lấy chồng, và khi gặp lại nhau không có một câu hỏi han nào về cuộc sống của tôi, chỉ ba hoa kể về cái hạnh phúc đã trôi qua của mình. Đó là một loại người vong tình, không có đầu óc và tôi không cần phải nhớ tới làm gì cho uổng công.

Có một năm vợ chồng tôi về Đà Nẵng ăn Tết, khi tôi đến thăm cậu mợ bà con bên ngoại thì mợ Tâm khuyên tôi cố gắng đến thăm Sách. Mồng ba Tết để vợ ở nhà, tôi một mình đến thăm Sách theo sự yêu cầu của bà mợ. Trong câu chuyện trao đổi tôi có nói với Sách là nếu có tái giá hãy tìm một người đàn ông rộng lượng, vững vàng trong cuộc sống có thể cưu mang thêm hai đứa con, để chúng nó có cơ hội học hành. Tôi bảo với Sách là bây giờ phải hy sinh cuộc đời mình cho con, hãy gạt ra ngoài tai những lời tán tỉnh bóng bẩy, phải tìm một người đàn ông biết thương yêu con của vợ như con ruột của mình. Còn nếu không thì nên sống độc thân buôn bán nuôi con. Thế nhưng vài năm sau tôi nghe Sách tái giá, lấy một người chồng nghèo. Mang hai đứa con về quê ở Túy Loan giao cho bên nôi. Tự nhiên trong lòng tôi thấy xót xa, một việc làm điên rồ, mờ mắt thiếu suy xét. Cái ấn tượng không tốt về con người nông nổi của Sách lại càng làm cho tôi thất vọng. Tội nghiệp cho hai đứa bé đã mất cha, bây giờ coi như thêm một lần mất mẹ. Từ câu chuyện nầy tôi suy luận viễn vông, một con người như vậy thì làm sao đòi hỏi họ chung tình với ai. Mang đầu óc không thiện cảm, tôi nhìn Sách cay nghiệt hơn và thú thật trong lòng tôi càng khinh Sách hơn.

Tôi nhớ một lần ở Huế, Sách từ Đà Nẵng ra thăm tôi. Chúng tôi ở với nhau trong một căn phòng nhỏ hơn một tuần lễ. Tôi có hỏi Sách lý do tại sao ra thăm tôi mà không báo trước, Sách làm thinh không nói dù tôi đã gặn hỏi nhiều lần. Sau đó thì Thê (vợ của Đức, bạn tôi) là bà con với Sách ra Huế tìm, tôi mới biết Sách giận gia đình nên bỏ nhà ra đi. Giận về chuyện gì thì tôi cũng chưa hề nghe Sách nói. Tôi bảo là Sách nên ra về với Thê, vì tôi không muốn mang tiếng dụ dỗ con gái gây ra sự hiểu lầm cho gia đình Sách, mặc dù chúng tôi chưa hề vi phạm, giữ sự trong trắng, tôi tôn trọng đời con gái của Sách. Nhưng có ai biết điều đó, khi mà đôi tình nhân sống chung với nhau ngày nầy qua ngày khác, mà không xẩy ra điều đáng tiếc? Cái khắt khe giáo dục của gia đình, cái ý thức trách nhiệm nặng nề về tinh thần, đã thắng sự đòi hỏi nhục dục của tôi. Tôi trở thành một người thánh thiện.

Sách về Đà Nẵng chừng vài tháng thì tôi nghe tin Sách sắp lấy chồng. Thú thật nghe tin nầy tôi rất bàng hoàng, tôi muốn gặp Sách để hỏi cho ra lẽ. Và khi đó tôi tiếc là không phá đời con gái của Sách cho thỏa mãn lòng tự ái của tôi. Lạy trời, cũng may mà tôi không làm điều đó, chứ nếu đã xẩy ra thì chắc tôi ân hận suốt đời. Cho đến bây giờ Sách vẫn còn kính trong tôi về chuyện nầy, hơn ai hết Sách biết tôi không muốn phá hoại đời con gái của Sách. Khi về Đà Nẵng tôi gặp Sách vài lần, tôi không thèm hỏi về chuyện lấy chồng của Sách. Tôi xem như đó là một chuyện không đáng cho tôi quan tâm, và từ đó tôi tránh gặp mặt dù tôi đã nhiều lần về lại Đà Nẵng thăm nhà. Tối một mình đi uống café thiếu Sách bên cạnh, tôi cũng cảm thấy buồn và cô đơn, nhưng tôi không thể làm gì hơn khi người ta muốn quên đi dĩ vãng, muốn quên sự hiện diện của tôi. Trong lúc nầy ở Huế tôi cũng có một người bạn gái cao ráo và đẹp hơn Sách, học trường Bồ Đề Thành Nội. Lúc đó tôi nghĩ có một ngày nào đó tôi phải đứng trước một sự chọn lựa giữa Sách và Nguyện, thế nhưng không ngờ rằng chính tôi là người bị gạt ra trước cuộc sống tình cảm của Sách. Tôi rất bực bội nhưng nghĩ cho cùng, cũng giúp cho tôi một lối thoát mà không mang tiếng phụ tình với Sách. Sau nầy, tôi cũng quyết định chia tay với Nguyện.

Ngày tôi bị thương nằm điều trị ở Tổng Y Viện Duy Tân thì Sách có đến thăm. Lúc đó Sách vừa mới sinh đứa con đầu lòng. Tôi thấy Sách khóc mà ngược lại tôi rất dửng dưng. Tôi cho rằng giọt nước mắt của Sách là vui mừng đã tránh được một tai họa. Nhiều đêm nằm nghĩ về Sách, tôi tự hỏi tại sao tôi nặng nợ với Sách nhiều vậy. Về phương diện thẩm mỹ thì nhan sắc của Sách không so bằng những cô bạn gái của tôi trước hoặc sau Sách, về phương diện tình cảm thì Sách là người hời hợt, không thâm trầm và phụ tình một cách trắng trợn, thế nhưng để lại trong đời tôi nhiều vết chém nhất mà vết sẹo nào cũng sâu và đau. Mỗi khi nghĩ lại thấy nó nhức nhối khó chịu nhất. Có lẽ Sách và tôi đến với nhau lâu dài, có nhiều kỷ niệm khó quên. Chính vì lẽ nầy nên gây ra chấn động ầm ỹ trong lòng tôi mỗi khi nghĩ tới. Tôi chuẩn bị đi Sài Gòn, thì Đức đến nhà cho tôi biết là chồng của Sách bị tử thương trên mặt trận Pleiku, và Sách chuẩn bị mang hai đứa con nhỏ về Đà Nẵng. Nghe tin nầy, thú thật lòng tôi không có chút xúc động vì từ bao nhiêu năm nay tôi gạt Sách ra hẳn mọi suy nghĩ của tôi. Tôi cho đây là chuyện thị phi không cần phải quan tâm tới. Thế nhưng khi ngồi trên máy bay tự nhiên hình ảnh Sách hiện lên trong đầu: Một người đàn bà góa bụa còn rất trẻ với hai đứa con thơ, nhào ra cuộc đời đầy sóng gió, đầy nhiễu nhương như vậy, thì làm sao chen lấn trong cuộc sống nầy cho nổi.

Tôi quên đi sự phản bôi của Sách, quên đi sự lọc lừa và trí trá thuở nào. Tự nhiên những thứ nầy xóa mất trong tiềm thức của tôi. Đọng lại trong lòng tôi là sự thương hại, tôi thầm cầu nguyện cho Sách vượt qua tất cả để sống trong bình yên, ổn định tâm hồn để nuôi con khôn lớn. Tôi không còn trách móc ai cả, tôi cho đây là một sự nhầm lẫn của tuổi trẻ mà không ai biết trước được. Tôi và Sách cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh, tôi bị thương trong cuộc chiến và vẫn còn hiện diện trên đời, mặc dù mất một phần thân thể. Còn chồng của Sách xem như xóa sổ vĩnh viễn trong cuộc sống. Hơn ai hết tôi hoàn toàn thông cảm cho cái đau rưng rức trong người của Sách phải gánh chịu. Cho đến bây giờ, khi tôi ngồi viết lại dòng hồi ký nầy, tôi xem Sách vẫn là người tình thuở nào, một người bạn thân thiết và là một người em gái đáng thương nhất của tôi.

Vài năm sau đó, tôi có dịp về Đà Nẵng thăm nhà. Tôi nhờ Đức, một người bạn cùng xóm thân thiết nhau từ nhỏ, chở tôi bằng xe honda lên Nam Ô thăm gia đình Sách. Chúng tôi đến bất thần vào bữa cơm trưa, bữa cơm thật đạm bạc. Cơm ghế khoai, một tô canh rau và vài con cá mặn. Vợ chồng con cái ngồi quanh mâm cơm hì hụp thật tôi nghiệp. Tôi nhìn Châu, người chồng của Sách sau nầy, thua tôi chừng vài tuổi, một thanh niên dễ coi và hiền hậu. Tôi yên tâm là Sách có thêm một gia đình cũng tạm ổn, mặc dù sự hối tiếc và trách móc của tôi về Sách vẫn còn mang trong đầu, chưa xóa được. Vài ngày sau, tôi có mời vợ chồng Sách ra nhà hàng dùng cơm, tôi thấy họ xứng đôi và tôi nghĩ chắc họ được hạnh phúc. Nhưng khi dùng cơm ngồi đối diện với Châu, tôi nhận ra một điều là Châu mang một mặc cảm vì nghèo, vì thua thiệt. Chính vì cái nghèo, cái thua thiệt đó mà phải lấy một người đàn bà có con, vợ mình là gái “nạ dòng”. Những điều nầy thì làm sao Sách biết được, Sách là một loại người chỉ biết hình thức, suy nghĩ hời hợt, không biết sâu thẩm trong lòng của chồng mình. Trong đầu óc của Châu khi sống với vợ có tôn trọng vợ không? Mà vợ chồng sống với nhau lâu dài, chỉ giây phút nào đó nhá lên ý nghĩ thua thiệt của mình, tại sao mình là thằng con trai lớn lên lại lấy một người đàn bà có con. Ngồi nói chuyện nhưng tôi nghĩ miên man, tôi nghiệp cho hai người sống trong một hoàn cảnh u uất, không ai chịu bày tỏ sự thật của lòng mình. Tôi là đàn ông nên tôi hiểu tâm trạng của Châu, cái u uẩn trong lòng mà không ai biết được. Đến một lúc nào đó không còn chịu đựng được, sợi dây tình lận đận kia sẽ bung ra. Khi còn ở Sài Gòn, tôi có gặp Thanh (em gái của Sách), có kể cho tôi nghe về chuyện gia đình Thanh không thích người chồng trước của Sách, chính Sách chọn lựa chứ không có gia đình xía vào chuyện nầy. Hình như trong ngày cưới có một chuyện gì đó xẩy ra đáng tiếc cho Sách, (tôi chỉ nghe Thanh kể mà không chú ý lắm, một phần cũng lâu ngày quá rồi nên chi loáng thoáng nhớ lại). Và người chồng sau nầy cũng không được gia đình đồng ý, nhưng không có cách nào ngăn cản lại được. Hơn nữa con gái mình cũng lỡ thời, nên không còn con đường nào khác chọn lựa. Thanh có nói thêm (hình như là để an ủi tôi chăng?) gia đình em thích anh hơn.

Tôi qua California thăm người chị bà con mới từ Úc qua. Chị cho tôi biết là vừa rồi có về Việt Nam thăm nhà, chị mới nghe tin Sách đã ly dị với người chồng sau, chị hỏi tôi có biết tin nầy chưa? Tôi lắc đầu. Không biết tại sao tôi không ngạc nhiên về chuyện nầy. Từ lâu tôi nghĩ rằng Sách sẽ không được hạnh phúc với người chồng sau nầy. Tôi có cảm giác như vậy, còn lý do vì sao tôi mang ý nghĩ nầy thì quả thật khó giải thích. Tôi nghĩ trong đầu Sách sẽ khổ hơn, sẽ gặp rắc rối hơn khi tiếp tục sống với nhau. Thà như vậy, đường ai nấy đi để giải thoát những bế tắc cho nhau mà không nói ra được. Sách đúng là người đàn bà cao số. Sau khi nghe tin tức không may của Sách về chuyện gia đình, tự nhiên tôi thấy thương Sách hơn. Suốt một cuộc đời lao đao với chuyện chồng con, chỉ có nước mắt âm thầm trong đêm, khóc cho người chồng nầy rồi khóc cho người chồng khác. Gần cuối cuộc đời sống trong lẻ loi cô quạnh. Đời một người đàn bà chỉ có một lần có quyền được chọn lựa, sơ sẩy xem như đi đong không thể trở lại. Sách nằm trong trường hợp nầy. Nói thế không phải vì Sách không chọn tôi nên mới gặp những trường hợp đáng tiếc xẩy ra. Biết đâu khi chọn tôi trường hợp xẩy ra còn thê thảm hơn thì sao? Cuộc đời dài lắm và cũng ngắn ngủi lắm, làm sao biết được chuyện gì sẽ xẩy ra.

Tôi đi Mỹ (1990) không có cơ hội gặp được Sách. Hình như tôi có gửi cho Sách một vài lần tiền nhờ người quen mang về. Nhưng sau đó thì bặt tin, tôi không liên lạc được do mất địa chỉ vì tôi dọn nhà đi nhiều lần. Gần hai mươi năm sau tôi mới có dịp gặp lại Sách khi tôi trở về Việt Nam thăm nhà vào dịp tết 2008. Không biết ai báo tin cho Sách tôi mới về. Một buổi tối sau khi dùng cơm với gia đình xong, tôi ngồi ở phòng khách xem tivi, thì đứa em vào báo có một chị bạn tìm tôi. Tôi nhìn ra ngoài hiên, ánh đèn mờ quá tôi không nhận ra Sách, mà thú thật Sách đổi khác nhiều quá. Bao nhiêu tai ương ụp xuống đời một người đàn bà, cộng với sự nghèo khổ, chăm lo cho gia đình và các con, đã làm cho Sách héo hon, tiều tụy. Sách khép nép nhìn tôi, trong một giây phút bất thần tôi không nhận ra được. Sau đó thì Sách cười tôi mới nhận ra. Nụ cười của Sách rạng rỡ tôi không bao giờ quên được. Vì mới gặp nhau chúng tôi chỉ trao đổi những thăm hỏi, khi đụng tới chuyện gia đình thì Sách bảo là buồn lắm để khi khác sẽ kể cho tôi nghe. Quả thật Sách không biết ở Mỹ, tôi đã biết về chuyện ly dị của Sách trước đây mấy năm.

Trong thời gian vào dịp Tết, tôi cũng bận rộn nhiều chuyện. Lâu ngày mới về nên phải đi thăm bà con chỗ nầy chỗ kia, đi thăm bạn bè. Thì giờ đi thăm thì không tốn mấy, nhưng sau khi gặp nhau thì uống với nhau vài ly rượu, sa đà vào chuyện nầy không còn thì giờ đâu để làm chuyện khác. Tôi có gặp Sách vài lần ngắn ngủi, những lần gặp nhau tôi chú ý tới một điều là Sách đã thay đổi tính tình rất nhiều. Đăm chiêu và nói chuyện cay đắng hơn. Có lẽ những đau đớn về chuyện đổ vỡ gia đình, đã cho Sách những bài học muộn màng về tình người, sâu sắc trong cuộc sống, thận trong trong giao tiếp. Đúng ra bài học nầy Sách phải biết trước đây vài chục năm, thì chắc rằng đã cứu vớt cuộc đời của Sách sau nầy. Không bị lún sâu trong những quyết định bồng bột, non nớt, để phải trượt chân trên đường đời một cách thê thảm như vậy. Mà cũng chính sự đau khổ nầy cho Sách nếm qua cái mùi “bội bạc” của người khác dán lên đầu mình, nặng hơn ngàn cân mà mình phải gánh chịu. Cái gì của Sách đối đãi với tôi ngày trước, bây giờ Sách nhận lấy cái hậu quả đau đớn gấp trăm lần mà tôi đã chịu. Những lọc lừa, dối trá, mà trước đây Sách đã dùng để đối xử với tôi, bây giờ người ta cũng dùng “chiêu” nầy để đối xử với Sách mà tàn nhẩn hơn, khốc liệt hơn. Ngày đó tôi yêu Sách thật, nhưng song song với Sách tôi cũng có người yêu khác. Mất Sách tôi cũng buồn nhưng tôi có Nguyện. Tuổi trẻ chuyện bồ bịch đến hay đi cũng bình thường, buồn một thời gian rồi quên ngay.

Một buổi tối tôi mời vợ chồng Đức và Sách đi ăn cơm và sau đó đi uống cà phê. Tôi ngồi nghe Sách kể về lý do ly dị với người chồng sau. Một lý do đơn giản là Châu đi chơi đâu đó, gặp một người đàn bà khác. Sau một thời gian ngắn thì Châu tuyên bố chia tay với Sách, về sống với người đàn bà kia. Sách nói với tôi là rất ngạc nhiên về chuyện nầy vì vội vàng và nhanh chóng quá. Thế nhưng khi nghe xong chuyện, tôi không ngạc nhiên. Chuyện Châu quyết định bỏ Sách cho đến thời điểm đó thì đã quá muộn, đúng ra chuyện nầy đã xẩy ra sớm hơn. Sách không nhìn rõ để thấy chuyện nầy. Lấy Sách nhưng lòng của Châu bao giờ cũng nhìn đi nơi khác, trông chờ có cơ hội sẽ buông tay với Sách ngay. Từ lâu nhìn Châu tôi đã thấy được chuyện nầy. Nhưng thôi đây chỉ là dự đoán của tôi, tôi mong rằng không đúng. Tuy nhiên Sách phải hiểu rõ một điều thực tế. Một người con trai khi lớn lên lấy vợ, ai cũng mong rằng người vợ của mình còn trong trắng. Nếu người vợ không dành cho chồng cánh hoa tươi rói đó thì người chồng có cảm giác mình bị cắm sừng. Huống gì đây người vợ đã có vài mặt con thì trong lòng họ cảm thấy bị thiệt thòi biết mấy. Châu ở vùng quê mùa, đầu óc không thoáng lắm, còn quan niệm lỗi thời và còn bị ràng buộc bởi gia đình cổ hủ. Tôi nghĩ khi Sách về làm dâu nhà nầy đã nghe tiếng chì tiếng bấc về chuyện nầy. Sở dĩ hai người có con với nhau nên nhẹ bớt đi cái chuyện xỉa xói của gia đình.

Đúng ra Châu nên có tấm lòng bao dung, hiểu được hoàn cảnh đau thương của vợ, mình lấy họ tức là mình đã cứu vớt cuộc đời của họ, phải sống với nhau bằng tình thương yêu. Nếu thấy rằng lòng mình không rộng lượng như vậy, thì từ đầu mình nên rút lui, để đừng gây thêm đau khổ cho mình và cho người khác. Sách thì không chịu hiểu cái điều thâm sâu bí hiểm đó, nên đau khổ và trách móc đủ thứ.

Trước khi tôi rời Đà Nẵng, Sách đến thăm tôi lần cuối. Có lẽ là lần đầu tiên tôi mới nghe Sách nhận xét về tôi. Sách nói trong nghẹn ngào: “Cuối cùng rồi em mới thấy được, không có ai yêu thương em bằng anh”. Tôi nhìn Sách và thầm nghĩ rằng: “Anh cũng không được như vậy, chỉ có chính em mới thương em”. Đến một cái tuổi nhìn cuộc đời trải qua những bon chen, danh lợi. Những tranh giành, hơn thua. Rồi đến một lúc nào đó ta thấy tất cả chỉ là trò hề. Chỉ còn đọng lại chút tình còn sống lại trong lòng. Hãy sống với nhau bằng thủy chung, chân thật. Tôi biết Sách cay đắng với đoạn đường đã trải qua, những nghiệt ngã giáng xuống đời một cách cay nghiệt, cũng bởi vì khi còn trẻ không trân trọng sự chân thật, chạy đua để nắm bắt được danh lợi, nên phải trả một giá rất đắt bằng chính cuộc đời của mình. Không ai có đủ quyền năng can thiệp được những chuyện nầy, nên khi nhận thức được thì đã muộn màng. Trước khi lên taxi ra về, Sách chạy đến ôm tôi, tôi cúi xuống hôn lên trán Sách rồi Sách lầm lũi lên xe. Đức và Thê đứng nhìn cảnh nầy cũng ngậm ngùi, rưng nước mắt. Tôi biết Sách khi lên xe sẽ khóc, nhưng biết làm sao hơn khi chính mình định đoạt cuộc sống của mình, thì mình phải lãnh hậu quả của sự quyết định đó./

tháng 6 năm 2010.
Phan xuân Sinh


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email Địa chỉ AIM
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Phan Xuân Sinh Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI