Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Cho Em Những Giọt Máu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Sáu 6 18, 2010 12:02 pm    Tiêu đề: Cho Em Những Giọt Máu Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Truyện Ngắn

Cho Em Những Giọt Máu
Hoàng Thủy Biển

I.

Tảng củi bi bằng lăng đè trên vai, kéo lưng Quân oằn xuống. Quân đứng sát cạnh đường rầy, mắt ngóng về cái đuôi khói xám trải dài như đuôi con sóc khổng lồ bay trên nền trời chiều tím thẫm. Chuyến tầu hỏa từ Sài Gòn ra, sắp tới, muộn hơn mọi ngày. Quân trong tư thế sẵn sàng chạy . . . .

Con tầu hỏa chui đầu vào sân ga. Nó chưa ngừng lăn bánh hẳn, Quân đã vác khúc củi chạy theo. Vừa chạy Quân vừa đảo mắt tìm một toa tầu còn khoảng trống có thể quăng củi lên. Rồi tầu ngừng hẳn lại trước sân nhà ga nhỏ.

Tìm được một toa còn thừa chỗ, tuy cách đống củi một quãng khá xa, Quân lăn khúc củi vào lòng toa. Tiếng chửi rủa từ trong lòng toa văng ra:
“Đồ quỷ sứ, vứt củi lên không ngó, làm mông bà đau điếng.”

Mặc kệ, Quân nghĩ, dư hơi đâu để tai nghe mấy con mẹ đi buôn ngoa ngoắt; thời buổi này mạnh ai người nấy sống. Quân cắm đầu chạy ngược về đống củi. Tới bên đống củi, Quân ngồi chồm hổm xuống cho thằng em trai chất một khúc củi khác lên vai. Chạy tiếp. Chạy tới rồi chạy lui. Vác gần hết nửa đống củi thì tầu ré lên một hồi còi dài, báo hiệu sắp rời ga. Hôm nay tầu đến ga muộn, và rời ga sớm. “Khốn nạn,” Quân rủa thầm, “Còn hơn cả nửa đống.”

Quân phóng mắt về phía sân ga. Nửa đống củi lầm lì nằm bên cạnh đường sắt chờ đợi. Thằng em trai đã biến đâu mất tiêu. Có thể nó đã phóng lên tầu rồi chăng? Không an tâm, Quân lại cắm đầu chạy ngược về phía sân ga.

Mớ cưa, rựa,và túi vải đựng đồ ăn không còn nằm bên đống củi. Thời buổi này trộm cắp nhiều như rươi, một tên nào đó dám đã cuỗm mớ đồ nghề tiều phu kiếm sống của Quân. Mong sao thằng em trai đã mang chúng lên tầu.

Quân đứng lớ ngớ trước sân ga. Mắt quạt một vòng cung trong cố gắng cuối cùng tìm kiếm bóng dáng đứa em trai. Chẳng thấy mặt mũi nó đâu cả. Tàu lại hú thêm một hú còi, rồi xục xịch xục xịch chuyển bánh. Quân nhìn nửa đống củi nằm lại, tiếc xót. Phải mất hai ngày trời mới kiếm được đống củi ngon lành như thế này. Được thêm khúc nào thì có thêm một tí tiền đỡ khổ, ý nghĩ bòn mót xoẹt qua đầu. Quân lập tức ngồi xuống, khom lưng tự mình chất một tảng củi lên vai, chạy về hướng toa.

Tàu chạy. Đuôi tàu đã ra khỏi nhà ga. Quân vác tảng củi rượt theo. Miệng lẩm bẩm, tao sẽ bắt kịp mày. Gần tới. Chỉ vài toa nữa thôi. “Rán lên! Rán lên!” Quân nhũ thầm để tự động viên mình. Tàu tăng tốc, lao đi, mỗi lúc mỗi nhanh hơn. Quân rượt theo, nhanh hơn. Tảng củi trên vai Quân chóc đầu xuống, nửa như muốn lăn tuột khỏi vai nửa như muốn kéo dí hai bàn chân Quân chôn xuống đất. Một cánh tay Quân xiết chặt qua chu vi tảng củi, áp nó sát vào cần cổ mình. Chỉ còn một toa nữa thôi mà! Rán lên! Rán lên! Khi chạy qua một toa tầu, Quân nghe loáng thoáng tiếng đứa em trai gọi Quân. Và Quân nghe tiếng thở mình hồng hộc. Mắt Quân cay xè, loà dần khi những giọt mồ hôi lăn vào mắt.

Sức Quân đuối dần. Tầu lại chạy nhanh hơn. Quân có cảm tưởng là Quân đang chạy giật lùi. Khoảng cách giữa Quân và con tầu càng lúc càng xa hơn. Chắc không kịp mất, Quân nghĩ. Và Quân không muốn nằm kẹt lại thêm một đêm ở khu rừng này. Hầu như cùng lúc với ý nghĩ này lóe lên, Quân nghiêng người cho tảng củi lăn khỏi vai mình. Người Quân bỗng nhẹ tâng như có thể bay bổng lên. Quân xả hết sức rượt theo con tàu. Khi còn cách toa cuối chừng một sải tay, Quân phóng người lên, một bàn chân bám được thành cửa toa, một tay nắm được mép cửa. Tầu vùn vụt. Gió vèo vèo. Toàn thân Quân đu bám bên mép cửa, lung lay như một chiếc lá dính vào một cành cây trong gió.

Chừng vài giây sau, Quân thấy một bàn tay nhỏ nhắn, gầy guộc thò ra cho tay Quân nắm lấy. Và kế đến là một khuôn mặt thiếu nữ nhập nhoà trong nắng chiều vàng vọt.

“Cầm lấy tay tôi,” cô gái nói, “Tôi kéo anh vào.” Mắt cô gái nhìn Quân bằng một ánh mắt đằm thắm mà từ lâu lắm rồi Quân mới nhìn thấy lại.

Quân cảm thấy ngượng ngập, nói: “Cám ơn cô.” Quân thở hổn hển. Tôi có thể tự vào được.” Quân nghe hơi thở của mình đã đứt thành những khúc ngắn.

II.

Lọt hẳn vào lòng toa tàu, Quân muốn nghẹt thở. Mùi nước tiểu khai nồng, mùi cá ươn tanh tưởi lờm lợm, và mùi mồ hôi nhớp nháp, trộn cùng đủ thứ mùi hôi hám tạp nhạp, đánh thốc vào mũi Quân. Và chừng vài giây sau, Quân cảm thấy choáng váng, đầu óc quay vòng vòng như một con cù quay. Toàn thân Quân mệt lã, rã rời tựa như đã bị băm vằm từng mảnh. Quân gần như ngất xỉu, muốn ngả qụy. Cắp mắt lòa đi, mọi vật thể nhoà nhạt qua một màn sương mù. Mồ hôi vã ra trên trán và dưới những chân tóc. Mồ hôi nhúng nước chiếc áo kaki ướt nhẹp. Quân thả người ngồi bệt xuống sàn toa tầu, lưng tựa vào vách toa, tay nắm chặt mép cửa, thở hồng hộc. Rồi đột nhiên ruột gan Quân muốn trào lên cổ họng. Quật bịt miệng, thò đầu ra ngoài của toa. Mửa thốc, mửa tháo. Cặn bã thức ăn độn sắn theo nước vàng nước xanh ộc trào ra cửa miệng.

“Anh có sao không?” Cô gái nói, giọng cô nhỏ nhẹ và dịu dàng.

Quân ngoái đầu qua bờ vai, ngó cô gái, và thều thào: “Cám ơn cô, tôi không sao cả.”

Vừa nói Quân vừa quặp người ho. Những cơn ho dài nối đuôi nhau như muốn xé rách cổ họng và nẩy tung người Quân lên.

“Dám anh trúng gió lắm.”
“Tôi không sao đâu, chỉ hơi mệt chút thôi.”

Quân dùng ống tay áo lau nước nhờn, nước dãi sền sệt dính quanh miệng. Đỡ mệt, Quân đứng lên, nhìn quanh lòng toa. Những khúc củi nằm lầm lì trong một góc toa như thầm nói với Quân rằng: “Tuị tao nằm đây chờ mày nãy giờ đó nghe.” Cô gái đứng sau vai Quân, cách cỡ một gang tay. Đầu cô cao ngang tới vai Quân, thân hình mảnh khảnh, mái tóc dài chấm vai. Ráng chiều soi thấy một khuôn mặt chưa phai hết nét nữ sinh.

“Anh thoa một chút vào mũi,” cô gái nói, mở nắp, trao Quân một cái chai nhỏ.

Quần cầm lấy, rồi nhỏ vài giọt trên đầu ngón tay trỏ, thoa lên mũi hít sâu. Mùi dầu Nhị Thiên Đường chui vào mũi Quân, cay nồng.

“Cám ơn cô,” Quân nói, ngắm kỹ khuôn mặt thiếu nữ. Khuôn mặt cô trắng xanh, có vẻ yếu đuối. Đôi mắt nâu ánh lên nét dịu hiền, ươn ướt nét đa tình. Gọng kính trắng đậu trên sóng mũi cao thẳng tắp. Cô có vẻ như một nữ sinh vừa rời bỏ trường lớp.

“Anh làm nghề đốn củi?” cô gái nói.
“Vâng. Như cô đã thấy,” Quân nói.
“Nghề làm củi coi bộ cực quá hả anh?”
“Nghề nào có nỗi cực riêng của nghề đó, phải không cô?” Quân nói. “Thế mà còn đỡ cực hơn đi biển.”
“Anh còn làm nghề đánh cá nữa hả?”
“Và nhiều nghề lặt vặt khác nữa nếu có thể gọi chúng là nghề.”
“Anh làm gì nhiều dữ vậy. Tiền để đâu cho hết.”
“Làm theo khả năng mà. Còn tiền thì tôi bỏ vào nhà băng, biết mấy cho đủ.”
“Còn nhà băng đâu nữa mà ký thác, anh.”
“Thì tôi cho người ta vay kiếm lời. Nhưng chẳng may, người ta giật, chạy làng hết trơn trọi.” Quân cố nín cười. đóng một bộ mặt nghiêm trang.

Người thiếu nữ cười tủm tỉm: “Anh nói nghe như thiệt vậy đó.”
“Cô không tin sao?”

Quân nói một câu thừa thãi. Dĩ nhiên, cô không tin Quân. Ai có thể tin một người vừa vác những tảng củi rượt đuổi theo con tầu, mệt ná thở, mửa thốc mửa tháo, mật xanh mật vàng ọc trào ra, lại là người có tiền cho kẻ khác vay được chứ.

“Anh dư tiền thì cho tôi vay,” cô gái nói. “Tôi không giật đâu mà lo.”
“Cô mà cũng cần tiền sao?”
“Ai mà chẳng cần tiền, phải không anh. Vả lại, tôi còn cần vốn để đi buôn. Kỳ rồi tôi bị lấy sạch bách cả vốn.”

Giọng cô đều đều thản nhiên, không phải giọng bực tức cay cú của một kẻ bị mất của. Quân không rõ cô đang nói thật hay nói đùa.

“Cô mà cũng đi buôn sao?”
“Anh nghĩ coi, không đi buôn thì tôi biết làm gì giờ.”

Từ ngày đất nước đổi chủ, trên những chuyến tầu hỏa, dân đi buôn đủ mọi hạng người trám nghẹt các toa tầu chợ. Lạ kỳ, trong một xã hội lên án buôn bán, cho là phi sản xuất, thì càng ngày lại càng có nhiều người đi buôn hơn. Dĩ nhiên là buôn lậu; mọi sản phẩm dù là nhu yếu phẩm đều bị qui là hàng hoá quốc cấm.

“Cô buôn hàng gì?”

Cô gái chỉ tay vào hai cái can nhựa cột vào nhau nằm bên cạnh hai bao vải mầu xanh lá cây, loại bao cát làm hầm trú ẩn của lính chế độ cũ.

“Tôi buôn nước mắm,” cô nói. “Và cả cá khô nữa.”

Quân nhìn cô gái, ngạc nhiên trộn lẫn xót xa. Khuôn mặt cô trắng xanh, còn sót lại nhiều nét nữ sinh, chưa phai hết một nhan sắc của một thứ hoa quả chưa chín tới. Nhiều lần trên những chuyến tầu đông nghẹt, trên những hè đường phố chợ, và trên những vùng rừng rú thâm u, Quân đã bắt gặp nhiều thiếu nữ bị mưa nắng xóa hẳn nét ngây thơ trong trắng của tuổi mới lớn. Và nỗi cơ cực của cuộc sống đã tàn phá nhan sắc họ đến độ họ có thể không còn muốn soi gương nhìn lại chân dung mình. Quân nhìn ngắm cô gái kỹ hơn, từ trên đỉnh đầu xuống tới bàn chân. Dáng cô gái mỏng dòn quá làm sao cô có thể mang vác nổi hai can nước mắm, mỗi can hai chục lít, và hai bao cá khô, mỗi bao ít nhất nặng cả chục ký. Nhưng tảng củi đè trên vai Quân có thấm tháp gì so với gánh nặng đè trên vai cô.

Quân quay mặt ra bên ngoài cửa toa, như cố giấu nỗi buồn vừa nhen lửa trong hồn. Nỗi buồn của lớp tuổi trẻ như cô như Quân, bị quăng ra đời trước tuổi, và chưa hề chuẩn bị để bị quăng ném, lăn xả vào cuộc kiếm tìm cơm áo. Đâu phải là nỗi khổ riêng của mỗi mình ai, Quân nghĩ, mà là nỗi khổ chung của hầu hết mọi người phải gánh chịu sau chiến tranh.

Bóng tối đã ùa về. Cánh rừng chạy ngược, vụt qua. Cành lá vẫy tay mờ mờ trong bóng đêm. Quân móc bao thuốc rê, vấn một điếu, châm lửa, hút bập bập. Một khoảng im lặng trôi qua dài bằng thời gian tàn một điếu thuốc. Quân và cô gái, chốc chốc nhìn nhau, không nói gì, và ném mắt ra ngoài khoảng không của đêm đen.

Cô gái bỗng cất tiếng nói: “Anh tên gì vậy, anh?”

Một câu hỏi bình thường, nhưng Quân ngạc nhiên câu hỏi ấy thốt lên từ môi cô gái. Nhiều lần, Quân đã muốn hỏi tên cô. Nhưng Quân nghĩ lại, trong một gặp gỡ tình cờ qua mau, biết tên nhau rồi cũng sẽ quên nhau. Sau khi bước xuống tầu, mỗi người sẽ như mỗi nhánh sông trôi về những dòng chảy khác nhau, mãi mãi chẳng bao giờ hạnh ngộ. Không cần thiết phải biết tên cô. Và có cần thiết cho cô biết tên Quân không? Quân nhìn cô gái, nói: “Cô thực sự muốn biết tên tôi.”

“Không cần lắm đâu anh. Nhưng . . . dẫu sao vẫn tốt hơn là nói chuyện với một kẻ vô danh, phải không anh?”

Ba tiếng “phải không anh” thốt ra từ môi cô nghe ngọt ngào và chân thật, tựa như tiếng bùa chú có khả năng mê hoặc người nghe. Và Quân nghĩ, danh? Vô danh? Tại sao loài người đặt ra tên tuổi, chức tước gì cho phiền hà cuộc sống nhỉ? Quân muốn bịa ra một cái tên Hùng, Dũng, Cang, Cường hoặc một cái tên vớ vẩn nào đó, trả lời cô cho qua chuyện.

“Mẹ tôi gọi tôi là Cu Tí,” Quân nói.
Cô gái cười khúc khích: “Cu Tí? Cái tên nghe ngồ ngộ. Còn mọi người khác gọi anh bằng tên gì?”
“Quân. Bạn bè tôi gọi tôi là Quân Khùng. Còn cô?”
“Mẹ tôi gọi tôi là Cái Mẹt. Người khác gọi tôi là Cái Lan.”
Quân oà cười. “Cái Mẹt. Tên nghe cũng hay hay.”

Quân hơi nghi ngờ Lan là tên thật của cô. Nhưng cũng chẳng sao. Mai hay Lan hay Cúc hay Trúc, hay Cái Mẹt thì có khác nhau gì đâu. Tên nào chăng nữa thì nó cũng không nằm lâu trong trí nhớ Quân. Đời sống mới quần Quân ná thở xanh mặt, hơi sức đâu bận tâm tới một kẻ mà Quân “chỉ gặp một bận, chân xa mau lòng chưa kịp giao thân.”

“Anh ở Phan Thiết phải không?”
“Vâng. Đó là cái nơi tôi tởm nhất trên đời.”
“Coi bộ anh thích thù ghét hơn thích yêu thương. Sao mà lạ thế?”
“Tôi không hiểu. Có lẽ tôi ghét lũ người chung quanh tôi.” Quân nói, và những khuôn mặt tô son trét phấn che giấu lòng dạ mánh mung chợ trời trong khu xóm đồng loạt hiện về trong tâm trí Quân.
“Ồ, ở đâu mà chẳng có vài người chung quanh mà mình không ưa,” cô Lan nói. “Và nhiều người không ưa mình, phải không anh?”
Câu nói làm Quân bất giác giật mình. Tâm hồn cô có vẻ bao dung và an ổn, Quân nghĩ. Còn tâm hồn Quân là một rương chất cứng hận thù và cay cú.
“Còn cô, chắc từ Sàigòn ra?” Quân nói.
“Trước bảy lăm tôi chỉ sống ở Sàigòn. Còn hiện nay tôi vừa ở Sàigòn vừa ở Long Khánh.” Lan nói, vén tóc qua hai vành tai. Trong giọng nói cô, Quân nghe được một điều như đổ vỡ và điều kia như nuối tiếc. Cô nói tiếp: “Còn anh? Phan Thiết, anh ở vùng nào?”
Quân nói tên khu phố mình đang cư ngụ.
“Lan biết chỗ đó,” Giọng Lan reo vui như hạnh ngộ một thân quen. “Lan có bà chị ruột sống cùng khu phố với anh.”
“Chị cô tên gì? Có thể tôi biết.”
“Chị tôi tên Hồng. Anh biết chị Hồng không?”
“Ai chứ chị Hồng thì tôi xa lạ gì. Chị ấy làm nghề dạy học phải không?”
“Chị của Lan đó.”

Bỗng con tầu hỏa ré lên một hồi còi. Tầu sắp vào ga Phan Thiết. Tiếng rầm rì nhốn nháo như bầy lợn đòi ăn nổi lên trong lòng toa. Mọi người đều đứng lên, gồng gánh lên vai sẵn sáng bước ra khỏi toa.

Con tầu bò vào sân ga.

Cô gái bước xuống trước. Quân chuyền tay cho cô gái những cái can không dùng đựng nước mắm.

Dưới sân ga, cô gái ngước lên nhìn Quân giọng nhỏ nhẹ: “Lan cám ơn anh Quân.”
“Tôi cám ơn cô mới phải.”

Quân định nói thêm: “Cám ơn bàn tay cô. Và cám ơn lọ dầu Nhị Thiên Đường.” Nhưng nghe sặc mùi cải lương nên thôi.

“Có dịp Lan sẽ ghé thăm anh. Lan không quên anh đâu.”

Một niềm rạo rực cũ ngỡ đã chết tự lâu, chợt phục sinh rộn ràng trong Quân. Quân nói: “Cô đừng trêu tôi, bắt tôi chờ mà tội nghiệp.”

“Anh đừng chờ,” Lan nói, ánh mắt cô tha thiết, “Nhưng Lan sẽ tới thăm anh. Không biết ngày nào nhưng chắc chắn Lan sẽ đến.”

Cô gái tên Lan biến mất trong đám người lục tục tuôn vào nhà ga.

Quân quay đầu vào lòng toa, nhìn đống củi nằm im ỉm lăn lóc trên sàn toa. Lòng Quân chưa hết tiếc nửa đống củi bỏ lại.



III.

Tháng Mười biển triền miên động. Từ đầu tháng kéo dài suốt cả tuần, những cơn bão ùa về tới tấp, cày nhàu mặt biển. Sóng bạc đầu, sóng trùng trùng, sóng lớp lớp, dâng cao như những ngọn núi đứng chắn ngư phủ ra khơi. Ghe thuyền đánh cá đành nằm phơi mình trên bãi, ngửa lòng hứng mưa gió ào ào chém xuống. Hàng dừa dọc bãi biển cong oằn nghiêng ngả giữa bầu trời mưa bão. Quân, cũng như thuyền, đành nằm chèo queo ở nhà, ngáp gió đến mục rã cả người. Mọi năm, vào những tuần biển động, Quân cùng thằng em trai lên rừng đốn củi kiếm sống thêm. Năm nay, nhà nước ra lệnh cấm rừng, và hễ ai đốn củi phá rừng sẽ bị bắt giam. Thế là Quân chẳng biết làm gì có thêm tí tiền, đành tự giam cầm trong nhà suốt ngày đến nẫu cả ruột. Thôi thì cứ nằm chờ bão qua, gió yên, biển lặng.

Và niềm vui từ xa tới: Quân nhận được thư Lan. Lá thư ngắn, vỏn vẹn hai trang giấy, nhưng phải mất hai tuần lễ mới lết từ Long Khánh tới tay Quân ở Phan Thiết. Trong thư, Lan viết:
. . . . Lan đã về sống hẳn ở Long Khánh rồi, không còn ở Sài Gòn nữa. Lan hết có dịp ra Phan Thiết thăm anh rồi vì mẹ Lan không cho Lan đi buôn nữa. Mẹ Lan bảo con gái mới ngoài hai mươi mà đi buôn thì nguy hiểm lắm. Mẹ bắt Lan ở nhà, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, chứ đi buôn làm mẹ lo đủ thứ lo. . . . .

Và những giòng chữ Lan cuối thư nói điều thương nhớ. Lan muốn Quân vô Long Khánh thăm nàng. Lan viết: Anh vào thăm Lan với. Lan mong. Và Lan nhớ.

Quân đang kẹt tiền, không biết đào đâu ra vài đồng tiêu vặt, nói chi tới chuyện vào thăm Lan, ít nhất phải có vài chục. Quân nhớ Lan nhưng chỉ biết thở dài. Để mặc cho nỗi nhớ từng ngày nhân hai lên.

Vào một chiều mưa gió đập rầm rầm xuống mái tôn, Quân đang nằm chèo queo trên phản thì Long từ đâu lò mò bò mặt tới. Hắn cởi chiếc áo tơi treo lên lên một cái đinh trên vách gỗ, móc túi áo sơ mi, lôi ra bao thuốc lá Lao Động, ném về phía Quân.

Quân tung mền, ngồi phắt dậy như một kẻ liệt giường vừa lành bệnh. Quân chụp gói thuốc nằm trên mặt phản như một kẻ ăn mày bắt được vàng. Quân đang thèm thuốc lá nhỏ dãi cả hai hôm nay. Thuốc lào, hết; thuốc rê, sạch. Thậm chí những mẫu tàn thuốc rê dán trên vách để dành lúc thèm khói cũng sạch trơn.

“Hôm nay trúng mánh gì mà bảnh quá vậy, mày?” Quân nói.
“Mánh mung mẹ gì. Mới lãnh lương,” Long nói.

Quân ngạc nhiên, nghĩ hắn làm nghề chạy xe lam chở cá lên tỉnh, mà cả tháng nay biển động thì mày cũng nằm nhà ngáp gió đuổi ruồi như tao thôi. Hơn nữa, chiếc xe lam cà rịch cà tang của hắn đang bị hư máy, nằm liệt cả mấy tuần nay. Tiền đâu hắn có?

“Lãnh lương? Mày làm quái gì có lương mà lãnh.”
“Sao không. Hai tháng lãnh một.”

Quân nhìn chăm chăm vào mắt Long. Ánh mắt hắn không lộ ra một nét dối trá nào. Khuôn mặt hắn thản nhiên, tỉnh khô. Quân bóc gói thuốc lá, rút một điếu, châm lửa đốt. Mùi thuốc lá có khả năng đánh thức cái đầu trơ lì khiến Quân cảm thấy sảng khoái phấn chấn.

“Quên cái chuyện lương bổng của mày đi. Tao đang đói nhăn răng ra đây,” Quân nói. “Có tiền, đưa mượn hai chục.”
“Trụi!”
“Mày mới lãnh lương mà.”
“Đêm qua nướng xì phé cháy túi.”
“Hễ có tiền thì chui vào xòng, quên tao. Hết tiền, mày vác mặt tới tao làm khỉ gì.”
“Mượn tiền mày. Đêm nay vào xòng, hốt lại.”
“Tao đang cần tiền cháy ruột cháy gan ra đây, không biết đào đâu ra vài đồng.”
“Mày cần tiền thiệt sao?”
“Tiền, tất nhiên là cần rồi. Mà mày cũng chẳng giúp được gì tao.”
“Bao nhiêu?”
“Hai chục.”
“Chỉ hai chục thôi sao,” Long nói. “Tám giờ ngày mai mày đi theo tao, lấy ba chục về xài tạm.”
“Mày nói nghe như phép lạ.”
“Cần quái gì phép lạ. Mà nếu mày tin vào phép lạ thì,” Long nói, mặt ngửa lên trần nhà, “Theo tao. Có ngay.”
“Mồm mày chỉ láo phét! Cách nào nói nghe thử coi.”
“Thọc huyết.”
“Thọc huyết? Máu heo hay máu bò?”
“Máu người. Máu mày,” Long nói. “Dám không?”

IV.

Quân hôn tờ giấy bạc mười đồng thơm mùi giấy mới. Từng tờ một, ba lần. Rồi Quân nhét chúng vào túi quần sau đít. “Nằm yên sau đít nghe em,” Quân nói thầm, “mất em là anh lúa đời đó em ơi.” Ba chục bạc tiền mới, bằng mười lăm ngàn tiền cũ, là giá bán một phần lượng máu của Quân. Số tiền này là tấm giấy thông hành cho phép Quân vào Long Khánh thăm Lan. Một bịch máu, đổi lấy ba chục bạc, biến thành niềm vui nhảy nhót trong lòng Quân. Và niềm vui hoá thành nụ cười nở hoa trên môi Quân theo suốt lối đi lát sỏi dẫn ra khỏi bệnh viện đa khoa Phan Thiết.

Long đang ngồi ở cái quán cóc phiá ngoài bức tường gạch của bệnh viện. Quân đi về phiá Long. Tới quán, Quân kéo chiếc ghế đẩu, ngồi xuống, và có cảm giác hụt hẩng chơi vơi của một chiếc lá đang rơi trên không. Quân nhìn Long và bắt gặp hắn đang cười ruồi. và không hiểu hắn cười cái quái gì. Hắn cầm ly cà phê còn sót lại vài cục nước đá lại dưới đáy ly, lắc qua lắc lại như cố vắt cho bằng hết những giọt cà phê.

“Ra chợ kiếm cái gì dằn bụng mày,” Quân nói.
“Tao đang đói khô cả xương ra đây,” Long nói. Hắn kéo ghế, trả tiền cho bà chủ quán xồn xồn. “Vả lại, mày nên cháp cái gì bồi dưỡng cho luợng máu mất mát.”
“Thì đi. Nhanh lên.”
“Đi thì đi.”

Quân và Long đi dọc theo bờ sông Mường Mán. Mưa mù trời mù đất. Gió từng đợt từ ngoài biển thốc vào, tru tréo. Những gốc cây hai bên đường lảo đảo ngả nghiêng, quặn mình hú lên những tiếng kêu sầu thảm giữa bầu trời mưa bão.

Khi đi ngang toà nhà Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã, Quân bỗng choáng váng, xây xẩm. Cảnh vật quay cuồng. Quân có cảm giác thân thể như một gốc cây bị trốc rễ, sắp đổ ngả. Quân ôm đầu, còng lưng, rán bước tới một gốc cây gần nhất.

Long mỉm cười. Giọng cười có vẻ trêu chọc. “Sao vậy mày? Đoạ hả?” Long nói. “Mày yếu xìu như sên. Yếu vậy e không sống lâu.”
“Tự nhiên sao tao muốn xỉu quá, mày ơi.”
“Tự nhiên gì mà tự nhiên. Mất máu thì tất nhiên phải mệt rồi. Thằng nào thọc huyết lần đầu cũng như thế cả. Lát nữa khoẻ lại ngay.”

Quân ngồi bệt xuống một lề đường ngập nước mưa.
Long đứng bên cạnh thản nhiên phì phèo thuốc lá.
“Tao van mày đừng xỉu trước toà Ủy Ban Nhân Dân mày. Công an ra hỏi này hỏi nọ, lôi thôi lắm,” Long nói. “Lựa chỗ khác mà xỉu.”
Quân tựa lưng vào thân cây, muốn nói: “Tao có muốn xỉu đâu mà lựa chọn chỗ để xỉu.” Nhưng Quân mệt lả đành nín thinh.
Một chặp sau, Long nôn nóng hỏi: “Đỡ chưa mày?”
“Hơi hơi.”

Trời ngớt mưa, và gió dịu xuống, Quân cảm thấy cơn chóng mặt đã nguôi ngoai. “Ra chợ mày,” Quân nói.
“Ra thì ra.”

Quân và Long băng qua cầu, đi về phía chợ. Mua mỗi đứa hai quả trứng gà, rồi hai thằng vào cửa hàng ăn uống quốc doanh. Gọi mỗi thằng một tô phở tái và một chai bia cổ cao. Phở không ra phở--nhạt nhẽo lờm lợm. Bia không ra bia—không ga không hơi, nhạt như nước ốc.

Quân đập quả trứng, nút hết lòng đỏ, núc một ngụm bia cho lòng đỏ tanh tưởi lờm lợm tuột vào cổ họng. Đập thêm một quả trứng khác, núc thêm một ngụm bia. Gọi là bồi dưỡng nhằm đền bù lại cho lượng máu đã bán. Mẹ kiếp! Bồi dưỡng cái mả nội mày, Quân nghĩ.

Dù ngon dù dở, chai bia cạn và tô phở không còn một giọt nước. Thời buổi cơm độn đủ thứ này, bia và phở là những món xa xỉ phẩm, đã vắng mặt trong đời sống Quân từ hơn ba năm nay.

“Đế vương quá phải không mày?” Long nói, uống nốt ngụm bia còn sót dưới đáy chai. Hắn cười khà khà, nghe sảng khoái ngất trời xanh. Nhưng Quân biết đó là giọng sảng khoái giả vờ.
“Đế vương cái đồ chó. Mấy chén máu tươi chứ ít ỏi gì,” Quân nói.
“Nhằm nhò gì. Lâu lâu mày nên đi lọc máu cho sạch. Tống đi máu xấu, giữ lại máu tốt,” Long nói. “Cho cơ thể lành mạnh hơn. Biết không.”
“Biết hồi nào đủ lại số máu đã bán?”
“Vài tuần thôi. Lâu lắm là một tháng.”
“Máu chứ mày tưởng là nước đái sao?”
“Nhìn tao đây này. Tao đã thọc huyết cả chục lần mà có gầy thêm chút nào đâu.”
Quả thật là thằng Long không thể gầy thêm nữa. Hắn đã gầy tối đa rồi.
“Mày đã bán máu nhiều vậy sao?” Quân nói.
“Cứ mỗi hai tháng. Tao thọc huyết thường xuyên đến độ thằng bác sĩ Bắc Bộ quen mặt biết tên luôn mà. Tao đang cầu mong cho nhà thương cho thọc huyết mỗi tháng một lần thì đỡ khổ hơn,” Long nói. “Mỗi tháng một lần có nghĩa là có lương tháng hẳn hoi.”
Giọng hắn nói đều đều thản nhiên, coi chuyện bán máu như bán một món đồ cũ.
“Thôi, về mày,” Quân nói.
“Về thì về.”

Quân và Long rời cửa hàng ăn uống, bắt xe lam về nhà. Trời đã tạnh mưa, và gió ngừng rú riết. Trên đường về nhà, Quân suy nghĩ về những món cần mua để làm quà biếu Lan. Thoạt đầu, Quân nghĩ mua một chục khô mực, loại mực ống dài bằng nửa cánh tay. Nhưng lát sau Quân đổi ý. Nên mua một chai nước mắm nhĩ và dăm ký cá khô, Quân nghĩ. Mực khô là để ăn chơi; nước mắm và cá khô là để ăn thiệt. Thiết thực hơn. “Thiết thực hơn.” Quân lẩm bẩm, lặp lại ý tưởng.

V.

Chiếc xe đò tuyến Phan Thiết-Sàigòn chạy nhanh, thắng gấp, tấp vào lề quốc lộ. Quân đeo túi hành lý lên vai, tay cầm bao vải đựng cá khô và chai nước mắm nhĩ, bước về cửa xe. Gã lơ xe chờ Quân bước xuống hẳn khỏi xe, lẹ như một con beo gã phóng lên xe một bàn tay nắm mép cửa và bàn tay kia chào Quân theo kiểu nhà binh, rồi đập tay vào hông xe ra hiệu cho bác tài xế. Xe rồ máy, đâm thẳng vào lòng đường, mất hút.

Khoảng giữa trưa nhưng vắng nắng, bầu trời mầu chì ẩm đục. Những đám mây đen chùng thấp xuống như gần chạm đầu cánh rừng cao su. Quân đứng bên lề quốc lộ 1, nhìn dáo dác. Quân cảm thấy mình ngơ ngáo, không biết phải bắt đầu đi từ hướng nào: đi lên hướng bắc hay đi về hướng nam? Bên kia quốc lộ là ngôi nhà thờ nhỏ cất bằng ván gỗ mầu xám xịt trông mọn hèn, dáng xiêu vẹo như sắp mục rã. Bên cạnh ngôi thánh đường, về mé phải, là một cái tháp chuông thấp cũng bằng gỗ cây đứng chơ vơ câm nín dưới bầu trời u ám. Quân nghĩ nếu Lan hát thánh ca cho nhà thờ thì cứ vào nhà thờ hỏi tin thì chắc chắn sẽ tìm ra chỗ ở của nàng.
Những giọt mưa bắt đầu rải xuống trên đầu Quân. Quân ngó ngược ngó xuôi hai chiều quốc lộ, rồi cắm đầu chạy băng qua bên kia đường, đi về phía nhà thờ.

Mưa đổ xuống nặng hạt hơn. Quân chạy tới mái hiên nhà thờ núp tránh mưa. Gió thổi mạnh hơn, tạt nước mưa vào chỗ Quân đứng. Những vồng khoai lang hai bên hông nhà thờ đang ngập nước. Những gốc chuối nghiêng ngả như một lũ say loạng choạng trong gió mưa.

Quân cứ đứng dưới mái hiên thánh đường và nhìn màn mưa giăng kín trời đất. Chừng nửa giờ sau Quân nghe tiếng cánh cửa nhà thờ kẻo kẹt hé ra. Một bà sơ, khoảng tuổi năm mươi mặc áo dòng đen, lách qua cánh cửa, ngó chăm chăm vào Quân, ánh mắt nhìn Quân như nhìn một kẻ cù bơ cù bất. Quân chưa kịp mở miệng chào bà sơ thì bà với khuôn mặt đăm đăm đã lên tiếng:
“Xin lỗi, ông cần chuyện gì?”

Lần đầu tiên trong đời, Quân nghe người khác gọi mình bằng ông. Quân nói: “Thưa sơ, con từ Phan Thiết vào đây, muốn tìm một người bạn.”

“Xin lỗi, ông muốn tìm ai?”
“Dạ, con có người bạn tên là Lan. Cô ấy có hát trong ca đoàn nhà thờ.”
“Có phải cô Lan đeo kính cận phải không?” Bà sơ nói, giọng nghe đã bớt phần chất vấn.
“Vâng, đúng thế, thưa sơ.”
“Anh đã đi quá xa rồi. Anh phải đi ngược lại.”
“Xin nhờ sơ chỉ đường tới nhà cô Lan.”
“Dễ thôi, này nhé . . . .”

Quân mở banh cả hai tai lắng nghe bà sơ chỉ đường tới nhà người Quân yêu mến.
“Cám ơn sơ.”
“Chúc anh may mắn,” bà sơ nói, mỉm cười ý nhị. “Đừng đi lạc nữa nghe.”

Quân chào bà sơ, rồi vội vã rời mái hiên giáo đường, bước nhanh trở ra quốc lộ. Mưa vẫn còn tầm tã. Quân lầm lũi đi dưới cơn mưa tháng mười trút xuống ào ào như thác đổ. Cảnh vật chung quanh mù mờ như chìm trong màn mưa dày đặc. Toàn thân Quân ướt nhẹp. Bao cá khô sũng nước nặng hơn trong bàn tay Quân. “Chục ký cá khô ượt nhẹp rồi, còn gì là cá khô nữa,” Quân lẩm bẩm như cằn nhằn với cơn mưa, và tiếp tục bước. Theo như lời chỉ dẫn của bà sơ thì Quân phải đi ngược lại, về hướng bắc quốc lộ 1 chừng ba, bốn cây số nữa, rồi mới dừng lại ở con đường nằm bên hông nhà máy xay lúa. “Quên mẹ mất tiêu,” Quân càu nhàu với chính mình. Lan đã dặn mình phải xuống xe trước nhà máy xay lúa. Có chừng đó cũng không nhớ nổi. Quân tự trách mình hồi này đầu óc hoạt động hơi bất bình thường: ưa quên những điều đáng phải nhớ, nhưng lại hay nhớ những điều đáng phải quên đi.

Quân dừng lại bên con đường đất lún phún cỏ dại. Quân nhìn xuyên qua màn mưa trắng xoá về phía nhà máy xay lúa. Hôm nay nhà máy dường như không hoạt động, có lẽ là thứ bảy nghỉ việc chăng, hay là không có lúa để mà xay? Không có tiếng động hay bóng người cho Quân biết nhà máy mở cửa.

Mưa trút xuống. Gió nổi lên. Quân khom lưng cúi đầu bước ì ạch trên con đường bùn lầy trơn như thoa mỡ. Mấy lần Quân trượt chân, suýt bổ nhào xuống con mương ngập nước sát bên đường đất. Quân cởi đôi dép Nhật, chà bùn trên đám cỏ, rồi nhét hai chiếc dép vào hai túi quần. Quân xăn hai ống quần kaki lên quá đầu gối, và bước tiếp trên con đường thôn quê bùn lầy nhão nhoẹt. Quân bước thật chậm. Những ngón chân Quân bấu xuống mặt bùn, từng bước từng bước dò dẫm như rà mìn về hướng nhà Lan.

Theo lời chỉ của bà sơ thì nhà Lan nằm bên trái và cuối con đường đất giáp ranh với cánh đồng. Vậy thì cũng dễ tìm thôi, Quân nghĩ, cứ đi thì sẽ tới. Cuối cùng con đường là nhà Lan, không thể đi xa hơn nữa. Quân yên lòng bước tới.

Tới căn nhà nằm tận cuối con đưòng đất, Quân dừng lại. Quân đứng tần ngần trước cái cổng tre không cửa của ngôi nhà tranh bên cánh đồng. “Chắc là Lan đây rồi,” Quân thì thầm với chính mình, và nghe lòng mình rung lên những nốt nhạc hoan ca. Quân đứng khựng lại trước cổng một lát, cho rộn ràng lắng xuống. Và Quân nhìn quanh, tìm kiếm bóng người. Ngôi nhà tranh nhỏ bé nằm lẻ loi cuối đường, trông cô đơn tội nghiệp. Những gốc mía trồng làm rào giậu bao quanh khu vườn nghiêng ngả trong gió. Quân bước tới. Từ cổng tre tới cánh cửa nhà là một khoảng ngắn, rất ngắn, song Quân lại cảm thấy dài hơn cả đoạn đường quốc lộ 1 từ Phan Thiết tới Long Khánh. Những vồng khoai lang chạy song song dọc theo hai bên lối đất hẹp dẫn vào ngôi nhà đang nằm rạp xuống trong mưa. Những khoảng trũng giữa những vồng khoai đã ngập nước.

Quân lớ ngớ trước cửa nhà một hồi. Toàn thân Quân, từ đỉnh đầu xuống tới gót chân, ướt nhẹp như mới té xuống sông vớt lên.

“Xin lỗi, có ai ở nhà không ạ?” Quân rụt rè lên tiếng. Tiếng mưa ào ào đổ xuống trên mái rạ. Mưa lăn xối xả trên mặt Quân. Quân vuốt mặt, nghe ngóng. Chẳng có một tiếng động nào từ trong nhà vọng ra. Hay là mình lại lầm nhà, Quân nghĩ.

“Xin lỗi, có ai ở nhà không ạ?” Quân lặp lại, lớn tiếng hơn cố át tiếng mưa tuôn.

Một lát sau, cánh cửa sổ chống lên, và cô bé, khoảng mười lăm hay mưới sáu, khuôn mặt hao hao khuôn mặt Lan, nhìn Quân bằng đôi mắt tròn vo như hai viên bi.

“Anh kiếm ai?” Cô bé hỏi, giọng nghe hơi xấc, thiếu thiện cảm.
“Xin lỗi em, có phải đây là nhà cô Lan không?”
“Anh kiếm chị tôi có chuyện gì?”

Quân nghĩ, đây là lần thứ hai trong ngày Quân bị chất vấn, chả lẽ cứ phải nói chuyện với nhau bằng câu hỏi thôi sao. “Chẳng có chuyện gì cả. Tôi từ ngoài Phan Thiết vào thăm chị cô. Thế thôi.”
“Anh là anh Quân, phải không?” Giọng cô bé nghe ngọt ngào hơn.
“Sao em biết?”
“Em nghe chị Lan kể về anh hoài. Anh chờ em một chút nha, để em thức chị Lan dậy.”

Cô bé thiệt tệ! Đã nghe kể về Quân, dù chưa gặp mặt bao giờ thì cũng đâu xa lạ gì cho lắm, thế mà vẫn không chịu mời Quân vào nhà, còn bắt Quân đứng chờ dưới mưa như thế này thêm một lúc nữa. Cô bé này làm nghề cai tù là thích hợp, sao mà giữ chị cô kỹ quá, sợ Quân là kẻ lục lâm thảo khấu tới nhà bắt cóc chị của cô ta sao? Quân đã mất mấy tiếng đồng hồ xếp hàng dài mua cho được cái vé xe, Quân nhũ thầm, và thêm năm tiếng đồng hồ ngồi cựa quậy khó khăn trong lòng xe đò chật như nêm,và lội bùn tới được nhà Lan thì chờ thêm năm ba phút có nhằm nhò chi. Chờ thì chờ. Đời Quân, cho tới nay đã hăm lăm tuổi đời, hầu như chuyện chi cũng phải chờ; và có những điều chờ không bao giờ đến.

Quân đứng lú rú dưới mái hiên nhà. Mưa tạt vào mỗi lúc mỗi mạnh hơn, châm xuyên qua lớp vải áo kaki buốt xót. Quân nghĩ mình từ ngoài kia vào thăm Lan một ngày mưa gió ê chề mà Lan vẫn còn nằm ngủ trong tiếng mưa rả rích thế này thì quả thực đời Quân xui xẻo hết cách gỡ.

Chừng vài phút sau, cánh cửa lát tranh nẹp tre chống lên bằng cây sào tre. Và khuôn mặt Lan xuất hiện: tiếng cười vỡ oà thủy tinh, ánh mắt sáng rực đèn pha.

“Ồ, anh Quân! Anh Quân!” Giọng Lan vỡ oà. “Vào nhà, lẹ lên. Ướt nhẹp cả người rồi còn gì.”

VI.

Chỉ còn đêm nay nữa thôi, sáng sớm mai Quân sẽ trở về Phan Thiết. Trở về với ghe thuyền, với chài lưới, và với những ngày dài lênh đênh trên mặt biển. Bốn ngày thăm Lan qua nhanh, và hình như Quân vẫn chưa thốt lên được điều mình muốn nói, và chưa nghe được điều Lan muốn sẻ chia. Hay là chẳng cần phải nói gì cả, Quân nghĩ, sự hiện diện đã là một phát ngôn. Và bốn ngày mưa dầm dề, Quân ngồi trong nhà suốt ngày, nghe gió vụt qua như muốn bốc gỡ những liếp tranh bay đi, và nhìn mưa trút xuống khu vườn trước nhà ngập nước. Qua song cửa sổ, Quân thấy con đường bùn nhão nhoẹt lầy lội, và liên tưởng tới con đường tương lai của chính mình.
Rồi bóng đêm buông xuống, nhá nhem. Ngọn đèn dầu thắp lên hiu hắt đặt giữa cái bàn ăn soi căn nhà tù mù. Bữa cơm chiều đã dọn lên bàn trông buồn bã như nỗi khó khăn của đời sống mới, gồm một nồi cơm độn khoai mì, và hai con cá mối khô nướng đặt bên cạnh một đĩa rau dền luộc, và một chén nước mắm tỏi ớt. Mẹ Lan, Lan, cô em gái tên Huệ, và Quân ngồi quanh cái bàn tròn; Quân ngồi đối diện với mẹ Lan.

Quân ngồi rụt rè, chờ mẹ Lan cầm đũa lên trước.
“Quân, cầm đũa đi con,” mẹ Lan nói.
“Dạ,” Quân nói, “Con mời bác.”

Quân và đũa cơm độn khoai mì khó nuốt trôi, và cảm thấy xót xa cho đời sống nông thôn. Nông dân sản xuất lúa gạo, hoa quả cho mọi người nhưng chính họ lại không đủ gạo nấu một nồi cơm không độn. Chế độ nào chăng nữa thì nông dân vẫn là giới lao động thiệt thòi nhất, bị bóc lột nhất.

Cố nuốt cho trôi mà sống, nghe anh Quân,” Huệ nói, nhại một câu hát, cười khoe răng khễnh.

Quân cười thầm, không nói. Từ lúc đặt chân vào nhà Lan, Quân đã tự nhắc nhở bản thân phải càng ít nói càng tốt. Nói nhiều sai nhiều mắc quai, dễ mất Lan như chơi. Quân cảm thấy khi thương mến lan, Quân không còn hoàn toàn là Quân nữa. Quân không còn là thằng Quân Khùng mà bạn bè thường trêu chọc nữa. Nghĩa là Quân không còn là kẻ ăn nói không gìn giữ, sống bạt mạng tới đâu hay tới đó. Quân đang sống lễ phép hơn, sống giữ kẽ hơn. Điều này hồ như ngược lại với tính cách của Quân. Và nó nhoi nhói lên một một chút buồn buồn mất mát. Nhưng biết sao, Quân nghĩ, để được một điều người ta phải mất một số điều khác. Để được Lan, Quân sẵn lòng mất nhiều thứ quan trọng hơn nữa.

Độ giữa buổi cơm, mẹ Lan lên tiếng: “Quân, con có muốn vào đây làm rẫy với bác không?”

Da mặt Lan trắng xanh chợt hồng lên. Nàng cúi đầu nói: “Mẹ hỏi kỳ quá. Anh Quân đâu biết gì về ruộng rẫy . . .”

“Cũng như mẹ con mình thôi mà. Trước bảy lăm, . . . thì nhà mình biết gì về công việc đồng áng, con.” Mẹ Lan quay đầu về phía Lan nói: “Ăn xong còn chưa biết rửa chén bát nữa là.”

“Mẹ lại nói quá.” Lan nói. “Con đâu đến nổi hư như thế.”

Quân gác đôi đũa lên miệng chén, và nói: “Dạ, thưa bác, con muốn lắm chứ. Nhưng con ngại con đi tới đâu là mất mùa tói đó. Thầy bói bảo con có số trâu bạc.”
“Nghe chi mấy ông thầy bói nói dối ăn tiền con,” bà nói. “Mấy ông không bói nổi mệnh số của mấy ông, nói chi bói cho kẻ khác.”
“Dạ, bác nói phải.” Quân thưa.
“Anh vào đây làm ruộng với em, nếu anh muốn.” Huệ nói, cười cười. “Em bày cho. Hay chị Lan bày cho cũng được.”
“Ừ, em bày cho anh nghe. Anh sẵn sàng học thêm một kế sinh nhai mới. Biết nhiều nghề đỡ đói, em ạ.”
“Bác nghe Lan nói con làm nghề biển. Người như con e khó hợp với nghề biển. Bác đoán vậy thôi.”
“Bác nghĩ đúng đó, thưa bác. Nghề biển tàn bạo lắm. Ăn sóng chém gió mà bác.”
“Con cũng như Lan nhà bác, toàn là học trò mới bỏ bút, bác nghĩ, chỉ hợp với công việc văn phòng giấy má thôi,” bà nói, nghe như có tiếng thở dài. “Nhưng thời thế thay đổi, biết sao!”

Quân nghĩ Quân vĩnh biệt sách vở đã lâu, lâu lắm rồi. Đã năm năm qua rồi chứ đâu phải mới ngày một ngày hai. Thời ấy đã qua, đã chết. Năm đầu, sau bảy lăm, Quân còn nuối tiếc đèn sách, và còn nuôi hy vọng một ngày trở lại với trường lớp. Đời sống cơm áo chật vật cộng với cái lý lịch nhem nhuốc đã giết chết cái mầm hy vọng ấy. Càng về sau, niềm hy vọng ấy họa hoằn lắm mới hiện lên trong tâm tưởng. Đôi khi đi ngang qua một ngôi trường, một chút xót xa gợn sóng trong lòng, một thoáng rồi vụt bay. Tâm hồn Quân, theo từng ngày đuổi bắt cơm áo, ngày mỗi chai lì hơn, mỗi căn cỗi hơn, không còn là một mảnh đất tốt lành gieo hạt hy vọng hay hoài bão nữa.

Mọi người và những đũa cơm cuối. Tàn buổi cơm, Lan bưng ra một ấm chè xanh, rót ra hai cái ca nhôm, một cho mẹ Lan, một cho Quân. Rồi nàng lui ra sau bếp với Huệ, có lẽ đi rửa chén bát.

Mẹ Lan nhấp một một ngụm chè xanh còn bốc khói, nói: “Ngày mai con về rồi, bác muốn nói với con vài lời.”

Quân nhìn bà, chăm chú nghe, và nghe tim mình đập mạnh hơn. “Dạ thưa bác, có điều gì dạy bảo, bác nói, con nghe.”
“Nhà bác như con đã thấy, bác trai thì đang bị cải tạo không biết ngày nào về mà chờ; trong nhà bác thì toàn là đàn bà con gái, bác ngại hàng xóm xầm xì to nhỏ,” bà nói. “Không tốt.”
“Dạ, thưa bác, con biết.”
“Bác muốn nói với con thế này: Con về ngoài ấy, lựa lời nói với mẹ con vô thăm bác nghe,” bà nói, gọng đều đều, và khuôn mặt bà trở nên nghiêm nghị. Bà tiếp: “Con với Lan cũng không còn nhỏ dại gì nữa. Đã ngoài hai mươi cả rồi. Bác nói thế, mong con hiểu.”
“Dạ,thưa bác, con hiểu.”
“Vậy thì tốt. Giờ thì bác đi nghỉ đây.”
“Dạ, bác nghỉ.”

VII.

Quân không cách nào chợp mắt được. Quân cũng chẳng cần nhắm mắt mới thấy được bóng tối. Từ sau bữa cơm tối, để tiết kiệm dầu hôi, ngọn đèn tắt mời bóng đen đặc quánh về trùm kín khắp căn nhà. Tối đen, tối câm; Quân dơ bàn tay ra không thấy bàn tay mình. Quân nằm trên cái giường tre kê sát cửa sổ. Đằng sau bức màn chia đôi căn nhà là giường ngủ của bà mẹ và hai chị em Lan Huệ. Quân nằm yên, chắp tay làm gối kê đầu, ngó lên vùng bóng tối đậm đặc. Quân không dám cựa quậy, không dám lăn qua lăn lại. Quân ngại tiếng kêu kọt kẹt của những thanh tre sẽ làm động giấc ngủ của ba người. Quân nghe những hơi thở đều đều phát ra sau bức màn. Có lẽ Lan đang ngon giấc. Bên ngoài nhà, tiếng ếch nhái kêu ọp ọp suốt đêm nghe thê lương não nuột. Và xa hơn đâu ở cánh gần rừng gần đấy vọng tới tiếng chó sói tru lên từng hồi ghê rợn.

Đêm thôn quê vừa êm đềm yên ả vừa ẩn mật rờn rợn. Đêm ném vào tâm trí Quân nhiều câu hỏi mà Quân chưa tìm ra được trả lời. Đời sống cá nhân của Quân, Quân nghĩ, là một mớ lộn xộn những vấn đề nhỏ nhặt nhưng lại khó khăn tìm một giải đáp ổn thỏa. “Con về ngoài ấy, lựa lời nói với mẹ con vô thăm bác nghe . . . Con với Lan cũng không còn nhỏ dại gì nữa. Đã ngoài hai mươi cả rồi. Bác nói vậy mong con hiểu.” Câu nói của mẹ Lan cứ như một đoạn băng nhựa phát ra từng tiếng rõ ràng, rồi lặp đi lặp lại suốt đêm trong tâm trí Quân. Nỗi hoang mang và lo sợ trước tương lai biến đầu óc Quân thành một mớ cước rối.
Về sáng, đêm đen loãng độ đậm đặc. Những vật thể trong nhà hiện ra lờ mờ. Quân choài người ra khỏi giường tre, xỏ chân vào đôi dép, và bước rón rén về hướng giữa ngôi nhà, chỗ kê cái bàn tròn. Như một gã mù, Quân quơ tay mò tìm cái ghế ngồi. Rồi cùng lúc đầu gối đụng cái ghế đẩu, bàn tay Quân chạm tới được cạnh bàn. Quân kéo ghế ngồi xuống. Mọi cử động của Quân đều khẽ khàng.

Quân vấn một điếu thuốc rê, châm lửa. Đốm lửa cháy trên đầu điếu thuốc là điểm sáng nhỏ nhoi duy nhất trong căn nhà. Quân vừa hút thuốc vừa suy nghĩ về lời mẹ Lan nói. Lời bà nói ngầm chừa một bằng lòng cho Quân và Lan nên đôi. Và còn nghe như một thúc hối. Nhưng Quân cảm thấy mình chưa sẵn sàng bước vào đời sống hôn nhân. Vào thời buổi chật vật cơm áo, Quân phải bươn bả lắm mới có thể tồn tại lây lất từng ngày một. Quân cảm thấy đời sống bản thân mình chưa đủ điều kiện bảo bọc Lan.

Quân vấn thêm một điếu thuốc khác. Giờ này, Quân đoán, có lẽ gần tới giờ thường ngày Quân gánh lưới ra bãi biển. Sáng ngày mai, Quân sẽ xa Lan, người mà Quân muốn gần gũi suốt đời. Quân sẽ xa ngôi nhà Quân đã bốn ngày sống dưới, và bắt đầu cảm thấy thương mến. Quân cảm thấy dường như tâm hồn Quân thích hợp với cái khung cảnh êm ả và cái nhịp sống chậm đều của thôn dã so với cái tốc độ ăn sóng chém gió trên mặt biển. Giữa đời sống miền biển và và đời sống miền quê, Quân yêu ruộng đồng hơn mặt sóng. Quân sẵn sàng từ bỏ miền biển, vào đây làm rẫy làm ruộng với chung sống với Lan. Nhưng Quân chưa nghĩ ra bằng cách nào Quân sẽ thưa với mẹ Quân về vấn đề trọng đại và tế nhị này. Chẳng lẽ lại thưa với mẹ: “Con muốn lấy vợ. Mẹ cưới vợ cho con.” Mà điều này cũng chưa quan trọng so với nỗi lo lắng về hôn lễ và về đời sống đôi lứa trong tương lai. Thậm chí, Quân chưa biết làm sao có tiền lo liệu cho một hôn lễ, cho dù đơn sơ cách mấy . . . .

Tiếng giường tre kêu kẻo kẹt cắt đứt dòng lo nghĩ của Quân, Quân vẫn ngồi lặng yên, cúi đầu trên mặt bàn, và nghe tiếng vén màn rồi tiếng guốc gỗ gõ trên nền đất, bước gần về phía Quân ngồi.
“Anh dậy sớm thế,” giọng Lan thầm thì.
“Giờ này, Quân đã chuẩn bị ra khơi. Đã quen.”

Lan kéo ghế, ngồi bên cạnh Quân, hương thơm thoảng ra từ nàng cho Quân biết điều đó. Lan gần Quân quá, chỉ cần Lan nghiêng đầu là đụng vai Quân mà sao Quân cảm thấy xa xôi như ngăn sông cách núi. Cảm giác ngăn cách khiến lòng Quân hụt hẫng như khi ngồi trên xe đổ xuống một khúc đèo dốc. Quân sợ xa Lan, sợ mất Lan hơn bao giờ. Rồi Quân rà rà bàn tay lên mặt bàn, hy vọng tìm gặp bàn tay Lan. Mò tìm một lát, bàn tay Quân chạm bàn tay Lan nằm sấp trên mặt ván. Quân đặt nhè nhẹ lòng bàn tay mình lên lưng bàn tay Lan, và vuốt lên vuốt xuống từ đầu ngón tay xuống tới cổ bàn tay nàng. Bàn tay Lan lạnh ngắt như máu đã ngưng chảy; hơi lạnh từ những ngón tay Lan truyền vào lòng bàn tay Quân. Quân bóp chặt bàn tay Lan như cố truyền hơi ấm từ thân thể Quân sang Lan. Quân có cảm tưởng bàn tay mình như một tấm chăn đắp lên những ngón tay gầy guộc của Lan. Rồi hai bàn tay ôm nhau nằm ngủ trên mặt bàn. Im lặng. Bất động. Và chưa bao giờ Quân thèm nhìn thấy chân dung Lan như giây phút này. Nhưng trong bóng tối lờ mờ, khuôn mặt Lan mờ mờ ảo ảo chìm hiện.

Một lúc sau, những ngón tay Quân thức dậy; Quân nhấc bàn tay mình khỏi bàn tay Lan, vấn một điếu thuốc. Que diêm bật sáng lên. Khuôn mặt Lan loé sáng chớp nhoáng, diễm ảo lạ thường. Quân cầm que diêm để nó tiếp tục cháy tới khi hơi nóng chạm đầu ngón tay Quân.
“Lan ơi!” Quân nói khẽ. “Thương Lan quá! Lan ơi!”
Lan nghiêng đầu về phía Quân. Hai mái đầu chạm nhau.
“Lan thương anh. Mình thương nhau nghe anh.” Lan thì thầm, nhẹ như hơi thở. “Suốt đời nghe anh.”
“Suốt đời,” Quân nói. “Nhưng Quân chưa biết làm sao đây . . . .”
“Chưa biết làm gì?”
“Chưa biết làm sao bảo bọc Lan.”
“Lo gì,” Lan nói. “Chúng mình bảo bọc lẫn nhau.”

Nghe Lan nói thế, Quân rùng mình như có một luồng điện lan toả rần rần khắp cơ thể. Quân chẳng còn điều gì để nói nữa. Mà có nói thêm gì nữa cũng vô ích, cũng thừa thãi. Quân không thích ồn ào, nhưng cũng ghê sợ im lặng. Nhưng giây phút này, im lặng của bóng tối đang nói giùm cho Quân và Lan cái vô ngôn của lòng đồng cảm tận cùng.

. . . .Cho tới khi gà cất lên tiếng đầu ngày

“Sáng sớm anh về ngoài ấy, rồi hồi nào mới vô lại?” Lan nói.
“Quân cũng chưa biết,” Quân nói, rồi đùa: “Không chừng ngày mốt Quân vào lại ngay.”
“Siêng vào thăm Lan với, nghe anh.”
“Quân gắng.”
“Bao giờ.”

Quân chưa nghĩ ra được khi nào và bằng cách nào Quân có thể vào thăm Lan. Đột nhiên, khuôn mặt Long và hình ảnh nhà thương Phan Thiết loé sáng trong đầu Quân, mang lại cho Quân một giải đáp tạm thời. Nếu thằng Long có thể cứ mỗi hai tháng bán máu một lần, Quân tự hỏi, thì tại sao Quân không thể làm như thế? Mày làm được thì tao cũng làm được, Quân nói thầm. Và trong ví Quân vẫn còn giữ cái thẻ bán máu của nhà thương cấp. Quân quyết định hai tháng nữa, Quân sẽ trở lại nhà thương, nằm dài và duỗi thẳng cánh tay ra cho mũi kim đâm vào mạch máu mình. Đem máu mình đổi lấy một cái vé xe đò vào với Lan. Quân nói: “Hai tháng sau.”
“Hai tháng sao? Lâu quá!” Lan nói.
“Ừ, hai tháng lâu lắm. Nhưng Quân chưa biết làm sao hơn.”
“Hai tháng . . .,” Lan nói. “Ừ, cũng được. Nhưng phải nhớ nghe, anh.”
“Chắc chắn,” Quân nói. “Cho tới ngày nào dòng máu vẫn còn chảy trong Quân.”

Và, Quân nghĩ, cho tới ngày nào nhà thương vẫn thiếu máu cần mua.□

Hoàng Thủy Biển


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: CN 10 30, 2011 9:43 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Những truyện ngắn của Hoàng Thủy Biển , chẳng hạn như bài nầy, đã đi rất xa, hay hơn về truyện ngắn.
Rất mong được đọc tiếp truyện ngắn- dài của HTB.

TuyetNhung


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI