Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

CÓ MỘT DÒNG NGẦM... THƠ MÁY TÍNH - Trần Hoàng Vy

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
kimanh
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 25 8 2008
Số bài: 498
Đến từ: Quang Nam

Bài gửiGửi: Bảy Tháng 5 26, 2012 11:30 pm    Tiêu đề: CÓ MỘT DÒNG NGẦM... THƠ MÁY TÍNH - Trần Hoàng Vy Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Có một dòng ngầm… thơ máy tính?



Tháng 8 năm 2009, tại Hội thảo Văn học “Nhà Văn với sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước” tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, do Hội Nhà Văn VN tổ chức, nhà thơ NTS hỏi tôi: “Nghe nói nhà văn NĐT có phần mềm máy vi tính biết làm thơ phải không”. Tôi rất ngạc nhiên và trả lời đại khái là tôi chưa biết chuyện này, cũng chưa hề nghe anh NĐT nói. Có lẽ là anh “nói chơi vậy thôi”… Bẵng đi một thời gian, tôi cũng chẳng chú ý chuyện “máy tính làm thơ” như các nhà văn, nhà thơ đề cập.

Vừa rồi vào mạng, thấy có bài đại để cho rằng “Ai cũng có thể trở thành thi sĩ nhờ máy… tính”. Tôi gõ trên Google và đến trang web: http://lamtho.vn. Thật ngạc nhiên, khi phần mềm này đã có từ khá lâu, rất nhiều bạn trẻ truy cập và rất thú vị vì tính chất… nhà thơ chuyên nghiệp của phần mềm máy! Tìm kiếm trên internet, theo trang web Nhân Tài Đất Việt, đây là phần mềm của 4 thành viên thuộc thế hệ 8X, của công ty cổ phần Công nghệ Tinh Vân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cổng thơ ca điện tử lamtho.vn sẽ giúp ai cũng có thể làm thơ chỉ trong vài giây, với đủ thể loại từ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, lục ngôn, tứ tuyệt đến thơ hai câu, ba câu, Haiku… giễu nhại theo phong cách Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Bùi Giáng… Trang lamtho.vn còn làm thơ tiếng Anh, thơ đọc xuôi ngược, thơ tử vi và chế lời các bài hát nổi tiếng, chỉ bằng những thao tác đơn giản. Điều thú vị bất ngờ, thơ làm ra từ… máy tính cũng rất… nhuyễn, đôi khi rất hài hước và bí ẩn giống như thơ siêu thực, hay thơ cách tân, hậu hiện đại vậy!?

Tôi vào trang chủ, bấm phần “sáng tác thơ”, hiện ra cửa sổ có “thể loại”, “nhập các từ chủ đề” vào. Thử chọn thể loại lục bát. Tôi nhập các từ: “ đêm, ngày, mưa nắng đổ, trăng lạnh, liềm trăng”. Chọn “khổ thơ”, không đến 1 giây, bài thơ lục bát 4 câu đã ra đời như sau: “ Ngày mưa nắng đổ xong đêm/ Liềm trăng nha dịch cầm đêm nụ ngà/ Em nâng đàn cạnh tiên nga/ Lần đầu tiên đã nhìn ra tặng đời”. Quả thật nếu gọt dũa, gia công những câu, ý chưa rõ, thì đây cũng là bài thơ trên mức trung bình! Còn muốn làm cho bài thơ dài thêm, chỉ cần nhấp chuột vào ô “ thêm một khổ nửa” là toại nguyện!

Tương tự tôi chọn thể loại “thất ngôn bát cú luật bằng”, nhập các từ: “ mái nhà, con mèo hoang, ánh mắt hoan lạc, gào”, kết quả là bài thơ “ Mái nhà xa vắng lắm ngời gào/ Đem gửi hương trùng ngộ thấp cao/ Còn ngại ngùng sao mà sướng giữa/ Con mèo hoang điệu cốn cào/ Muôn nghìn đời hộp đàn cong cạnh/ Ta ném mình nghiêng ngửa thấp cao/ Trời tối rồi gò mây lại nếu/ Xin đứng lầm rất nhẹ hư hao…”. Bài thơ thất ngôn bát cú này cũng lắm… ngớ ngẩn, bí hiểm, xong nếu một người mới tập làm thơ, chưa chắc một ngày đã… sáng tác ra được!

Đã trót thì phải… trét, tôi thử sức ở máy thể loại thơ “Thất ngôn tứ tuyệt” và “ Thơ Haiku”, kết quả : nhập các từ cho thể loại Thất ngôn tứ tuyệt là “ Xám xịt, mù mịt, nghìn nghịt, giông bão”, cho ra bài thơ: “Xám xịt mịt mù chắc ngủ vùi/ Sương mông lưng tóc ngắn nguồn vui/ Hai bàn tay gốc cây dương ở/ Nghìn nghịt yêu trinh bạch ngủ vùi”. Ở bài thơ Haiku, nhập các từ: “Ve, lột xác, hè”, máy sáng tác ngay một bài Haiku… tầm cỡ: “ Ve lột xác hè chợt/ Không chiều sâu chim ngân xa chen/ Tùy nghi!”? Nếu phân tích hai bài thơ này, ta sẽ thấy máy… chưa nắm chắc lỗi chính tả như “ Sương mông lưng tóc”, lẽ ra phải là “Xương mông” một bộ phận gần với “ lưng tóc”, cũng những bộ phận của con người là “ hai bàn tay” nhưng lại ở “gốc cây dương” thì vừa… bí rị lại vừa ngớ ngẩn đến nực cười! Tương tự “ Ve lột xác hè chợt”, một không gian tái hiện…”hè chợt” vô nghĩa, tắc tị. Cụm từ “ Chim ngân xa chen” thì chắc chỉ có… máy hiểu mình muốn bày tỏ điều gì, còn người thì đành chịu. Song câu cuối “Tùy nghi”, hay câu “ Nghìn nghịt yêu trinh bạch ngủ vùi” thì có vẽ lạ lắm, ẩn ức, ẩn ý, ẩn tình đầy đủ tùy tâm trạng đọc giả, giống Bùi Giáng mà không phải Bùi Giáng. Cái “siêu” của máy là ở đây chăng?

Đem chuyện máy làm thơ, tôi gọi điện cho một bạn thơ trẻ, anh bạn cười… lăn cả điện thoại. “Em có nghe, có thử, ra được một bài thơ… hay lắm. Em mông má chút xíu và gửi cho một tờ báo. Biên tập viên khen nức nở: “Thơ lạ, ý tưởng mới, sâu sắc”, và bài thơ máy có… đề tên em được đăng ngay sau đó!”. Đến mức này, thì tôi xin bái phục!

Tôi lại lần mò trên các trang mạng xã hội, facebook, thấy có nhiều ý kiến tranh luận về thơ do máy tính làm. Rất nhiều ý kiến đồng tình, cũng lắm ý kiến phản bác. Phe ủng hộ cho đây là một phần mềm… bác học, có thể giải trí, xả xì trét tốt và có ích hơn là chúi mũi vào các trò chơi nhảm nhí, trang web đen… Rồi người yêu thích làm thơ, có thể nhờ máy… để nâng cao tay nghề, làm quen với nhiều thể loại mà chưa chắc người làm thơ chuyên nghiệp có thể nắm hết? Phe phản đối lại cho rằng: “ Thơ xuất phát từ tình cảm, trái tim, cảm xúc của con người. Thơ máy vô cảm, vô tri vô giác, làm sao có thể rung động lòng người v. v. và v.v… Ngẫm nghĩ thì phe nào cũng có cái lý của mình. Coi như “ bất phân thắng bại”?

Song người viết cứ băn khoăn mãi: Là một người làm thơ, gắn bó với nàng thơ đã khá lâu, người viết hiểu được công sức “sinh thành” để có một bài thơ hay, phải lao tâm khổ tứ, thai nghén cực nhọc và cái cảm giác “khoan khoái biết dường nào” khi sáng tác được một bài thơ ưng ý, và càng nở mày nở mặt như thế nào khi bài thơ được… in báo và được nhiều người hâm mộ, yêu thích. Làm thơ máy, chỉ cần vài động tác giản đơn, một buổi tối có thể “sản xuất” hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài thơ, chỉ cần “lưng vốn lá mít các từ, ngữ” thì… quái lạ xưa nay chưa từng có. Và có ai bảo đảm rằng, trong rất nhiều bài thơ đăng trên các báo hiện nay, làm sao tránh khỏi có bài thơ… máy làm mà người đứng tên? Một “giả dối” đến trắng trợn, nhưng lại rất tinh vi, khó có thể kiểm tra, kiểm soát nỗi!

Thơ máy làm, người đứng tên có thể sẽ được PR, ca tụng lên đến mây vì… bí hiểm, tân hình thức, hậu hiện đại. Lấy cái “cài đặt sẵn” thay thế cho tâm hồn của một con người, và biết đâu, từ trước nay đã hình thành một dòng chảy… ngầm trong đời sống văn học mà chưa có ai phát hiện, khám phá và đánh giá. Mặc nhiên, thơ ca, và cả nàng thơ đang có những mô hình robot, lắp ghép, trộn lẫn vào “thơ thứ thiệt” làm vẩn đục và ô nhiễm dòng chảy của suối nguồn thơ ca vốn có? Và biết đâu đã có những “nhà thơ tên tuổi” trên thi đàn Việt Nam nhờ vào những bài thơ… máy tính? Nói dại, giả dụ một cháu bé nào đấy “say mê thơ ca”, qua lamtho.vn mà “sáng tác” ra… vài tập thơ, mọi người xúm vào mà ca tụng “thần đồng”, lúc biết được sự thật, mọi người sẽ ra sao nhỉ?

Chân, giả khó lường. Xin ngả nón bái phục “nàng thơ máy”, giả lời cổ nhân mà rằng “Hãy khoác lên đầu “nàng thơ máy” một vương miện, một vòng hoa và… tiễn nàng ra khỏi đời sống thơ ca đích thực…”, mong lắm thay!

Vàm Cỏ Đông, tháng 5 năm 2012
TRẦN HOÀNG VY
Nguồn: nhavantphcm.com.vn



_________________
"BẠN CHO RA BẠN CŨNG LÀ TRĂM NĂM" (nvt)
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI