Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Ngõ Cụt
Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế
 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Năm 2 23, 2012 3:49 am    Tiêu đề: Ngõ Cụt Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Truyện Ngắn

Ngõ Cụt
Hoàng Thủy Biển


“Một người bạn thân mà mình lại quên đi thì buồn quá.
Có phải ai cũng có được một người bạn thân đâu.”
-- Antoine de Saint-Exupéry, Le Petit Prince

I.

Tôi gọi anh ta là Ngài – Ngài Quát (từ Ngài với mẫu tự đầu N viết hoa đường hoàng chứ không phải n viết thường, vì không viết hoa dễ gây ngộ nhận anh ta là ‘ngài’, một loại côn trùng tiền thân của con bướm, mà con bướm lại là biểu tượng cho một bộ phận đẹp trên thân thể con người). Bốn năm nay hầu như đêm nào tôi cũng gặp mặt Ngài, và ngồi lắng tai nghe Ngài giảng dạy. Danh tính đầy đủ của Ngài là: Vũ Trọng Quát, bí thư chi bộ đoàn thanh niên phường An Lạc, tuổi Ngài xấp xỉ ba mươi. Đêm nay Ngài đeo sắc cốt, dây sắc từ vai trái chạy chéo qua ngực xuống hông phải, tạo hình Ngài giống như một gã tướng cướp Mễ Tây Cơ đeo chéo băng đạn và súng côn lủng lẳng bên hông (may mà Ngài không đeo súng) trong phim cao bồi miền viễn tây Hoa Kỳ. Ngài đứng trên bục gỗ như tòa nhà chọc trời đứng thẳng trên mặt đất, dí cái miệng răng vổ sát vào máy vi âm, giọng oang oảng:
“Buổi học tập về nghĩa vụ quân sự tới đây tạm kết thúc . . . Kế đến, anh chị nào có thắc mắc hoặc có ý kiến gì cứ mạnh dạn phát biểu. Chúng ta giúp nhau học tập, cùng nhau mổ xẻ cho sâu cho sát hầu có thể quán triệt chính sách do Đảng đề xuất và nhà nước thi hành.”

Ngài bí thư ngừng nói, phóng cặp mắt sắc lạnh xuống đám thanh niên thanh nữ đang ngồi xếp bằng trên nền xi-măng hội trường. Nhấp một ngụm nước lã, rít sâu vài hơi thuốc có lẽ thuốc lá thơm Sài Gòn Giải Phóng còn sót lại, khói nhả ra từ hai lỗ mũi ngài rất bủn xỉn, Ngài chắp hai tay sau đít đi tới đi lui. Rồi Ngài phán tiếp:
“Chế độ ta, như các anh các chị đã biết, sau bao nhiêu đêm học tập, là chế độ tôn trọng tuyệt đối quyền tự do ngôn luận. Các anh các chị phải cố gắng tập làm quen với quyền tự do cơ bản nhất vào cao quý nhất này. Có lẽ sau mấy chục năm sống dưới sự kềm kẹp của Mỹ-Ngụy, bị chúng bịt mồm bịt miệng quá lâu, nên anh chị chưa cảm thấy thoải mái sử dụng quyền tự do này. Anh chị nào có ý kiến hay thắc mắc, cứ mạnh dạn giơ tay lên – cho tôi thấy.”

Tôi quạt mắt một vòng toàn khắp hội trường. Đám thanh niên thanh nữ ngồi im re như những khúc gỗ mục. Hơn một trăm mái đầu tuổi hai mươi lầm lì như đá sỏi. Những cánh tay chắp lại nằm ngoan ngoãn trên đùi, trông như cộng đoàn tín đồ ngồi nghe đại giáo chủ thuyết pháp. Một trăm cái miệng ngậm chặt môi như cố ngăn chặn không cho ý tưởng phọt ra. Một trăm cặp mắt lờ đờ thèm ngủ ngó nhau và ngó vào khoảng không trước mặt.

Chiếc đồng hồ treo trên vách tường trước mặt tôi chỉ đã qua mười giờ đêm. Hội trường phường An Lạc câm nín, bầu không khí nặng nề và im ắng như bầu không khí nhà xác. Chẳng có tiếng nói nào cất lên.

Một lát sau, một người lên tiếng. Gần lắm, ngay trước mặt tôi.
“Thưa anh, tôi có đôi điều lấn cấn,” Cang vừa nói vừa giơ cánh tay phải lên cao quá đầu. “Nhưng tôi không biết có nên phát biểu hay không.”

Tôi ngồi sau lưng Cang, nắm vạt áo hắn giật giật, nói khẽ, “Ngấp mồm đi! Coi chừng đêm nay đưa xác mày lên lao xá gỡ ghẻ đấy.”
“Hoan hô anh Cang,” Ngài nói. “Mà, ô hay, sao anh Cang lại nói ‘nên với không nên nhỉ’? Tôi đã bảo quyền tự do ngôn luận là quyền tự do cao quý nhất trong các quyền tự do của con người mà.” Ngài cười, cười cười, nói tiếp, “Anh vui lòng đứng lên cho mọi người cùng ngắm dung nhan anh chút nào.” Ngài cười, cười, tiếp, “Và anh cứ mạnh dạn và thẳng thắn trình bầy cái lấn cấn của anh. Tôi cho phép. Đề nghị các anh các chị tặng anh Cang một tràng vỗ tay cổ vũ. Cổ vũ. Thật to.”

Một trăm cặp mắt đổ dồn lên người Cang, có ánh mắt như ngạc nhiên, có ánh mắt như thán phục.

“Sao các anh các chị lại nhìn chòng chọc vào anh Cang như thế nhỉ. Đừng làm anh Cang thẹn thùng chứ. Một người thẹn thùng sẽ ăn nói rất ư là lúng túng,” Ngài phán. “Vỗ tay, vỗ tay, vỗ, vỗ tay.”
Đám thanh niên thanh nữ đồng loạt vỗ tay. Tiếng vỗ tay vang vang; tiếng vỗ tay nhịp nhàng.

Cang đứng thẳng lên, ngó quanh, ho khan vài tiếng lấy giọng.
“Thưa anh, thực ra tôi chẳng có thắc mắc gì ráo.” Cang nói. “Tôi cảm thấy lo ngại.”
“Lo ngại điều gì, anh cứ thẳng thắn bày tỏ. Đừng để trong lòng nhiều lo ngại quá. Lo lắng lắm đánh rắm nhiều. Không tốt cho sức khỏe của anh đâu.” Ngài nói, và Ngài cười. (Có lẽ nụ cười trên môi Ngài là biểu hiện niềm đắc ý về tài sáng tạo ra một câu tục ngữ mới cho tiếng Việt chăng?) Cả bầy thanh niên thanh nữ cười theo. Chúng ta cùng nhau cười. Cười. Cười. Cười. Cười tập thể dẫu sao cũng vui vẻ hơn khóc một mình, tôi nghĩ.
“Thôi. Ngừng cười. Để tôi nói chuyện với anh Cang về nỗi lo ngại của anh.”
“Dạ,” một cô nào đó trong cánh thanh nữ nói. “Chúng em không dám cười nữa đâu.”
“Tôi có cấm các anh các chị cười đâu nào. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà lị. Hơn nữa, miền Nam thân yêu đã được giải phóng và đất nước ta đã thống nhất, không cười chả nhẽ anh chị khóc. Nhưng, cười thì phải cười đúng lúc đúng chỗ. Có anh chị nào đã từng cười trong tang lễ cha mẹ mình không, giơ tay lên?”
Chẳng có cánh tay nào giơ lên cả.
Chiếu mắt về Cang, Ngài bí thư nói, “Anh Cang, tôi sẽ cố gắng giúp anh trừ khử nỗi lo ngại của anh. Tất nhiên là nỗi lo ngại ấy phải nằm trong phạm vi khả năng tôi cho phép.”
“Cám ơn anh,” Cang nói liền. “Nỗi lo của tôi là Trung Quốc đông dân quá, hơn một tỷ người lựng. Còn nước ta chỉ vỏn vẹn năm chục triệu dân. Một người chống cự với hai mươi người, tôi thấy có phần bất lợi cho tổ quốc. Nếu mỗi người Việt mình đều có võ nghệ cao cường và trí tuệ thiên tài như vua Quang Trung thì, tôi nghĩ, may ra ta đánh bại lũ Tàu xì ấy. Tôi xin hết.”
“Anh chị nào có thể giải tỏa thắc mắc của anh Cang,” Ngài Quát nói, “Giơ tay lên.”

Chẳng có cánh tay nào giơ lên.

“Anh chị nghe tôi cắt nghĩa đây,” Ngài bí thư nói, giọng nghe như sấm rền. “Nỗi lo ngại của anh Cang không phải là hoàn toàn không chính đáng. Tuy nhiên, nếu anh chịu khó đọc lại sách sử nước nhà thì anh sẽ thấy, không phải một lần mà cả chục lần, nhân dân ta đã đánh cho lũ giặc phương bắc cậy đông cậy mạnh hiếp ít hiếp yếu chạy vắt giò lên cổ. Còn kết quả đã vãi hết cả ra thế nào, đề nghị anh Cang về đọc lại sách sử nhé.”
“Tôi nghĩ tôi không cần đọc anh ạ. Vì tôi nghĩ tôi khá thuộc sử tổ quốc.”
“Cứ tạm cho là anh có học sử và thuộc sử đi. Nhưng đó là thứ sử đã bị ngụy quyền xuyên tạc, bị vo tròn bóp méo nhằm phục vụ quyền lợi của chúng. Nhưng không sao. Tôi tin lời anh nói. Khỏi cần hỏi thử anh vài câu tôi cũng biết anh biết sử nước nhà. Thế mới là người Việt chứ lị.”
“Tất nhiên tôi biết,” Cang nói rán (thằng cu ni đêm nay rất ham nói hơn ham nghe). “Tôi là người Việt Nam học sử từ tiểu học lên tới lớp 12 sao mà không biết.”
“Đúng thế. Người Việt không biết sử Việt thì cho dù biết tiếng Việt giỏi như thi hào thi bá cũng chỉ là thứ người Việt ngoài da. Như bao nhiêu tên gián điệp CIA Mỹ biết tiếng Việt có khi còn sõi hơn anh nữa đấy, nhưng chắc chắn chúng không phải là người Việt. Người Việt phải biết tiếng Việt và sử địa Việt.”

Và Ngài tiếp, “Cuộc chiến nổ ra hiện nay ở biên giới Bắc ruột thịt của tổ quốc ta không phải là cuộc chiến giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân ta. Tôi đảm bảo với các anh chị là không bao giờ có nhân dân nước nào muốn chiến tranh với nhân dân nước khác cả. Cuộc chiến này là ý đồ xâm lược của thằng lùn tịt Đặng Tiểu Bình, và bè lũ phản động bá quyền xâm lược Trung Quốc. Chúng là hậu duệ của lũ nhà Hán xưa kia, muốn cướp nước ta về làm một tỉnh chư hầu cho chúng. Nhưng, muốn là một chuyện, trả giá cho cái tham vọng lại là một chuyện khác; nếu chúng khôn ngoan đọc lại sử sách thì tôi e ngại là chúng không dám trả giá quá đắt cho một tấc đất dân tộc ta không bao giờ bán hay cho không. Hãy đọc lại bài học ta đã dạy khôn cho đế quốc Pháp và mới đây là đế quốc Mỹ còn chưa ráo máu cho tham vọng xâm lược nước ta của chúng.”

Rồi Ngài nhẹ giọng hơn, “Nhưng nếu chiến tranh biên giới nổ ra, thì . . . thì vì … vì độc lập của tổ quốc, và vì . . . vì tự do của nhân dân, nhân dân ta buộc lòng và quyết tâm đánh trả thôi. Tôi nói là đánh trả nhé. Đánh trả là tự vệ; đánh nhau là gây hấn.” Ngài bí thư núc thêm một ngụm nước lã cho đỡ rát họng. Đặt cốc nước xuống mặt bàn, Ngài giảng tiếp, “Tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em môi hở răng lạnh vẫn đời đời thắm thiết, vẫn trước sau một lòng son sắt. Nhân dân Trung Quốc cũng rất đau lòng về chuyện hai nước anh em ruột thịt bất hòa này, tôi biết.”

“Thưa anh, anh em ruột mà bất hòa thì tất nhiên là buồn, buồn lắm, anh ạ,” tiếng một cô nào đó cất lên. “Mà anh vừa nói quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và tổ quốc ta là quan hệ anh em, vậy thì nước nào là anh, nước nào là em ạ?”

“Tôi đã nói anh chị nào muốn phát biểu thì giơ tay lên đã rồi mới nói. Không nên nói xen ngang vào như thế. Phát biểu linh tinh! Nhưng mà thôi. Lần này cho qua.” Ngài Quát nói. “Nước nào anh, nước nào em, thì chị cứ nhìn lên bản đồ thế giới thì tất hiểu ra thôi. Tôi sẽ nói chuyện với chị Huệ sau nhé.”

Cô gái tên Huệ tắt tiếng.

Ngài bí thư tạm ngừng bài diễn văn, nhìn Cang nói, “Anh hết lo ngại chưa anh Cang?”
Cang gật đầu.
“Chỉ gật đầu thôi thì chưa được đâu. Anh phải nói lớn cho các anh chị cùng nghe.”
“Nhờ giải thích của anh, tôi đã hết lo ngại. Hết sạch.” Cang nói lớn như loa phóng thanh. “Tôi ngồi xuống được chưa?”
“Giờ thì anh có thể an tọa.”

Cang ngó quanh, cười nhạt, rồi ngồi xuống trước mặt tôi.

Đôi mắt Ngài bí thư, có hình dạng của cặp còng cổ tay số 8 (nếu ta quay con số 8 ở ví trí nằm ngang), bám theo Cang. Ánh mắt gã như ngọn đèn pha cực mạnh chiếu thẳng vào thân thể hắn. Ngồi sau lưng Cang, tôi có cảm giác ngọn đèn pha ấy chiếu lệch lên thân xác mình. Ánh mắt sắc lạnh của Ngài khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh lưỡi dao xử trảm của cuộc Cách Mạng Pháp 1789. Tôi nắm chặt bàn tay, thụi vào hông Cang, nói khẽ, “Đồ điên! Để mồm mà nhai sắn!”
“Anh Khải!” Ngài bí thư hét. Đột ngột như nộ khí của thiên lôi.

Tôi giật mình. Như một cái lò xo cực nhạy, tôi đứng phắt dậy, thưa, “Dạ, dạ, anh, anh gọi em.”
“Anh vừa lầm bầm gì đấy?” Ngài bí thư nói. Ánh mắt ngài đăm đăm như mũi dao nhọn hoắc sẵn sàng liếm máu người. Rồi Ngài cười ruồi, nói, “Anh Khải có ý kiến hay cảm nghĩ gì, thì hãy chia sẻ với các anh các chị chứ, sao lại lẩm bẩm lầm bầm nghe như tiếng thầm thì với chính mình thế? Như thế là giữ riêng cho mỗi mình anh thôi nhé.”
“Dạ, dạ, em không có nói gì cả, có lẽ môi em có tật bẩm sinh ưa mấp máy thôi. Em thường dặn môi em đừng mấp máy, thế mà hai môi cứ mấp máy miết,” tôi nói. “Xin anh bỏ qua cho tật môi miệng em ưa mấp máy.”
“Anh nói thầm chứ đâu phải môi anh mấp máy. Mà cứ cho là môi anh mấp máy đi, thì môi mấp máy mấp máy cũng có nghĩa là cái miệng anh muốn nói điều gì mà không nói được hoặc không muốn nói ra.”
Tôi nghĩ, Ngài bí thư Quát này quả thật lợi hại, có trí tuệ biến ứng chứ không phải là một con vẹt như tôi đánh giá.

Ngài giảng tiếp, “Con người trong chế độ ta sống là sống cho, sống với, và sống vì tập thể. Tập thể, tập thể, và tập thể. Ngay cả ý nghĩ riêng tư cũng nên chia sẻ với tập thể. Vì mỗi cá nhân chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình qua cống hiến và hy sinh cho tập thể, vì tập thể, và với tập thể. Sống như thế mới thật là người, mới là sống. Nhớ nhé.”
“Dạ, dạ, anh đã dạy dỗ thì em ghi nhớ,” tôi nói, “Em ghi nhớ.”
“Anh nói thầm có nghĩa là anh có điều gì giấu giếm,” Bí thư Quát nói. “Không tốt! Anh lên đây!”

Tôi rời chỗ ngồi, bụng lên tiếng cằn nhằn với chính mình, “Chết mẹ! Mới có hé mồm chút xíu là gặp rắc rối ngay.” Cặp giò tôi run run, may mà chúng nằm trong hai ống quần ka-ki nên chả ai thấy được sự run rẩy của chúng. Tôi dí hai bàn chân xuống sát nền xi-măng như tìm một chỗ đứng cho hai bàn chân mình. Tôi bước về phía bục gỗ, bước chậm như cố kéo khoảng cách giữa Ngài và tôi dài ra, và cho nỗi run sợ có thời gian giảm bớt độ gia tốc, và bước chậm cũng là cách thú nhận âm thầm em rất biết kính trọng Ngài. Hai bàn tay tôi khoanh lại trước ngực, bước chầm chậm về phía bục gỗ như đã bao lần tôi bước chậm lên cung thánh nhận lãnh Mình Thánh Chúa vào lòng. Ánh mắt Ngài từ trên bục gỗ như tia lửa mặt trời chính ngọ xuyên thấu vào tâm can tôi. Tôi cúi đầu xuống, tránh ánh mắt của Ngài, đó là ánh mắt của quyền lực. Và tôi nghe tiếng tim đập trống trong lồng ngực. Tiếng trống mỗi lúc mỗi mạnh hơn nhanh hơn khi khoảng cách giữa Ngài và tôi càng thu ngắn lại.

Tới bục gỗ, tỗi vẫn khoanh tay và vẫn cúi đầu đứng bên phía trái Ngài. Dường như từ toàn thân thể Ngài tỏa ra một vùng trường điện từ cực mạnh. Tôi lấm lét nhìn Ngài như một cậu học trò không thuộc bài đứng trước thầy cô. Rồi tôi ngó xuống hội trường. Căn phòng chất cứng hơn một trăm mái đầu tuổi trẻ sao khoảnh khắc này bỗng nhiên trống trơn. Và tôi bắt gặp đôi mắt Cang ngó lên; ánh mắt hắn như đang cười cợt trên nỗi run rẩy của tôi. Tôi ném trả lại một cái nhìn trách móc. “Mày mở mồm dại sủa bậy bắt tao mở mồm theo,” tôi nói thầm.

“Giới thiệu cùng các anh và đặc biệt là các chị,” Ngài nói, giọng ồm oàm, “Đây là anh Khải. Anh Khải là một người thầm lặng, ít nói. Trong tất cả các buổi học tập từ trước tới nay, tôi chưa hề nghe anh Khải thắc mắc hay phát biểu ý kiến gì cả. Thậm chí cảm nghĩ cũng không có nốt. Sao mà lạ thế nhỉ? Đã là người, ai cũng phải có ít nhất và ba cảm nghĩ chứ. Tôi nói thế có đúng không nào?”

Tiếng thằng nào đó từ giữa lòng hội trường cất lên. Giọng nghe quen quen.
“Tui xin phát biểu được không anh Quát?”
“Được thôi. Tôi cho phép anh nói.”

Giọng Long Tàng, thằng bạn học cũ nổi tiếng ưa phát ngôn bừa bãi nhất làng. “Anh Quát nói thì lúc mô mà không đúng. Tui hoàn toàn tán thành lời của anh. Người là một loài thú vật, nhưng, khốn thay, lại có cảm nghĩ mới phiền chơ,” Long Tàng nói. “Và biết đau. Mới khổ chơ.”

“Tốt. Anh ngồi xuống,” Ngài bảo Long Tàng, rồi trao máy vi âm cho tôi.
Tay tôi run run đón nhận máy vi âm từ tay Ngài, đưa sát lên miệng, lắp bắp, “Dạ, dạ, thưa anh, em nghĩ em chẳng có thắc mắc; em cũng chẳng có cảm nghĩ gì hết, anh ạ.”
“Nói thế là anh đã quán triệt nội dung buổi học tập đêm nay?”
“Dạ, dạ, em cũng nhờ anh giảng giải cho.”
“Vậy thì anh trình bầy cho tôi nghe sự khác biệt giữa nghĩa vụ quân sự của chế độ ưu việt ta và chính sách cưỡng bách quân dịch của ngụy quyền bán nước.”

Đầu óc tôi tối mù như đêm trừ tịch. Suốt buổi học tập, tôi ngồi núp sau lưng Cang, để mắt ngắm gái nhiều hơn là để tai nghe Ngài lên lớp.
“Dạ, dạ, thì em cũng có thấy khác biệt sơ sơ. Em thấy có khang khác gì đó, mơ hồ lắm. Nhưng em không rõ là khác biệt như thế nào,” tôi vừa nói vừa gãi đầu gãi tai. Vài tiếng cười thanh nữ cất lên khúc khích dè xẻn.
“Thế là anh chưa nắm được những điều tôi đã hao hơi rát họng trình bầy ròng rã suốt ba tiếng đồng hồ rồi. Tư tưởng thế là chưa thông. Mà tư tưởng chưa thông thì vác bình đông không nổi. Huống gì là vác súng.” Quay sang tôi, lệnh, “Anh có thể về chỗ.”
“Dạ, em cám ơn anh,” tôi nói nhanh, đi lẹ trở về chỗ mình, ngồi cúi đầu thấp xuống, núp sau lưng Cang.
“Anh chị nào nhận ra sự khác biệt, giơ tay lên,” Ngài nói.
Cang giơ thẳng tay lên cao quá đầu, nói, “Thưa anh, tôi.”
Thằng Cang đêm nay ăn nhằm cái củ đách gì mà bỗng dưng nổi chứng ngứa mồm, bày đặt phát biểu này nọ thế này? Từ trước đến nay, trong hàng trăm đêm học tập, cũng như tôi, hắn có bao giờ hé môi đâu.
“Anh Cang lên đây!”

Cang rời chỗ, để lại cho tôi một khoảng trống nhỏ trước mặt, và một khoảng trống lớn hơn trong lòng. Tôi thấy bạn tôi đêm nay như cây rừng đứng thẳng lên, và thấy tôi như cọng cỏ nằm rạp xuống.

Vừa tới bục gỗ, Cang nói liền, “ Cám ơn anh. Đêm cũng đã khuya lắm rồi, để các bạn còn về ngủ nữa, tôi xin nói ngay. Sự khác biệt mà tôi thấy là,” Cang nói, giọng rổn rảng, “hồi trước thì ngụy quyền bắt thanh niên cầm súng M-16 do Mỹ chế tạo, còn bây giờ thì nhà nước kêu gọi thanh niên cầm súng AK-47 do Nga sản xuất. Tôi xin hết.”

Cang trao máy vi âm lại cho Ngài bí thư. Tôi cố theo dõi phản ứng diễn ra trên khuôn mặt Ngài. Khuôn mặt Ngài đông lạnh như một tảng băng đá. Ai đoán nổi suy tư hay cảm nghĩ của băng đá? Rồi Cang dợm chân định bước khỏi bục gỗ. Giọng Ngài cất lên, níu chân hắn lại, “Anh chưa về chỗ được đâu. Đứng đây. Chờ tôi.”

“Chết cha thằng Cang,” tôi nói thầm, dõi mắt về phía hắn. Tia nhìn tôi chuyên chở theo một lời trách thầm, “Mày ngu như bò. Mở mồm mà làm chi không biết. Để mồm còn nguyên vẹn mà bú mồm gái, con ạ.”
Đêm nay, dưới ánh đèn nê-ông màu nước vo gạo, khuôn mặt Cang vốn trắng trẻo trông nhờ nhợ nhợt nhạt, và trơ trơ như gỗ đá, như không còn biết đau, như đã mất cảm xúc. Tôi muốn tộng một quả đấm vào mặt hắn, họa may chi hắn tỉnh táo lại mà câm miệng đi.

“Điều anh Cang vừa trình bầy có đúng đôi chút. Đúng đây là đúng về mặt hiện tượng mà thôi, nghĩa là cái mặt ngoài đó mà. Điều ấy ai chưa đui mù mà chẳng thấy. Còn về mặt bản chất, nghĩa là cái ý nghĩa đích thực của sự kiện, thì khác biệt rất sâu sắc. Anh Cang chưa nhận ra được sự khác biệt về bản chất. Các anh các chị nghe rõ tôi nói không?”
“Rõ.”
“Tốt.” Ngài ngừng nói vài giây – vài giây thôi – rồi Ngài nâng ly nước lã nhấp một ngụm cho mềm lưỡi và trơn cổ họng, phán tiếp, “Chính sách cưỡng bách quân dịch của ngụy quyền là bố ráp, truy lùng, tìm bắt cho bằng được các anh các chị, nhất là các anh, cầm súng bảo vệ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cầm súng bắn lại cách mạng, bắn vào dân tộc. Các anh các chị nghe rõ không?”
“Rõ.”

Ngài bí thư lấy gói thuốc lá, móc ra một điếu, gắn hờ hửng bên khóe môi. Chậm rãi châm lửa, từ từ hít sâu từng hơi thuốc. Từng động tác của Ngài nhẩn nha thư thả. Dường như sự chậm rãi là dụng ý của Ngài cho lời thuyết pháp của Ngài có đủ thời gian ngấm vào não bộ của lũ tuổi trẻ chúng tôi đang ngồi xếp bằng trên nền xi-măng ngước mắt lên chiêm ngắm Ngài.
“Tốt. Tốt lắm.” Lời Ngài theo khói thuốc lá phun ra. “Còn nghĩa vụ quân sự của chế độ ta thì khác hẳn. Cao cả hơn. Thiêng liêng hơn. Đó là tiếng tổ quốc mời gọi các anh các chị tự nguyện dấn thân bảo vệ đất nước.” Ngài rít sâu một hơi thuốc. “Đất nước của ai?”

Bằng một ngón tay trỏ dơ lên rồi hạ xuống, nhịp nhịp, và chỉ thằng vào mặt chúng tôi. “Đất nước của các anh các chị chứ còn của ai vào đây nữa. Và các anh các chị phải nhớ nằm lòng điều này: Không phải ai ai cũng được vinh dự mời gọi tự nguyện dấn thân đâu nha. Nghĩa vụ thiêng liêng cao cả này chỉ đặc biệt dành riêng cho tuổi trẻ, như các các chị mà thôi. Các anh chị nghe rõ không?
“Rõ.”
Quay sang Cang, Ngài nói gằn giọng từng tiếng một, “Anh đã quán triệt chưa?”
“Quán triệt, thưa anh, dĩ nhiên tôi đã quán triệt.”
“Dĩ nhiên?”
“Cũng nhờ anh lên lớp,” Cang nói. “Tôi về chỗ được chưa?”
“Sao anh nôn nả thế,” Ngài nói. “Đứng đây. Chờ tôi nói với anh chuyện này.”

Cang lui sau vài bước chân, im lặng khoanh tay đứng chờ. Cũng là khoanh tay, nhưng tôi thấy cung cách khoanh tay của hắn có vẻ thách thức ngạo nghễ chứ không như cung cách khoanh tay khuất phục hèn hạ của tôi. Ngôn ngữ và thái độ của Cang dễ còng hắn vào lao xá.
“Giờ này tôi biết cũng đã khuya,” Ngài nói, vén ống tay áo coi đồng hồ. “Đã gần nửa đêm rồi. Tôi hiểu các anh chị cần ngủ ngáy nghỉ ngơi để lấy sức ngày mai còn lao động. Và lao động tốt. Nhưng anh chị hãy ngồi nán lại với tôi thêm vài phút.”
Tiếng xì xồ xì xào nháo lên khắp hội trường. Nghe như ấm ức, nghe như mệt mỏi.
“Trước khi các anh các chị ra về, anh Cang tới đây,” Ngài nói, ngoắc ngón tay trỏ ra lệnh Cang tới gần Ngài. Rồi Ngài vỗ vỗ vai Cang. Cách Ngài vỗ vai trông dịu dàng, thân mật, bằng hữu. Vỗ vai Cang mà sao trông như vỗ mông đàn bà thế, tôi nghĩ. “Nhờ anh chút việc, được không anh Cang?”
“Chuyện gì anh?”
“Anh đánh đàn đệm nhạc cho các anh các chị cùng hát một bản nhạc. Được không?”
“Tất nhiên là được. Mà anh muốn tôi chơi bản gì?”
“Anh Bình,” Ngài quay sang nói với thằng Bình Lùn, đội trưởng du kích phường, đang đứng nghiêm, như một thằng lính gác cổng cơ quan. “Anh vào phòng thông tin, lấy cây đàn mang ra đây hộ tôi nhé.” Bình Lùn này là thằng bạn học cũ, học cùng lớp với tôi rất nhiều niên khóa, hầu như tháng nào hắn cũng đứng đầu lớp, nếu ta đếm từ dưới lên, đầu to (nghĩa đen) nhưng chỉ là một quả dưa hấu, bỏ đạo Công Giáo theo cách mạng, gia nhập binh đoàn 304. “Dạ, thưa đồng chí, có ngay,” Bình Lùn nói.
“Cám ơn anh,” Ngài nói, vỗ vai Bình Lùn. “Anh đứng tránh qua một bên.” Rồi Ngài trao cây đàn guitar cho Cang, “Bài ca Tự Nguyện. Chúng ta cùng nhau hát. Trước khi cất lên tiếng ca, các anh các chị hô theo tôi. Hô lớn. Một, hai ba, tiếng hát át tiếng bom.”
Bầy tuổi trẻ ngửa cố rống lên, muốn vỡ cả gạch ngói hội trường, “Tiếng hát át tiếng bom.”
“Hay quá. Tốt quá. Anh Cang có thể đệm đàn cho các anh các chị hát được rồi đấy.”
Cang kê thùng đàn lên đùi. Hình thể cây đàn guitar trong vòng tay Cang, ngay phút ấy khiến tôi liên tưởng tới cái dáng phụ nữ ngồi khỏa thân đang tắm nhìn từ phía sau. Và tôi nghĩ giá như mỗi phụ nữ là một cây đàn guitar, và nếu sáu sợi dây đàn (hay dây thần kinh) chưa đứt sợi nào, thì cuộc đời sẽ rộn ràng vang lên toàn âm nhạc tình yêu, dù là thứ nhạc tình ca rên rỉ sướt mướt và buồn thúi ruột. Tôi thấy đầu Cang nghiêng nghiêng trên phím đàn, so dây dạo thử. Ngẩng đầu lên, Cang nói, “Khi nào tôi đập tay vào thùng đàn thì anh chị hát. Anh chị sẵn sàng?”
“Sẵn sàng.”

Nếu là chim, tôi sẽ là một bồ câu trắng,
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương,
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm,
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương.
. . . nếu là người . . . là người . . tôi sẽ chết . . . . chết cho . . . . chết cho quê hư . . . ư . . . .ư . . . .ư . . .. .ươn . . . . ương . . . . hương.

Tiếng đồng ca chấm dứt. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng vỗ tay im bặt. Nhiều thanh niên thanh nữ không hẹn cùng đứng lên đòi về. Thân xác và tâm trí tôi quá mỏi mệt đè nặng trên hai mí mắt tôi. Tôi chỉ muốn ra khỏi hội trường này càng sớm càng tốt, mong mau về nhà lăn lên gường đánh một giấc.
“Khoan! Khoan! Khoan” Ngài bí thư ré lên như lợn bị thọc tiết. “Các anh các chị rán thêm một phút nữa thôi. Trước khi các anh các chị ra về, các anh các chị hô theo tôi. Tôi hô trước, các anh các chị hô theo sau. Ba lần. Hô thật to. Miệng hô to, và những cánh tay chúng ta nắm chặt tung mạnh lên trời cao. Các anh các chị sẵn sàng?”
“Sẳn sàng.”
“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.”
Một trăm cái miệng đồng loạt rống lên làm tai tôi muốn vỡ màng nhỉ. Ba lần:
“Đâu cần thanh nhiên có, việc gì khó có thanh niên”
“Chúc các anh các chị về ngủ ngon đêm nay.” Ngài nói rán. “Ngày mai gắng lao động tốt nghe.”
Đám thanh nhiên thanh nữ chen lấn xô đầy thiếu điều dẫm đạp lên nhau trào ra cửa chính hội trường. Dường như chẳng còn ai thèm nghe Ngài nói nữa.
Vừa ra khỏi cổng Phường An Lạc, Cang nói, “Nhắm mắt gì nổi!”
“Đêm nay mày mắc chứng gì sủa oang oảng như chó dại vậy,” tôi nói. “Giữ miệng. Coi chừng tù rục xương.”
“Thà tù.”


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Năm 2 23, 2012 4:08 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

II.

Đêm sau, Cang và tôi song song bên nhau, vai kề vai, đi trên con đường tráng nhựa chạy xuyên giữa lòng phường An Lạc, xẻ đôi địa phận phường thành hai mảnh. Con đường độc nhất có tên gọi: Cách Mạng Tháng Tám. Con đường đã đổi tên, trước đây nó mang tên Cách Mạng 1-11. Cứ sau mỗi lần đổi tên, nghĩa là sau mỗi cuộc cách mạng, mặt đường lở loét thêm nhiều ổ gà. Đã hơn mười giờ. Những cái loa treo trên những cột đèn đường đã câm mồm, tạm ngưng đâm thọc vào màng nhỉ con người, và trả lại yên lặng cho những căn nhà nghỉ ngơi. Những bóng đèn đường cũng đã nhắm mắt; bóng tối trùm kín cả con đường. Thỉnh thoảng một chiếc xe lam từ trên tỉnh về muộn bò ngang qua nổ xì xạch xì xạch, hoặc một chiếc xe thổ mộ già nua chạy ngang qua, tiếng vó ngựa gõ lọc cọc lọc cọc xuống mặt đường khô khốc.

Cang và tôi đi lên đi xuống con đường nhiều vòng. Tôi, chân đã mỏi nhưng lòng chưa muốn về nhà.“Ra cầu ngồi mày,” tôi nói.
“Ừ.”

Hai thằng dừng chân lại ở đầu cây cầu sắt đen ngòm lót ván ọp ẹp vắt ngang một dòng sông hẹp. Tôi ngồi tựa lưng vào vai cầu thép lạnh, ngó xuống mặt sông đen hiu hắt những vệt sáng lù mù từ những bóng đèn trên cầu hắt xuống. Mặt sông loang loáng dầu nhớt và lềnh bềnh rác rến. Dòng sông tắc nghẽn như cuộc sống tôi bế tắc. Dòng sông lừ đừ như thể đã ngừng trôi, như đời tôi dậm chân tại chỗ không nhìn thấy một hy vọng nào ở phía trước – tương lai. Mùi bùn từ dưới lòng sông bốc lên, và mùi cá ươn từ chợ cá tạt qua khiến tôi muốn nôn mửa. Hai bên bờ sông, dọc theo hai đập đá, những con thuyền đánh cá đang neo ngủ lấy sức để mai sớm ra khơi đánh bắt. Vài ánh đèn dầu leo lét keo kiệt hắt ra từ những con thuyền ngủ muộn. Chốc chốc có tiếng ngư phủ gọi nhau từ cuối bến vọng tới. Khung cảnh bến sông đìu hiu quạnh quẽ gợi lên trong tôi một nỗi man mác. Và đan cài trong nỗi man mác này có nỗi sợ hãi không nhận rõ mặt. Sớm mai, con thuyền nào trong đoàn thuyền này sẽ bỏ bến ra khơi và sẽ không bao giờ quay đầu về cổ độ? Từ mấy năm nay, cách vài ngày lại có một con thuyền vượt sóng đi tìm một bến đỗ ngoài đất nước. Số thuyền mỗi ngày mỗi hao hụt hơn, không hẹn nhưng rủ nhau lần lượt đi tìm một biển sông nào khác.

“Lo tìm đường dọt lẹ,” Cang nói, búng mẩu tàn thuốc xuống mặt sông đen. Cách búng mạnh như quăng ném dữ dằn, dường như đốm lửa nhỏ chở theo niềm tức tối của hắn.

Tôi nhìn Cang ngồi bên cạnh. Hắn ngồi bó gối, bất động, nhìn xuống dòng sông, trông như một kẻ rầu đời sắp lao mình xuống nước tự vẫn.
“Đường nào? Dọt cách nào? Dọt đâu bây giờ?” tôi nói.
“Lên rừng.”
“Bộ mày định lên đó chặt cây khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới hả. Bàn tay mày gảy đàn thì còn nghe được. Cuốc đất chưa nổi đâu.”
“Đi tìm kháng chiến phục quốc.”
“Kháng chiến phục quốc! Ở đâu?” tôi nói, ngừng lại vài giây, nhìn khuôn mặt Cang méo xẹo, mảng tối mảng sáng. “Nếu có, thì họ phải tìm bọn mình rồi, chứ chẳng phải đợi mình đi tìm họ. Biết họ ở đâu mà mò. Mà biết có hay không.”
“Có chứ sao không. Nghe nói ở Rừng Lá có.”
“Tao cũng có nghe nói. Ai mà chẳng nghe nói. Nghe nói. Nghe nói. Nghe nói.” Tôi cảm thấy bực mình vì Cang còn nuôi cái ảo tưởng điên rồ này. “Coi chừng mất mạng như mấy thằng trên phường Đức Nghĩa bây giờ.”
“Thà chết,” Cang nói. “Sống như thế này có khác gì đã chết đâu.”
“Ê, đừng nói bậy bạ, mày.”
“Còn hơn đem xác làm bia đỡ đạn cho lũ khỉ này.”
“Thôi, cho tao can mày đi. Để mạng mà thờ cha kính mẹ,” tôi nói. “Hay để mạng mà ôm ấp con nào đó cho cuộc đời mày thêm tí ấm áp. Cách nào tùy mày chọn lựa.”

Cang im lặng, trầm ngâm. Hắn đứng dậy, bỏ tôi ngồi một mình ở đầu cầu, cúi đầu đi về phía đầu cầu kia. Đi tới đi lui vài vòng, rồi hắn trở về ngồi bên cạnh tôi.

“Thờ cha kính mẹ! Mày có biết ông già mày và ông già tao hiện giờ đang ở đâu không?” Giọng nói Cang hậm hực ấm ách. “Mấy ông đang bị chúng đày đì đâu ngoài Cao Bằng, Lạng Sơn, hay Thanh Hóa thanh héo gì đó. Ông già tao còn sống hay đã chết, tao cũng chẳng hay. Bọn mình cầm súng bảo vệ lũ khỉ này sao?”
“Đừng lo lắng thái quá. Không tới lượt bọn mình đâu.”
“Mày nói gì? Tao chưa hiểu.”
“Ông già mày và ông già tao là ngụy quân, là lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ; còn mày và tao là dân Công Giáo di cư, là thành phần phản động. Nhất kết nhì cư tam sư tứ ngụy; chúng không tin bọn mình cầm súng bảo vệ chúng nó đâu.”
“Mày quả thật ngây ngô như trẻ con. Tin?! Ai thèm đặt niềm tin vào những tấm bia đỡ đạn.”

Lời Cang có đôi phần sự thật; tôi chột dạ, nói, “Thế thì biết làm sao bây giờ. Đâu phải chỉ mỗi mình mày và tao lãnh búa tạ giáng xuống đầu thôi đâu. Hơn nữa, đất nước đang bị ngoại xâm thì thanh niên cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc cũng phải lẽ thôi.”
“Ngoại xâm cái đầu buồi. Ngoại xâm nào mà nhiều dữ vậy? Hết Tàu, sang Pháp, tới Nhật, vừa rồi Mỹ bây giờ Tàu tiếp. Một chu kỳ đô hộ khác lại bắt đầu đè cổ tổ quốc ta chăng?” Cang nói, rồi cười khẩy. “Sao ngoại bang ưa dợt nước ta te tua thế nhỉ?”
“Mày leo lên trời mà hỏi,” tôi nói. “Tao có bao giờ thắc mắc tại sao tao là người Việt đâu, và tại sao tao lại phải sinh ra vào cái thế kỷ khốn nạn này.”
“Mày nói thế là mày đã có thắc mắc rồi, con ạ,” Cang nói. “Tao đéo muốn làm người Việt. Đúng hơn, tại sao tao phải làm người nhỉ, mà không là chim cá chó mèo gà vịt?”
“Không đổi được số phận đã tiền định đâu mày. Mà nếu mày muốn làm bò heo mèo chó chim cá gà vịt thì hãy đợi kiếp sau nhá. Nếu có kiếp sau,” tôi nói. “Dầu gì cũng là đất nước quê hương mình. Đêm qua mày đã hát nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương mà.”
“Quê hương? Quê hương cái củ đách! Cái quê hương này không đáng tao thí cho một giọt nước đái.”
“Nói vừa phải thôi. Chả nhẽ khoanh tay đứng nhìn nhìn đất nước bị lũ Hán tộc đô hộ thêm một nghìn năm nữa sao?”
“Bộ mày tưởng đất nước này đang tự do à?” Cang nói gay gắt. “Tao không thể chết cho lũ khỉ này. Chẳng thà trúng gió chết ngắc.”
“Mày lúc nào cũng đem cái chết ra hù họa tao,” tôi nói. “Sống mới khó chứ chết thì dễ òm. Tìm đường mà sống.”
“Còn đường nào khác nữa?”
“Vượt biển.”
“Vượt biển? Tao đã nghĩ tới đường này rồi. Không ghe, không thuyền, không một chỉ vàng, ai cho mày đi? Hay là mày tính ôm thùng phi bơi ra khơi. Mà mày đâu có biết bơi.”
“Từ từ rồi bọn mình bắt người Sài Gòn, móc nối thằng nào có ghe thuyền, tổ chức dọt.”
“Từ từ. Từ từ. Sắp bị đem chôn đến nơi rồi còn từ từ. Đợi đến khi mày tổ chức được thì mồ mả tao đã xanh cỏ.”
“Tổ chức vượt biên chứ không phải đi đái mà muốn đi lúc nào thì đi. Ngay cả đi đái cũng phải lựa chỗ vắng vẻ mà đái chứ. Gấp quá, bể, tù rục xương.”

Cang nín thin. Rồi hắn đứng dậy đi khỏi cây cầu, lượm một viên đá bên lề đường, ném xuống dòng sông. Mặt sông loang loáng dầu nhớt vỡ mặt yên tĩnh.

Bỗng tiếng thủy động cơ nổ rần rần xé rách màn đêm yên lặng trên bến sông. Một con thuyền nhổ neo rời bến. Con thuyền chạy tới cuối mũi đập đá, rồi tấp vào trạm công an biên phòng đặt gần cửa sông chờ khám xét. Chưa tới nửa đêm, ít ghe thuyền rời bến giờ này. Lòng tôi chợ hụt hẫng, trống rỗng như có bàn tay móc ruột lấy bớt đi niềm mơ ước. Cứ mỗi khi nghe có một con thuyền ra khơi không quay về bến cũ vừa ăn bớt của tôi niềm hy vọng vượt thoát vừa để lại trong tôi một vòng dây thừng trói buộc xiết chặt hơn.

“Cang, cũng khuya rồi, về thôi,” tôi nói, đặt tay lên vai người bạn từ thơ ấu tiểu học. “Về ngủ. Chuyện gì để đó tính liệu sau.”
“Mày về trước đi. Tao về nhà giờ này cũng chưa nhắm mắt nổi. Mày để tao ngồi yên một lúc. Một mình.”

Tôi rời cầu, để Cang ngồi yên lặng một mình với nỗi bức bách của cuộc sống. Đi được chừng mười bước chân, tôi ngoái cổ lại nhìn Cang. Hắn khuất chìm trong đêm đen. Dáng hắn hòa màu cùng bóng tối.

Trên đường về nhà, đôi chân tôi ê ẩm rã rời và tâm hồn tôi bồn chồn xao xuyến. Con đường đất đá tối câm vang lên bước chân tôi nghe buồn buồn. Khi đi ngang qua nghĩa trang xóm đạo, cảm giác sợ hãi ôm choàng lấy tôi.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Sáu 2 24, 2012 12:21 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

III.

Tiếng gõ cửa khẽ khàng nhưng dồn dập đánh thức tôi dậy. Khoảng nửa đêm. Tiếng gõ cửa vào nửa khuya nghe ai oán như tiếng chuông nhà thờ báo tử. Tôi giật thót người, ngồi bật dậy, lắng nghe. Tiếng gõ cửa mạnh hơn hối hả hơn. Tôi vén mùng chui ra khỏi giường, dụi mắt ngó vùng bóng tối lờ mờ. Tim đánh trống trong lồng ngực. “Ai tới nhà mình giờ này ta?” tôi lẩm bẩm. Tôi không thể hình dung ra khuôn mặt nào tới nhà mình giữa khuya khoắt giờ này. Ngoại trừ một người – gã công an khu vực – khuôn mặt gã là một nỗi ám ảnh hằng đêm và xâm nhập vào trong giấc ngủ; khuôn mặt đá ấy hiện lên lập tức trong tâm trí tôi như chân dung của một tên đao phủ thủ đẩy tôi lên máy chém. Tôi run rẩy bước về cái bàn đặt ngay chính giữa căn nhà. Tôi nghe rõ tiếng dép mình chà lẹt xẹt trên nền xi măng. Và nghe rõ tiếng tim mình đập nhanh hơn mạnh hơn. Tôi rà bàn tay lên lên mặt tường lạnh mò tìm cái công tắc điện. Tôi bật công tắc: ngọn đèn nê-ông sáu tấc sáng lên. Ánh sáng dù mờ yếu cũng đủ xua tan bóng tối. Và ánh sáng giảm bớt nỗi lo sợ mơ hồ trong tôi. Tiếng gõ cửa lại vang lên nhỏ nhẹ như tiếng nói thầm thì cố tránh người nghe lén.

Mồ hôi rịn ra ướt nhẹp hai lòng bàn tay tôi. Tôi run run xoay quả nắm, mở hé cánh cửa, thò một phần mặt mình ra khoảng hở giữa hai cánh. Ánh trăng rằm trải thảm vàng trên hiên nhà. Dáng ai nép vào sát vào bức tường mặt tiền nhà. Tôi chưa kịp lên tiếng, thì giọng nói đã cất lên chen xen trong tiếng thở hổn hển: “Mày hả Khải? Tao đây.” Giọng Cang nghe gấp gáp, hốt hoảng.

“Mày hả Cang? Chỉ một mình mày?”
“Ừ, tao đây. Ngoài tao ra, mày nghĩ còn ai nữa,” Cang nói. “Mở cửa cho tao vào.”

Không đợi tôi mở rộng cửa, hắn đã đẩy cửa xông vào khiến tôi suýt té ngả. Chờ hắn lọt hẳn vào nhà, tôi thò đầu ra ngoài một hồi xem xét có tên du kích phường khóm nào bám đuôi hắn không. Chẳng thấy tên nào, an tâm, tôi như con rùa thụt đầu vô lại vỏ mình, khép hai cánh cửa lại. Khóa cửa cho chắc.

“Bị ma đuổi hay sao mà giờ này còn bò tới đây mày?” tôi nói, và cảm thấy bực mình vì đang đánh giấc ngủ ngon không ác mộng lại có kẻ tới cắt ngang giấc ngủ mình. “Mày làm tao hết hồn.”
“Không phải bị ma đuổi,” Cang nói, thở hắt ra. “Nhưng, bị quỷ sống rượt.”
“Có chuyện gì vậy mày,” tôi hỏi.
“Tắt điện đi.”

Tôi làm theo lời hắn nói. Bóng tối trở về lên ngôi thay thế ánh sáng.
Cang nắm cổ tay tôi, kéo tôi xuyên qua gian nhà chính.

“Có chuyện gì thì mày phải thả tay tao ra đã chứ,” tôi nói.
“Nói khẽ thôi. Ra sau bếp, rồi tao nói cho mày nghe.”
“Nhà tao chẳng còn thứ gì có thể ăn được. Cơm nguội cũng không còn một hột.”
“Tao tới mày chẳng phải để xin ăn.”
“Không phải chuyện ăn uống thì ra sau bếp làm quái gì.”
“Mày bớt nói, và nói nhỏ xuống chút có được không.”
Nhà bếp tối thui. Cang và tôi ngồi chồm hổm trên thềm xi-măng lạnh ngắt. Cang ghé miệng vào tai tôi, nói như thở, “Dọt!”
“Dọt?” tôi nói.
“Mày nói khe khẽ hộ tao chút đi,” giọng Cang run rẩy. “Ừ, dọt – vượt sóng.”
“Vượt biển?”
“Thằng Long Tàng vừa rỉ tai cho tao hay. Chúng nó sẽ vượt – đêm nay.”
“Thiệt giả đó mày?Tưởng nghe ai lại đi nghe thằng Long Tàng,” tôi nói, lòng gợn lên nghi ngờ lo sợ. “Coi chừng tù mọt gông cả lũ.”
“Đi hay không? Trả lời gấp, để tao còn tính chuyện của tao nữa.” Giọng Cang nghe cáu kỉnh.
“Gấp quá làm sao tao tính được.”
“Chần chừ gì nữa. Sắp bị đem đi tế thần rồi mà còn tính với toán. Đi hay không?”

Tờ giấy thông báo trình diện thi hành nghĩa vụ quân sự mới gửi tới tôi cách đây mấy hôm. Nó như một cát trát tòa án đòi tôi ra pháp trường ăn đạn. Vượt biển mở ra một lối thoát duy nhất cho tôi trốn chạy khỏi thực tại trói buộc. Ý tưởng vượt sóng ra khơi vẫn thường trực bám riết tôi. Và chen lẫn trong ý tưởng này là khuôn mặt người con gái tôi mến thương. Đôi mắt Thùy hiện lên trong tâm tưởng buồn bã như đã thấy trước biệt ly. Đôi mắt ấy dịu hiền nhưng lại mạnh mẽ như hai cánh tay võ sĩ đô vật khổng lồ kẹp chặt hồn xác tôi lại. Nên vượt biển lại là một tìm kiếm thoát thân ích kỷ. Đầu óc tôi tối mù rối rắm, không biết quyết định sao cho ổn. Ra đi hay ở lại? Chọn lựa nào cũng có cái giá đau đớn riêng phải trả cho chọn lựa ấy.

“Tao hỏi mày lần cuối: đi hay không?” Cang nói, lớn tiếng hơn. Lời hắn nghe như một mệnh lệnh của số phận không thể nào cưỡng lại. “Nói mau!”
“Đi giờ à?”
“Ngay giờ.”
“Cần mang theo gì không mày?”
“Khỏi,” Cang nói. “Mang xác mày theo là đủ rồi.”

Tôi đứng dậy. Cang đứng lên theo. Hai thằng đi lên gian nhà trên.
“Mày chờ tao một lát,” tôi nói. “Cho tao nói với mẹ tao vài lời.”
“Thôi mày ơi. Để bà già mày ngủ yên đi. Tao cũng chẳng có nói lời nào với mẹ tao cả. Biết nói gì nữa bây giờ.”
“Cho tao nói với bà ít tiếng. Kẻo không, bà không biết tao chết toi chết tiệt ở xó nào, bà lo, tội nghiệp.”
“Lẹ lên! Nhớ kiếm bộ đồ đen mặc vào.”
“Đếch có bộ đồ đen nào cả.”
“Phiền mày quá,” Cang nói. “Bôi lọ nghe lên mặt cũng được.”

Cang cười nho nhỏ. Tôi bỏ hắn ngồi ở cái bàn đặt giữa gian nhà chính. Dáng hắn chìm trong bóng tối.

Tôi bước về buồng ngủ mẹ tôi. Vén tấm màn che lối ra vào, tôi rón rén bước tới. Căn buồng lù mù câm nín. Ánh trăng xuyên qua những lỗ hỏng mái tôn soi thấy dáng mẹ lờ mờ gầy guộc, nằm nghiêng trên cái chõng tre quay mặt về phía lối ra vào. Tiếng thở mẹ tôi đều đều thư thái, nghe an lành. Tôi đi chầm chậm về phía bà, nửa muốn gây một tiếng động nhỏ như vô tình đánh thức bà dậy, nửa muốn lặng lẽ rút lui để bà yên giấc. Dường như có một sức mạnh vô hình kéo tôi tới sát chõng bà.Tôi hạ thấp thân thể tôi xuống, gần như quì hẳn, nhè nhẹ đặt bàn tay lên bờ vai xương xẩu bà, lay nhẹ. Mấy năm sau này mắt bà lòa dần, nên tôi không rõ trong bóng tối bà còn nhận ra tôi không.

“Khải hả con.”
“Dạ, con đây mẹ.”
“Có chuyện gì đó con. Đã khuya lắm rồi . . .”

Im lặng. Thời gian như ngừng trôi. Và tôi có cảm giác căn buồng mẹ tôi tối tăm lạnh lùng như lòng huyệt. Vài phút sau, tôi nói, “Con đi nghe mẹ.”
“Giờ này con còn đi đâu nữa, con?” Mẹ tôi ngồi dậy bên mép chõng.
“Đi đâu con cũng chưa biết,” tôi nói. “Nhưng ngày mai nếu mẹ không thấy con về nhà dùng cơm nữa thì mẹ đừng chờ con.”
“Thế thì mẹ hiểu ra rồi,” mẹ tôi nói, giọng bà nghe tắc nghẽn. Ngừng lại vài giây, bà nói tiếp, “Đi đâu thì đi, nhưng phải lo mà giữ hồn giữ xác.”

Rồi bà đặt bàn tay lên trên đỉnh đầu tôi, như làm một dấu chúc phúc. Những ngón tay bà khẳng khiu như những cọng củi khô run run trên mái tóc tôi. Cái chõng tre bỗng dưng phát ra tiếng kêu kẻo kẹt, nghe vô tình và tàn nhẫn trong khoảnh khắc này. Bàn tay bà vẫn nằm trên đầu tôi; và tôi cảm giác được những ngón tay ấy đang run rất nhẹ như tiếng nói thầm thì cất lên từ đáy lòng bà. Từ gian phòng chính tiếng Cang vọng vào giục giã, ”Khải, đi thôi.”
“Con đi nghe mẹ.”
“Đợi mẹ một chút.”

Rồi bà kéo đầu tôi xuống thấp hơn, sát gần người bà hơn. Hành động như bao lần lúc tôi còn thơ dại bà đã kéo đầu tôi xuống bắt từng con chí, gở từng mụn ghẻ, hay chải lại mái tóc tôi cho ngay ngắn hơn. Trong bóng tối lờ mờ tôi không thấy rõ khuôn mặt mẹ tôi. Tôi không nhìn thấy đôi mắt bà để đoán bà đang có cảm nghĩ gì. Và hình như mắt bà đang nhắm chặt lại như ngăn chặn không cho phép một thứ chất lỏng nào có thể tuôn ra.

“Con nhớ năng cầu nguyện rồi Chúa Mẹ phù hộ, chở che cho,” mẹ tôi nói, rồi bà choàng sâu tràng chuỗi Mân Côi vào cổ tôi. “Nhớ nghe con.”
“Dạ. Mẹ yên tâm. Cầu nguyện, dạ, cầu nguyện, mẹ biết con rất siêng đọc kinh cầu nguyện mà.”

Bàn tay tôi rời bờ vai bà. “Con đi, nghe mẹ.” Tôi nói nhanh rồi vén màn bước ra khỏi buồng. Nếu bà không thả tay tôi ra, có lẽ chân tôi không đủ sức mạnh bước ra khỏi nhà. Tôi cảm thấy tôi như một tù nhân vô tội bị lịch sử đất nước xử oan, và bị quê hương ráo riết rượt đuổi.
“Đi đi con!” Tiếng mẹ tôi nói sau lưng.

Tôi đi nhanh về phía Cang đang ngồi. Cang đứng phắt dậy nói, “Rề rà chi trong mà lâu quá mày. Mày ủy mị lằng nhằng như con gái.”
“Đi. Đi mày.”
“Đi. Nhanh lên.”

Trước khi bước ra khỏi cánh cửa chính, tôi nghe tiếng chân mẹ mình theo sau. Tôi quay đầu lại, nghe giọng bà nhỏ nhẹ nhưng rắn rỏi, “Mấy con đi đi. Để cửa đó mẹ đóng cho. Đi đi.”

Ra khỏi ngõ, tôi dừng chân quay đầu lại nhìn ngôi nhà – nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đón cuộc đời của chính mình. Rồi hai cánh cửa chính khép chặt lại một chỗ về -- tổ ấm.



Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Bảy 2 25, 2012 12:01 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

IV.

Cang lầm lũi, đi như kẻ vượt ngục trốn chạy trong bóng tối bị nhân viên công lực truy đuổi. Tôi bước theo sau, cách một tầm cây chèo. Càng đi, Cang càng bước nhanh hơn, và khoảng cách giữa hắn và tôi càng dài ra. Thỉnh thoảng hắn dừng chân, quay đầu lại, hối, “Nhanh lên mày! Nhanh lên mày!”

Đêm thật êm đềm. Nhưng, trong tiếng sóng vỗ về bờ bãi và tiếng gió đêm vuốt ve cành lá, tôi nghe như có tiếng bi ai trầm thống của một bản thánh ca cầu hồn trong tang lễ. Vừa đi chốc chốc tôi vừa ngước mắt nhìn bầu trời. Đêm nay trăng rằm tròn như một quả bóng đá màu lòng hột gà lơ lửng giữa vòm trời đen lấp láy sao. Chùm sao bánh lái lung linh là một cái hải bàn thiên nhiên chỉ đường đưa người đi biển. Biển êm ả như mặt hồ. Sóng lăn tăn sủi bọt lân tính óng ánh, liếm bãi cát vàng mịn. Cang và tôi đi nép mình sau những chiếc ghe nhỏ phơi mình trần truồng nằm trên cát. Ngoài xa khơi, chỗ hai thằng muốn bay ra, là một dãy thuyền câu mực nhấp nhô ánh đèn, kẻ một hàng chỉ đỏ lúc hiện lúc ẩn chạy ngang trên nền trời.

Qua khỏi một bãi cát trống trải, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Hàng dương mọc san sát dọc theo bãi biển dựng một bức tường tự nhiên che chở hai thằng. Cang và tôi im lặng lầm lũi, luồn lách qua những gốc dương. Gió ve vuốt những cành dương rù rì; cành lá lay nhẹ như đang vẫy tay đưa tiễn người đi. Đi xa. Tới chỗ nào chưa biết. Và biết có tới một chỗ nào hay không, tôi nghĩ.

Tôi bắt đầu cảm thấy mỏi chân, và nghe tiếng thở mình nặng nề hơn. Cang trông còn khỏe lắm, chồm chồm về phía trước như một võ sĩ quyền anh hung hăng lao mình vào trận đấu. Khoảng cách giữa hắn và tôi mỗi lúc mỗi dài thêm hơn. Cang lại ngoái đầu về phía sau, dừng chân, chờ tôi.
“Mày đi y như một con rùa bò.”
“Ngồi xuống nghỉ chân một chặp,” tôi nói.
“Rán lên. Sắp tới rồi. Tới đó rồi nghỉ luôn thể.”

Nói chưa hết câu, hắn đã hối hả bước đi. Cái thằng luôn luôn đi ngả người về phía trước, đi cứ như chạy. “Số mày là số con lật đật, khổ suốt đời con ạ,” tôi nói to tiếng cố ý cho hắn nghe. Rồi bước nhanh hơn, bám sát theo hắn. Qua khỏi bãi dương tới những đồi cát đầy đặc cây xương rồng. Những đồi cát trông như ngực phụ nữ phơi ra lắm gai góc. Một cái gai nhọn đâm vào bàn chân tôi, nhức nhối buốt xót.

“Cang chờ tao với,” tôi nói, ngồi bệt xuống đất cát. “Tổ cha cái xương rồng. Đâm tao đau thấy bà nội.”
“Đi với mày thiệt phiền,” Cang nói, đi lui về phía tôi. “Mới bị gai đâm chút xíu, mày đã la toáng lên. Cứ như là ăn đạn vào đầu vậy không bằng. Đứng dậy. Đi tiếp.”

Đi thêm chừng nửa giờ nữa, Cang đang đứng bên một gốc dừa. Hắn chờ tôi bước tới, nói, “Ngồi xuống đây. Chờ.”

Hai thằng ngồi xuống đất cát, tựa lưng vào hai bên thân dừa, chong mắt ngó ra khơi biển. Trăng thả xuống một giải lụa vàng óng ánh trên mặt sóng lăn tăn. Những thân dừa thở lật phật lao xao. Chốc chốc tiếng chó sủa khan trong khuya khoắt từ xóm chài vẳng tới. Mỗi lần nghe tiếng chó sủa, tim tôi giật thót lên và thắt bóp lại.

“Sao lạ lùng thế này,” tôi nói. “Đời thuở nào lại tổ chức vượt biển vào đêm trăng sáng thế này?”
“Ai biết gì thằng Long Tàng,” Cang nói, bồn chồn rõ trong giọng nói. “Yếu tố bất ngờ chăng? Có lẽ tụi nó muốn chơi trò lúc sáng nhất là lúc tối tăm nhất chăng?”
“Sáng là sáng, tối là tối. Tao tưởng mày nghe ai, lại đi nghe cái miệng toang hoác của thằng Long Tàng,” tôi nói. “Coi chừng bể, chết cả lũ.”
“Mày câm cái mồm mày lại có được không,” Cang nói. “Đi hôi mà còn đòi hỏi này nọ.”
“Biết phiêu thế này tao đã . . . “
“Mày nói giờ này cũng bằng thừa. Nếu mày không dám vượt, thì giờ trở về nhà cũng chưa muộn mà. Nhưng mày đứng có kêu ca lải nhải nữa, có được không.”
Tôi im lặng, chong mắt ngó ra khơi. Chờ. Một lát sau, tôi hỏi, “Mấy giờ rồi mày?” Cang bụm tay che mặt kính đồng hồ, nói, “Đã quá hai giờ.”
“Mày biết mấy giờ không?”
“Đúng ba giờ,” Cang nói. “Thằng Long cho tao hay như thế.”
“Sao mày ưa tin thằng Long Tàng vậy?”
“Đ. m. mày câm cái mồm chó dại của mày một lát có được không nào. Ra khỏi đây, tao cho mày muốn nói gì thì nói. Tự do nói. Hét cũng được.”

Tôi đành nín thin. Cang đêm nay cau có bẳn gắt, khác hẳn một Cang bình thường trầm tĩnh tự tin.

Bên cạnh tôi, cách một sải tay, Cang ngồi im ỉm, đầu hắn cúi xuống trên đầu gối, giấu mặt giữa hai lòng bàn tay. Dáng hắn bất động cứng đơ như một tảng đá đen. Một lát sau hắn ngước mắt nhìn ra biển. Mắt tôi cố trương ra, nhìn chăm vào hàng ánh đèn câu mực trồi thụt xuống trên mặt sóng. Đêm nay, biển ngủ ngoan, sóng vỗ nhẹ, Cang cáu kỉnh, và tôi xao xuyến. Mấy giờ đã bò qua rồi sao tôi vẫn chưa thấy bóng dáng con thuyền nào chạy sát ven bờ. Chờ lâu mỏi mắt, tôi nằm dài xuống bãi cát, ngó lên vòm trời đen trong vằng vặc, lấp lánh triệu triệu vì sao. Khuôn mặt mẹ tôi, khuôn mặt Thùy bay xoẹt qua tâm tưởng – những khuôn mặt yêu dấu đang sống mà ngỡ như đã chết. Ý tưởng phải nghìn trùng và vĩnh viễn cách biệt hai khuôn mặt ấy châm trăm mũi kim vào tim tôi. Và ý tưởng quay về nhà, như cánh tay mẹ gầy guộc và như cánh tay em khẳng khiu, hợp lực lại vẫn không đủ sức kéo lui. Lực kéo lại yếu hơn lực đẩy đi. Nếu không vượt khỏi ranh giới biển quê hương đêm nay, tuần tới Cang và tôi phải lên đường tập cầm súng giết người vượt qua một biên cương khác. Ranh giới nào cũng đều có nguy cơ bỏ mạng đang đợi chờ.

Đột nhiên, một vì sao băng chớp nhoáng qua bầu trời, rồi tắt ngúm trong hư không. Một linh hồn nào đó vừa lìa xác chăng? Tôi nhìn Cang, thấy hắn mở nắp bình đông, ngửa cổ tu. Tôi cảm thấy khát nước, cổ họng khô queo.
“Đưa bình đông tao mượn,” tôi nói.
“Không phải nước,” Cang đáp.
“Nước quỉ gì cũng được. Đưa đây, nhấp một hớp.”
Cang trao tay cái bình đông, loại bình đông nhựa của Mỹ viện trợ cho lính Cộng Hòa. Tôi ngửa cổ tu một ngụm. Lưỡi tôi cay xè, miệng phun ra lập tức. Không phải nước – Rượu.
“Vượt biển, không mang nước theo để thủ, mày mang rượu theo làm quái gì chứ?” tôi nói.
“Ra khơi, hai thằng mình uống rượu ăn mừng thoát khỏi đất này,” Cang nói. “Vả lại, rượu giúp tao bớt run.”
“Chắc gì đã lọt?”
“Mồm mày thối lắm. Một trăm phần trăm lọt. Tin tao đi. Thằng Long đã nói với tao rằng tụi nó đã mua bãi. Không về nhà nữa đâu,” Cang nói. “Tao lạy mày đừng thắc mắc nhiều quá, làm tao teo cả dái lại. Đưa rượu đây.”
Không chờ tôi trao lại, Cang giật cái bình đông khỏi tay tôi. Hắn ngửa cổ, tu thêm một ngụm khác.
Cơn buồn ngủ ụp xuống trên hai mí mắt tôi, nhưng tôi phải rán trương mắt ra. Đêm chờ đợi một chuyến đi xa ra khỏi đất nước không cho phép tôi nhắm mắt.
“Sắp tới chưa mày?” tôi nói.
“Đừng hỏi. Tao cũng như mày thôi, đều đi hôi như nhau. Hồi nào nó tới thì nó tới. Nó không tới thì nó sẽ không tới.”
“Tao chợp mắt một lát,” tôi nói.
“Ừ, mày nhắm mắt luôn cũng được,” Cang nói. “Đừng mở mồm ra nữa thì tốt hơn.”


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: CN 2 26, 2012 5:08 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

V.

Cang đập mạnh vào vai tôi, lôi tôi ra khỏi cơn chợp mắt chập chờn mê sảng.
“Khải! Dậy mau! Tới rồi!”
Tôi dụi mắt, ú ớ, “Tới rồi hả?”

Tôi phóng mắt ra mặt biển đêm. Nhờ ánh trăng rằm soi sáng, tôi thấy một chiếc thuyền đóng theo kiểu thuyền đánh cá Thái Lan giống như một con quái vật khổng lồ lù lù, nổ pạch pạch pạch pạch, bò dọc theo ven biển. Sóng chẻ ra hai bên mũi thuyền, óng ánh lân tinh. Con thuyền chạy về hướng cửa biển một đoạn xa, rồi quay đầu lại. Nó chạy lên chạy xuống nhiều vòng như đang tìm một địa điểm đúng để thả lưới. Tôi nín thở, chờ đợi. Sát bên vai, tôi nghe tiếng thở Cang nghe nặng nề gấp gáp bồn chồn, và cảm giác bàn tay hắn bóp chặt vai mình.

“Mày thấy chưa? Nó đang bấm đèn ra hiệu đấy,” Cang nói. Giọng hắn run run. Cơn run rẩy của niềm vui mừng? Hay là cơn hồi hộp của nỗi run sợ?
“Tao thấy rồi. Ra được chưa?”
“Chưa được đâu! Hồi nào mày thấy nó đâm thẳng vào bờ thả neo là nó sắp sửa bốc hàng lên đấy.” Cang nói, vỗ vai tôi. “Tao làm gì, mày làm theo. Đừng nói, đừng hỏi.”
“Sao đêm nay mày bẳn gắt cau có hoài thế?”
“Teo lắm! Muốn vãi ra cả quần đây.”

Hai thằng nín thinh. Tiếng thủy động cơ nghe to tiếng hơn, nổ lạch bạch, lạch bạch, lạch bạch. Rồi con thuyền chỉa mũi đâm thẳng vào bờ.

Bỗng yên ắng đêm vỡ toang. Tiếng người nói, gọi, kêu, la, hét òa nhau bùng vỡ. Người, như từ dưới đất mọc lên; người, như từ động cát chui ra; người, như từ những thân dừa tuột xuống. Tiếng chân người chạy phăng phăng trên bãi cát. Người người đua nhau lao xuống mặt biển. Sóng nước bắn lên tung tóe, óng ánh lân tinh như chế độ bắn pháo bông vào đêm ăn mừng ngày thống nhất đất nước. Tiếng người gọi nhau hối hả, “Mau lên! Mau lên!”

“Ra được chưa mày?” tôi hỏi.
Bàn tay Cang bóp vai tôi mạnh hơn như muốn nghiền nát cả xương vai, nói, “Đợi!”
“Đợi gì nữa mà đợi. Người ta ra hết cả rồi. Nó dọt một cái là hỏng cẳng.”

Chừng vài phút sau, Cang đứng thẳng lên, cầm cổ tay tôi, kéo xác tôi lên theo, và nói, “Chạy. Khải ơi. Chạy.”
Cang thả tay tôi ra, chạy băng băng về hướng con thuyền neo đậu. Tôi xả hết sức chạy bám theo.
“Mau lên, Khải! Mau lên, mau lên, Khải ơi!”
Cang phóng người xuống mặt sóng. Tôi bước ra mực nước sâu tới đầu gối, rồi đứng lại, chần chừ.
Cang quay đầu lại, hét, “Phóng xuống. Mày còn đứng ì ra đó mà tế mả nội mày à.”
“Tao không biết bơi.”
“Không sâu lắm đâu. Lội được. Lội đi. Nhanh lên!”

Tôi lao đại xác mình xuống biển. Tôi quơ tay quơ chân lung tung loạn xạ. Nỗi run rẩy ôm choàng thần trí tôi như nước biển đang vây kín thân xác mình. Tôi cảm thấy chân mình không còn chạm đất; cảm giác lơi khơi trong giòng sóng, như lời khuyên bảo tôi nên lội ngược vào bờ.

Khi tôi lội vừa tới sát mạn thuyền, thì Cang từ trên be thuyền thòng cánh tay xuống, nắm bàn tay tôi kéo lên.

Bây giờ thì hai thằng ngồi sát be thuyền, nhìn nhau, và cùng thở ra. Tiếng thở nghe như tiếng xì hơi của cái máy nén gió. Cả hai thằng đều ướt nhẹp nước biển mặn. Vài ngụm nước biển tuột vào miệng tôi mặn kè.

“Khỏe rồi! Khải ơi.”
“Chưa đâu. Ra tới hải phận quốc tế mới khỏe được.”
Xen trong tiếng thủy động cơ nổ đều là tiếng gã tài công từ đằng lái ném tới, “Kéo neo!”
“Khoan,” giọng từ đằng mũi thuyền đáp lại. “Còn một nhóm nữa sắp lên.”

Tôi ném mắt trở ngược vào bờ. Nhóm người, chừng năm bảy mạng, toàn là phụ nữ, đang lội bì bõm. Những cánh tay chắp lại giơ lên trời như đồng lòng cầu nguyện với Đấng Tối Cao ngự trên không đâu kia xa xôi. “Chờ tôi với! Chờ tôi với!” Giọng một thiếu nữ chậm chân kêu lên hoảng hốt.

“Sao lâu dữ vậy,” gã tài công từ đằng lái nói. “Lẹ lên! Chết hết cả đám bây giờ.”

Giọng nói khác từ buồng máy cất lên, nghe quen, “Đã mua bãi rồi việc gì phải sợ chứ.” Giọng thằng Long Tàng.
“Mua thì mua chứ,” gã tài công đáp. “Nhanh chừng nào tốt chừng nấy.”
“Tới rồi,” gã đằng mũi nói.
Đám phụ nữ đã lội tới mạn thuyền. Người lên trước xuống tay giúp kéo người sau lên.
“Lên hết chưa?”
“Rồi.”

Lời đáp của gã ngư phủ đứng đầu mũi thuyền vừa tắt, từ trong bờ một tràng đạn súng máy ré lên. Đêm bùng nổ. Biển dậy sóng. Người la hoảng. Và thuyền rúng động. Đạn bắn, nhắm thẳng hướng thuyền phóng tới. Những đốm lửa bay tìm kiếm thân người đâm vào. Tôi nằm rạp xuống sạp thuyền, lập tức. Tiếng chân đua nhau chạy trên bãi vọng tới truy đuổi.
“Đ.m. bể rồi!” gã tài công nói. “Chặt neo. Dọt!”

Từ trên bờ một tiếng hét bắn ra. “Lũ phản quốc! Bắn chết hết mẹ chúng nó!” Tôi nhận ra giọng thằng Bình Lùn, thằng bạn học cũ lên ngôi đội trưởng du kích phường tôi. “Không chừa một đứa nào.”

Súng vâng lời thằng Bình Lùn ra lệnh. Đạn như có mắt dẫn đường bay trong đêm, xé gió nhắm người xuyên vào.

“Trời ơi, chết con, mẹ ơi.”

Tiếng ai đó vang lên thống thiết, gần lắm, cạnh bên tôi thôi. Một khoảnh khắc, tim tôi như ngừng đập. Rồi khoảnh khắc kế tiếp, tim tôi đập nhanh hơn mạnh hơn, như muốn chui ra khỏi lồng ngực. Tôi vẫn nằm sát như đã dán dính xuống sạp thuyền.

“Cang, Cang, mày đâu rồi?” tôi nói. Mới cách đây vài khoảnh khắc, hắn còn ngồi sát bên tôi mà.

Cang không còn ngồi bên tôi nữa. Hắn đã ngả gục. Hắn đã nằm dài sát bên mạn thuyền, tay chân xuội lơ. Đầu hắn ngoẻo sang về phía trái, trông như đã tách lìa khỏi cổ. Hơi thở ngắt quãng, đứt thành từng khúc ngắn. Tôi nghe tiếng thở bạn tôi nhỏ dần, nhỏ dần . . .

Tôi nâng đầu Cang lên cho tựa lên đùi tôi, và hai cánh tay tôi ôm choàng qua ngực bạn mình, và đầu cúi xuống trên mặt bạn. Đôi mắt Cang mở hé lim dim, lờ đờ dưới ánh trăng vàng. Ánh mắt hắn trông như ánh đèn đã dầu cạn tim cùn, leo lét sắp tắt. Dường như có một sát na, ánh mắt Cang nhìn sâu vào mắt tôi và xuyên xuống trái tim mình. Tia nhìn Cang khiến tôi cảm thấy mọi sự mọi vật, trong và ngoài tôi, tất cả đều đồng loạt bất động, đông đặc lại cứng ngắc. . .

Tôi nắm bàn tay Cang buông thõng xuôi theo dáng nằm. Rồi tôi rà rà bàn tay lên ngực Cang. Ngực hắn loang đầy máu. Chất lỏng sền sệt bám vào lòng bàn tay tôi.

“Khải ơi, chắc tao . . .,” Cang nói, hổn hền, từng chữ một. “không sống nổi, mày ơi.”
“Đừng nói tầm bậy tầm bạ. Mày không sao đâu,” tôi nói, giọng nghe sao cho thật xác tín để tự trấn an chính tôi, nhưng tự thâm tâm tôi không tin lời của chính mình. Khuôn mặt tôi cúi xuống gần chạm khuôn mặt Cang.
“Mày . . . nói . . . nói . . . cho . . . mẹ . . . tao . . . hay . . . với . . .”
“Mày không sao đâu mà, Cang ơi. Đừng nói nữa. Nghỉ cho khỏe mà.”

. . . . Cang không còn nói nữa. Hơi thở hắn đã tắt. Hắn không còn về nhà nữa. Hắn đã lìa bỏ thế gian đi về cõi khác. Cõi nào? Đôi mắt hắn mở trương ra nhìn lên bầu trời đầy trăng sao. Đôi mắt ấy đang hỏi tội quê hương, và hỏi tội cả trời đất này.

Thuyền đã chạy ra xa, vượt ngoài tầm đạn truy đuổi. Bến bờ đất nước khuất chìm trong đêm tối. Rồi tôi ngước mắt nhìn trời cao, và chợt nhớ lời mẹ tôi dặn, “Con năng cầu nguyện rồi Chúa Mẹ phù hộ chở che cho.” Cầu nguyện? Không, tôi không còn lòng dạ nào cầu nguyện nữa.

Một lát sau, tôi nghe giọng nói gã tài công từ đằng lái vọng lại, “Chết nhiều không?”
“Dễ chừng hơn chục mạng,” gã ngư phủ đầu mũi trả lời.
“Chết rồi, quăng xuống biển.”

Hai người một, người nắm tay, người nắm chân, quăng từng xác người xuống biển.

Tới phiên quăng xác Cang, thằng Long Tàng như từ dưới âm phủ hiện hồn về. “Khoan quăng. Để đó cho hai thằng tui lo.”
“Chết rồi thì quăng đi còn lo gì được nữa mà lo,” gã đầu mũi nói. “Chả nhẽ mang xác chết theo sao.”
“Tau nói để đó tụi tau lo thì mi cứ để yên đó cho tụi tau lo,” Long Tàng nói. “Hiểu chưa?”
“Thì lo đi.”
"Câm mồm!"
Rồi quay sang tôi, “Khải, đừng quăng xác thằng Cang. Đau xác hắn lắm, mi ơi.”
“Biết làm sao bây giờ,” tôi nói. Toàn thân tôi tê dại cả trong ngoài.
“Mi phụ tau một tay. Hai đứa mình bồng xác hắn đặt trên be thuyền, rồi lăn từ từ nhè nhẹ xuống, như người ta vẫn thường hạ quan tài xuống huyệt đó mà, mi.” Long Tàng nói. “Thằng Cang, tên thánh hắn là chi? Mi nghe tau nói chi không?”
“Mày nói cái gì?”
“Thằng Cang tên thánh là chi?”
“Tên thánh? Tao đâu có biết hắn mang tên thánh quái gì,” tôi nói. “Mà mày kêu réo thánh thần quỉ quái ra lúc này có cứu giúp được gì nữa đâu.”
“Không sao. Thánh nào cũng là thánh. Chúa chắc chắn biết thánh bổn mạng của hắn tên gì.”
“Tất nhiên là Chúa biết,” tôi nói, “Nếu có Chúa.”

Và tôi thấy Long Tàng quỳ gối xuống sạp thuyền, làm dấu thánh giá, và đọc, “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn bạn chúng con, Cái Huy Cang, mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng.” Và tôi đáp lại, tự động như máy, “Amen.”

Rồi Long Tàng ôm chân, tôi ôm đầu, đặt thi hài Cang trên be thuyền. Thuyền lướt sóng trôi đi; thân thể Cang lắc lư theo thuyền chòng chành.

“Khải, một, hai, ba, lăn hắn xuống,” Long Tàng nói. “Nhẹ thôi.”

Ầm! Thi hài Cang rơi xuống mặt sóng. Tôi quay đầu về sau, dõi mắt nhìn theo Cang trôi ngược trên mặt nước biển cho tới khi Cang nhỏ dần nhỏ dần rồi chìm hẳn vào lòng biển Đông. Như một vật thể rơi trong chân không, tôi thả xác tôi ngả rạp xuống sạp thuyền.

Thuyền tăng ga, xẻ sóng, lướt ra khơi. Mặt trời mới lộ một nửa mặt trên chân trời. Rồi tôi chợt nhớ: tôi đã quên vuốt mắt bạn mình.


Hoàng Thủy Biển


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Tulip
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 8 2008
Số bài: 1925

Bài gửiGửi: Hai 2 27, 2012 12:35 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đọc bài này của HTB , TH nhớ lại những năm tháng đã qua , tối tối mỗi người xách vài cây củi đi họp thanh niên , khổ cực quá thì muốn vượt biên để tìm cuộc sống mới ....nhưng hầu như mỗi người đều có mỗi số phận nên ai được ai mất ..ai sung sướng , ai đau khổ ..đều có sự an bài của thượng đế ... Để rồi có những kỹ niệm mà mình cứ đau đáu trong lòng ...
không thể nào quên ...cám ơn HTB đã nhắc lại một quãng đời mà TH nghĩ rằng có rất nhiều người đã trãi nghiệm qua nó ngày xưa...


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 2 27, 2012 9:22 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Thật phúc cho những ai vẫn giữ được cái mạng để đi tiếp con đường...
TN nghĩ viết được hay như thế phải là người có tâm hồn yêu thương chất ngất và có trí nhớ tuyệt vời !


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Ba 2 28, 2012 1:58 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Thành thật cám ơn bạn Tulip và bạn Tuyết Nhung đã chia sẻ nổi buồn của tôi.
Cầu xin ơn trên, bất luận các bạn theo tôn giáo nào, phù hộ chở che hai bạn và gia đình luôn luôn được bình an hồn xác.

HTB


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Mong Hoai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 12 2009
Số bài: 733

Bài gửiGửi: Ba 2 28, 2012 8:15 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Con người ta có số cả!

Tội nghiệp anh chàng Cang quá!

Chuyện viết thật sống động , hồi hộp...!

... nhớ những tháng ngày chờ con nuớc lên theo trăng tìm miền đất hứa.

Hay lắm ! Cám ơn bạn cùng lớp hí.



_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Năm 3 01, 2012 2:22 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chào Mộng Hoài, O bạn học cũ của tôi,

HTB cám ơn Mộng Hoài đã đọc cái truyện ngắn này.
O nói "con người ta có số cả" quả thật là không sai. Ở Mỹ này, một người có tới năm, bảy số; nào là số an ninh xã hội, số bằng lái xe, số nhà, số thẻ xanh hay số nhập tịch, v.v., nói không ngạ. Điều lạ lùng là bất cứ số nào của HTB cộng lại cũng thành ra số bù cả, đánh bài cào là thua to hoặc cháy túi. Vài dòng đùa cho vui nghe.

Chúc Mộng Hoài và toàn thể gia đình an vui trong cuộc sống nhé.

HTB


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Mong Hoai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 12 2009
Số bài: 733

Bài gửiGửi: Năm 3 01, 2012 7:24 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

"Một người bạn không thân ngồi cạnh 1 người bạn bạn thân "Very Happy

Cứ tưởng đằng ấy q...u..ê..n mất tớ ....hihi

CHÀO HTB nha chừ chắc mặt ..."ông" (xưng kiểu ĐN mình) lạ lắm hè Rolling Eyes

MH & gia đình chúc bạn & gia đình thật nhiều hạnh phúc & bình an



_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Năm 3 01, 2012 8:56 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Mong Hoai đã viết :
"

CHÀO HTB nha chừ chắc mặt ..."ông" (xưng kiểu ĐN mình) lạ lắm hè Rolling Eyes



Haha...nghe O Hoài chào HTB tui mắc cười quá đi.
Giá như 10B2 mình gặp nhau quậy một bữa tưng bừng hỉ ?!
Và giá như " Ổng " post tấm hình lên mạng cho bọn mình chộ thử lạ tới chừng mô Hoài hỉ !?


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Mong Hoai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 16 12 2009
Số bài: 733

Bài gửiGửi: Năm 3 01, 2012 2:05 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Tuyết Nhung nói đúng ý mình đó Rolling Eyes
Phải chi "Ổng"...ừ! "Bà''nớ hè
Ồ! Chắc nhìn không ra mô
Mập hay ốm rứa ta Exclamation Question I don't know



_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lolem
HS SaoMai


Ngày tham gia: 25 10 2011
Số bài: 18
Đến từ: AUS

Bài gửiGửi: Hai 3 12, 2012 11:08 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

HTB thỊêt là có tài đó,văn chương rất gợi thanh,gợi hình,lolem nghĩ nên
xuất bản sách,bởi vì đại da số có suy nghĩ như vậy nhưng ko diễn tả được
đó là sự khác biệt giữa nhà văn và ngừơi thường.
HTB đã viêt là "thí mạng cùi" post hình mà sao chưa thấy động đậy gì hết
Đừng hứa cuội nha,nhiều bạn dang chờ xem hình nhà văn đó...


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Ba 3 13, 2012 1:56 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Bạn Lọ Lem ơi là bạn Lọ Lem ơi,

Tại hạ cảm thấy bạn Lọ Lem là một "bạn đọc" khá, nghĩa là có khả năng thẩm mỹ nghệ thuật, đặc biệt là văn học, khi bạn nói tới mấy cụm từ "gợi thanh " và "gợi hình" mà lũ viết lách lăng nhăng chúng tôi gọi là "tượng thanh" và tương hình", nghĩa là điều mà người viết viết ra, nếu không tạo được cảm giác, chẳng đánh động gì tới năm giác quan của người đọc, thì rứa là trật. Trật hung. Hỏng. Viết văn hay làm thơ là đánh động và mời gọi người đọc chia sẻ cảm giác và suy tư với người viết. Không làm được thì hoặc là bất tài hoặc là nên quăng điều mình viết vào thùng rác. Mình không muốn nói nặng trên diển đàn Sao Mai yêu thương của chúng ta, nhưng nghệ thuật là nghệ thuật. Nó rất tàn nhẫn.

Trở về thực tế hơn, là HTB chưa bao giờ hứa sẽ "post" bản mặt của mình lên bất cứ diễn đàn nào, (tuy rất là ăn ảnh). Không bao giờ hứa, nên không bao giờ có lời hứa cuội, mà là một thách đố. IF. IF và IF . Nếu (IF) bạn dám đưa bản mặt mà bản tự nhận là xấu nhất thế gian thì tại hạ sẽ đưa bản mặt tại hạ (mà tại hạ cũng tự nhận là xấu nhất) lên xem nếu mình xấu thứ nhì là một niềm an ủi (vì trên đời còn có kẻ xấu hơn mình). Dám không? Thách thêm một lần nữa đấy. Xem ra thì tới tết Công-gô bạn chả dám nhận lời thách đố này. Nếu Lọ Lem đọc lại những dòng tại hạ có ghi trong phần trả lời của cái truyện ngắn "Một Cành Mai Trắng" thì bạn sẽ thấy tại hạ không ngoa ngôn.

(Nếu bạn đang ở Úc thì bạn hãy xem phim của diễn viên (và đạo diễn) Mel Gibson, thì bạn sẽ hình dung ra, tuy tại hạ là người Việt da vàng khè và mũi tẹt lét, nhưng đẹp trai thì không thua hắn ta bao nhiêu.)

HTB.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế
Trang 1 trong tổng số 2 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI