Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Đứng Trên Cầu Nhìn Lại

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Trần Hoan Trinh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
lmm
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 8 2008
Số bài: 5900

Bài gửiGửi: Bảy 2 27, 2010 8:27 pm    Tiêu đề: Đứng Trên Cầu Nhìn Lại Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

ĐỨNG TRÊN CẦU NHÌN LẠI

- Viết theo tâm sự một người bạn


Biển đổi non dời ta đi đâu
Thanh xuân như nước chảy qua cầu
Ta gom phấn cũ hương xưa lại
Để khóc cho vừa cuộc bể dâu

T.H.T.






1.
Sau 40 năm đi biền biệt, hai vợ chồng thằng bạn thân dẫn nhau về thăm quê hương và ghé thăm Tấn. Bước chân vào nhà, nhìn quanh nhìn quất, ngơ ngác. Bộ salông rách toe, cái tủ chè bạc phếch, bức tường trắng loang lổ mốc meo vì mưa tạt gió lùa, nền gạch hoa cũ mèm vàng khè. Nó lắc đầu bảo:

- Mày vẫn như cũ sao? Nhà cửa chẳng có gì thay đổi cả! Sao lạ vậy? Sao tệ vậy? Dạy dỗ 40 năm, 50 năm để đâu hết? Ở bên Mỹ, vợ chồng tau nghe nói mày giàu lắm mà! Sao thấy xơ rơ tồi tệ thế này?

Đến đứng cạnh cửa sổ, nhìn ra ngôi vườn cây cối ngã nghiêng, xơ xác lá rụng, sân nhà chỗ đá lởm chởm, chỗ cát trắng vàng, nó lẩm bẩm:
- Lạ thật! Không thay đổi gì cả! Chẳng khác cách đây 40 năm. Thằng này làm ăn gì kỳ quái thế? Xem kìa, chung quanh nhà lầu người ta mọc lên san sát, láng cóng, cổng sắt, balcon sắt, cửa cuốn, mái vòm đẹp đẽ, sang trọng. Nhà mày thì cứ lụp xụp cửa ván mái tôn không ra gì cả!

Chợt nhìn thấy chiếc xe gắn máy dựng cạnh cây đào, chiếc xe Honda dame 68 ngày nào nó dẫn Tấn đi mua tại tiệm Hòa Khanh đường Phan châu Trinh ĐN, nó kêu lên sửng sốt:
- Ơi chao! Mày còn đi chiếc xe cà tàng này sao? Tau tưởng đã cho nó vào bảo tàng viện lâu rồi chứ! Người ta lên Limousine, BMK, Rolls-Royce….. láng bóng, mới toanh, hay tệ lắm cũng Dream, Future, Wave, …. mà mày cứ cỡi trên chiếc xe cổ lổ này sao?! Vứt mẹ nó đi. Cho các tiệm bán sắt thép phế liệu cho rồi!

Nhìn vẻ mặt bình thản, lặng lẽ của Tấn, nó quay qua vợ Tấn:
- Nó đèo chị đi trên chiếc xe này mà chị cũng đi à? Đừng đi! Thà là kéo bộ! Trời ơi! Vợ chồng tôi không ngờ hai anh chị còn cổ hủ quá vậy!
Ngừng một chút, nó bảo:

- Có buồn không mầy? Nghĩ xem: bạn bè cũ của mày và tau bây giờ đứa nào cũng khá lên cả. Thằng Ng. , thằng Th. , thằng S. , thằng H. , thằng K., thằng C. , …. Nhà mấy cái, xe mấy chiếc, con cái bác sĩ, tiến sĩ hết! Mà lại tòan là dân “ mất dạy” cả đấy chứ! Như tau đây, đi cải tạo mấy năm về, sống thất tha thất thểu đầu đường cuối hẻm, làm dân chợ trời, ngồi lê la góc phố này, góc quán cà phê nọ, tay ôm khư khư lén lén lút lút mấy gói mấy lọ thuốc tây thuốc ta, mời khản cả cổ mà có mấy ma nào mua đâu, có ngày về không bán được đồng bạc nào, hai vợ chồng nhìn nhau lắc đầu ngao ngán! Cứ tưởng đời mình, đời con cái mình là bỏ đi rồi! Cứ tưởng mình đã rơi xuống tận cùng của xã hội, không cách gì ngóc đầu lên được nữa! Thế mà …. . Hai vợ chồng tau mới nói chuyện với nhau hồi đêm: đâu có ngờ một ngày kia mình vào ở các phòng lúyt của khách sạn CARAVELLE này, ngồi gác hai chân lên bộ salông da cọp sang trọng, ngã người lên chiếc giừơng mới trãi nệm trắng tinh, đi ra đi vào có bồi mở cửa cúi rạp mình xuống. Tau nhớ trước đây có lần đạp xe đạp từ chợ trời về ngang đây gặp trời mưa, dựng chiếc xe đạp bên vệ đường vào hành lang tránh mưa, cũng bị người ta xua người ta đuổi như đuổi gà đuổi chó vậy! Bây giờ oai lắm! Hống hách ra phết! Bên Mỹ vợ chồng tau có hai quán ăn Huế, ngay trung tâm San José, khách đông vô kể! Cứ gọi là xếp hàng chờ! Khi nào mày qua, đến tau ở, tau chu tòan cho hết! Thằng bạn mày bây giờ giàu sụ, thuộc hàng đại gia rồi, không phải tầm thường đâu! Mày là thằng “được đi dạy lại” mà thế này sao!? Hỏng bét! Hỏng bét!

Thấy Tấn há hốc miệng có vẻ không tin, nó đế thêm:
- Hiện nay tau có làm lụng gì đâu, chỉ ăn và chơi, đánh bạc và đếm tiền! Mọi chuyện bà vợ tau lo hết!Mà thật ra bả cũng chẳng làm gì cả, chỉ đứng một chỗ chỉ tay năm ngón, bỏ tiền thuê bếp thuê bồi. Có tiền thì chi cũng có! Quy luật mà!

Quay lại Tấn , nó hỏi:
- Thế bây giờ hai vợ chồng mày sống ra sao?

- Thì cũng thế đó! Về hưu rồi hai vợ chồng vào Sàigòn ở, ăn ké với mấy đứa con, nay đứa này, mai đứa kia. Cũng vui lại được dịp thăm viếng đùa giỡn với các cháu . Tiêu pha vặt vãnh thì có lương hưu của tau. Tần tiệm thì thôi cũng qua ngày. Vẫn sống!

Nó hỏi:
- Thế hưu mày bao nhiêu?

Tấn đánh trống lãng:
- Hỏi làm gì! Tau lương hưu ít vì thời gian công tác với cách mạng chưa bao lâu. Nhà nước chỉ tính hưu cho tau từ 1975 trở về sau, bỏ qua 20 năm trước 75 đó! Với lại, tau cũng chẳng có huy chương, danh hiệu giáo dục nào cả! Thôi, có hưu là tốt quá rồi, chung quanh tau bao nhiêu bạn bè có hưu hiết gì đâu, mà đâu nghe họ kêu ca!

Quay qua bà vợ Tấn, nó hỏi:
- Thế chị có lương hưu không? Bao nhiêu?

Bà vợ Tấn nhìn vợ nó, mỉm cười. Tấn chợt thấy, ngay cả cái cười chua chát, nụ cười của vợ mình cũng hồn nhiên rạng rỡ quá:
- Hưu gì đâu anh! Tôi nghỉ dạy nửa chừng nên chẳng có hưu hiết gì cả! Thôi để anh Tấn nuôi! Anh cho mấy tiêu nấy, không cho thì xin con!

Tấn quay qua tâm sự:
- Anh chị không biết chứ từ ngày đi dạy, nghĩa là từ khỏang 1965 , cho đến mãi ngày đất nước thống nhất, vợ tôi có lãnh được đồng lương dạy học nào đâu! Thuở ấy có hình thức tiết kiệm Công Khố Phiếu Quân Nhân Công Chức. Nghĩ mình đủ lo cho gia đình con cái rồi, nên lương của vợ thôi xem như để dành đó. Mỗi cuối tháng, thay vì phát tiền, ông Phát Ngân Viên trường phát cho bà một tờ Công Khố Phiếu! Đến 1975, các tờ phiếu này xem như giấy lộn!! Hiện bà còn cất giữ một lô giấy lọai đó, gần cả 100 tờ. Vừa rồi dọn nhà dọn cửa, tau định lấy đốt đi, nhưng bà giật lại, bảo giử để kỷ niệm!

Đến đứng bên vợ, Tấn đat tay lên vai bà:
- Thế mà có nghe bà kêu ca gì đâu! …. Thôi thế cũng được rồi! Miễn sao mình thấy tâm hồn mình bằng an, thanh thản là được!

Nó lắc đầu:
- Tội vợ chồng mày thật! Thế mà bên Mỹ tau nghe nói mày được đi dạy lại, mà lại dạy ngay tại trường cũ nữa chứ, bọn tau phục lăn ra! Cứ tưởng bây giờ mày là ông này ông nọ rồi, nhà cửa cao tầng, giàu sang ra phết! Thế bây giờ mày không đi làm thêm gì sao? Tau có mấy thằng bạn dạy cua này cua nọ, tối mặt tắt mày mà, sao mày ung dung thế?

- Ngày về hưu tau có đến dạy thêm 4 năm nữa tại 2 trường tư thục mới được phép mở trong tỉnh! Dạy để tìm vui, để được gần gũi với đối tượng học sinh mình ưa thích. Nhưng dạy vài năm thì tau thôi hẳn, quyết định bẻ phấn hòan tòan! Dạy tại đây nhiều khi tau như bị hụt hẫng, chóang váng. Thấy thần tượng học sinh của mình như bị sụp đổ. Thấy niềm tin của mình lung lay. Dạy 40 phút mà phải bỏ ra 30 phút để rầy la, nhăn nhó với học sinh của mình thì đâu còn là dạy dỗ nữa! Bạn bè tau bảo: nhắm mắt mà dạy, quan tâm làm chi! Tau không nghĩ được như vậy nên nghỉ để tìm bằng an cho tâm hồn. Số giàu thì lúc trẻ đã giàu rồi, chờ gì đến bây giờ mà bôn ba cho khổ! Sức khỏe tau bây giờ cũng không tốt lắm. Với lại để chút thời gian mà nhìn lại mình, suy gẫm về những tháng ngày đã sống, những vui buồn đã qua, không thú vị hơn sao? Hơn nữa, nghỉ dạy để nhường mặt bằng cho lớp trẻ, bọn nó cần hơn. Mình chiếm dụng bục giảng lâu quá rồi, còn gì! Mỗi người có một suy nghĩ riêng. Tau nói thật mày: nếu ngày ấy không chạy lui chạy tới mất hết cả vốn liếng tài sản, dù thật ra cũng chẳng bao lăm, thì có thể đã xảy ra lắm chuyện điêu đứng khác! Ông bạn láng giềng chơi thân thiết với tau đó, vượt biên 3 lần đều không lọt, lần thứ tư thì đứa con trai duy nhất chết mất xác! Mỗi người có một số phận. Bây giờ tau chủ trương có mấy tiêu nấy, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Vui cái vui mình có được, không so bì, cành nanh với ai cả. Bon chen, quay cuồng nữa phỏng được gì đâu? Ai chào thì tau chào lại. Ai lơ thì tau cũng lơ theo. Ai mời đi nhậu đi nhẹt thì, nếu thân thiết, tau đi một lần rồi tìm cách chối từ, nếu quen không thân thì tau tránh hẳn. Cúi đầu đi lang thang phố này đường nọ, xem thiên hạ đổi đời, xem thế nhân lên voi xuống chó. Không phải vui hơn sao?

Nó đến đứng cạnh Tấn, đặt hai tay lên vai:
- Tau cũng phục mày thật. Như thế mà trông hai vợ chồng mầy vẫn thỏai mái, mặt luôn tươi như hoa nở, dáng vẫn phong lưu ra phết.

- Tính tau vẫn thế. Bà vợ sống với tau lâu ngày cũng trở thành như vậy. Mầy biết không, có lần 2 vợ chồng tau vào ăn mì quảng ở một quán cóc lụp xụp bên đường, ở quận Tân Bình SàiGon, gặp thằng T. T. L. chạy xe qua, nó mở tròn mắt, dừng xe lại, hét tướng: - Mặt mày như vậy mà vào ăn ở đây à? Bôi bác! Vào Brodard, Maxim’s, Cristale Palace đi chứ! Thấy 2 vợ chồng tau tỉnh bơ, còn mời nó vào ăn nữa chứ, nó rú xe chạy mất!

Ra về, vợ nó móc bóp dúi vào tay vợ Tấn 300 USD, nói nhỏ: Chị giử mà tiêu cho vui. Vợ Tấn ngước mắt nhìn Tấn dò hỏi. Tấn cười giả lả, bảo: Sao ít vậy? Thêm nhiều nhiều đi chứ! Đại gia gì mà kiết thế! Rồi bảo vợ: cứ lấy đi, mai mua vé tàu đi thăm con . Chuyến này cũng phải về thăm Huế nữa, lâu quá rồi. Mấy hôm nay cứ muốn đi mà còn kẹt!Cám ơn hai vợ chồng mày. Nhớ thỉnh thỏang như vậy luôn nghe. Ít nhất mỗi năm một lần …. .


2.
Tấn đặt bước chân đầu tiên đến thành phố Đà Nẵng vào một đêm mưa bão. Chiếc tàu hỏa tốc hành rời SàiGon một đêm tháng 9 -1958. Tàu chạy lầm lũi trong mưa bão suốt cuộc hành trình. Đến Quảng ngãi tàu không thể chạy tiếp được vì nhiều đoạn đường sắt đã chìm trong nước, Tấn tiếp tục hành trình bằng chiếc 1 chiếc xe hàng ọp ẹp cũ kỹ. Đến bến xe Đà Nẵng gần nửa đêm. Bến xe vắng hoe, chỉ còn vài quán ăn bán khuya đèn mờ leo lét. Thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ còn nhỏ, nhỏ lắm, nhỏ hơn Huế, Qui Nhơn, Nha Trang nhiều. Dân cư thưa thớt, nhà cửa rời rạc. Chỉ có mấy con đường ở trung tâm thành phố là trãi nhựa, ngòai ra đều là đường đổ đá đổ đất gồ ghề, lồi lõm. Bờ sông Bạch Đằng giống một bến bãi thôn quê, buồn hiu buồn hắt. . Khu Thanh Bình, Thanh Bồ còn là một rừng dương liễu bao la, rậm rạp, cây mọc sát mép biển, vắng hoe. Tiếng gió rì rào trên các đọt cây, hoà với tiếng sóng biển, thì thầm bất tận.

Giai đoạn này, thầy giáo còn được xã hội kính nể, trọng vọng . Lương 1 thầy giáo trung học có thể nuôi sống thoải mái cả một gia đình 5, 6 người. Nếu biết tần tiện có thể mua sắm 2, 3 cây vàng để dành về sau nữa . Ngoài thời gian dạy học tại nhiệm sở chính , Tấn đã giảng dạy hầu như tại tất cả các trường tư trong thành phố ….
Cứ mỗi chiều thứ 7 dạy xong, Tấn leo ngay lên chuyến xe đò của hãng An Lợi, đã dặn trước đến đón đúng giờ , về Huế thăm nhà. Đèo Hải Vân quanh co uốn khúc, các con dốc thênh thang khi lên cao như vút vào mây, khi xuống thấp như sắp lăn tòm đáy vực. Xa xa bên dưới biển sóng vỗ trắng xóa, nhấp nhô mấy chiếc thuyền chài, cô đơn, nhàn nhã, …. Về tới Huế trời đã tối mịt, mang chiếc xách nhỏ trên vai, tà tà bát phố. Đông Ba, Gia Hội, Ngã Giữa, Thành Nội, Phu vân Lâu, ……. Con đường Lê Lợi đẹp như mơ, cây xanh bóng mát. . …Qua cầu Trường Tiền gió thổi vi vu, con nước sông Hương bên dưới trôi lặng lẽ, âm thầm. Xa xa cầu Bạch Hổ vắt ngang sông, mờ mờ sương khói. Đỉnh núi Kim Phụng lẫn trong mây tím biêng biếc. Cồn Hến nổi chìm trong biển nước bao la. Những hàng tre lả ngọn đong đưa . Một vầng trăng vàng to như chén ngọc lơ lững giữa trời, trãi một ánh vàng huyền ảo lung linh lên cảnh vật …Thấy tình cảm , hồn thơ mênh mông lai láng …. Tấn cứ lang thang như vậy, không mấy khi về nhà trước nửa đêm!


3.
Từng đoàn người từ Huế, từ Quảng Trị theo đèo Hải Vân đổ xuống, từng đoàn người từ Quảng Ngãi, Quảng Tín, Hội An theo quốc lộ 1 đổ ra, cuồn cuộn, ào ạt vào thành phố ……. . Từng đoàn lính tráng tan rã từ các nơi cũng chạy về, súng ống còn đầy đủ, kéo đi từng đoàn, ăn uống, quậy phá, la hét, …… Người nằm ngồi chen chúc khắp sân trường, phòng học, bến chợ, nhà ga, phi cảng, đền chùa, ….. Hoảng lọan, táo tác. Tấn theo ông bạn láng giềng chạy vào phi trường, tìm cách vào Saigòn. Bốn vali mang theo lần lượt vứt vào bụng máy bay C 130 cả: muốn lên máy bay phải bỏ hành lý vào đó, chỉ được lên máy bay hai tay không. Bỏ hành lý vào bụng máy bay thì được, nhưng không thể nào chen chân lên cầu thang: đông quá. Chuyển qua máy bay dân sự cũng thế. Tấn chứng kiến chuyến bay cuối cùng của Air Viet Nam rời phi đạo, bay vút lên cao. Một số thân người lả tả rơi xuống: những người này đã tìm cách níu vào cánh máy bay, chân máy bay để hòng đi được. Đang bàng hòang ngơ ngác thì phi trường bị pháo kích. Nằm dài trên phi đạo, ngửa mặt nhìn bầu trời bao la, nghe tiếng đạn kêu chéo chéo trên đầu, tiếng nổ ầm ầm, những cột khói lửa tỏa đàng xa, Tấn tưởng lần này cả gia đình đi đứt. Hòang hôn xuống từ lâu. Trên cao một bầu trời trắng đục, đầy mây trắng. Không khí yên tỉnh trở lại. Lồm cồm ngồi dậy, dắt díu nhau vào nhà đợi của phi trường. Đêm đó nằm gối lên nhau ngủ, bên tai văng vẳng tiếng đại bác ì ầm, tiếng động cơ các máy bay quân sự gào thét. Nửa đêm hốt hỏang thức giấc vì tiếng la thất thanh: một số người đốt kho hàng hóa của phi trường để hôi của. Lửa đỏ rực sát chỗ nằm. Hai vợ chồng Tấn chỉ kịp quơ mấy đúa con bồng chạy ra xa. Sực nhớ còn quên cái xách nhỏ gối đầu, chạy vào tìm thì đã biến đâu mất!! Không dám ngủ lại, cứ nằm trăn trở, trằn trọc cả đêm!Tảng sáng, nghe thiên hạ chào xáo nhau: Mỹ bỏ đi hết rồi, quân đội bỏ đi hết rồi, phi trường sắp bị ném bom để hủy phá, chạy mau, chạy mau! Hai vợ chồng Tấn kéo 4 đứa con , hốt hỏang chạy theo đám đông, băng qua các con đường đất gồ ghề, tìm đường về nhà. Trên đường về, thấy dòng người dọc ngang cuồn cuộn, xe cộ chạy rầm trời, cờ đỏ và biểu ngữ bay nờm nợp. Tiếng hoan hô đả đảo vang tai inh óc . Qua các kho gạo, thấy dân chúng phá toang cửa, ùa vào vác từng bao, từng bao …Đến nhà, áo quần xơ xác, mặt mũi phờ phạc. Đó là sáng 29. 3. 75. Đà nẵng lật qua một trang sử mới. Đất nước đi vào một trang sử mới. Tấn cũng đi vào một cuộc đời mới, một cuộc đổi đời lớn lao nhất!. Tấn có tên trong danh sách đi dạy lại. Được phân bổ dạy ngay tại trường cũ . Một kỳ ngộ hiếm có với học trò . Trường rất đông các thầy cô lạ. Một số rất lớn các thầy cô trước dạy tại các trường Tư thục cũng về đây. Tấn không ngờ mình quen biết nhiều các vị “nằm vùng” mà từ lâu chẳng biết. Một số rất đông các thầy cô miền Bắc mới vào.. Một số thầy cô cũ bỗng dưng đỏ lòm đến kinh ngạc, nói năng ngọt xớt. Mấy anh nói hay quá, nghe mà thấy lạnh toát cả người!. Cảm thấy hụt hẫng, không biết tin vào cái gì nữa. Trong khi xã hội thay đổi đến tận cùng gốc rễ, từ trên xuống dưới, quyền hành thay đổi, giàu sang thay đổi, chân lý thay đổi, suy nghĩ thay đổi, … thì Tấn quay lại mê man với trường với lớp, với học sinh thân yêu, dù cảm thấy học sinh hình như bây giờ xa cách hơn, ít hồn nhiên hơn!Các giờ dạy căng thẳng, bận rộn, khọng thoải mái chút nào. . Họp hành, học tập, lao động, thao giảng, lễ hội,…. liên miên.! Nhiều khi mệt đến đừ người !


4.
Trong suốt thời gian làm nghề giáo, Tấn miên man với chuyện dạy dỗ. Say sưa dạy. Miệt mài dạy. Đem tất cả tâm hồn mình đặt vào việc dạy, việc lên lớp. Lứa học trò này ra đi, lứa trẻ khác vào trường, lại đem đến những say sưa mới, những thương yêu mới, những ngọt ngào mới. Một số bạn bè đồng nghiệp của Tấn xem việc dạy là tay trái, công việc chính ở các lĩnh vực khác: chính trị, buôn bán, kinh doanh, xậy dựng, thầu khoán …. Tấn thì không có ham muốn nào ngoài việc dạy dỗ học sinh, gần gũi với học sinh. Nhiều khi ngồi nghĩ lại, Tấn giật mình: mình vô tâm quá, không có một kế hoạch cho tương lai, cho con cái!Cứ để cuộc đời nó đi. Cừ để chuyện gì đến thì đến! Những người xung quanh giàu lên mau chi lạ, mau đến chóng mặt! Tấn thì vẫn thế!Chẳng thay đổi chút nào! Chẳng giàu hơn nhưng cũng không nghèo đi. Vẫn thoải mái trong ngôi nhà mái tôn tường vôi cửa gỗ bé nhỏ, lụp xụp, xiêu vẹo, dựng lên từ ba, bốn chục năm qua, quê mùa, lạc hậu. Vẫn tà tà trên chiếc Honda dame màu xanh dương bé nhỏ , nhẹ nhàng để đến trường, đến lớp, lang thang bờ sông, quẩn quanh phố xá. Chiếc xe khi thì chạy ngon lành, khi thì dở chứng đạp mãi không nổ, phải nhảy xuống đẩy bộ. Thời gian cuối đời đi dạy, những khi rãnh rỗi, Tấn hay lang thang đến trường, đi từng bước nhỏ trên sân trường, trên hành lang, ngồi lặng trên bậc thềm, bên các gốc cây sao, cây xà cừ cao vút, mơ một trăm chuyện, mộng một trăm điều …. Nhớ những tháng ngay đã qua, nhớ những buồn vui đã mất, nhớ bạn bè, nhớ học trò, …. …. Nhiều khi nghĩ lại mình đã ở đây 40 năm, 50 năm mà bàng hoàng!Sao nhiều thế! Sao lâu thế! Mà sao chóng thế! Như một ảo mộng xa vời, hư hư ảo ảo!! Ngày cầm trong tay tấm Giấy Nghỉ Hưu , lặng lẽ vẫy tay chào trường mà Tấn thấy lòng buồn rười rượi!Một đêm Tấn lẻn vào trường, tựa mình lên tượng cụ Phan, ngơ ngác nhìn quanh. Sân trường vắng vẻ. Hành lang đìu hiu . Lớp học trống trãi. Bàn ghế im lìm. Học trò đi đâu hết rồi! Bạn bè đi đâu hết rồi! Còn lại một mình Tấn với nỗi buồn chất ngất. Cô đơn không thể tả!


5.
Nửa đêm, Tấn ngồi viết thư cho thằng bạn.

Cám ơn vợ chồng mày đã giúp vợ chồng tao làm một chuyến du lịch về thăm quê hương, khá đầy đủ. Với 300 USD mày cho, bọn tau đã leo lên chiếc máy bay của hãng Pacific Airlines, bay thẳng ra phi trường Phú Bài, Huế. Đã bốn mươi năm rồi, tau chưa hề một lần được ngồi lại trên máy bay, nên bây giờ ngồi cứ thấp thỏm, sợ máy bay rớt. Khi máy bay hạ cánh, thấy mặt đất chạy ào ào dưới cánh máy bay, tau như người từ cung trăng rơi xuống! Huế vẫn như xưa. Có lẻ Huế là nơi ít thay đổi nhất trong cuộc bể dâu này. Sông xanh, nước biếc, cảnh đẹp, người xinh, tau thấy như mình tìm lại được tuổi trẻ xa xưa, thanh bình, hạnh phúc. Mặc dù chỉ cách Huế không bao xa, nhưng tau chưa về thăm lại. Lý do thật nhất là về cũng chẳng biết thăm ai!Gia đình anh em, bà con tản mác hết rồi, có còn ai ở lại Huế đâu. Ngay cả bạn bè bọn mình, đi ngòai đường có gặp ai đâu. Lứa bọn mình bây giờ 60, 70 cả rồi, nếu chưa chết thì cũng đã nằm xẹp một xó họăc chỉ ru rú ở nhà với con cháu, ra đường làm gì! Hai vợ chồng tau tìm đến một khách sạn bên bờ sông Hương, phòng thuê có một cửa sổ nhìn ra mặt sông bao la bát ngát, Người gốc Huế, chôn rau cắt rốn tại Huế, mà về Huế phải đi ở khách sạn, chắc mày biết tau buồn đến thế nào! Thu xếp chỗ ở xong xuôi cho bà vợ, bà bị nhức đầu vì thời tiết thay đổi đột ngột, tau một mình lang thang qua phố. Đi qua đi lại , đi quẩn đi quanh rồi cũng chẳng biết đi đâu nữa! Trở về, tau đứng lặng một mình trên cầu Trường Tiền từ sẩm tối cho đến bình minh hôm sau. Nhìn lên phía cầu Bạch Hổ, nhớ lần mày đèo tau lên Cầu Lòn thăm thằng H. đau nặng. Thằng H. chết rồi! Nhìn lên phía Kim Long, nhớ thằng N. một lần đãi mày và tau ăn bánh bèo trong vườn bà T. , nó bảo: cho ăn thả cửa, tau bao hết. Thằng khôn tệ: bánh bèo thì ăn hết quán cũng chẳng tốn bao lăm! Thằng N. vượt biên chết mất xác, kéo theo thằng con trai nhỏ. Nhìn lên thượng thành, nhớ thằng nhạc sĩ tài ba TDQ, hay dẫn tau đi khắp hang cùng ngõ hẽm của Huế để mộng để mơ. Thằng Q cũng chết rồi sau một thời gian dài mắc bệnh nặng! Nhìn xuống phía Đập Đá cây cối xanh um, những hàng tre san sát lả ngọn đong đưa, mấy cột khói bốc cao nghi ngút, nhớ thằng thi sĩ khùng V. N. T. , đêm nào cũng đến kéo tau đi lang thang qua nhà các người đẹp Vỹ Dạ. Tau vẫn nhớ nó cứ thắc mắc sao những người đẹp Vỹ Dạ lúc đó đều mang trước tên mình chữ Diệu: Diệu Trà, Diệu Trang, Diệu Uyển, Diệu Chi, Diệu Cầm, Diệu Tâm, Diệu Khải, Diệu Thương, ……. căng tai nghe nó đọc thơ ngâm thơ, những bài thơ trong tập THƯỢNG THẨM của nó, những bài thơ tau nghĩ nát óc cũng không hiểu nghĩa:

...Sóng nhấp nhô chiếc áo trắng xóa
Của cái vì tu sĩ cảnh thờ son
Bọt nước gọi Paul Valéry gan dạ
Đó không phải là sương khói
Mà là hương phấn nhụy đề .....


Thằng V. N. T. chết rồi. Nghe nói, không biết có đúng không, một hôm nó nổi cơn điên, bị gia đình trói lại, cho mặc quần dài ống rộng thùng thình, bỏ hai con rắn lồng to bự vào 2 ống quần rồi cột lại. Rắn lồng lộn, nó cũng lồng lộn theo rồi xỉu luôn. Nhìn về phía Bao Vinh, nhớ thằng Đ. da đen thui thủi như tên nó, thi Tú Tài I bốn năm đều rớt, xung phong vào Biệt Kích. Một tháng sau gia đình nhận được Anh dũng Bội tinh với Nhành Dương liễu!. . . Còn nhiều thằng đã chết nữa: Trai. Sằn, Túy, Nhuận, Nhượng, Tú, Bảo, Anh, Tài, …. . Chỉ còn mày và tau đó. Tau sống ở đây, mày sống ở kia. Hạnh phúc vô cùng khi thấy mình còn sống, phải không? Có tiền rừng bạc bể cũng không mua được. Có chức trọng quyền cao cũng không sắm được, phải không? Thế thì còn đòi hỏi gì nữa! Còn cần gì nữa? Mày cười cái nghèo của tau, nhưng tau cũng đang cười cái giàu của mày đó! Thú thật bây giờ có tiền muôn bạc tỷ trong tay tau cũng chẳng biết làm gì! Tau sống rất đơn giản. Đạm bạc. Chỉ cần buổi sáng có một ly cà phê đen 2000$, thật nóng, ngồi ở một góc quán nhìn thiên hạ qua lại dung dăng. Buổi chiều, ở một quán cóc ngã ba ngã tư nào đó, cố gắng kiếm một chai bia sông Hàn hay SàiGòn, nếu không thì một ly bia hơi hay một ly tra` đa’ cũng được , nhấp nháp quên buồn. Sướng quá rồi. Sang quá rồi! Thần tiên quá rồi!Đòi hỏi gì nữa? Thỉnh thỏang có một thằng bạn cũ hay một đứa học trò cũ nào đó gửi tặng dăm ba đồng thì tìm về thăm nhà ở ĐN, thăm quê ở Huế. Có nhiều thì về bằng máy bay, ngồi nhìn mây trời lơ lững, lớp lớp trắng nõn như bông gòn, núi biển đồi sông khi ẩn khi hiện, đẹp như mộng như mơ. Có ít thì về bằng xe hơi hay tàu lửa, nhìn những đèo những dốc núi quanh co, khúc khủyu, nhìn những con đường nhựa láng bong dưới nắng, nhìn biển sóng xô ào ạt vỗ bờ, nhìn những ruộng lúa vàng trãi bao la, nhìn những con sông lặng lờ uốn khúc nước xanh rờn, những chiếc cầu chênh vênh đẹp như tranh sơn thủy, đẹp vô tả. Phương tiện nào cũng vui cả, cũng tuyệt cả. Tau bằng lòng với những gì tau có. Tau hạnh phúc với những gì đến với tau. Không đòi hỏi. Không than van. Mày cũng biết tính tau như vậy từ lâu rồi. Đêm nay, đứng một mình trên cầu Trường Tiền, tau nhớ, nhớ, nhớ đủ thứ. Đêm đã khuya lắm rồi. Vầng trăng ngay trên đỉnh đầu, trãi một thứ ánh vàng huyển họăc, ma quái trên mặt nước sông Hương, long lanh, lai láng …. Tiếng nước chảy qua chân cầu róc rách, róc rách, như thì thầm, như năn nỉ vỗ về. Dòng sông bàng bạc, hai bên bờ cây cỏ lao xao. Cảnh vật tỉnh mịch, thiêng liêng, mầu nhiệm. Rồi chợt một phút nào đó, xa xa cuối nguồn sông, ráng hồng nổi lên, từ từ lan tỏa, từ từ dâng cao …. Gió thổi nhẹ hiu hiu, mặt sông lăn tăn gợn sóng, không khí man mác phiêu phiêu , …. Cảnh vật sáng dần lên, sáng dần lên …. . Thời gian như hồi sinh, không gian như bừng tỉnh. Được sống những giây phút như thế này tuyệt diệu quá, hạnh phúc quá, đầy đủ quá, còn mơ ước gì nữa!

Tau có một đêm thức trắng với Huế! Một đêm bù cho 40 năm đi biền biệt! Đã đời vô cùng! Chào mày.


~Trần Hoan Trinh

1-2010




_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Trần Hoan Trinh Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI