Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Miếng Ăn Giữa Làng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Biên Khảo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: Ba 7 24, 2012 6:40 am    Tiêu đề: Miếng Ăn Giữa Làng Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

MIẾNG ĂN GIỮA LÀNG

Cổ thư nói “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên”, có nghĩa là nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm trời. Hễ dân no thì nước mạnh, dân đói thì nước suy. Khi đã đói, đã cùng người dân làm gì để được no là họ làm! Bởi thế, không ai lạ gì chuyện con người giết nhau vì tranh giành miếng ăn. Những cá nhân nhỏ nhoi vì đói rách mà sinh chuyện giết nhau đã đành, những cường quốc to lớn, văn minh siêu việt như Trung Hoa, Nga cũng vẫn lu loa ăn ngang nói ngược để giành giựt từng miếng ăn với các nước nhỏ chung quanh! Đó là một thực tế dù ta có nhắm mắt cũng phải thấy!

Ca dao Việt Nam cũng có câu:

“Miếng ăn là miếng tồi tàn,

Hơn thua một miếng lộn gan lên đầu”.

Rõ ràng đây là một kinh nghiệm đã được chắt lọc qua bao nhiêu đời! Vậy, khi lỡ phải đụng chạm tới miếng ăn dù lớn dù nhỏ, bất cứ ở trường hợp nào, nếu không được cân nhắc cẩn thận nó đều có thể trở thành nguyên nhân gây ra những chuyện động trời!

Ở đây người viết không có ý nói đến vấn đề quá rộng lớn và phức tạp ấy mà chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ của nó: Miếng ăn giữa làng.

Miếng ăn giữa làng là gì? Là miếng ăn lấy từ của chung (xã hội) để cung cấp cho mọi người dựa theo một qui ước có sẵn. Đây là miếng ăn mang tính danh dự, chính đáng, công bằng, ai ở trong xã hội ấy đều được quyền hưởng. Miếng ăn này có thể là không bao lăm nhưng nó có giá trị tinh thần rất lớn như câu ngạn ngữ đã nói: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp!”. Vì thế, những người bị mất “miếng ăn” này thường mang mặc cảm bị bạc đãi, bị xã hội cho là bất xứng nên họ cảm thấy uất ức rồi cuối cùng họ đã có những hành động thiếu sáng suốt gây hậu quả thật khó lường. Sau đây là những trường hợp tiêu biểu:

Chuyện Hoàng Cự Đà không được ăn xoài:

Dưới thời vua Trần Thái Tôn (1218-1277), có một viên quan tiểu hiệu (quan hầu cạnh vua để vua sai vặt) tên Hoàng Cự Đà siêng năng lanh lợi rất được lòng vua. Một hôm thái tử Trần Hoảng đi chơi ở ngoại thành, có người dâng một thúng xoài mang về. Thấy xoài ngon vua bèn ban cho các quan đang có mặt mỗi người một trái. Không may Hoàng Cự Đà là người duy nhất thiếu phần. Việc này đã làm cho Hoàng Cự Đà bất mãn, ôm mãi mối giận trong lòng.

Cuối năm Đinh Tị (1257), khi quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt. Vua Thái Tôn cùng Thái sư Trần Thủ Độ kéo quân ra chống giặc. Thấy thế giặc quá mạnh, Linh Từ quốc mẫu, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ đưa thái tử Trần Hoảng cùng toàn bộ hoàng tôc và một số quan văn tạm lánh xuống mạn Hoàng Giang để phòng sự nguy biến. Ở tuyến đầu quân ta chống cự quân Mông Cổ không nổi, vua Trần phải tạm cho bỏ ngõ Thăng Long. Hoàng Cự Đà đang ở cạnh vua cảm thấy thế nguy, lén lấy một chiếc thuyền nhẹ chạy trốn trước. Đến Hoàng Giang, Hoàng Cự Đà gặp thái tử Trần Hoảng đang đi thuyền ngược lên, y giả lơ tránh vào bờ bên kia. Các quan đi với thái tử Trần Hoảng cố gọi hỏi:

-Quân Mông Cổ đang ở đâu?

Hoàng Cự Đà hậm hực đáp:

-Không biết! Cứ đi hỏi mấy đứa ăn xoài chứ mắc mớ gì hỏi ta?

Sau đó không lâu vua Trần lại đánh bại quân Nguyên. Đầu năm Mậu Ngọ (1258), khi vua Thái Tôn họp triều đình để luận công định tội các quan, nhiều người đề nghị phải xử nặng Hoàng Cự Đà như một kẻ phản phúc để làm gương, nhưng vua Thái Tôn bác đi mà nói:

-Thật ra việc này khởi đầu do lỗi của ta xử sự thiếu công bằng mà nên! Ngày xưa cũng đã có chuyện Dương Châm vì không được ăn thịt dê đã làm cho nước Tống bại trận trước nước Trịnh rồi! Hãy tha cho nó.

Sau vụ này, Hoàng Cự Đà hối hận và trở thành một viên quan tốt.

Chuyện Dương Châm thiếu phần thịt dê:

Dương Châm là người đánh xe của một viên tướng nước Tống thời Xuân Thu là Hoa Nguyên. Khi nước Trịnh đánh nước Tống, vua Tống cử Hoa Nguyên đem quân chống giặc. Trước khi xuất quân, Hoa Nguyên cho làm thịt dê để đãi ba quân. Dương Châm muốn lấy lòng chủ tướng Hoa Nguyên nên trong khi mọi người dự tiệc thịt dê anh ta lại làm bộ lo tu bổ chiếc xe cho chủ tướng để mai ra trận. Hoa Nguyên vì bận rộn quên không nhắc người chia thịt để phần cho Dương Châm. Dương Châm tự cho mình có công lại không được ăn nên vô cùng tức giận.

Hôm sau Dương Châm đánh xe cho Hoa Nguyên ra trận. Trong khi hai bên vừa dàn quân đối mặt nhau, Dương Châm bỗng nói lớn với Hoa Nguyên:

-Hôm qua ban phát thịt dê là quyền của ông, hôm nay đánh xe ra trận là quyền của tôi!

Nói xong Dương Châm đánh xe chạy tuốt sang hàng ngũ quân Trịnh. Quá bất ngờ trước tình huống ấy, Hoa Nguyên không kịp phản ứng nên bị quân Trịnh bắt sống dễ dàng. Quân Tống mất chủ tướng nên bị đánh tan tác, thiệt hại rất nặng.

Chuyện ba dũng tướng và hai quả kim đào:

Cũng thời Xuân Thu, dưới trướng Tề Cảnh Công có ba viên dũng tướng là Điền Khai Cương, Công Tôn Tiệp và Cổ Giả Tử đều có công lao rất lớn. Ba viên tướng này chơi với nhau rất thân, dân chúng vẫn xưng tụng họ là “Tam Kiệt”. Vì có sức mạnh khác thường, lại ỷ có công lớn, cả ba rất coi thường các quan, ăn nói rất vô lễ. Tề Cảnh Công cũng biết vậy nhưng mến tài họ nên vẫn khoan dung. Một viên nịnh thần là Lương Khâu Cứ đang được Tề Cảnh Công yêu chuộng cũng liên kết với Tam Kiệt để tạo thế lực riêng. Vị Tướng quốc nước Tề là Án Anh thấy vậy rất lo ngại cho tương lai của đất nước.

Lúc bấy giờ có vua nước Lỗ là Chiêu Công sang thăm hữu nghị nước Tề, Án Anh mừng lắm. Nhân bữa tiệc Tề Cảnh Công chiêu đãi Lỗ Chiêu Công, khi hai vua đã ngà ngà say, Án Anh tâu:

-Trong vườn kim đào đã có quả chín, xin chúa công cho người hái quả để chúc thọ hai vua!

Tề Cảnh Công nghe lời, truyền người đi hái. Án Anh thưa:

-Kim đào là thứ quả quí, tôi xin thừa lệnh đi giám trích mới được!

Án Anh lãnh chìa khóa vườn rồi đi. Tề Cảnh Công nói với Lỗ Chiêu Công:

-Giống đào này do người ở Đông Hải đem dâng từ lâu, tên là vạn thọ kim đào. Nước tôi trồng đã hơn 30 năm nay, cành lá rất tốt, nhưng chỉ khai hoa mà không kết quả. Năm nay kim đào bỗng nhiên đậu quả, tôi lấy làm quí lắm nên cho khóa vườn lại, nay có hiền hầu đến xin hái dâng để chúc thọ.

Lỗ Chiêu Công đứng dậy chắp tay cám ơn. Lát sau thì Án Anh dẫn người bưng mâm đào vào, trên mâm có 6 quả, quả nào quả nấy chín mọng trông rất ngon lành.

Tề Cảnh Công hỏi:

-Chỉ có bấy nhiêu đó thôi ư?

Án Anh thưa:

-Còn một số nữa nhưng chưa chín.

Tề Cảnh Công tiếp mời Lỗ Chiêu Công và khiến Án Anh dâng đào. Hai vua vừa ăn vừa uống rượu. Án Anh chúc:

-Kim đào quí hóa, thiên hạ ít có, hai vua cùng ngự, nghìn năm hưởng thọ!

Tề Cảnh Công ăn xong nói với quan Đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Nhược:

-Đào này tuy quí song quan Đại phu cũng được tiếng là người hiền, vậy cũng nên cùng ta ăn một quả cho vui.

Thúc Tôn Nhược quì tâu:

-Đạo đức tôi so với Án Anh kém xa. Phần thưởng đó xin nhường cho Án Anh!

Tề Cảnh Công nói:

-Nếu vậy ta ban cho cả hai, mỗi người một quả đào và một chung ngự tửu.

Án Anh và Thúc Tôn Nhược bái lãnh. Xong, Án Anh tâu:

-Trong mâm còn hai quả đào, xin chúa công ban thưởng cho kẻ nào có công trạng lớn nhất.

Tề Cảnh Công đồng ý, truyền lệnh rằng:

-Trong hàng quan tướng ai có công lao nhiều đáng ăn quả đào này thì được phép xưng ra mà lãnh!

Công Tôn Tiệp bước đến tâu:

-Ngày xưa tôi theo chúa công đi săn ở Đông Sơn, giết con cọp để bảo giá, công ấy được coi là trọng chăng?

Án Anh nói:

-Công cứu giá ấy còn gì lớn hơn! Tướng quân đáng được ban thưởng!

Nói xong cầm quả đào trao cho Công Tôn Tiệp.

Cổ Giả Tử bước đến nói:

-Giết cọp cứu giá chưa lấy gì làm lạ. Ngày xưa tôi theo chúa công đến sông Hoàng Hà giết được con giải yêu không những cứu vua mà còn cứu được nhiều quân lính. Công ấy có gọi là trọng chăng?

Tề Cảnh Công nói:

-Đúng. Việc ấy ta còn nhớ rõ lắm!

Án Anh liền trao quả đào cuối cùng cho Cổ Giả Tử! Vừa khi ấy Điền Khai Cương bước ra nói:

-Tôi phụng mệnh chúa công đi đánh nước Từ, chém tướng bắt quân làm cho nước Từ, nước Đàm, nước Cử khiếp oai đều đầu phục. Cái công ấy không đáng ăn đào sao?

Án Anh tâu với Tề Cảnh Công:

-Công lao của Điền Khai Cương rất lớn, nhưng đào không còn. Xin chúa công tạm thưởng Điền Khai Cương một chung ngự tửu, còn đào chờ đợt tới sẽ hay.

Tề Cảnh Công nói với Điền Khai Cương:

-Công của ngươi rất trọng, tiếc rằng đào không còn nữa!

Điền Khai Cương chống gươm xuống đất, nói:

-Giết cọp giết giải chẳng qua là chuyện nhỏ nhặt, còn chuyện xông pha đầu tên mũi đạn là chuyện lớn nhưng lại không được ăn đào. Như thế chẳng là nhục lắm sao?

Thế rồi Cương cầm gươm đâm cổ tự vận. Công Tôn Tiệp giật mình nói:

-Chúng ta cùng Điền Khai Cương là tình bằng hữu, nếu để Điền Khai Cương bị nhục thì sao gọi là thâm tình!

Nói xong Tiệp cũng rút gươm tự đâm cổ mà chết. Cổ Giả Tử thấy vậy cũng xúc động hét lớn:

-Ba chúng ta kết nghĩa với nhau thề đồng sinh đồng tử, nay hai người đã chết để rửa nhục, ta còn sống làm gì?

Nói rồi Cổ Giả Tử cũng tự đâm cổ chết luôn!

Không ai ngờ chỉ vì một quả đào mà 3 dũng tướng của nước Tề đã tự tử!

*

Hoàng Cự Đà là một viên quan được vua Trần Thái Tôn tin yêu, cho hầu hạ bên cạnh để sai vặt. Đã được nhà vua tin yêu, tất nhiên Hoàng Cự Đà cũng được các quan dù lớn dù nhỏ phải dè chừng! Thấy cứt cọp ai mà chẳng sợ! Biết đâu chỉ cần sơ suất một chút làm phật lòng Hoàng Cự Đà sự nghiệp của họ lại chẳng tiêu tan? Cái “oai phong” đó đã khiến Hoàng Cự Đà cho mình là nhất, không ai được coi thường. Thế mà nay một viên quan hầu của thái tử dám cắt phần xoài của y, một ân huệ do vua ban cho toàn thể các quan, thật mất mặt quá! Quả là một sự xúc phạm lớn đối với Cự Đà, không thể nào tha thứ được! Nhưng trả thù cách nào đây? Với người khác thì không khó, nhưng đây kẻ thù lại là người của thái tử, nếu đụng chạm đến lỡ mai kia thái tử lên ngôi thì lại vỡ nợ mất! Đành ẩn nhẫn chờ cơ hội vậy!

Rồi Quân Mông Cổ sang xâm lược Đại Việt! Trong ý nghĩ của Cự Đà, nước Tàu rộng lớn thế kia còn bị Mông Cổ diệt huống hồ nước Việt quá nhỏ bé! Lòng phản bội của y đùng đùng bộc phát. Y đã đào ngũ thoát thân. Tình cờ giữa đường gặp lại thái tử Hoảng, Cự Đà không thèm giấu giếm nỗi bực tức, bất mãn của mình. Giả như lúc đó thái tử đi một mình có lẽ Cự Đà không ngần ngại tặng thái tử một ngọn đao hay một mũi tên!

Nhưng rồi quân Mông Cổ lại thua! Số mạng của Hoàng Cự Đà được coi như trứng nằm dưới đá! Khi vua Thái Tôn cho mở cuộc luận công xử tội những người có liên đới trong cuộc chiến vừa qua, chính thái tử Hoảng đã đề nghị trị tội Hoàng Cự Đà!

Điều bất ngờ là vua Thái Tôn đã tự nhận mình cũng có lỗi trong vụ này và tha tội Hoàng Cự Đà. Vua nói riêng với thái tử Hoảng:

-“Hạng tiểu nhân đó có giết cũng chẳng ích chi mà chỉ tổn đức thôi”!

Có lẽ câu nói của vua Thái Tôn đã thành một bài học mà sau này vị vua con (Trần Thánh Tôn) đem ra áp dụng:

Số là sau khi vua cha tha tội cho Hoàng Cự Đà, thái tử Hoảng đã suy nghĩ rất nhiều. Khi thái tử Hoảng đã làm vua rồi lên làm Thái thượng hoàng (Trần Thánh Tôn) thì quân Mông Cổ lại sang xâm lược nước ta hai lần nữa vào các năm 1284 và 1288. Cả hai lần này quân Mông Cổ vẫn bị thất bại như lần trước! Trong thời gian đánh nhau với quân Mông Cổ, thấy thế giặc quá mạnh, nhiều quan lại trong triều, kể cả một số hoàng thân quốc thích quá bi quan nghĩ là nhà Trần sẽ bị sụp đổ. Vì sợ chết, vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình, những người này đã ngầm liên lạc trước với kẻ thù, tình nguyện làm nội ứng để lập công chuộc tội. Nhưng lòng trời còn tựa nước Việt, quân ta lại tiếp tục đuổi được quân xâm lăng ra khỏi nước. Trong số chiến lợi phẩm quân nhà Trần tịch thu được từ tay giặc oái oăm thay lại có cả một tráp thư từ của bọn người phản bội liên lạc với quân giặc! Triều đình đề nghị phải trừng trị thật nặng bọn này! Dĩ nhiên bọn ăn ở hai lòng này ngày đêm như ngồi chảo nóng, ăn ngủ không yên. Thượng hoàng Trần Thánh Tôn biết được tâm trạng của họ như thế nên ra lệnh đem cái tráp thư từ liên lạc kia đốt sạch. Ngài nói: “Trừng phạt những kẻ đã thật sự chạy theo giặc cũng đủ rồi”! Nhờ sự rộng lượng đó, những kẻ hai lòng chưa bị phát giác yên tâm trở lại làm việc với tinh thần ăn năn sám hối. Thượng hoàng Trần Thánh Tôn đã thể hiện một tấm lòng nhân đạo cao cả và cũng rất chính trị!

Trường hợp Dương Châm người nước Tống, xem ra tâm tính còn đen tối, lật lọng bất trắc hơn Hoàng Cự Đà nhiều! Trong khi mọi người được phép của chủ tướng Hoa Nguyên dự tiệc thịt dê trước khi ra trận, y giả vờ sửa soạn xe cộ chuẩn bị cho trận chiến đến nỗi quên ăn! Mục đích của y chỉ để lấy lòng chủ tướng hòng được thăng thưởng! Thế nhưng khi ý đồ không thành, chỉ vì bị quê độ, Dương Châm lại đâm ra thù hận viên chủ tướng. Y đã bất chấp sự tồn vong của tổ quốc y, đem mạng sống vị chủ tướng đang cầm quân bảo vệ đất nước nộp cho quân thù để được thỏa cơn giận!

Ba viên hổ tướng nước Tề Điền Khai Cương, Công Tôn Tiệp và Cổ Giả Tử cũng thuộc dạng khác đời. Ngoài tài vũ dũng, họ còn có những nét đẹp khác rất đáng yêu: bộc trực, hào sảng, sống trọn tình trọn nghĩa với bạn bè. Nhưng họ cũng không khỏi vướng mắc cái “bệnh công thần” khi đã lập được công trạng. Thái độ kiêu căng, cách ăn nói thiếu từ tốn và nhất là sự “kết thân giữa ba người với nhau”đã làm nhiều đồng liêu bực mình, ái ngại. Tới khi thấy tên nịnh thần Lương Khâu Cứ lân la o bế họ nữa thì các quan càng đâm hoảng và đặt nghi vấn ngay. Chính vị tướng quốc Án Anh vốn quen lo xa, đã tìm hiểu từng cá tính của họ để rồi ngầm trừ khử họ bằng cách dựng nên vụ “ban miếng ăn danh dự (trái đào)” để tránh hậu hoạn cho nước Tề.

Nói về vật chất, đối với những nhân vật được trưng dẫn ở trên, một quả xoài, một trái đào hay một miếng thịt dê thật sự đâu có nghĩa lý gì! Nếu có trong tay, có thể họ chẳng thèm ăn nữa! Thế nhưng khi chia cho những người đồng đẳng ai cũng có mà thiếu phần họ thì họ lại tức giận điên lên đến nỗi mưu hại cả chủ tướng mình, cả tổ quốc của mình hoặc hủy hoại luôn chính mạng sống của mình!

Tại sao người ta lại quan trọng hóa những miếng ăn nhỏ nhoi ấy đến vậy? Vì đó chính là miếng ăn vinh dự, miếng ăn giữa làng! Những người đồng đẳng phải được hưởng thụ ngang nhau! Những miếng ăn ấy nếu không được phân chia công bằng thì việc hung dữ đến mức độ nào cũng có thể xảy ra

( ST )



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Biên Khảo Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI