Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Truyện ngắn của Đoàn Thạch Biền

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 11 22, 2010 5:09 am    Tiêu đề: Truyện ngắn của Đoàn Thạch Biền Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đừng mơ là thác đổ

Đoàn Thạch Biền


------------------------------------

Một lần đứng trên đỉnh thác Đambri nhìn xuống đáy vực sâu thăm thẳm, tự nhiên tôi bủn rủn tay chân và thốt gọi: "Má ơi!" Một cô nữ sinh Bảo Lộc đứng kế bên, cười nói: "Ông ngó lớn vậy mà nhát như một chú nhóc." Tôi đỏ mặt im lặng. Về đến nhà, tôi viết ngay truyện này để bào chữa cho tánh nhát gan của mình.


o O o




Đứng trên đỉnh thác Đambri nhìn xuống vực sâu, mặc dù hai tay nắm chặt lấy lan can bằng sắt, tôi vẫn cảm thấy "lạnh" đôi chân. Trong khi ấy cô bé thản nhiên chạy đi, chạy lại tìm bứt một đóa hoa rừng rồi em quăng nó xuống mặt thác. Đóa hoa màu tím hồng trôi vật vờ trên mặt nước đục rồi bị cuốn vào dòng thác trắng xóa đổ ào xuống vực sâu. Mất hút.

Cô bé quay qua hỏi tôi:

- Nhóc thấy thác này đẹp hơn những thác ở Đà Lạt không?

Tôi dậm dậm bàn chân cho đỡ "lạnh" cẳng rồi trả lời:

- Nó đẹp hơn nhiều vì nhờ có em đứng bên cạnh.

- Em không đứng mãi bên nó đâu. Em sắp là nó...

Tự nhiên cô bé loạng choạng ôm đầu. Tôi vội chạy đến ôm vai em, dìu đến ngồi ở một kè đá, dưới một tàn cây rậm lá.

- Đừng nhìn xuống vực sâu, em sẽ bị chóng mặt.

Cô bé lắc đầu, thở hổn hển:

- Em có cảm tưởng như ai đang gọi em.

- Ai?

- Cái thác.

- Bá láp. Nó nhắc chúng ta đã đến giờ ăn trưa.

Tôi mở túi xách lấy ra một ổ bánh mì kẹp chả lụa đưa cho em. Cô bé lắc đầu:

- Em không đói.

Tôi khui một lon nước ngọt, bỏ ống hút vào rồi đưa cho em. Cô bé cầm lấy lon nước, hút một hơi dài. Khuôn mặt em đã bớt nhợt nhạt. Tôi vừa nhai bánh mì kẹp chả vừa hỏi em chuyện học hành để em quên đi chuyện cái thác gọi.

- Kỳ thi tú tài vừa qua em làm bài khá không?

Cô bé hút thêm một hơi nước ngọt rồi nói:

- Bài toán của em chắc chắn được điểm 10.

- Đừng quá tự kiêu. Có thể em chỉ được 9.5 điểm.

- Tại sao vậy? Em giải đúng một trăm phần trăm mà.

- Em hãy xòe bàn tay viết bài ra.

Cô bé đưa lon nước ngọt qua tay phải rồi xòe bàn tay trái ra. Tôi chỉ vết mực tím ở ngón giữa.

- Em thấy đó, ngón tay em khi viết còn để dính mực huống chi bài viết của em. Như vậy bài thi của em có thể bị trừ nửa điểm vì dơ bẩn.

Cô bé đưa ngón giữa lên, liếm vào vết mực tím rồi chùi ngón tay vào áo thun trắng. Vết mực vẫn còn nguyên vì vai áo em đâu phải là cục tẩy. Cô bé gật đầu:

- Thôi được, em chịu mất nửa điểm bài toán. Còn môn Lý chắc trên trung bình. Em chỉ sợ môn Văn được điểm 2.

- Đừng quá tự ti. Những lá thư em viết cho tôi đều rất "văn học". Vậy chắc chắn bài văn của em được điểm 6.

- Em không tin khả năng thẩm định văn học của nhóc.

- Đừng đùa. Tôi từng đi dạy kèm học sinh luyện thi môn văn vào lớp 6.

- Nhưng đây là chương trình lớp 12 mà.

- Thì hơn nhau có 6 lớp chứ nhiêu mà tôi không "thẩm định" nổi. Đó là chưa kể tôi đã có một bài thơ được chọn đăng trên báo Nhi Đồng.

- Nhưng Nhóc viết văn đâu có hay. Vì nếu hay thì những lá đơn xin việc của Nhóc đã không bị người ta trả lại.

Cô bé thực tế quá khiến tôi "cứng họng". Tôi cầm lon nước ngọt, hút một hơi cạn lon để miệng lưỡi được trơn tru. Nhưng tôi cũng chẳng nói được lời nào. Chẳng bao giờ một người đang thất nghiệp lại "ăn nói" hơn người được.

- Em xin lỗi đã nói chạm tự ái Nhóc.

Tôi ngồi im không thèm cắn miếng chả to bự ở ổ bánh mì. Tôi vờ như người bị trúng gió á khẩu.

- Sự thật em rất lo...

Thấy cô bé nhíu mày lo nghĩ tội nghiệp, tôi buột miệng nói như một cái máy:

- Đừng lo cho tôi. Rồi tôi sẽ tìm được việc làm mà.

- Không. Em lo cho em. Em không muốn thi trượt lần này.

- Em đừng quá lo lắng. Còn điểm môn thi sinh ngữ nữa. Tôi biết em rất giỏi Anh Văn.

- Bây giờ em đang học tử ngữ.

- Em học tiếng La tinh làm gì?

- Không. Em đang học ngôn ngữ ở nơi đó là im lặng.

- Em đừng quá bi quan. Thua keo này ta bày keo khác. Em hãy học chuẩn bị thi lại kỳ hai. Chắc chắn em sẽ thi đậu.

Cô bé đưa hai tay lên xoa xoa hai bên thái dương:

- Em sợ không còn nhiều thời gian trước khi đến đó.

- Đã đến đó cần quái gì bằng cấp mà em phải quan tâm. Nhiều người chưa học xong lớp một cũng đến đó được.

- Nhưng em không muốn là học sinh thi rớt khi đến đó.

Tôi ném mạnh nửa ổ bánh mì kẹp chả còn lại xuống dòng thác. Lần đầu tiên trong đời tôi phung phí như vậy vì tức giận. Thi rớt cuộc đời mà em không sợ, lại sợ thi rớt bằng tú tài! Nhưng tôi không thể giải thích cho em rõ cái nào quan trọng hơn cái nào. Một khi em cảm thấy đau lòng vì một chiếc lá rơi hơn một cây cổ thụ bị ngã đổ...

Cả hai cùng im lặng nhìn xuống dòng thác và như em nói: im lặng là tử ngữ. Tôi cảm thấy không khí ngột ngạt khó thở dù đang ở độ cao trên ngàn mét so với mặt nước biển. Để phá tan không khí im lặng chết chóc, tôi bẻ gãy một cành khô và nói:

- Xin lỗi, nếu tôi có làm em buồn.

Cô bé mĩm cười nói:

- Đố Nhóc tiếng thác đổ nghe vui hay buồn?

Tôi lắng tai nghe rồi trả lời:

- Không buồn, không vui.

- Em cũng như nó vậy. Bao giờ Nhóc trở về Sài Gòn?

- Ngay chiều nay vì sáng mai có Công ty hẹn tôi đến nhận thử việc. Khi công việc ổn định, tôi sẽ lại lên Bảo Lộc thăm em.

- Thôi Nhóc khỏi lên đây nữa mất công.

- Vậy em sẽ xuống Sài Gòn?

- Nhóc quên "trái đất tròn như con số không" à? Chúng ta đã quen nhau ở điểm nào, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở điểm đó.

Tôi vui mừng nói:

- Em thông minh ghê! Vậy chúng ta sẽ gặp lại nhau ở quán bán vịt lộn đường Kỳ Đồng, nơi lần đầu chúng ta đã quen nhau.

- Thiếu chút nữa là Nhóc đã thông minh! Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở nơi tổ tiên chúng ta đang sống. Bây giờ em hát tặng Nhóc một bài ca trước khi chia tay. "...Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra có khi vẫn còn nghe..."

Tôi ngồi im sững nghe em hát. Tôi thành thật cầu mong em đừng mơ thấy mình là thác đổ, vì em còn quá trẻ để phải "đổ" dù cho bệnh ung thư máu của em có là bệnh nan y. Tôi mở to đôi mắt nhìn khuôn mặt nhợt nhạt của em. Không phải tôi muốn ghi nhớ hình ảnh khuôn mặt đó lần cuối. Tôi - một người vốn ích kỷ - chỉ muốn giữ không cho những mí mắt gặp nhau, nếu không những giọt nước mắt tròn như con số không sẽ lăn ra...


Chú thích: Xin các bạn đừng hiểu lầm tôi tên Nhóc, sự thật tôi tên... Biền đàng hoàng. Cô bé gọi tôi là Nhóc vì không bao giờ em coi tôi lớn hơn em hoặc ngang hàng với em. Tôi cũng chẳng thèm cãi cọ với em về chuyện đó. Chẳng việc gì phải cãi cọ với một người sắp đi xa. Cô bé sắp đi xuất cảnh à? Trời! Nếu bạn nghĩ như vậy thì tôi đành phải khen bạn (như cô bé đã khen tôi): Thiếu chút nữa là bạn đã thông minh!


Đoàn Thạch Biền



Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 11 29, 2010 6:10 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đâu phải gì cũng mong manh


Đoàn Thạch Biền



Mỗi chiều tan sở ra, tôi đều đi bộ đến chợ huyện xây cất ở gần bờ biển, ghé mua thực phẩm cho bữa ăn tối, trước khi trở về nhà. Bữa ăn trưa vì thì giờ eo hẹp, tôi thường ăn vội vã một dĩa cơm ở quán gần sở, rồi trở vào căn phòng ngồi ngả lưng ở ghế dựa ngủ một giấc ngắn, trước khi làm việc lại vào lúc một giờ. Bữa ăn tối, tôi thích tự tay mình làm lấy hơn là đi ăn cơm ngoài. Người dân ở đây thường nấu các món ăn bằng cá biển bỏ thật nhiều ớt. Những món ăn như thế chẳng hợp với bệnh gan của tôi.
Buổi chiều nay khi đến chợ, tôi ngạc nhiên thấy một đống bắp cải bày bán ở ngoài sân cát. Thực phẩm này vốn là thứ tôi bị bó buộc phải ưa thích vì nó cần thiết cho lá gan trục trặc. Mỗi khi đến chợ, tôi phải đến hàng rau tìm nó trước nhất rồi mới đến hàng thịt và chẳng bao giờ tôi bước chân đến hàng cá biển. Ở chợ này, bắp cải bán rất đắt, đắt vì phải chuyên chở từ Đà Lạt xuống, thường thường một ký bắp cải giá từ ba đến bốn trăm đồng. Vậy mà chiều này, khi đi ngang qua đống bắp cải xanh tươi, tôi đã nghe cô bé rao "Trăm đồng một bắp cải đây." Tôi không hiểu cô bé nói thật hay mình nghe lầm.
Những người bán rau ở chợ này, tôi đều quen mặt (nếu không quen mặt thì sức mấy mà họ dám bán thiếu cho tôi mỗi khi tôi kẹt tiền), nhưng cô bé đây trông lạ hoắc. Ở xứ nắng chói chang này mà em vẫn mặc áo len, thế mới kỳ. Tôi đứng sững nhìn em một lát và cô bé cất tiếng mời:
- Dịp may hiếm có. Ông mua bắp cải đi, giá rẻ rề.
Tôi nói:
- Chắc bắp cải này hư nên em mới bán giá rẻ rề chứ gì?
Cô bé cúi xuống lấy một bắp cải đưa cho tôi.
- Ông xem này. Còn tươi nguyên, mới đem ở Đà Lạt xuống mà.
Tôi cầm lấy bắp cải, lật lớp lá xanh bao bên ngoài, bên trong những lá cải trắng nõn cuốn chặt chẳng có dấu vết hư thối nào, nó thật tươi đúng như cô bé nói.
Bắp cải nặng gần hai ký. Tôi hỏi cô bé:
- Bao nhiêu đây?
- Em bán giá đồng hạng, một trăm một cây.
Để chứng tỏ mình cũng là người rành chuyện buôn bán, tôi nói:
- Thôi tám chục đi.
Cô bé lắc đầu.
- Một trăm là rẻ rồi, ngày thường ông phải mua ba trăm là ít.
- Thôi chín chục đi. Tôi sẽ mua một cây rưỡi.
- Em không bán một cây rưỡi. Cứ một trăm một cây, giá nhất định.
- Thôi chín lăm đi. Em bán không.
- Trời đất ơi ! Ông kỳ kèo trả giá còn hơn đàn bà. Bộ ông sợ mua hớ về vợ ông la hả?
- Không. Tôi sợ mua hớ em sẽ cười tôi ngu.
Cô bé bật cười.
- Ông cứ mua một trăm một cây đi. Em không cười ông ngu đâu.
- Vậy chứ em vừa cười cái gì vậy?
- Em cười ông thật thà. Em khuyên ông nên mua hai ba cây để dành. Ngày mai sẽ không còn bắp cải rẻ như hôm nay.
Tôi "thật thà" hỏi:
- Tại sao vậy?
Cô bé chớp mắt nói:
- Ba em chở một xe bắp cải, định đem vào Sài Gòn bán; nửa đường xe hư, ba em phải chở vào đây bán giá rẻ. Nhưng ba em đã đi thuê xe khác, vì vậy em nói ngày mai giá bắp cải sẽ đắt.
Nghe cô bé giải thích xong, tôi nói:
- Vậy em bán cho tôi năm bắp cải.
Cô bé đi vòng quanh đống bắp cải, bới tìm những cây khá lớn, rồi em lấy dây cột chúng lại đưa cho tôi.
- Em đã lựa cho ông những bắp cải chắc nhất.
Vì đã tự giới hạn, mỗi ngày chỉ được chi tiêu ba trăm tiền chợ; nên mua bắp cải xong, tôi khỏi mất công đi đến hàng thịt hay bất cứ hàng nào khác.
Bữa ăn tối đó, tôi đã ăn bắp cải trừ cơm, rất may, bắp cải không làm tôi đau bụng phải thức giấc vào lúc nửa đêm.
Buổi chiều hôm sau đi chợ, tôi thấy cô bé vẫn còn đứng bán bắp cải. Em vẫn mặc chiếc ao len xanh dài tay, dù cho trời nắng gắt. Mặc áo len có lẽ là thói quen của dân Đà Lạt, nên họ ít khi chịu rời bỏ. Khi tôi đến gần, nghe em rao: "Đại hạ giá. Hai trăm đồng ba bắp cải đây." Tôi lại tự hỏi, cô bé nói thật hay mình nghe lầm. Thấy tôi, em nói:
- Mời ông mua bắp cải.
- Mua gì nữa. Hôm qua tôi đã mua năm bắp cải rồi.
- Ông nên mua thêm. Hôm nay giá rẻ hơn hôm qua.
Nghe cô bé liến láu, tôi nổi sùng nạt:
- Sao hôm qua em nói giá hôm nay sẽ đắt hơn.
- Em đâu có ngờ, ba em chưa thuê được xe chở bắp cải vào Sài Gòn. Hôm nay em bị bắt buộc phải bán giá rẻ, vì xứ nóng bắp cải mau hư.
Tôi thở dài:
- Vậy là tôi đã bị hớ rồi, em có cười tôi ngu?
- Không. Vì em cũng đã bị hớ.
- Em hớ cái gì?
- Cảm tình dành cho ông.
- Dành cho tôi?
- Phải. Em tưởng ông thông cảm sẽ không kỳ kèo về chuyện mua bắp cải với giá đắt. Nào ngờ...
Cô bé bỏ lửng câu nói, thở dài, rồi ngoảnh mặt rầu rầu nhìn đi nơi khác. Tiếng thở dài của người lớn thật đáng ghét như lốp xe xì hơi. Nhưng tiếng thở dài của mấy cô nhỏ như ngọn gió mùa Thu nghe thật thê lương và trái tim tôi, một chiếc lá vàng úa, tránh sao khỏi rung động. Tôi vội nói:
- Này nhỏ, tôi thông cảm với em rồi. Hôm nay tôi mua thêm ba bắp cải nữa.
Cô bé quay nhìn tôi cười.
- Để em lựa cho ông ba bắp cải chắc nhất.
- Hôm qua em đã lựa cho tôi năm bắp cải chắc nhất rồi, còn đâu bắp cải chắc nhất nữa.
- Em vẫn còn những bắp cải chắc nhất dành cho ông chiều nay.
Biết mình bị cô bé lừa, nhưng tôi chỉ cười trừ. Nếu một bà già nói với tôi như vậy, chắc tôi sẽ giảng "moran" cho bà nghe điếc con ráy, nhưng với một cô bé tôi đành nín thinh. Chẳng bao giờ tôi thích cãi tay đôi với một cô bé. Giành giật "thắng lợi" với một người nhỏ tuổi hơn mình, nào có thích thú gì.
Khi cô bé đưa cho tôi ba bắp cải đã được cột dây cho cẩn thận, tôi hỏi:
- Này nhỏ, bây giờ gia đình em ở đâu?
- Gia đình em ăn ngủ luôn trên xe, đậu ở khoảng sân trống trước rạp hát.
- Tôi cũng ở gần đó. Tối nay em rảnh không?
- Ông định mời em đi xem cải lương?
- Em thích cải lương?
- Thích lắm. Em xin ba hoài nhưng ba không cho đi xem.
- Vậy tối nay tôi sẽ đến xin phép cho em đi xem.
Cô bé reo lên.
- Ông hứa chắc nghe.
Tôi cười.
- Chắc như bắp cải của em.
Sau khi rửa bát đũa xong, đúng bảy giờ, tôi đi bộ đến rạp cải lương. Mùa hè ở đây ban ngày trời rất khó chịu, chẳng ai muốn ra ngoài đường, vì nắng chiếu rát da mặt, lại thêm những ngọn gió thổi cát ào vào mắt nhắm không kịp. Nhưng đêm đến, gió từ biển thổi vào mang theo hơi nước, khiến người ta thấy dễ chịu hơn khi rời khỏi nhà. Trên vỉa hè đông người qua lại, họ đi mua sắm vật dụng hay đi xem hát. Đa số dân ở đây rất mê cải lương, nhưng chẳng mấy khi được xem tận mắt, họ chỉ được nghe các vở tuồng truyền thanh hay trên những chuyến xe đò mở nhạc cải lương oang oang câu khách. Vì vậy mỗi khi có đoàn cải lương về huyện hát, con phố nhộn nhịp hẳn lên.
Tôi đi thẳng ra sân cát rộng trước rạp hát. Có khoảng chục chiếc xe hàng đậu nơi đây. Không biết gia đình cô bé ở xe nào, tôi đi vòng quanh tìm kiếm. Chợt có tiếng kêu:
- Chào ông.
Tôi ngẩng đầu nhìn lên. Cô bé đang ngồi với hai em nhỏ trên một mui xe và em đưa tay vẫy. Tôi đưa tay vẫy lại. Cô bé bám vào một chiếc thang nhỏ leo xuống. Vẫn mặc chiếc áo len màu xanh dài tay. Cô bé đứng trước mặt tôi đưa tay vuốt lại mái tóc.
- Em đợi ông từ sáu giờ.
Tôi giải thích:
- Tôi phải nấu cơm và rửa chén bát xong mới đi được.
- Vợ ông đau à?
- Tôi chưa hân hạnh gặp bà ấy ở đời này.
- Trời đất ! Vậy ông mua bắp cải làm gì mà nhiều quá vậy. Bộ ông có nuôi heo hả?
- Nếu có nuôi heo, tôi sẽ sạt nghiệp. Tôi nuôi tôi còn ốm nhách thế này, nuôi heo bán ai mua.
Cô bé cười, chỉ dưới chân tôi.
- Tại ông lo chăm sóc cái bóng của ông nhiều quá. Ông thấy không, nó mập hơn ông.
Tôi cười nói:
- Ba em đâu, để tôi xin phép ông cho em đi xem cải lương. Họ sắp trình diễn rồi.
Cô bé gọi lớn vào khoang xe:
- Bố ơi, có ông khách mua bắp cải.
Từ trong khoang xe tối om, một người đàn ông mặc áo vét sờn cũ bước ra. Đứng ở thành xe, ông hỏi tôi:
- Ông muốn mua sỉ bắp cải?
Cô bé xua tay.
- Con bán cho ông ấy nhiều ở chợ rồi, ông ấy đến để...
Cô bé quay sang tôi:
- Để làm gì ông nói đi.
Người đàn ông từ thành xe nhảy xuống bắt tay tôi.
- Cậu làm việc ở huyện?
- Dạ phải.
Bây giờ tôi mới nhận ra người đàn ông này buổi sáng tôi đã gặp ở văn phòng hành chánh huyện. Ông đến xin phép thuê xe chở bắp cải vào Sài Gòn. Tôi đã giúp ông có giấy phép sớm. Tôi không ngờ ông là ba cô bé. Tôi nói:
- Bác thuê được xe chở bắp cải chưa?
- Cám ơn cậu. Được rồi, bốn giờ sáng xe chở bắp cải sẽ chạy. Còn chúng tôi ở lại sửa xe xong vào sau.
Cô bé reo lên:
- Vậy ông hên nhé. Ngày mai bắp cải sẽ đắt.
Người đàn ông nói:
- Cậu muốn mua bắp cải nữa, tôi vẫn để cho cậu giá đặc biệt.
Trước lòng tốt của người đàn ông, tôi phát hoảng, vì đã hai tối rồi tôi phải ăn bắp cải trừ cơm. Tôi vội từ chối.
- Cám ơn bác. Tôi còn sáu bắp cải ở nhà. Dư ăn một tuần.
Thấy cô bé nháy mắt ra hiệu, tôi biết em đã nôn nóng muốn đi xem cải lương. Tôi vội kết thúc câu chuyện bằng một câu quen miệng: "Sau cơn mưa trời lại sáng, chúc bác may mắn." Rồi tôi ngỏ ý muốn mời ông và cô bé đi xem cải lương "giải buồn." Ông nói:
- Cám ơn cậu. Lúc này tôi chẳng còn hứng thú xem cải lương, nhưng con nhỏ này mê lắm, vậy nhờ cậu dẫn nó đi xem.
Tôi bắt tay chào ông và dẫn cô bé đi. Khi chúng tôi đi khuất chiếc xe vận tải, cô bé nói:
- Em không ngờ ông cũng thuộc tên tuồng cải lương dữ.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tôi có thuộc tên tuồng cải lương nào đâu?
- Hồi nãy ông nói với em "Sau cơn mưa trời lại sáng" đó không là tên một tuồng cải lương sao? Tôi không hiểu cô bé nói thật hay đùa, nên đành nín thinh.
Sắp đến giờ trình diễn, khán giả đã vào rạp, chỉ còn bọn con nít bu đông bên ngoài chực vào ké. Tôi đến phòng vé hỏi mua hai vé hạng ba. Họ nói hạng nhất, nhì, ba đều đã hết, chỉ còn thượng hạng, tám trăm một vé. Cũng may tôi mới lãnh lương hồi chiều; nếu không, tôi phải nói dối với cô bé là đã bị bọn móc túi lấy bóp và dẫn em về.
Trong rạp đông nghẹt khán giả, thở không nổi. Nhờ mua vé thượng hạng, chúng tôi đã được ngồi ngay dưới một hàng quạt trần. Có vậy tôi mới đủ sức chịu đựng ngồi ở đây suốt ba tiếng đồng hồ.
Hồi chuông thứ tư vang lên. Đèn trong rạp tắt hết và loa phóng thanh kêu oang oang. "Kính thưa quí vị khán giả. Hôm nay đoàn Hoa Mai chúng tôi xin trình diễn ra mắt quí vị vở tuồng "Duyên tình mong manh." Một vở tuồng tình cảm xã hội đặc sắc nhất và mới lạ nhất của soạn giả Đức Thịnh. Với sự có mặt của các danh tài..." Và tôi ngáp, mặc dù theo thông lệ, ở nhà mỗi tối đúng 10 giờ, tôi mới đi ngủ.
Chắc tôi đã ngủ thẳng một giấc trong rạp, nếu không có những tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Trên sân khấu, anh kép chính và chị đào thương đang ôm nhau ca những lời mùi mẫn, diễn tả mối tình trong trắng và mong manh như giấy pelure của họ. Tôi ngạc nhiên thấy những người ngồi chung quanh và cô bé đã khóc dễ dàng. Em đưa ống tay áo lên thấm những giọt nước mắt lăn trên má. Tự dưng tôi đâm "thù" những người đang ca hát trên kia, vì họ đã giúp cho người khác khóc. Tự người ta khóc chưa đủ buồn sao mà còn phải giúp người ta !
Cho đến khi tấm màn khép lại, nhạc ò e tạm biệt lên và đèn trong rạp bật sáng, tôi cũng không hiểu họ đã diễn cái gì trên sân khấu. Tôi giữ cô bé ngồi lại trên ghế, chờ khán giả ra bớt để đỡ chen lấn. Cô bé hỏi tôi:
- Ông xem hay không?
Tôi lắc đầu nói:
- Họ diễn thua tôi nhiều.
- Còn khuya. Ông mà biết diễn tuồng?
- Đừng vội chê, nhỏ. Tôi mời em tối mai đến xem tôi trình diễn vở tuồng "Bữa ăn tối tại nhà trọ."
Đạo diễn xong bữa ăn tối, tôi đi đón cô bé đến xem. Trong căn phòng chật hẹp, dưới ánh đèn néon sáu tấc, chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ. Trên bàn, bày bắp cải bảy món, do tôi nấu theo quyển sách: "Tự học làm bếp." Gồm có: bắp cải luộc, bắp cải trộn giấm, bắp cải xào mì chay, bắp cải bằm chiên trứng, bắp cải nấu canh thịt mỡ, bắp cải hầm xương heo, bắp cải muối dưa và món tráng miệng đặc biệt là bắp cải sống.
Cô bé quan sát kỹ lưỡng món ăn rồi em hỏi:
- Sao toàn bắp cải vậy?
Tôi phân bua:
- Thì em có bán cho tôi món gì khác ngoài bắp cải đâu?
- Ăn xong, có đau bụng không?
- Đau bụng hay không chắc em biết rõ hơn tôi vì bắp cải này của em mà.
Bữa ăn tiến triển một cách chậm chạp, nhưng thành quả rất tốt đẹp; vì sau cùng, chúng tôi đã thanh toán hết các món ăn. Tôi thu dọn bát dĩa vào chậu rồi đi pha trà. Cô bé nói:
- Để em rửa bát chén giúp ông.
Tôi xua tay.
- Em làm giúp, tôi sẽ mất thói quen và tối mai tôi không còn can đảm rửa chén nữa.
- Sao ông không lập gia đình? Một người vợ sẽ giúp ông nhiều chuyện.
- Tôi đã biết giặt quần áo, biết đi chợ trả giá, biết nấu ăn, biết rửa chén, vậy khỏi phải lấy vợ.
- Ông vẫn cần phải lấy vợ như thường.
- Tại sao?
- Ai săn sóc khi ông đau ốm?
- Nhà thương thí.
- Ai cằn nhằn ông khi ông về khuya hay say sưa?
- Trời đất quỉ thần ba má anh chị ơi ! Bộ cần phải có một người cằn nhằn mình, mình mới sống được sao?
- Đúng vậy. Ông thấy đó, ai cũng ghét tiếng động nhưng thiếu tiếng động người ta sẽ buồn chán và hoảng sợ ngay.
Nghe cô bé nói cũng có lý, tôi không biết bắt bẻ thế nào nên chọc tức em:
- Vậy chắc em cũng rành chuyện cằn nhằn lắm hả?
Cô bé trả lời tỉnh bơ.
- Dĩ nhiên. Đàn bà con gái ai không rành chuyện đó.
- Vậy em làm ơn cằn nhằn tôi một hồi đi.
Cô bé trợn mắt nhìn tôi.
- Bộ ông điên rồi hả?
- Tôi nói thật mà. Em cằn nhằn cho tôi thâu băng, rồi khi nào cảm thấy cần tiếng cằn nhằn, tôi sẽ mở băng ra nghe. Như thế tôi khỏi cần phải lấy vợ nữa.
Cô bé bật cười rũ rượi.
- Ông đúng là vua lười.
- Tôi mà lười? Nếu lười tôi đã không tự tay nấu những bữa ăn tối. - Những người đàn ông sợ lập gia đình đều là những người lười biếng. Ông hãy tưởng tượng, nếu tất cả đàn ông đều sợ lập gia đình thì thế giới này sẽ ra sao? - Ồ ! thật tuyệt diệu. Thế giới này sẽ trở thành thiên đàng ngay.
Cô bé kéo ghế đứng dậy.
- Thôi chào ông, em về.
Tôi chưng hửng nói:
- Gấp vậy. Còn sớm mà.
- Em không muốn ở trong thiên đàng của ông nữa. Ngột ngạt quá.
Mặc dù tôi năn nỉ, cô bé vẫn đòi về. Khi đưa em đến gần chỗ gia đình em đậu xe, tôi nói:
- Em xem có hay không?
- Xem gì đâu?
- Vở tuồng "Bữa ăn tối ở nhà trọ" do tôi diễn.
Cô bé cười.
- Dở ẹc. Ông nấu nướng nuốt không vô.
Tuy vở tuồng của tôi "dở ẹc," nhưng tôi vẫn cảm thấy sung sướng. Tôi không làm cho cô bé tốn nước mắt mà trái lại đã giúp em có được nụ cười.
Một buổi tối từ nhà người bạn trở về, tôi thấy cô bé đã ngồi đợi tôi ở trước thềm nhà trọ. Em ngồi bó gối gục đầu, tóc buông xõa, dáng điệu ủ dột. Tôi hỏi:
- Em ngồi đợi lâu chưa?
- Hơn nửa tiếng rồi.
- Mời em vào nhà.
- Em ngồi đây được rồi. Tôi nghĩ vào phòng giờ này cũng nóng bức nên ngồi xuống thềm nhà với em. Căn phòng khi đi tôi đã đóng kín các cửa nên ánh sáng đèn điện bên trong không hắt ra ngoài. Trước mặt chúng tôi khoảng sân rộng lát gạch, sáng rực ánh trăng đêm mười sáu. Hai cây dừa trồng trong sân vươn cao với những tàu lá ánh bạc và im sững. Đêm không gió, không khí ngột ngạt khó thở. Chợt cô bé ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt tôi, em nói nhanh:
- Em đến từ biệt ông. Ngày mai em đi, xe của ba em sửa đã xong.
Tôi biết chuyện này rồi sẽ xảy ra. Đã biết trước nhưng tôi cũng không ngăn được tiếng thở dài.
- Ông đừng buồn.
- Ủ.
- Ông còn nhớ vở tuồng chúng ta cùng xem?
- Nhớ.
- Tên tuồng là gì?
- "Bữa ăn tối ở nhà trọ."
- Không phải vở tuồng dở ẹc đó đâu. Em muốn nói vở tuồng chúng ta cùng xem ở rạp.
- "Duyên tình mong manh."
- Đúng rồi. Không phải ở trên sân khấu mà ở ngay đời này, mọi thứ cũng đều mong manh.
- Đâu phải cái gì cũng mong manh.
- Có những thứ rất chắc chắn.
- Thứ gì đâu?
- Những bắp cải của em rất chắc chắn.
- Chúng chỉ chắc chắn đối với ông.
- Đối với em cũng có một thứ rất chắc chắn.
- Thứ gì?
Ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt cô bé. Tôi nói chậm rãi: - Tình cảm của tôi dành cho em.
Đáng lẽ tôi phải đồng ý với cô bé là mọi thứ ở đời này đều mong manh. Ngày mai em đi, chẳng bao giờ chúng tôi có dịp gặp lại, tôi không nên để em còn những ràng buộc với nơi chốn này, không ràng buộc, em sẽ sống dễ chịu hơn ở một nơi chốn khác. Vậy mà vì ích kỷ, tôi đã nói lên tiếng nói của lòng mình và làm cho cô bé khóc. Hơn những thứ khác, những giọt nước mắt rất mong manh, tôi biết vậy. Nhưng chắc suốt đời tôi sẽ ân hận vì chỉ một phút yếu lòng, tôi đã giúp cho cô bé biết ở đời có một thứ không mong manh.


Đoàn Thạch Biền


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Ba 2 01, 2011 3:08 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Anh Chàng Có Bộ Mặt Hề

Tác Giả: Đoàn Thạch Biền

Tôi đang cắm cúi đánh máy bảng kết toán cuối năm để trình giám đốc ký. Chợt có tiếng cười vang của các bạn trong phòng, khiến tôi phải ngẩng mặt nhìn lên. Một thanh niên lạ mặt đứng ngơ ngác ở giữa phòng, tay đang mân mê chiếc mũ nỉ màu nâu đỏ. Khuôn mặt anh có vẻ gì đó tếu tếu khó diễn tả. Bộ râu mép của anh đã cạo sạch, vẫn nổi lên một vệt đen ở dưới mũi trông như râu vua hề Sạclô. Có lẽ thấy tôi nghiêm mặt không cười (tôi vẫn mang tiếng là "bà cụ non"), anh rụt rè bước đến hỏi:
- Xin lỗi, đây có phải là phòng kế toán tổng hợp?
- Đúng vậy ạ.
Tôi chưa kịp mở miệng, ba cô bạn đã đồng thanh trả lời rồi cười vang. Bây giờ tôi mới biết họ cười vì anh đi hai chân "chàng hảng" chữ bát. Tôi hỏi:
- Anh cần gặp ai?
- Tôi muốn gặp trưởng phòng.
Anh móc túi đưa tôi giấy quyết định bổ nhiệm có chữ ký của giám đốc. Tên anh là Lê Hữu Nghiêm. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử. Chức vụ: Phó phòng kế toán. Chị trưởng phòng của chúng tôi đi vắng. Tôi mời anh đến ngồi đợi ở chiếc bàn của chị. Tôi vẫy tay gọi cô bạn đến cuối phòng, nói nhỏ:
- Phó phòng của tụi mình đó.
Lan trợn mắt hỏi:
- Mi định "hù" tụi tao hả?
Tôi lắc đầu. Nguyệt hỏi:
- Chắc anh ta thuộc loại COCC (*) gốc bự, chứ tướng đó xin vào làm nhân viên hợp đồng giám đốc cũng không nhận.
- Đừng coi thường. - Tôi nói - Ông ấy tốt nghiệp kỹ sư điện tử đó.
Hương bĩu môi:
- Bằng "dỏm". Tao nghĩ ông ấy đã tốt nghiệp lớp diễn viên hề.
Ba cô bạn lại che miệng cười khúc khích rồi nhỏ to nói chuyện. Tôi trở về bàn ngồi đánh máy tiếp. Thỉnh thoảng nhìn lên, tôi thấy anh vẫn ngồi im như pho tượng ở bàn trưởng phòng. Anh ngồi rất nghiêm trang nhưng trông cũng buồn cười. Một lúc sau, chị Tâm, trưởng phòng đi công tác về. Ba cô bạn vội ngồi vào bàn chăm chỉ làm việc.
Hai người trao đổi với nhau điều gì đó, rồi chị Tâm gọi chúng tôi đến giới thiệu với anh chàng có bộ mặt hề. Anh đứng dậy, lễ phép cúi chào từng người khiến ba cô bạn của tôi lại được dịp cười. Chị Tâm nói:
- Các em hãy làm quen với anh Nghiêm, phó phòng của chúng ta. Anh tuy biên chế ở phòng, nhưng lại làm việc bên giám đốc. Anh coi máy vi tính của xí nghiệp. Thôi các em về chỗ làm việc. Chị đưa anh Nghiêm đi giới thiệu với các phòng ban khác.
Đúng như lời chị Tâm nói. Hằng ngày anh Nghiêm chỉ tạt qua phòng một chút, để chị Tâm thấy mặt chấm công. Sau đó, anh đi đâu mất. Có lần tôi lên phòng giám đốc để trình lý báo cáo sử dụng vật tư trong tháng nhưng không gặp ông. Tôi ngó qua phòng bên cạnh để tìm ông. Trong căn phòng lắp kính, chạy máy lạnh, anh Nghiêm đang ngồi trước một dàn máy có màn hình nổi lên những con số như tivi. Tôi tò mò đứng xem. Anh Nghiêm thấy tôi, vội chạy ra mở cửa, mời vào.
- Tuyết muốn hỏi chuyện gì?
- Cái máy này là "bộ óc" của xí nghiệp phải không anh?
- Đúng vậy. Tuyết thắc mắc điều gì nó sẽ giải đáp ngay.
Tôi cười nói, tôi muốn biết tại sao lương của tôi thấp quá vậy? Anh Nghiêm hỏi tôi vào làm ở xí nghiệp được bao lâu, bậc lương mấy. Anh ngồi xuống máy nhấn nút, những con số hiện ra. Anh trả lời tại cơ chế quan liêu bao cấp cần tinh giảm biên chế mới được hưởng lương cao. Tôi nói như vậy chẳng cần máy tính tôi cũng biết, và để trêu anh, tôi hỏi:
- Về chuyện tình yêu, máy có giải đáp được không?
- Được chứ. Nếu Tuyết cung cấp đầy đủ dữ kiện về người Tuyết yêu, tôi sẽ cho biết chính xác lương hai người cộng lại đủ nuôi dưỡng tình yêu trong bao lâu.
Không biết anh nói đùa hay thật, tôi bỏ đi về phòng. Tôi kể cho ba cô bạn nghe về sự kỳ lạ của máy vi tính. Lan cười nói:
- Được rồi, tao sẽ nhờ ông ấy dùng máy vi tính tìm giúp tao một người chồng đúng "kích cỡ".
Chiều đó, khi ra về tôi thấy anh Nghiêm đứng lóng ngóng đợi ai ở góc đường. Tôi vừa đi ngang, anh nói:
- Tôi muốn thông báo với Tuyết, tôi đã tìm ra người yêu của Tuyết.
Tôi chưng hửng:
- Ai vậy?
- Qua máy vi tính tôi được biết lương của tôi cộng với lương của Tuyết đủ nuôi dưỡng tình yêu trong một tháng.
Tôi phì cười vì anh chàng "mát" này. Nhưng không hiểu sao vẫn nhận lời đi uống nước với anh. Tôi ngượng đỏ mặt khi đi bên anh vào quán đông người. Có người tế nhị che miệng cười nhưng cũng có người cười hô hố nói:
- Vua hề Sạclô tái xuất giang hồ.
Người ta thường nghĩ vượt qua những giọt nước mắt thật khó khăn, nhưng tôi lại nghĩ vượt qua những nụ cười diễu cợt còn khó khăn hơn. Người ta rất dễ yêu mến một anh hề trên sân khấu, nhưng một anh hề ngoài đời lại bị diễu cợt. Phải chăng vì đời sống đã có quá nhiều trò hề, nên người ta chán một anh chàng có bộ mặt hề?
Bây giờ tôi mới hiểu và thông cảm với anh Nghiêm. Anh đã phải chịu đựng nhiều vì bộ mặt hề của mình. Anh cho biết năm nay anh 38 tuổi, vẫn chưa lập gia đình. Vì cô nào nghe anh tỏ tình cũng phì cười, cho anh nói giễu chơi. Người ta khó mà tin được lời nói đứng đắn ở một bộ mặt hề. Tôi nói:
- Anh hãy thay đổi cách diễn tả để họ không buồn cười, như viết thư chẳng hạn.
- Không phải tại cách diễn tả mà tại quan niệm của tôi về tình yêu. Tôi nghĩ yêu nhau không phải là ngồi dựa lưng vào nhau rồi bốn mắt nhìn về bốn hướng. Yêu nhau là nhìn thẳng vào mắt nhau để giúp nhau lấy những hạt bụi trong mắt.
Thú thật, tôi đã phải bậm chặt môi để khỏi bật cười. Không biết có phải máy vi tính đã giúp anh có quan niệm đó?
Sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã quyết định nhận lễ hỏi của anh Nghiêm. Mặc cho ba cô bạn cùng phòng khuyên ngăn. Lan nói:
- Nhìn bộ mặt ông ấy mà mi tin ông ấy nói thật à? Ông ấy giễu mi đó.
Hương nói:
- Trên đời này chỉ có tình yêu đứng đắn chứ làm chi có "tình hề".
Nguyệt nói:
- Hay mi "yêu" chức phó phòng?
Tôi đều lắc đầu không trả lời. Con tim có lý lẽ của nó mà tôi không giải thích được. Nhưng anh Nghiêm hỏi tôi, tại sao không từ chối tình yêu của anh. Tôi nói:
- Anh có bộ mặt "hề". Em có bộ mặt "bà cụ non". Chúng ta sẽ bổ sung cho nhau. Con cái chúng ta vừa giống cha vừa giống mẹ, chúng sẽ có bộ mặt bình thường.
Anh Nghiêm xiết chặt tay tôi, sung sướng mỉm cười. Lần đầu tiên tôi thấy anh cười. Nụ cười trông thật thảm thương. Tôi thầm nghĩ thà anh đừng cười, như vậy còn hay hơn.

(*) COCC = con ông cháu cha


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 6 20, 2011 12:56 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nhà tiên tri ảo


Đoàn Thạch Biền


Mắt Tùng sáng lên khi anh thấy cuốn sách có tựa "Cuộc đời của một nhà tiên tri Do Thái", nằm giữa đống sách cũ để ngổn ngang ở góc nhà. Anh cầm cuốn sách lên. Bìa sách vẽ một ông già râu tóc bạc phơ, có vầng trán cao và đôi mắt sâu hoắm như đang nhìn chằm chằm vào anh. Cuốn sách đã quá cũ, nhưng vẫn còn đọc được. Chỉ đáng tiếc là nó đã mất mấy trang cuối. Có lẽ đó là lý do khiến ông chủ hiệu sách cũ đã để nó nằm trong đống sách dưới đất, thay vì để trên kệ như những cuốn sách khác còn nguyên vẹn. Dù sao Tùng cũng thấy vui khi trả tiền vì đã mua được loại sách anh đang sưu tầm. Bước ra khỏi cửa hiệu sách cũ, anh tự nhủ: "Mình sẽ đọc cuốn sách ngay trong đêm nay".
Đang chạy xe Honda trên đường, Tùng nghe có tiếng la: "Cướp! Cướp!". Anh quay lại nhìn, Một chiếc Suzuki phóng ào lên, tiếng máy rú nghe lạnh gáy. Tùng lóng ngóng lái xe chệch ra tim đường. Chiếc Suzuki tông vào xe anh. Tùng ngã nhào, đầu đập mạnh xuống đường. Đau buốt...
Khi Tùng mở mắt, vật anh thấy đầu tiên là chai nước biển treo lơ lửng ở bên giường. Rồi khuôn mặt của Ngân - vợ anh - cúi xuống mừng rỡ:
- ồ, anh đã tỉnh rồi!
Tùng cố nhớ lại mọi chuyện nhưng chẳng nhớ được gì. Anh cảm thấy đầu đau nhức, đưa tay trái lên bóp trán thì đụng lớp băng. Ngân nắm tay anh kéo xuống để dọc trên giường nệm.
- Anh đừng cử động. Anh mới giải phẫu xong. Bác sĩ nói anh bị chấn thương sọ não và gãy ống xương chân trái.
Tùng nhắm mắt lại. Đầu óc anh hiện ra ông già râu tóc bạc phơ, có vầng trán cao và đôi mắt sâu hoắm. Anh thều thào nói:
- Cuốn sách đâu?
- Sách gì?
- Sách anh mới mua.
- Trời ơi! Sắp chết đến nơi mà còn lo sách với vở! Nào, anh mở miệng ra để em đút cho miếng cháo.
Tùng định nói nữa nhưng muỗng cháo đã làm anh nghẹn họng.
***
Sau mười ngày nằm bệnh viện, Tùng được chuyển về nhà. Cái đầu đã tháo băng nhưng chân trái vẫn còn bó bột và anh phải đi đứng nhờ đôi nạng. Hàng ngày bé Ly được vợ anh chở đi học lớp 3 bán trú đến chiều mới về. ở nhà một mình, Tùng chẳng biết làm gì ngoài việc xem tivi và chơi game trên máy vi tính. Nhưng anh vẫn không quên được cuốn sách đã mất. Anh đã nhờ bạn bè đến chỗ anh gặp tai nạn để tìm, thậm chí còn hỏi những người bán hàng hai bên đường nếu ai lượm được cuốn sách thì xin chuộc lại bằng tiền. Nhưng cũng chẳng ai biết. Có lẽ cuốn sách quá cũ, nằm lăn lóc trên đường đã bị người ta lượm quăng vào sọt rác.
Có tiếng gõ cửa. Tùng chống nạng bước ra mở cửa. Hưng, bạn thân làm việc cùng công ty với anh, bước vào.
- Ông khoẻ chưa?
- Cũng đỡ. Mời ông ngồi. Ông có tìm ra cuốn sách tôi đánh mất không?
Hưng ngồi xuống ghế, đốt thuốc hút:
- Ông quên cuốn sách vớ vẩn đó đi. Ráng tĩnh dưỡng rồi vào công ty giúp tôi một tay. Công việc cuối năm tất bật làm tôi muốn điên cái đầu.
Trong đầu Tùng lại hiện ra ông già râu tóc bạc phơ, có vầng trán cao và đôi mắt sâu hoắm. Tùng nhìn Hưng bằng đôi mắt đó và nói:
- Ông đừng lo. Ông sắp được thảnh thơi rồi.
- Sao? Thảnh thơi là sao?
- Ông có muốn tôi nói thật không?
- Trời đất! Bạn bè bao lâu nay, tôi có nói dối ông điều gì đâu.
- Thứ tư tuần tới ông sẽ chết. Vậy ông còn bốn ngày nữa để sống. Hoặc ông lo làm cho hết mọi chuyện cần làm, hoặc ông cứ vui chơi thoải mái. Tuỳ ông.
Hưng trợn mắt nhìn Tùng:
- Ông điên rồi à! Ai lại đùa giỡn kiểu đó.
- Tôi không nói đùa. Ông không tin tuỳ ông nhưng ông sẽ chết vào ngày đó.
Hưng đứng dậy, hét lớn:
- Ông khùng rồi! Ông nên nhờ bác sĩ khám lại cái đầu. Nếu ông không xin lỗi, tôi sẽ chia tay ông.
- Vậy tôi xin lỗi anh trước bởi sẽ không còn dịp nào nữa.
Vào lúc đó Ngân chở bé Ly về nhà. Thấy mặt Hưng đỏ bừng có vẻ giận dữ, nàng hỏi:
- Có chuyện gì vậy anh Hưng? Mời anh ngồi chơi chút đã.
- Cám ơn chị. Chị vào lo cho ông chồng của chị đang nổi cơn khùng kia kìa!
Hưng lấy xe, nổ máy chạy đi. Ngân dẫn bé Ly vào nhà. Thấy Tùng ngồi cúi đầu ở ghế, nàng hỏi:
- Anh làm gì mà anh Hưng giận dữ vậy?
- Anh chỉ nói sự thật.
- Sự thật gì?
- Anh ấy sẽ chết vào ngày thứ tư tuần tới.
- Trời đất! Nói vậy mà anh cũng nói được hả?
- Anh chỉ muốn giúp anh ấy biết trước ngày chết để thu xếp mọi chuyện cho êm đẹp.
- Nhưng làm sao anh dám quả quyết điều anh nói là đúng?
- Chính ông già trong cuốn sách anh làm mất đã giúp anh biết điều đó.
Ngân lắc đầu, thở dài:
- Đầu óc anh bị trục trặc rồi. Sáng mai em sẽ xin nghỉ việc đưa anh đi bệnh viện khám lại cái đầu.
Có tiếng gõ cửa. Ngân ra mở cửa. Bà Năm hàng xóm tươi cười bước vào:
- Chào cô Ngân. Bảy giờ tối qua nhà tôi bỏ giấy hốt hụi nha. Còn cậu Tùng khỏe chưa?
Ngân nói đỡ lời chồng:
- Anh ấy đỡ rồi bà Năm. Tối con sẽ qua bà.
- Thôi tôi về.
Bà Năm vừa đi, Tùng nói với vợ:
- Tối em qua nhà bà Năm bỏ tiền cao mà hốt hụi đi. Bà ấy sẽ chết vào thứ hai tới.
Ngân nắm chặt hai tay, gào lên:
- Trời ơi là trời! Sao anh nhìn ai cũng thấy người ta chết vậy. Anh nhìn tôi thử nói xem bao giờ tôi chết?
Tùng nhìn Ngân lắc đầu:
- Thật đáng tiếc, anh chưa đủ khả năng nhìn xa được. Anh chỉ nhìn được những cái chết sẽ xảy ra trong vòng một tuần mà thôi.
***
Chiều thứ hai, Ngân đi làm về ghé bệnh viện lấy phim chụp vết thương ở đầu Tùng. Bác sĩ nói vết thương đã lành, trắc nghiệm tâm lý cũng cho biết Tùng là người bình thường, không có gì phải lo ngại. Ngân cảm thấy an tâm vì chồng đã bình phục.
Chở bé Ly về đến đầu ngõ, Ngân chợt nghe những tiếng khóc vang lên từ nhà bà Năm. Ngân dừng xe, hỏi thăm một người trong nhà và biết bà Năm đã bị điện giật chết lúc ba giờ chiều. Ngân tái mặt. Không phải nàng sợ đã không nghe lời chồng bỏ tiền cao hốt hụi để giờ đây dây hụi có thể bị đứt. Nàng tái mặt vì thấy chồng đã tiên đoán đúng cái chết của bà Năm.
Bước vào nhà, Ngân thấy Tùng đang ngồi chơi game ở máy vi tính. Nàng để hồ sơ bệnh của anh lên bàn.
- Bác sĩ nói anh bình thường.
Tùng vẫn chăm chú nhìn vào màn hình và nói:
- Anh cũng nghĩ vậy.
Bé Ly chạy đến bên anh:
- Ba cho con chơi với.
Tùng bế bé Ly đặt ngồi ở ghế bên. Đưa con chuột cho con, anh nói:
- Tới phiên con cứu công chúa. Nhớ coi chừng con rắn gác cửa nghe.
Buổi tối. Ngân định điện thoại cho anh Hưng biết cái chết của bà Năm để anh đề phòng, nhưng nàng phân vân không dám gọi. Báo cho anh Hưng biết, cả nhà anh ấy sẽ lo lắng. Nếu chuyện không xảy ra như anh Tùng dự báo thì gia đình anh ấy sẽ nghĩ gì về vợ chồng nàng? Ngân đành im lặng chờ đợi đến ngày thứ tư.
11 giờ trưa thứ tư, Ngân nhận được điện thoại của Tùng. Anh nói: "Một người trong công ty của anh điện thoại cho hay Hưng vừa mới chết ở ngay trong văn phòng làm việc vì bị nhồi máu cơ tim. Chiều nay đi làm về em hãy ghé thăm vợ anh Hưng. Còn bé Ly, anh sẽ đi taxi tới đón".
***
Rồi từ Ngân, nhiều người đã biết được khả năng "nhìn thấy cái chết" của Tùng, Họ đến nhờ anh coi giúp bản thân mình hay coi cho người thân. Có người biết mình sắp chết đã trở nên sống đạo đức hơn với ước muốn "để đức lại cho con". Có người trở nên ăn chơi trác táng vì nghĩ dù gì đi nữa mình cũng sắp chết rồi. Thậm chí có người còn đi vay nợ để ăn chơi vì biết sắp "xù nợ đời". Người ta gọi anh là nhà tiên tri số một, nhưng cũng có kẻ gọi anh là "Tùng quạ" vì anh chỉ bảo được cái chết như loài quạ.
Một sáng thứ hai, bé Ly vào chào ba đi học. Tùng đã tái mặt và run rẩy ôm chặt lấy con:
- Hôm nay con nghỉ học, ở nhà chơi game với ba.
Bé Ly lắc đầu:
- Cô giáo sẽ la con tội trốn học.
- Không. Má sẽ xin phép cho con nghỉ vì bệnh.
- Con có bị bệnh gì đâu ba?
- Đang có dịch sốt xuất huyết, ba muốn con ở nhà để ba dễ theo dõi. Con đi thay quần áo mặc ở nhà rồi ra đây chơi game với ba.
Bé Ly vừa ra khỏi phòng, Ngân đóng cửa lại và lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì sắp xảy ra cho con vậy anh?
Tùng ứa nước mắt nói:
- Nó chỉ sống được một tuần nữa. Anh không muốn xa con một phút nào.
Ngân ôm tay anh lắc mạnh:
- Thật vậy không anh?
- Anh cầu mong lần này anh đoán sai.
Ngân sụt sùi khóc:
- Anh có cách gì cứu con không?
- Anh không phải là ông trời.
- Biết trước cái chết của con mà không giúp được gì cho nó, em cảm thấy như mình có tội.
- Em cứ đi làm bình thường, đừng để nó nghi ngờ. Chiều về, em nấu cho con những món ăn gì nó thích. Còn anh sẽ thuê xe taxi dẫn nó đi chơi. Chúng ta hãy cố giúp nó những ngày còn sống được hạnh phúc. Cái chết đến, nó sẽ cảm thấy đỡ đau đớn hơn.
Có tiếng đập cửa và tiếng bé Ly gọi:
- Ba ơi ra chơi game đi ba.
Tùng chống nạng đứng dậy mở cửa.
- Nào cha con mình cùng chơi game.
***
Một tuần được nghỉ học, được ba má chăm lo ăn uống và được dẫn lên Đà Lạt nghỉ mát, bé Ly trông hồng hào và mập hẳn ra.
Sáng thứ hai, bé Ly mở cửa cho mẹ dắt xe đi làm. Bé thấy ở hàng rào có bông hoa cát đằng mới nở, bé hái định tặng ba. Một con rắn xanh lè nhỏ bằng chiếc đũa đã mổ vào tay bé. Bé hét lên. Tùng chống nạng chạy ra, lấy dây cột chặt phía trên vết rắn cắn. Anh vào nhà gọi taxi qua điện thoại. Năm phút sau xe đến. Anh bồng con vào xe, hối thúc tài xế chạy nhanh đến bệnh viện cấp cứu. Bé Ly đã chết ngay khi xe chạy đến cổng bệnh viện.
Tùng đã đập đầu vào quan tài bé Ly đến ngất xỉu. Vết thương cũ bị động và anh phải vào nằm ở bệnh viện.
Sau một tháng điều trị, người ta chuyển Tùng đến một bệnh viện tâm thần. Bác sĩ khám bệnh cho anh rồi cười hỏi:
- Nghe nói anh có tài đoàn đúng ngày người ta chết. Vậy anh có thể đoán tôi chết ngày nào, năm nào không?
Tùng nhìn chăm chăm ông bác sĩ rồi nói:
- 2050.
Ông bác sĩ:
- Tôi sống lâu vậy à?
Cô y tá đứng bên hỏi:
-Còn tôi?
Tùng nhìn cô y tá nói:
- 2050
- Tôi sẽ chết cùng năm với bác sĩ à? Thế còn anh sẽ chết năm nào?
- 2050.
Cô y tá nhíu mày rồi bật cười phá lên. Cô chỉ tay cho bác sĩ thấy con số trên áo bệnh nhân của Tùng: 2050.

Đoàn Thạch Biền


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 10 29, 2011 10:42 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Tên của một người

Đoàn Thạch Biền


Tôi chăm chú xem xấp ảnh nghệ thuật của Phước. Anh muốn nhờ tôi chọn một số ảnh đem về Sài Gòn giới thiệu đăng trên các báo. Anh chuyên chụp ảnh phong cảnh và các loài hoa ở Ðà Lạt. Những tấm ảnh đó có góc chụp đẹp và lạ. Phước muốn ghi giữ lại những tia nắng lung linh trên những giọt sương ở đầu lá thông, những tia nắng lung linh trên mặt hồ Xuân Hương vào buổi sớm mai... Lẫn trong xấp ảnh đó, tôi thấy tấm ảnh chân dung một cô bé ôm bó hoa dã quì vàng rực để sát vào cằm. Tôi rất thích đôi mắt của em. Ðôi mắt mở lớn như đang cười dù em không nhếch môi. Tôi đưa tấm ảnh, hỏi Phước:
- Ai vậy?
- Dã Quì, học sinh lớp 12 trường Quang Trung.
- Dã Quì là tên tấm ảnh hay tên cô bé?
Phước bật cười, vừa lúc đó có người đẩy cửa hiệu ảnh của anh, bước vào. Một cô gái đội mũ len màu xanh lá cây, khăn quàng cổ màu rượu chát và chiếc áo gió màu vàng rực như hoa dã quì. Phước giới thiệu tôi và quay sang định giới thiệu cô gái thì tôi nói cắt ngang:
- Dã Quì.
Cô gái tròn xoe mắt nhìn tôi.
- Sao ông gọi em tên đó?
Phước cười chỉ tấm ảnh chân dung tôi còn đang cầm trên tay.
Tôi nói:
- Không phải nhờ tấm ảnh đâu. Nhờ chiếc áo gió màu vàng rực em đang mặc đó.
- Vậy em tên Kim Châm. Màu vàng này cũng là màu hoa kim châm.
- Kim châm dễ khiến người ta liên tưởng đến kim chích, tên đó chẳng hay tí nào.
Cô bé che miệng cười:
- Ðọc truyện của ông thấy ông thường mô tả ăn uống rất thú vị. Vậy ông có thể giúp em biết sự thú vị đó không?
Phước cú nhẹ vào đầu cô gái:
- Nhỏ "bắt địa" giỏi lắm.
Kinh nghiệm cho tôi biết, trong khi ăn uống người ta dễ cởi mở và thân thiện nên tôi đứng dậy nói:
- Sẵn sàng. Tôi rất "thú vị" được đi ăn với em. Rồi quay qua Phước tôi nói: Mời cậu cùng đi ăn cho vui.
Phước lắc đầu:
- Tôi bận coi cửa hiệu, có khách hẹn đến chụp hình. Hai người cứ đi ăn tự nhiên. Miễn đừng "ăn" nhau là được.

- o O o -

Sau khi làm một bụng bánh xèo no ứ hự, cô gái tiếp tục "hướng dẫn" tôi đi ăn xôi gà ở một quán gần đó. Kinh nghiệm cho biết khi ăn quá no, người ta sẽ làm biếng nói chuyện và chỉ muốn ngáp nên tôi nói:
- Chúng ta đi lòng vòng cho tiêu bánh xèo đã. Xôi gà, cháo vịt sẽ thanh toán sau, đồng ý?
Cô gái gật đầu bước đi và tôi bước theo. Ði bên em, tôi chọn đi trên vỉa hè và để em đi dưới lòng đường. Chẳng phải tôi sợ xe tông mà vì em cao hơn tôi nửa cái đầu. Ði như vậy, người ngoài nhìn vào thấy chúng tôi rất "cân xứng".
Trời vừa nhá nhem tối. Gió kéo lướt thướt qua những lá dã quì xanh thẳm ở bên đường. Dưới ánh đèn cao áp trắng nhạt, một vài chiếc lá nhỏ mải chạy đuổi bắt đã xô vào đôi giày vải jean của cô gái. Em nhấc chân lên để chiếc lá khô tiếp tục cuộc chơi chạy về nơi vô định. Tôi khẽ rùng mình, cài hột nút áo sát ngay cổ và hỏi:
- Gió mùa Ðông Bắc phải không em?
Cô gái vuốt ngược mái tóc lòa xòa trước trán về phía sau lưng và trả lời:
- Ông thấy lạnh không?
- Lạnh.
- Vậy là đủ rồi. Bộ ông phải biết tên ngọn gió đó, ông mới cảm thấy lạnh à?
- Tôi muốn biết đích xác tên của nó, để khi viết truyện tôi có thể mô tả rõ ràng.
- Truyện của ông luôn luôn dở ở điểm đó.
- Ðiểm nào?
- Rõ ràng. Người đọc chẳng còn tìm thấy gì sau những dòng chữ viết của ông.
Tôi im lặng tìm hiểu ý nghĩa sau những lời nói của em. Thấy tôi cứ cúi đầu im lặng bước đi, em bật cười nói:
- Ông giận à? Ðây, em bắt đền cho ông.
Cô gái móc túi áo gió, đưa cho tôi một nhúm hạt. Tôi hỏi:
- Hạt bí rang?
- Không. Rõ ràng là hạt hướng dương. Ông thấy đó, khi biết sự việc rõ ràng, người ta thường được biết thêm là mình... sai. Như vậy chẳng thú vị tí nào.
Ði loanh hoanh một hồi, em dẫn tôi vào con đường không có vỉa hè, cỏ mọc tràn ra mép đường. Tôi chỉ đứng đến cằm em nên mỗi lần nói chuyện, tôi cứ phải ngẩng đầu lên mỏi muốn... gãy cổ. Em cắn hạt hướng dương vừa hỏi:
- Người ta nói "có tài là có tật". Vậy ông có thể bật mí cho em biết ông có tật gì?
Tôi bỏ một nhúm hạt hướng dương vào miệng, nhai nhuyễn nhừ rồi nuốt luôn đỡ phải cắn lôi thôi.
- Tôi đâu có tài mà có tật.
- Ông đừng khiêm tốn. Nếu ông không có tài, em đã không đi ăn chung với ông.
- May phước ! Tôi có tài chút chút nên cũng có tật chút chút thôi. Khó thấy lắm.
- Tật gì?
- Nói xạo !
Cô gái bật cười.
- Còn em không có tài mà cũng có tật.
- Tật gì đâu. Tôi thấy mặt mũi, tay chân em đẹp hơn bình thường mà.
- Em có tật là dễ tin vào những lời nói xạo.
Tôi muốn hôn vào trán vồ của em để thưởng một câu nói thông minh. Nhưng nghĩ lại chiều cao của mình, chỉ có thể hôn vào... vai em như thế rất dễ bị hiểu sai ý nghĩa. Tôi lắc đầu than thầm số phận "lùn" của mình. Nhưng tôi tự an ủi:
Trời cho cái này nhưng lấy đi cái khác. Nhờ được "lùn" nên tôi chẳng bao giờ té bị chảy máu đầu mà chỉ bị u sơ sơ. Vì khoảng cách giữa đầu tôi và mặt đất chưa đủ tiêu chuẩn làm "đổ máu". Còn em nếu trượt chân té, chắc chắn sẽ bị vỡ đầu. Vậy "cao" mà làm chi em !
- Sắp đến nhà em rồi. Thôi chúng ta chia tay.
Tôi vội nắm tay em. Cô gái rút tay ra và nói:
- Em hết hạt hướng dương rồi.
- Tôi không yêu hạt hướng dương. Tôi yêu...
Cô gái bịt miệng tôi và nói ngay.
- Em không thích rõ ràng.
Khi em buông tay ra, tôi vội hít thở những hơi dài. Lúc nãy vô tình em đã bịt chặt mũi tôi. Tôi muốn lặp lại rõ ràng "Tôi yêu Ðà Lạt đêm nay vô cùng". Nhưng sợ em buồn vì đã lầm nên tôi im lặng.
- Chúc ông mai về Sài Gòn bình an.
- Dã Quì, em có thể cho tôi biết tên thật của em?
- Ông đừng hỏi tên thật của em. Bởi khi trở về Sài Gòn, ông sẽ chỉ nhớ cái tên còn con người em thì ông lại quên.

- o O o -

Như đã nói, tôi là người vốn thích mọi chuyện rõ ràng. Nên sau một hồi tra vấn Phước, tôi đã biết tên thật của em. Chắc các bạn cũng muốn biết cái tên đó để làm quen? Dễ thôi mà. Tên thật em trùng với tên người đang đọc truyện này.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: CN 10 30, 2011 2:35 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hoan Hô Trình Độ Văn Học của Nguyễn Thanh Trịnh (Đoàn Thạch Biền).Từ "Ví Dụ Ta Yêu Nhau" Nguyễn Thanh Trịnh đã đi quá xa, hay hơn về truyện ngắn.

Hoàng Thủy Biển.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy Tháng 5 19, 2012 4:43 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Lộc Tình

TRUYỆN NGẮN CỦA ĐOÀN THẠCH BIỀN

NVTPHCM- Tôi đã đến Hà Nội vào dịp cuối đông. Tôi muốn được thấy tận mắt những trái sấu, muốn được ngửi tận mũi hương hoa sữa. Nhưng rất tiếc vào mùa ấy những cây sấu, cây hoa sữa chỉ còn lá xanh rì. Viết về món ăn ngon ở Hà Nội đã có nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng với những trang viết tuyệt vời. Tôi đành chọn đối tượng khác - viết về người ăn. Truyện này khi đăng trên báo Mực Tím đã được đổi tựa là Người đốt cháy bông hồng. Tôi vốn không thích “đốt” bất cứ cái gì, ngay cả những lá thư tình cũ cân ký lô bán cũng có giá, nên tôi lấy lại tựa cũ: Lộc Tình. Ai trong chúng ta mà không thích “Lộc”?
***

Nhà Trung ở trong khu tập thể. Leo lên lầu ba, tôi gõ cửa phòng 306. Một cô bé tóc ngắn mặc áo len màu vàng chanh mở cửa. Khi tôi hỏi thăm Trung, em hỏi lại:
- Xin lỗi, ông ở Sài Gòn mới ra?
Tôi gật đầu. Cô bé mời tôi vào phòng rồi chạy đi lấy một lá thư để trên bàn giao cho tôi.
- Anh Trung gửi cho ông.
Tôi mở lá thư ra đọc:
"Biền thân.
Đã nhận được điện tín của cậu báo ngày ra Hà Nội để viết bài về Đại hội sinh viên. Nhưng vì phải đi công tác đột xuất viết phóng sự buôn hàng lậu ở cửa khẩu Móng Cái, nên mình rất tiếc đã không thể hướng dẫn cậu đi thăm Hà Nội. Mình đã nhờ nhỏ em Minh Thụy đang là học viên một lớp hướng dẫn du lịch sẽ "thực tập" hướng dẫn cậu. Hẹn gặp nhau vào tuần tới nếu cậu chưa vào lại Sài Gòn.
Minh Trung."
Đọc xong lá thư, tôi ngước nhìn người đưa thư hỏi:
- Xin lỗi em là Minh Thụy?
Cô bé gật đầu cười hỏi:
- Ông định kinh doanh ngành ăn uống?
- Sao em lại nghĩ vậy?
- Vì anh Trung đã dặn em chỉ hướng dẫn ông đi "tham quan" những nơi có món ăn đặc biệt của Hà Nội.
Tôi bật cười giải thích:
- Khi ở Sài Gòn tôi rất thích cuốn "Thương nhớ mười hai" của nhà văn Vũ Bằng. Ông ấy đã thương nhớ người yêu ở Hà Nội qua mười hai món ăn đặc biệt của mười hai tháng. Tôi cũng sẽ thương nhớ Hà Nội qua một món ăn đặc biệt nào đó, nên đã viết thư nói ý định nhờ Trung hướng dẫn đi ăn.
- Nhưng Hà Nội cũng có nhiều thắng cảnh đáng nhớ lắm chứ.
- Thật đáng tiếc! Chúng lại không "ăn" được nên tôi khó mà nhớ lâu.
Cô bé chép miệng, thở dài:
- Thật đáng tiếc! Bao tử của ông lại nằm trong đầu của ông.
Con gái Hà Nội có khác. Ăn nói luôn hơn người. Tôi nghĩ cần phải thận trọng khi đối đáp với "cô Bắc kỳ nho nhỏ" này.
- Bây giờ em có thể hướng dẫn tôi đi ăn tối.
- Ông muốn đi ăn cơm "bụi"?
- Cơm bình dân ở đâu mà chẳng có. Tôi muốn ăn một món ăn ngon và lạ.
- Xin ông đợi em một chút.
Năm phút sau, tôi cùng Thụy đi xuống thang lầu. Em đã đội thêm chiếc mũ len màu xanh nhạt và quấn khăn quàng cổ có những ô vuông màu đỏ. Hà Nội vào cuối đông trời se lạnh, nhưng tôi vẫn quen mặc chiếc áo gió mỏng màu xám vì nó có túi rộng để đựng chiếc máy ảnh mini.
Thụy đi lấy chiếc xe Honda gửi ở nhà giữ xe của khu tập thể. Và rồi dưới sự hướng dẫn của Thụy, tôi đã lái xe đến phố Chả Cá. Em chỉ cho tôi một nhà hàng và nói:
- Đây là nơi bán một món ăn nổi tiếng.
Tôi nhìn dòng chữ viết trên cửa kính "Cha Ca La Vong". Phía trước nhà hàng đậu đầy xe dream và xe hơi. Một vài khách nước ngoài đứng lóng ngóng trước cửa vì bên trong đã đông khách. Tôi nói:
- Thôi chúng ta đi chỗ khác.
- Ông không thích món chả cá Lã Vọng à?
- Tôi không thích vào nơi đông đúc. Ăn uống mà phải xếp hàng chờ đợi thì thật mệt. Vả lại tên bảng hiệu đã mất dấu, chắc mùi vị món ăn cũng mất theo.
- Ông khó tính thế. Vậy chúng ta đi ăn chỗ khác.
Thụy dắt tôi đi ăn bún thang rồi hướng dẫn tôi chạy xe đến phố Hàng Trống. Bộ "trống" mà cũng ăn được hay sao?
Tôi định hỏi nhưng sợ Thụy chê "ngố" nên đành "im lặng là vàng". Chúng tôi dừng lại ở quán bánh gối. Những chiếc bánh có hình như chiếc gối thu nhỏ bằng ba ngón tay làm bằng bột có nhân thịt được chiên dòn rồi ăn với rau sống và nước mắm chua ngọt.
Tôi nói đùa:
- Sao người ta không đặt tên là bánh "trống" cho hợp với tên phố? Em xem nó cũng giống hình cái trống thu nhỏ lại.
- Thì ông cũng biết những cái gì "nhỏ" thường giống nhau. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ "lớn".
Tôi đã dặn lòng phải cẩn thận khi nói chuyện với cô bé. Vậy mà... có lẽ tại bánh gối chiên có nhiều dầu nên đã làm... lưỡi tôi trơn!
Ăn xong đĩa bánh gối, tôi hỏi:
- Em còn biết món ăn gì đặc biệt nữa không?
- Ông chưa no à?
- Đã thấm tháp gì đâu.
- Vậy thì đi tiếp.
Tôi lái xe chạy một vòng quanh Hồ Gươm. Đêm, nước mặt hồ xanh thẳm. Những tàng cây trên bờ hồ kêu lao xao khi gió mùa đông bắc thổi về. Và tôi khẽ rùng mình. Thụy đặt tay lên vai tôi hỏi:
- Ông lạnh rồi à?
Tôi cười nói:
- Tôi có chở tủ lạnh đâu mà lạnh. Tôi đang chở một lò sưởi chạy bằng "nhân điện".
Thụy vội bỏ tay khỏi vai tôi và nói:
- Ông hãy chạy quanh bờ hồ một vòng nữa.
- Em quên chỗ bán rồi à?
- Đấy là quán hàng rong. Họ đâu có bán nhất định một chỗ nào. A! Kia rồi.
Thụy chỉ một người đẩy xe hàng có ngọn đèn dầu treo ở phía trước. Người đó vừa dừng xe hàng bên bờ hồ, tôi phóng xe đến. Trong khi tôi dừng xe Honda, Thụy đã chạy đến nói chuyện với người bán hàng. Rồi em bưng hai cái chén đến đưa tôi một chén.
Tôi hỏi:
- Món gì vậy?
- Lục tào xá.
Tôi đưa cái chén ra xem dưới ánh đèn vàng đục. Thì ra là món chè đậu xanh bột báng thiếu nước cốt dừa. Ăn xong chè tôi hỏi:
- Ở đây có món "xâu mín dìn" không?
- Có thể ở Sài Gòn người ta gọi tên món ăn đó khác với người Hà Nội. Ông hãy tả cho em biết, em sẽ chỉ chỗ bán.
- Đó là "xin miếng dầu". Em hãy chỉ chỗ cho tôi mua một chai dầu Nhị Thiên Đường. Tôi sợ tối nay sẽ bị đau bụng.
Suốt những ngày Đại hội, tôi đã phải làm việc tất bật. Phỏng vấn và ghi chép xong tôi phải viết bài rồi đến bưu điện gởi fax về tòa soạn. Tôi chỉ rảnh được buổi tối và Thụy đã hướng dẫn tôi đi ăn các món bánh tôm, quẩy nóng, gà tần, miến lươn.
Công việc xong. Hôm nay tôi hoàn toàn rảnh rỗi. Tôi nhờ Thụy dẫn đi mua một ít quà Hà Nội để sáng mai đáp chuyến bay sớm về Sài Gòn. Chúng tôi gởi xe và cùng đi bộ. Từ cửa hàng bách hóa tổng hợp Trường Thi bước ra, tay tôi nặng trĩu một túi xách đựng quà. Thụy chợt níu áo tôi đứng lại và chỉ tay qua bên kia đường.
- Ông nhìn cây kia kìa.
Tôi nhìn qua con đường xe cộ đang chạy tấp nập. Trên hè đường có một cây cao, lá thưa thớt, những chùm hoa trắng li ti đang chao đảo trong gió.
- Cây hoa sữa đó.
Hoa sữa? Tôi cố hít một hơi dài để cảm nhận mùi hương đặc biệt của hoa sữa mà người ta thường ca ngợi nhưng tôi chỉ ngửi thấy mùi khói xe. Tôi quay lại hỏi Thụy:
- Sao nó không thơm gì cả?
- Nó cũng khó tính như ông vậy. Chỉ thơm về đêm khi con đường đã im vắng.
Tôi thấy Thụy đắm đuối nhìn những chùm hoa sữa trên cao, tôi hỏi:
- Em yêu hoa sữa lắm hả?
Thụy cười buồn:
- Không bằng ông yêu các món ăn đâu, nhưng hoa sữa luôn gợi cho em nhớ đến một người. Đó là anh Hưng. Anh ấy học trên em hai lớp và đã dạy kèm cho em. Biết em thích hoa sữa, anh ấy thường trèo cây hái hoa tặng em. Có lần anh Hưng bị ngã từ trên cây xuống gãy cánh tay phải, anh vẫn tươi cười trao chùm hoa cho em bằng tay trái. Nhà anh Hưng rất nghèo. Khi anh bị bệnh nặng, gia đình thiếu tiền thuốc thang nên anh ấy đã mất. Chuyện tình của em và anh Hưng mong manh như hương hoa sữa vậy.
Tôi đưa túi xách đựng quà cho Thụy và nói:
- Em giữ giùm. Tôi sẽ trèo lên cây hái hoa sữa tặng em. Nếu có bị té gãy hai tay tôi sẽ tặng hoa bằng... miệng.
Thụy cười:
- Cám ơn ông. Ông làm việc đó chỉ khiến em nhớ đến anh Hưng nhiều hơn.
Giúp em nhớ đến Hưng thì tôi leo cây làm quái gì cho mệt! Tôi vội dắt em đi xa khỏi cây hoa sữa gợi nhiều kỷ niệm kia.
Chúng tôi đi bộ trên một con đường khác. Hai hàng cây bên đường tàn lá xanh mướt giao nhau, chỉ để lọt xuống mặt đường lấm tấm những đốm nắng vàng. Thụy dừng lại trước một cây cao và nói:
- Ông hãy nhìn cây này.
Tôi nhăn mặt:
- Lại cây hoa sữa nữa à?
- Không. Đây là câu sấu.
Tôi nhìn lên vòm lá xanh và tự nhiên ứa nước miếng dù không thấy một trái sấu nào. Tôi đã thấy trái sấu khi Hằng mang nó từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trái sấu chỉ lớn bằng ngón chân cái nhưng chua hơn trái cóc nhiều. Hằng thách tôi ăn hết một trái sấu mà không ứa nước mắt. Tôi đã nhắm mắt ăn và khi mở mắt ra mới hay mình đã thua cuộc. Hằng đã đi đến một phương trời xa, rất xa. Nơi chỉ có trái táo chín đỏ ngọt lịm và không có trái sấu xanh chua lè.
- Ông làm gì mà đứng há hốc mồm vậy?
- À, tôi đang chờ trái sấu rụng vào miệng.
- Trái sấu không mềm như trái sung đâu. Coi chừng ông rụng hết răng.
- Đúng vậy. Trái sung đã ở một phương trời xa, rất xa.
- Ông đang nhớ đến một người ở xa?
Tôi gật đầu và nắm tay Thụy kéo đi.
- Em hãy dẫn tôi đi tìm một món ăn mới, để quên đi những kỷ niệm cũ.
Theo sự hướng dẫn của Thụy, tôi phóng xe chạy đến Phủ Tây Hồ để ăn bún ốc. Trước khi ra đến bờ hồ, xe chạy qua một làng trồng đầy hoa. Chúng tôi phải gửi xe để đi bộ vào một con đường nhỏ. Hai bên đường người ta kê những chiếc bàn bày bán những bó hoa, nhang, giấy vàng bạc, giấy tiền có in hình đồng đô la. Tôi mua một bó hồng đỏ tươi tặng Thụy. Người bán hàng chào mời:
- Anh mua thêm giấy vàng bạc, giấy tiền.
Tôi lắc đầu:
- Cám ơn. Tôi chỉ đi ăn bún ốc. Tiền đó đâu có trả cho chủ quán được.
Qua khỏi những hàng bán hoa là những quán bún ốc, ốc luộc, ốc xào. Ốc đặc sản của hồ Tây. Tôi ngạc nhiên thấy các quán đều có chiếu phim video. Có quán còn mở máy hát karaoke. Thật lạ! Không lẽ ăn ốc ở đây sẽ giúp cho giọng hát của mình hay hơn?
Ăn xong hai tô bún ốc và một đĩa ốc luộc, đôi mắt tôi đã lồi ra như hai con ốc bươu. Thụy hỏi:
- Ông đã ăn nhiều món ăn đặc biệt của Hà Nội, vậy ông thích món ăn nào nhất?
Tôi uống một ngụm bia Trúc Bạch rồi trả lời:
- Bây giờ tôi mới biết những món ăn ngon của Hà Nội mà nhà văn Vũ Bằng đã tả trong cuốn "Thương nhớ mười hai", sở dĩ chúng ngon là do bàn tay người tình của ông nấu nướng. Vì vậy món ăn ngon nhất đối với tôi sẽ là món cơm nguội chiên, nếu người tình của tôi chiên cho tôi ăn. Thôi chúng ta đi về. Trời sắp tối rồi.
- Ông hãy vào thăm Phủ Tây Hồ một lần cho biết. Nơi đây thờ bà chúa Liễu Hạnh rất linh thiêng. Người ta đến đây lễ rất đông để xin lộc.
Vì tò mò, tôi đi theo em. Trước sân Phủ, đầy những người bán vé số. Khách đi lễ mua vé số đem vào cúng với hy vọng sẽ trúng... lộc. Trong Phủ thờ khói nhang bay mù mịt, chỉ thấy những bóng đèn sáng mờ mờ. Thụy nói tôi vào cúng, tôi lắc đầu. Em đến đứng vào hàng ngang với khách thập phương trước bàn thờ. Người bỏ tiền, người bỏ vé số, còn em bỏ bó hồng lên trên bệ thờ rồi tất cả quỳ xuống khấn vái xin lộc.
Một lúc sau, Thụy cầm bó hồng đi đến chỗ hóa vàng ở ngoài sân. Người ta đốt giấy tiền, giấy vàng bạc cháy thành ngọn, Thụy quăng bó hồng vào ngọn lửa đang bùng lên. Tôi nhăn mặt hỏi:
- Em đốt bó hồng để tặng cho Hưng đã mất?
- Không. Em đốt để tặng cho người tình của ông ở phương xa. Chị ấy cần bông hồng hơn em vì em đã biết ông thích món ăn gì rồi


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Năm Tháng 5 22, 2014 10:24 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Tôi Hay Mà Em Đâu Có Thương ?

Tác Giả: Đoàn Thạch Biền



Đọc cái tựa trên có bạn sẽ nghĩ tôi là kẻ cao ngạo, hợm hĩnh. Ông thì có điểm gì "hay" mà khoe khoang?
Chúa ơi! Tôi đâu có ý nói tôi "hay" là "tài giỏi". Tôi chỉ muốn nói: Tôi hay (biết) mà, em đâu có thương (tôi).
Chắc có bạn sẽ cự nự: Sao ông không viết rõ ràng như vậy để tránh hiểu lầm. Tôi nghĩ văn chương mà viết rõ ràng như 1+1=2, thì viết sách toán học cho rồi.
Tôi hay... truyện này không hay. Tôi biết chắc như vậy và bạn đọc cũng sẽ nhận xét như vậy sau khi đọc truyện. Nhưng cái tựa thì hay. Có lẽ suốt đời tôi là người không viết được truyện hay mà chỉ viết được tựa truyện hay.

- o O o -

Khoảng mười giờ đêm, con đường rộng chạy dọc theo bờ sông đã vắng người qua lại. Con đường sạch bóng, gió từng cơn thổi sát mặt nhựa đen thẫm không làm bay lên mẩu giấy nào. Dãy nhà nằm đối diện với dòng sông, các cửa lớn đều đóng kín. Ánh điện thường hắt ra từ những cửa sổ lắp kính ở các tầng trên cao cũng đã tắt ngấm.
Trên bờ sông, những quán lộ thiên bày bàn ghế la liệt ngay cả trong khu công viên có bồn cỏ xanh. Muốn đi dạo nơi đây, người ta bị bắt buộc phải đi len lỏi giữa những bàn ghế đó. Đêm nay trời không oi nồng như những đêm trước nên ít người đi hóng mát. Một vài đôi tình nhân chia nhau ngồi rải rát ở các quán nước dọc theo bờ sông dài.
Phía gần bến đò, trên bờ sông cao không tráng ximăng còn nguyên mặt đá nhám, có một thanh niên và một cô gái đang ngồi tựa lưng vào những chiếc ghế đan bằng những sợi nilon nhiều màu. Cô gái mặc áo đen móc bằng những sợi len mỏng và chiếc quần jean xanh. Tóc nàng cắt ngắn uốn gọn gàng, trái hẳn với mái tóc dài bù xù của người thanh niên ngồi cạnh bên. Cô gái đang chăm chú nhìn chuyến đò máy từ bên kia sông sang. Mặt sông phẳng lặng và bóng như con đường trải nhựa, khi con đò gần vào bến mới thấy gợn lên những dợn sóng nhỏ không bọt. Khách xuống đò vén quần lội qua khoảng nước lập lờ đến mắt cá chân, rồi bước lên miếng ván dài hơn hai thước bắc lên bờ sông cao. Chiếc đò máy đuôi tôm vẫn giữ cho nổ bụp bụp đều đặn, trong khi con đò chờ đợi khách trên bờ bước xuống.
- Anh đã sang bên kia sông chưa? - Cô gái hỏi.
- Chưa. - Người thanh niên nói - Còn em?
- Em đã sang bên đó nhiều lần với lũ bạn.
- Có gì lạ không?
- Anh đoán thử xem.
Người thanh niên nhìn sang bờ sông kia. Chàng chỉ thấy những khối đen lô nhô không phân biệt được nhà cửa hay tàng cây. Mặt trăng tròn mọc ngay trên đỉnh nhọn của một khối đen có hình dáng giống tháp chuông nhà thờ. Mặt trăng tròn và sáng như chiếc nhẫn cưới mà chàng đã được cô ấy đeo vào tay trong ngày hôn lễ. Chiếc nhẫn hơi rộng nên chẳng bao lâu chàng đã đánh rơi nó. Và cô ấy cũng chia xa...
- Bên đó có chiếc nhẫn cưới đã đánh rơi của anh. - Người thanh niên nói.
- Thôi dẹp chuyện cũ đi ông. - Cô gái xô nhẹ vai chàng - Bên đó chỉ có những vườn cây vú sữa.
- Trái ngọt không?
- Ngọt nổi tiếng.
- Vậy chúng ta qua bên đó đi.
- Qua bên đó giờ này tối mò làm sao anh thấy được những trái chín.
- Anh dư sức đoán được những trái chín nằm ở đâu. Anh luôn luôn đoán trúng mọi thứ.
- Nhưng có lần anh đã đoán sai.
- Ừ, chỉ một lần duy nhất. Đấy là lần anh đoán cô ấy đã yêu anh.
- Chỉ một lần thôi cũng đủ cho anh thất bại nhớ đời.
- Nhưng khả năng đoán trúng phong phóc của anh vẫn còn.
- Bây giờ định làm nghề thầy bói nữa à? Hãy thực tế một chút.
- Ừ thì thực tế.
Người thanh niên quay về phía chiếc bàn để đầy những chai nước giải khát, chàng gọi lớn:
- Này cô bán hàng, cho thêm chai bia nữa đi.
- Anh uống năm chai rồi. - Cô gái nói - Chưa đủ sao?
- Thêm một chai nữa có nhằm gì! - Người thanh niên nói - Anh còn tiền mà. Em uống chai nước ngọt nữa nghe?
- Thôi, một chai nước ngọt cũng làm em no ứ hơi rồi.
Cô bán hàng, mặc áo bà ba màu hồng, đem đến một chai bia đặt xuống bàn và xô đựng nước đá. Nàng mở nút chai bia đặt xuống bàn và gắp đá bỏ thêm vào hai chiếc ly lớn.
- Đủ rồi. - Cô gái đặt tay lên miệng ly nước của nàng.
- Ông bà ăn hột vịt lộn không? - Cô bán hàng hỏi.
- Không. - Người thanh niên nói - Tôi không thích mấy thứ lộn xộn đó.
Cô bán hàng cười bỏ đi, tay cầm theo xô nước đá.
- Anh vẫn thích ăn hột vịt lộn mà. - Cô gái nói.
- Nhưng anh không thích cô ấy gọi ông bà lộn xộn. - Người thanh niên nói.
- Bộ em chưa làm "bà" được sao? - Cô gái cười hỏi.
- Thôi cô. - Người thanh niên nói - Đừng bày đặt ngang hàng với tôi làm gì cho mệt.
- Xí - Cô gái bĩu môi - Ai thèm ngang hàng với ông.
Người thanh niên nghiêng ly, rót cho bia không nổi bọt rồi bưng lên uống một hơi dài. Bia lạnh có vị ngọt khiến chàng khoan khoái bật quẹt gaz châm một điếu thuốc. Chàng rít liên tiếp những hơi thuốc đầu và nhả khói bay thành những sợi nhỏ. Mặt trăng bên kia sông đã lên cao, lúc này trông có vẻ sáng hơn. Nó có màu vàng óng ở giữa và chung quanh có màu xanh biếc. Một chiếc nhẫn cưới, chàng nghĩ phải mất công đánh bóng nhiều lần mới có màu vàng óng kia. Nếu còn chiếc nhẫn cũ, mình sẽ làm nó vàng óng lên không mấy khó khăn. Tại sao mình lại lơ đễnh đánh rơi nó ở xó xỉnh nào vậy. Đó không phải là một kỷ vật đáng lưu giữ trong đời để ngắm nghía và nhớ lại một cuộc tình của mình hay sao?
- Anh nhìn gì sững vậy? - Cô gái hỏi.
- Mặt trăng kia kìa. - Không ngoảnh lại, người thanh niên chỉ tay qua bên kia sông.
- Có gì lạ đâu. Nó cũng như những đêm rằm khác.
- Lạ chứ. Nó đẹp như chiếc nhẫn cưới anh đã đánh mất. Ước gì bây giờ anh có thể đeo nó.
- Muốn đeo chiếc nhẫn cưới đã đánh mất à?
- Không. Đeo mặt trăng kia kìa.
- Thôi đừng mơ mộng nữa ông ơi. - Cô gái lại xô vai người thanh niên.
- Ừ. - Người thanh niên nói và búng tay gọi - Này cô bán hàng, cho thêm chai bia nữa đi.
- Thôi khỏi. - Cô gái quay về phía người bán hàng và xua tay.
- Này cô - Người thanh niên giữ tay cô gái lại - Tôi đâu có gọi cho cô uống.
- Em sợ anh say. - Cô gái gục đầu nói.
- Chắc em cũng biết anh không ưa được những người ngăn cấm anh.
- Em đâu muốn ngăn cấm anh. Em chỉ muốn làm cái thắng khi anh sắp ngã.
- Dẹp mẹ cái thắng của em đi. - Người thanh niên gắt giọng - Hãy để anh ngã, như thế anh thấy dễ chịu hơn. Hoặc ngã hoặc đứng thẳng, anh không thích ở trạng thái lảo đảo.
- Được rồi, em để anh ngã. - Cô gái tấm tức quay gọi người bán hàng - Này cô, cho thêm mười chai bia.
- Thôi khỏi. - Người thanh niên xua tay từ chối về phía người bán hàng rồi quay lại nói với cô gái - Anh không muốn ngã khi người ta muốn anh ngã.
- Trời ơi! - Cô gái đấm liên tiếp vào vai người thanh niên - Sao xe lôi không cán anh cho rồi.
- Thực tế một chút. - Người thanh niên cười - Mấy cái xe lôi bầm dập đó cán chết được ai.
- Em đâu muốn xe lôi cán chết anh. - Cô gái ngả đầu vào lưng ghế thở hồng hộc như một võ sĩ sau khi thượng đài - Em chỉ muốn xe lôi cán anh bị thương. Chết rồi người ta không biết đau đớn nữa.
- Bộ muốn mặt anh mang đầy sẹo để cười cho bỏ ghét hả?
- Đúng.
- Nhưng nhằm nhò gì mấy cái sẹo ở ngoài da đó, nếu em biết đã có một vết thương mãi mãi không thành sẹo ở trong anh.
- Vết thương nằm ở đâu vậy anh? - Cô gái lo lắng hỏi.
- Nó di động khắp trong người anh. - Người thanh niên nói.
- Em muốn biết bây giờ anh cảm thấy nó nằm ở đâu?
- Trong tim. - Người thanh niên ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại.
- Tội nghiệp. - Cô gái thở dài - Bây giờ em mới hiểu chính vết thương đó đã khiến anh chẳng còn biết yêu thương.
- Em hiểu lầm rồi. - Người thanh niên nhổm dậy, cầm ly bia nốc cạn - Anh đang yêu thương nhiều thứ.
- Ví dụ?
- Anh yêu dòng sông chảy lặng lờ này. - Người thanh niên chỉ tay - Anh yêu bồn cỏ xanh tươi kia, yêu chiếc ghế êm ả này, yêu mặt trăng bên kia sông, yêu khi trời mát mẻ đêm nay, yêu hương vị bia ngọt ngào, yêu...
- Còn gì nữa?
- Còn nhiều thứ lắm. Sức đâu mà kể cho hết.
- Em nói đúng mà, khi yêu thương quá nhiều, kể như người ta chẳng yêu thương gì. Như bầu trời quá rộng nên bầu trời chẳng của riêng ai.
- Chưa bao giờ em cảm thấy bầu trời của riêng em sao?
- Chắc anh đã từng cảm thấy tất cả tiền trong ngân hàng đều của riêng anh?
- Ừ, đấy là một cảm thấy tuyệt vời.
- Cho xe lôi cán mấy cái cảm thấy tuyệt vời ấy đi.
- Để cho anh mơ mộng một chút chứ. - Người thanh niên nhăn mặt nói.
- Không mơ mộng gì cả. - Cô gái gắt - Hãy thực tế!
- Thì anh đã thực tế rồi. Anh yêu mọi thứ trên thực tế.
- Còn dưới thực tế? - Cô gái nhìn chăm chăm người thanh niên nói.
- Dưới thực tế. Trời ơi! Dưới thực tế...
Người thanh niên bật cười như điên. Tiếng cười làm bụng chàng đau thắt và mắt chàng nổ đom đóm khiến cảnh vật nhòa đi. Cả mặt trăng sáng chói bên kia sông cũng nhòa đi. Cô gái cắn chặt môi ngồi im, chịu đựng tiếng cười xoáy vào tai đến buốc óc. Nàng cố gắng không khóc, nhưng nước mắt vẫn ứa ra và tiếng nấc vẫn thoát ra khỏi chiếc miệng ngậm kín. Tiếng nấc nghe rất nhỏ, nhỏ như mũi kim đâm vào tai khiến người thanh niên chợt im sững. Chàng không thể cười được nữa mặc dù vết thương còn đang chạy nhột nhạt trong người.
- Đừng, đừng khóc. Em khóc trông chẳng hay tí nào.
- Mặc em. Anh hãy cười nữa đi.
- Không, anh không cười được nữa. Anh muốn khóc đây.
Chàng cố gắng khóc cho nàng thấy. Chàng thật sự cố gắng nhưng trời ơi thật khó khăn. Người ta chẳng thể nào khóc được khi người ta cố gắng khóc.

Đoàn Thạch Biền


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI