Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Cuộc thi " Chuyện bây giờ mới kể "

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 4 21, 2012 1:00 am    Tiêu đề: Cuộc thi " Chuyện bây giờ mới kể " Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Bắt đầu từ ngày 29-4- 2011, Báo Người Lao Động mở cuộc thi “Chuyên bây giờ mới kể” trên báo in và báo điện tử dành cho bạn đọc.

Cuộc thi nhằm tạo cầu nối để bạn đọc chia sẻ, gửi gắm những tâm sự, câu chuyện sâu sắc, thú vị về tình yêu, gia đình, công việc, đồng nghiệp, thầy trò…; qua đó tôn vinh nghị lực sống, ca ngợi lòng nhân ái và vẻ đẹp cuộc đời…Bài dự thi không quá 800 chữ.

Cuộc thi khởi động từ ngày 1-5-2011 và kéo dài đến 31-12-2011, ban tổ chức đã nhận được 497 bài dự thi hợp lệ của các tác giả ở 43 tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Từ 100 bài viết vào vòng chung khảo, ban giám khảo đã chọn ra giải đặc biệt, giải nhất, giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích.

Sáng 21- 4 - 2012 tại khách sạn Majestic, quận 1 - TPHCM, Báo Người Lao Động đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Chuyện bây giờ mới kể. Ông Nguyễn Đình Xê, Ủy viên Ban Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Giám khảo, đã có những nhận xét về cuộc thi này…

Viết như trải lòng mình

Một đứa cháu vụng dại suốt đời không quên ông chú bệnh tật với tình thương, sự vỗ về và nghị lực sống toát lên từ cuộc chiến đấu dai dẳng với cơn đau; một người anh dù chăm sóc hết mực đứa em hư hỏng trong những ngày cuối đời nhưng vẫn áy náy bởi lời xin lỗi muộn màng của em mình trước lúc lìa đời; chàng trai trẻ nọ cứ nhớ hoài bát canh của người anh kết nghĩa trong thời gạo châu củi quế; anh học trò kia thì nhớ hoài cái dáng nằm nghiêng của người thầy đầu tiên..., từ chuyện này đến chuyện khác, cuộc thi Chuyện bây giờ mới kể diễn ra từ ngày 1-5 đến 31-12-2011 luôn ăm ắp các bài viết nồng ấm tình người, rạo rực hơi thở đời sống. Gần 500 bài viết đến từ các tác giả ở 43 tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài cho thấy sức sống của một sân chơi mới mẻ nhưng thu hút người viết và người đọc thuộc đủ tầng lớp, giới tính.

Sự hưởng ứng nhiệt thành của người viết và bạn đọc chứng minh sức hấp dẫn của một diễn đàn về hồi ức tình yêu theo nghĩa rộng - tình mẫu tử, phụ tử, tình anh em, tình đồng nghiệp, đồng loại và tất nhiên, tình yêu đôi lứa. Mỗi chuyện kể giữ một sắc thái riêng, không chuyện nào giống chuyện nào, như góp vào khu vườn hồi ức đủ loại cây trái thấm đẫm tình người. Dù duyên dáng hay đơn sơ, mộc mạc, mỗi cây trái ấy đều có chỗ đứng, hương vị riêng. Điểm chung dễ nhận là ngồi dưới tán lá của chúng vào buổi trưa hè, độc giả đều có thể cảm nhận bóng mát và hương thơm tỏa ra từ hoa trái của khu vườn trong trẻo chân chất này.

Sự chân thực, tính tự sự là nét xuyên suốt. Nhiều chuyện trong tập sách này - như một bạn đọc nhận xét - có thể dựng thành phim ảnh hay mở rộng, gia cố thành các tác phẩm văn học bề thế, dài hơi. Điều gì giúp các tác phẩm ấy tạo được độ rung cảm sâu sắc như thế nếu như chúng không được viết ra từ chính trải nghiệm bằng xương bằng thịt của người viết, được chắt lọc và kể lại bằng hơi thở và giọng điệu của người trong cuộc vốn xem sự kiện là một phần ký ức.

Trước khi hiện hình bằng câu chữ của một chuyện kể không vượt quá giới hạn 800 từ (theo quy định của Ban Tổ chức), các hồi ức đã có một đời sống sinh động, bền bỉ trong tâm hồn người viết. Những dòng chữ, vì thế, chắc chắn đã chảy qua trái tim ngồn ngộn xúc cảm của tác giả trước khi hiển hiện trên trang viết. Xét trên khía cạnh chân thực với chất liệu được chắt lọc từ chính cuộc đời, số phận và hành trình đi qua buồn vui của các nhân vật, các tác phẩm Chuyện bây giờ mới kể dễ dàng nhận được sự đồng cảm sâu đậm trong người đọc là bởi chúng được trò chuyện trực diện bằng giọng văn tự sự, giãi bày như một sự trải lòng cần thiết.

Trên thực tế, những chuyện bây giờ mới kể là một phần ký ức sống động của người trong cuộc, ký ức ấy vốn tác động và nuôi dưỡng tâm hồn họ cho đến hôm nay. Kể chúng ra với mọi người như một nhu cầu nội tâm, họ muốn thấy mình lớn thêm lên từ ký ức ấy, với kỷ niệm ấy. Kể ra để tự nhắc nhớ với chính mình về cách nuôi dưỡng một nét nhân văn; kể ra để hy vọng tìm gặp mối đồng cảm, sẻ chia nên vì vậy, nếu không được dịp trải lòng thì ký ức và kỷ niệm cứ hoài hoài nén chặt, thôi thúc. Chính vì vậy, sự cộng hưởng, sẻ chia từ phía bạn đọc là điểm đặc biệt và là ưu điểm của Chuyện bây giờ mới kể. Các tác phẩm vì thế không hề cô đơn trong thế giới những con chữ hay thầm lặng nép mình bên những phận người mà nóng bỏng, sống động trong vô số hồi âm bày tỏ cảm xúc và sự sẻ chia từ người đọc. Các hồi âm, nhận xét và sự hưởng ứng của bạn đọc đã tạo thành không gian ấm cúng cho các câu chuyện nảy nở thành mầm xanh yêu thương, tin cậy.

Đọc Chuyện bây giờ mới kể là sống với các sắc diện đa chiều của phận người và tìm thấy trong đó nét đẹp vút lên của tình người để thêm yêu người, yêu cuộc sống, để giật mình như một bạn đọc muốn tức tốc về bên mẹ, bên cha, chăm sóc tuổi già của đấng sinh thành hoặc khát khao trở lại ngày xưa để không hối tiếc, ân hận vì một lầm lỡ trong đời. Và cảm kích với con đường vươn lên từ gian khó của nhiều số phận truân chuyên cũng là cách nuôi dưỡng nghị lực cho chính mình để có thể hiên ngang đương đầu với các thách thức khắc nghiệt nếu chẳng may xảy đến. Một nhà văn có lý khi nói rằng kỷ niệm, hồi ức của người khác vẫn chung sống với kỷ niệm của chính mình ngay tại tâm hồn mình. Nếu mỗi trang sách mở ra một số phận lắm điều mới lạ thì mỗi Chuyện bây giờ mới kể trưng bày với chúng ta một khoảng trời mới nhiều cung bậc - khoảng trời đậm chất nhân văn.

Nguyễn Đình Xê

8 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết Chuyện bây giờ mới kể được công bố sáng nay 21.4.2012: 3 giải khuyến khích dành cho các tác phẩm: "Hạt bỏng ngày xưa" (tác giả Hương Phúc), "Người thầy nằm nghiêng" (Quỳnh Phạm), "Hai mảnh đời" (Phận nghèo). 2 giải ba cho các tác phẩm "Em tôi" (Lê Chí Đức), "Chú tôi" (Hoàng Phương Nga). 1 giải nhì cho tác phẩm "Món nợ" (Phạm Kỳ), 1 giải nhất cho tác phẩm "Những cây xương rồng của mẹ" (Nguyễn Thị Việt Hà). Giải đặc biệt của cuộc thi thuộc về tác phẩm "Chuyện cổ tích của anh và em" của tác giả Dương Trần Ca.

Mỗi bài viết dự cuộc thi Chuyện bây giờ mới kể đều là chuyện có thật, được viết với tình cảm chân thành nhất, sự rung động sâu sắc nhất.

Cũng nhân dịp này, Báo Người Lao Động chính thức phát hành tuyển tập Chuyện bây giờ mới kể. Sách gồm 100 bài viết của các tác giả được chọn vào vòng chung khảo và các bài viết của các tác giả đoạt giải.



Theo thống kê của Vinabook đây là tác phẩm xếp hạng: 168 ( trong những cuốn Sách bán chạy ) , giá bìa : 60.000đ dày 304 trang.

Xin lần lượt đăng 8 tác phẩm đoạt giải để các bạn thưởng thức !


Tổng hợp từ nguồn www. nld.com.vn


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 4 21, 2012 3:49 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Những cây xương rồng của mẹ ( Tác phẩm đoạt giải nhất)

Tác giả : Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau)

Thuở mẹ còn sống, mẹ đẹp lắm, dáng mảnh mai, tóc dài chấm gót mượt thơm, đôi mắt to tròn ngân ngấn nước. Bà tôi bảo nhan sắc của mẹ chẳng để cho mẹ bình yên.
Trong dông tố của cuộc đời lắm truân chuyên của mẹ, dù cha tôi sớm ruồng rẫy, bàn tay mẹ lúc nào cũng ấm áp, vững chãi để dìu dắt chúng tôi nên người. Những khổ ải khiến đôi tay mẹ trở lên thô ráp nhưng với tôi, đôi bàn tay ấy chưa bao giờ không đẹp.

Trong bao nhiêu bất hạnh ập xuống, chị em tôi chưa bao giờ oán trách điều gì, cho dù những giây phút ấm êm của một mái ấm gia đình trọn vẹn rất hiếm hoi. Suốt cả thời thơ ấu, chị em tôi đã sống trong khát khao được cha cưng nựng hoặc đơn giản chỉ là mua cho mấy món đồ chơi.



Có lẽ tình yêu nơi mẹ lớn lao quá, bao dung quá hay vì những bài học cuộc đời của người mẹ lam lũ suốt đời chỉ biết chịu đựng hy sinh đã rèn chúng tôi nghị lực vươn lên và cho chúng tôi lòng nhân hậu, tình yêu đời ăm ắp.

Nhà tôi nghèo, mẹ dời chuyển nhiều nơi, từ Cà Mau đến Bắc Giang rồi lại vào Lâm Đồng để tìm kế sinh nhai, nhất quyết nuôi ba con ăn học thành tài cho dù trong tay không có món đồ nào đáng giá.

Năm 1998, khi chuyển đến vùng kinh tế mới Madagui được 3 năm, gia đình chúng tôi bám rừng để sống: bẻ măng, chặt lồ ô, chặt mun, tuốt sợi mây…

Ngày nắng cũng như ngày mưa, ba mẹ con lên ngọn đồi xa tít, út Trung ở nhà. Hôm ấy, mưa lớn lắm, ba bóng người xé mưa lao đi mặc roi mưa quất vào thân thể rát buốt, mặc rừng mun, lồ ô nghiêng ngả quấn vào nhau chực gãy. Mẹ quàng áo mưa cho hai con bảo ngồi đợi, mẹ vung dao quắm cố chặt bụi mun.

Bất thần mẹ trượt tay, cây mun đứt ngang thân lao thẳng xuyên qua bàn tay mẹ. Hai chị em tôi rú lên, tay mẹ đỏ máu, mẹ mím môi lại rút cây mun ra khỏi bàn tay phải, chúng tôi cào cấu cỏ dại xung quanh nhai ngấu nghiến trộn cả nước mắt, nước mưa đắp vào tay cho mẹ. Đôi vai gầy gò xương xẩu của tôi lúc ấy vác không sót cây mun nào mẹ chặt, một bó to, có cả cây lẫn máu mẹ.

Lần ấy, bàn tay mẹ gãy một lóng… Nhưng nghị lực mẹ trao cho thì đủ cho cả cuộc đời ba chị em tôi.

Năm 2005, mẹ tôi bị ung thư thận giai đoạn cuối, hai em còn bé bỏng, tôi trở thành giáo viên. Ung thư là căn bệnh khiến người ta chết dần trong những cơn đau khủng khiếp, thế mà trong suốt 4 tháng cuối đời, chúng tôi không bao giờ thấy mẹ khóc.

Có lần mẹ bảo chị em tôi bẻ gãy hết đám xương rồng trước cổng vứt ra đám đất sau nhà cho mẹ. Chừng tháng sau, mẹ tôi đã gầy lắm, lỏng một vòng tay bế ẵm của tôi.

Mẹ bảo đưa mẹ ra trước cổng rồi kêu hai em tới. Chúng tôi nuốt nước mắt, líu lo kể chuyện này, chuyện nọ cho mẹ nghe. Mẹ cười bảo: “Các con thấy gì ở vết gãy của hàng xương rồng?”. Hằng rưng rưng: “Dạ, con thấy ở vết gãy ấy nhiều mầm non vươn lên”.

Mẹ bảo tôi bế mẹ ra sau nhà, hỏi: “Các con thấy gì ở mấy nhánh xương rồng mẹ bảo vứt ra đám đất sau nhà tháng trước?”. Tôi nghẹn ngào: “Tất cả các nhánh đều cắm rễ nảy mầm vươn lên xanh tốt”.

Mẹ lại hỏi, giọng rất nhỏ: “Các con hiểu gì không?”. Út Trung cương nghị đáp: “Dạ, chúng con sẽ sống như xương rồng. Dù bị chà đạp, dù bị vứt bỏ vẫn cắm rễ vươn lên từ đất mẹ”. Mẹ tôi mỉm cười. Đêm ấy, mẹ tôi mất.

Sáu năm trôi qua, sau ngày mẹ mất, nhiều bất trắc nhưng ba chị em tôi đã trưởng thành, vững vàng trên bục giảng và niềm tin, nghị lực mẹ trao như cây đời mãi mãi xanh tươi.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: CN 4 22, 2012 1:16 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Em tôi ( Tác phẩm đoạt giải 3 )

Tác giả : Lê Chí Đức (P.14, Q.10 - TPHCM)

Em trai tôi tính khí ngỗ ngược, ít chịu nghe lời ai trong gia đình. 13 tuổi đang học lớp 7, em bỏ ngang, giao du bạn xấu. Ngày qua ngày, em chỉ biết ăn chơi, quậy phá, em thành con ngựa bất kham.

Khi mẹ tôi mất, em bỏ nhà đi “bụi”. Được vài tháng, không nơi nương tựa, em lại quay về. Từng ngày qua, em không làm nên chuyện gì được việc, thành cái gai trong mắt mọi người.

20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất, em lại là người vô dụng. Không bằng cấp, không nghề nghiệp. Rồi em bệnh nặng, gầy xanh, yếu ớt như lá vàng chuẩn bị lìa cành.

Em phải nhập viện, mang đủ bệnh trong người: tim, gan, thận... hậu quả của tháng ngày ăn chơi.

Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, nuôi người bệnh rất nhọc nhằn. Có những đêm, em khó thở, tôi phải đỡ em ngồi dựa vào tường. Đút từng muỗng cho em ăn vào, ói ra... tôi không biết em bệnh gì. Vết thương lở loét, tròn như đồng xu lan khắp người em. Bác sĩ dặn tôi: “Khi chăm sóc em, cậu nhớ đeo khẩu trang, bao tay...”

Tôi nghi em bị một căn bệnh truyền nhiễm không đơn giản. Sợ em tủi thân, tôi chăm em không đeo bao tay, trò chuyện thân mật, động viên để em quên đi nỗi đau thể xác. Nghỉ làm một tháng, trong bệnh viện, không đêm nào tôi ngủ yên. Em rên đau, chăm người bệnh có gì vui!

Mỗi chiều, lững thững mang giỏ đồ đi giặt, mọi người chỉ trỏ tôi nói nhỏ:
“Anh thằng sida kìa, tội nghiệp! Thằng anh chăm em nó cực quá!”.

Bàng hoàng, nhiều đêm tôi ngồi khóc lặng trên ghế đá, vừa giận vừa thương em mình. Tôi với em như nước với lửa, gần nhau là cự cãi. Giờ đây, em bệnh hiểm nghèo, chăm em, tôi mới thấy thấm tình ruột thịt. “Anh em như thể tay chân”, em đau nằm đó, làm sao tôi vui!...

Chỉ có một em trai, không biết nó sẽ ra đi ngày nào? Thập kỷ 90, tôi biết ít thông tin về AIDS, bệnh chưa có thuốc trị. Em không vâng lời, ham chơi hơn học, hoang phí tháng ngày tuổi trẻ, rong chơi vô bổ. Giờ nằm đó, đau đớn, bất lực, em thiết tha sống dường nào!

Em còn quá trẻ, lẽ ra ở tuổi em đã thực hiện nhiều ước mơ vào đời lập nghiệp với bao hy vọng tươi sáng, làm nhiều công việc phục vụ gia đình, xã hội... Đêm cuối, em nắm tay tôi thì thào:

“Em làm anh buồn nhiều, đừng giận em nghe anh!”
Tôi lặng im, nước mắt nhỏ giọt.

Tôi muốn tâm sự với mọi người về chuyện của em. Ai cũng có lúc phạm sai lầm, nếu như biết dừng đúng lúc có lẽ thân phận con người sẽ bớt bi thương. Cuộc sống rất đẹp, thú vị, để các bạn tìm tòi, khám phá, tìm cho mình một con đường. Đừng vì nông nổi, ham chơi... đánh mất chính mình như câu chuyện buồn của đời em tôi.

Hai mươi năm, chuyện cũ về em, tôi giấu kín trong lòng. Tôi đã mất em, mãi mãi.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 4 23, 2012 12:38 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hạt bỏng ngày xưa ( Tác phẩm đoạt giải khuyến khích)

Tác giả :Hương Phúc (Đồng Nai)


Ai đã từng sống ở vùng nông thôn trước những năm đổi mới, hẳn sẽ biết hạt bỏng mà tôi nhắc đến trong bài viết này. Ngày ấy, quê tôi là một vùng chiêm trũng thuần nông, quanh năm nghèo đói. Nhà tôi thuộc diện nghèo nhất trong số những hộ nghèo.

Bố tôi, sau hơn 30 năm quân ngũ, trở về với vợ con chỉ có tấm lòng và hai bàn tay trắng. May sao vẫn còn những đồng lương còm cõi đủ nuôi ông sống tạm qua ngày. Gần 3 năm sau, khi tôi lên 9 tuổi, bố tôi đột ngột qua đời. Lo xong hậu sự cho bố, nhà tôi nghèo lại càng nghèo hơn bởi những hủ tục nhiêu khê, tốn kém.

Bảy mẹ con nheo nhóc nương tựa vào nhau, đúng hơn là nương tựa vào đôi vai gầy của mẹ. Thiếu đói triền miên, mẹ tôi sọm người đi trông thấy. Dù vậy, mẹ vẫn “thắt lưng buộc bụng” gắng nuôi tôi ăn học, động viên tôi ráng vượt lên để bằng bạn, bằng bè. Nghe lời mẹ tôi học rất chăm, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.



Lên 10 tuổi, tôi vẫn ngủ chung với mẹ. Buổi sáng, mẹ tôi dậy rất sớm vừa đóng xiên cua cho chị tôi mang đi chợ bán lấy tiền đong gạo, vừa đun ấm nước, nấu cám nuôi hai chú lợn con. Khi tôi ngủ dậy thì mọi việc đã gần như hoàn tất.

Có điều rất lạ là, dù nhà nghèo nhưng sáng nào tôi cũng được ăn một đĩa bỏng gạo thơm ngon trước khi tới lớp. Thời gian đầu tôi chẳng hề để ý, có thì cứ ăn, miễn sao đỡ đói, thậm chí còn đòi mẹ sáng hôm sau phải được ăn nhiều hơn. Lớn hơn một chút, tôi mới chợt nghĩ, nhà mình gạo còn chẳng đủ để nấu cơm bữa trưa, bữa tối, sao lại có gạo để làm bỏng ăn vào bữa sáng?

Một buổi sáng khi mẹ thức dậy, tôi cũng rón rén dậy theo, thấy mẹ vừa làm việc, vừa đun bếp. Những nắm rơm lom nhom cháy… Từ trong đốm lửa nhỏ, thỉnh thoảng vài hạt thóc còn sót lại nổ lách tách. Mẹ tôi liền đưa tay rón lấy rồi thổi sạch, bỏ vào đĩa từng hạt, từng hạt một.

Cứ thế, nấu xong nồi cám heo, mẹ nhặt những hạt bỏng ấy đầy một đĩa nho nhỏ, đủ cho tôi tạm chống đói tới trường. Nhìn thấy việc làm của mẹ, tôi nghẹn lòng, nước mắt tuôn rơi. Thì ra, những vết bỏng triền miên trên tay mẹ chẳng kịp mọc da non là bởi sáng nào mẹ cũng lo “giành giật” từng hạt bỏng, không để lửa cháy làm vơi bớt phần của con.

Không kìm được lòng mình, tôi chạy đến ôm chầm lưng mẹ, khóc òa. Trong giây phút ấy, tôi thầm hứa với mẹ sẽ vượt qua mọi chông gai, vượt khó để trưởng thành, không phụ tình yêu thương vô bờ của mẹ…

Mới đó mà đã mấy chục năm trời. Nay, mẹ tôi lưng đã còng, mái tóc bạc phơ, dù không còn khỏe nhưng vẫn tinh tường, minh mẫn và vẫn nhớ rõ cái thuở hàn vy. Tôi đã thực hiện được lời hứa với mẹ ngày nào.

Bao năm nay, tôi không còn được ăn những hạt bỏng rơm từ tay mẹ nhưng cái hương vị thơm ngon chở nặng tình mẹ vẫn mãi mãi trong tôi. Cho đến hôm nay, mỗi lần về quê, tôi không quên nấu một ấm nước bằng rơm khô rồi thưởng thức những hạt bỏng như ngày xưa mẹ đã nuôi tôi khôn lớn. Và tôi lại rưng rưng cảm ơn mẹ.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 4 23, 2012 10:38 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Người thầy nằm nghiêng ( Tác phẩm đoạt giải khuyến khích )

Tác giả :Quỳnh Phạm


Dù có đi đến đâu và ở chốn nào, ký ức về người thầy khuyết tật đã từng dạy tôi những con chữ đầu đời cũng không bao giờ nhạt nhòa. Bên bờ sông Chu đỏ nặng phù sa, như một huyền thoại, thầy Nghĩa vẫn miệt mài và ân cần bên lớp học do mình “nằm” lớp, vẫn ngày đêm truyền đạt cho các em nhỏ kiến thức trong nguồn tri thức vô tận để các em vững bước vào đời.
Thầy Nghĩa của tôi là một người đặc biệt. Dù không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nhưng thầy vẫn dạy học như các giáo viên ở các trường chính quy. Đặc biệt hơn nữa là thầy Nghĩa bị bại liệt nửa người từ khi 14 tuổi, nhưng bằng nghị lực và sự bền bỉ, thầy đã vươn lên để không là gánh nặng của gia đình.

Năm 36 tuổi, thầy dạy toán và rèn luyện chữ viết cho một số em nhỏ con nhà hàng xóm. Thấy con em mình có nhiều tiến bộ nên gia đình các em đã đến nhờ thầy dạy thêm. Tiếng lành đồn xa, những em nhỏ con nhà nghèo cũng được bố mẹ dẫn đến nhờ thầy dạy dỗ. Và cũng từ ấy, thầy Nghĩa bắt đầu “nằm” lớp tại nhà của mình.



Thầy Nghĩa và mẹ

Tôi cũng là người học trò may mắn được ngồi trong lớp học của thầy. Những ngày tháng tôi theo học tại nhà thầy là những ngày khó quên. Lớp học nhà tranh vách đất, bục giảng là… tấm cốp pha kê ở góc nhà.

Thầy nằm nghiêng người với tất cả sức mạnh của mình trên những miếng ván ghép đã bị mối mọt, mắt thầy luôn dõi theo những đứa trò nhỏ và tay thầy cũng luôn cầm chiếc thước tre dài… 5 m để nhắc nhở nếu như chúng tôi chưa thuộc bài. Cho đến nay, chiếc thước tre ấy thầy vẫn giữ bên mình như một bảo bối.

Cùng với thời gian, bao đứa trẻ một thời như tôi đã qua bàn tay “nhào nặn” của thầy, mang ơn thầy và cũng rất nể phục thầy. Thầy Nghĩa bây giờ tuổi đã ngoài sáu mươi, mái tóc thầy phần nhiều đã bạc, khuôn mặt thầy cũng đã nhiều nếp nhăn… Dẫu vậy, thầy vẫn duy trì lớp học do mình nằm dạy hơn 20 năm qua.

Lớp học của thầy giờ đây đã khang trang hơn nhờ được sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, các nhà hảo tâm… Song có một điều không bao giờ thay đổi, đó là câu nói và việc làm của thầy: “Tôi là người bại liệt nằm một chỗ nhưng vẫn cố gắng làm việc có ý nghĩa. Thế nên, Nghĩa còn (sống) là còn và sẽ còn tiếp tục làm việc nghĩa”.

Tôi còn nhớ như in, năm tôi còn theo học với thầy, mẹ dắt tôi vào xin và đóng tiền học phí. Khi mẹ tôi cầm tiền đưa nói là đóng tiền học phí, thầy nằm nghiêng bên chiếc phản gỗ mối mọt, ân cần nói: “Tôi không nhận tiền đâu. Tôi là người bệnh tật, mẹ tôi thì già yếu, mắt mờ, chân chậm, chỉ cần cái ăn như gạo, ngô, khoai, sắn thôi!”.

Đến nay, thầy Nghĩa vẫn mộc mạc và sống chất phác như thế. Thầy chưa bao giờ nhận tiền học phí do bố mẹ các em nhỏ đóng góp bởi lý do thầy đưa ra hết sức giản dị: “Tôi như con cánh cam bị bẻ cánh rồi, có đi đâu được nên nhận tiền làm gì. Vả lại, các em theo học ở đây hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, nên tôi không nhận tiền!”.


Năm tháng cứ thế trôi đi, ở quê tôi, thầy Nguyễn Trung Nghĩa vẫn lặng thầm chèo lái con đò tri thức, đưa các em nhỏ trong thôn, trong xã đến với bến bờ thành công. Bên bờ sông Chu, thôn Quyết Thắng 1, xã Xuân Bái, Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thầy vẫn nằm nghiêng dạy học cho các em nhỏ, dù sức khỏe thầy đã yếu và tuổi cũng đã cao…


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Ba 4 24, 2012 4:47 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chú tôi ( Tác phẩm đoạt giải 3)

Tác giả :Hoàng Phương Nga (TPHCM)


Khi tôi lên một, chú mắc bệnh thương hàn có biến chứng. Tuổi thơ tôi gắn liền với chiếc nạng gỗ của chú. Hàng ngày, tôi lấy chiếc nạng đó vẽ xuống đất vòng tròn để chơi lò cò. Chú xoa đầu tôi bảo: “Cẩn thận nha nhóc! Chú bắt đền đó nghen”.

Tôi lại cười xòa: “Nhóc có nạng gỗ đâu, sao đền được!”. Tôi chẳng hiểu căn bệnh chú đang mang, chỉ biết cứ mỗi chiều, tôi lại quẩn quanh bên chú. Chú cho gà ăn, quét sân, còn tôi thì rủ đứa bạn hàng xóm chơi bi, nhảy dây, đánh ngộc….

Hồi đó, chú 20 tuổi nhưng nom như người 40 tuổi. Tôi hay gọi là “chú xấu xí” hay “chú lưng gù”. Chú cốc đầu tôi mắng yêu: “Sau này lớn lên, về già, nhóc cũng bị gù thôi”. Mặt tôi ngơ ra và phụng phịu: “Gù giống chú thì xấu lắm!”.



Ảnh minh hoạ: Internet

Tôi lớn dần và trở thành cô bé dễ thương trong mắt mọi người. Tôi 18 tuổi thì chú trải qua 18 năm đánh vật với căn bệnh. Những khi trái gió trở trời, chú lại đau. Từng đốt xương trên cơ thể chú rạn ra, rồi co lại. Chúng hành hạ và khiến chú phải rên.

Tôi ít vào nhà chú chơi hơn vì phải học và ở nhà giúp ba mẹ. Những khi ghé chơi, chú vẫn gọi tôi là nhóc. Tôi ậm ừ có vẻ không thích:

- Chú còn gọi là nhóc sao?
- Nhóc vẫn mãi là nhóc thôi! - Một tay chống nạng, một tay chú lại xoa đầu tôi.
- Nhưng người ta bảo cháu lớn rồi mà.
- Với chú, nhóc mãi là nhóc lò cò năm nào! - Chú nhìn tôi âu yếm.

Tốt nghiệp cấp ba, tôi bước vào kỳ thi đại học và những lần vào nhà chú thưa dần. Tôi vùi đầu vào bài vở và đậu đại học. Niềm vui vỡ òa trong cả đại gia đình và họ hàng.

Hôm báo điểm thi, tôi ba chân bốn cẳng chạy một mạch vào nhà chú. Chưa kịp reo lớn báo tin, tôi bỗng ngưng lại trước tấm vách ngăn cách buồng của chú. Tôi nghe tiếng rên rõ mồn một.

Hôm ấy, nội không có nhà, chú nằm một mình và rên vì đau. Tôi như chết lặng, không vồ vấp, nhí nhảnh như mọi ngày. Tôi ghé tai vào tấm vách để cảm nhận nỗi đau của chú mà lâu lắm rồi tôi đã vô tình quên.

Chú đắp mền trùm gần hết đầu, hai chân để thõng xuống đất. Chú không nhìn thấy tôi. Nếu thấy, tôi đoán chú lại mỉm cười gọi “nhóc” như ngày nào.

Tôi đưa tay lên ngực cố giữ tiếng nấc trong cổ họng. Nước mắt tôi cứ thế chảy dài trên má, những giọt nước mắt không phải của hồi lên ba, khi tôi chơi lò cò bị té đau, không phải ngày tôi 16 tuổi tủi thân vì bị ba mẹ mắng, càng không phải của ngày cầm tờ giấy đậu đại học. Đó là nước mắt tôi dành riêng cho chú.

Bây giờ đã là sinh viên năm thứ ba, tôi học xa nên mỗi năm chỉ được về quê một lần. Mỗi lần về, tôi lại vào nhà chú trước tiên. Giờ lớn rồi, tôi không co chân chạy như trước nữa; còn chú thì không thể chống nạng nữa rồi.

Các tủy xương trên đôi chân chú đã khô ráo, các khớp xương dính lại với nhau, tay chú co quắp, đầu chú ngoẹo sang một bên, ngồi lên nằm xuống phải có người đỡ.

Mỗi lần tôi vào thăm, chú lại nói to như sợ tôi không nghe: “Nhóc, đỡ chú dậy nào!”. Tôi nhanh nhảu đến bên đầu giường, đưa tay cho chú làm điểm tựa ngồi dậy. Chú vẫn nằm đó nhưng đôi nạng gỗ ngày nào giờ lại bị xếp ở một góc nhà, lòng tôi bỗng nao nao buồn…

“Con nhóc này càng lớn càng xinh!” - chú nằm và nhìn tôi âu yếm.

Đúng vậy chú à, nhóc của chú vẫn mãi là nhóc thôi...


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư 4 25, 2012 12:04 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Món nợ ( Tác phẩm đoạt giải 2 )

Tác giả : Phạm Kỳ

Tôi tổ chức đám cưới cho con, bạn bè hai bên và cơ quan khá đông nhưng tôi chỉ mời ít, còn lại thì báo hỷ. Sau đám cưới, ngồi uống trà và nghĩ về đám cưới hôm qua, tôi mãn nguyện vì đã lo chu đáo.

Ba… Ba…! Tiếng con tôi gọi giật, nó tới và đưa cho tôi một chiếc phong bì tự làm bằng giấy học trò. Chiếc phong bì lạ lạc vào thùng quà cưới? Dòng chữ có vẻ nắn nót nhưng vẫn và non nớt “Cô chú Tâm-Hòa: Mừng hạnh phúc hai cháu”.

Trong phong bì là 3 tờ giấy bạc, không được mới, tổng cộng là 120.000 đồng. Tôi sửng người: Có lẽ đây là những đồng bạc mồ hôi vét từ mớ dưa leo đầu mùa để từ Trảng Bàng về Sài Gòn mừng cưới? Tôi nhớ lại, tôi không mời hai đứa em đồng đội nhưng chúng vẫn đến. Hổn hển vội vàng, sôi nổi cầm tay tôi, ấp úng:

“Anh Tư, sáng nay bọn em mới nghe tin anh chị tổ chức cưới cho cháu. Bọn em xuống sớm để thăm anh chị và mừng cho cháu, nhưng dọc đường xe máy hư nên giờ mới đến được, trễ quá. Gặp được anh là bọn em mừng rồi, giờ xin phép anh, bọn em phải về kẻo mấy đứa nhỏ trông…”:

Tôi lơ đễnh, vô ơn và vô cảm:
“Hai đứa tệ quá, đến mà không vô. Thôi, anh cảm ơn. Đi đường nhớ cẩn thận…”
Tôi quay lưng, đám cưới ồn ào, tôi quên bẵng tụi nó.

Giờ cầm chiếc phong bì, bao ký ức cũ tràn về.

Dạo đó, tôi mới vượt Trường Sơn vô, hai đứa mới ở chiến trường lên sau trận Mậu Thân 1968. Chúng tôi về cùng đơn vị Ban Kinh tại R, ở miệt Tà Nót, Bắc Tây Ninh. Chiến tranh vào giai đoạn ác liệt, bom pháo suốt ngày, thiếu đói, bệnh tật, chống càn, chạy càn liên miên. Tôi là bí thư Chi đoàn, lại là giáo viên dạy bổ túc cho hai đứa. Tuổi trẻ chúng tôi gian khổ nhưng đầy ắp nhiệt tình, sống hòa đồng, nhường nhịn, gắn bó như anh em trong gia đình, vui khổ cùng sẻ chia.

Tôi bị sốt rét, em Hòa là chị nuôi thường để dành miếng cơm cháy cho tôi. Tôi ái ngại, trách em: “Đơn vị đang thiếu đói, cơm cháy em cũng phải chia đều. Làm vậy, tội chết!”. Em cười: “Anh Tư thường phải thức đêm đi săn, vất vả, anh phải được bồi dưỡng chứ!”. Lý luận của cô “học trò lớp 3” làm tôi yên tâm với miếng cơm cháy sâu đậm nghĩa tình.

Chú Tâm làm rẫy. Tôi nằm viện, chú vô thăm luôn, lúc thì mang mấy quả dâu da rừng, khi thì mớ me xanh kèm bịch muối ớt. Tôi xa gia đình, quê hương, thiếu thốn, hụt hẫng nhiều thứ; nhưng được sống với những đồng đội, đồng chí, anh em như thế, tôi thấy mình được bù đắp nhiều. Tình cảm đồng đội đã sưởi ấm, nâng đỡ cho tôi vượt qua bao gian khổ.

Tâm và Hòa thương nhau, nhưng mãi sau 1975 mới thành vợ chồng. Sau đó xin nghỉ việc về quê làm ruộng và nuôi heo. Kinh tế khó khăn, lại đông con, thiếu trước hụt sau nhưng tình cảm vẫn luôn đầy ắp và chân tình. Nghe tin đồng đội cũ, ai có chuyện buồn, vui là đến thăm ngay; khi thì nải chuối, mấy quả bắp tươi hay mấy quả cà vườn... tình cảm sâu đậm, gắn bó như xưa.

Cầm chiếc phong bì và mấy tờ bạc trong tay, tôi bồi hồi xúc động, có phần hổ thẹn. Tôi tệ với hai đứa quá. Cuộc sống với cuộc chạy đua vật chất đã làm tôi lạc lối rồi? Tôi đã quên, đã đánh mất những gì tốt đẹp, sâu sắc nhất của cuộc đời gian khó vừa qua của mình rồi ư? Tôi còn là “anh Tư của hai đứa như xưa nữa không?”

Tôi cứ tưởng mình là người hiểu biết, là “thầy dạy” hai đứa; nhưng chiếc phong bì này đã nhắc cho tôi biết: Chính hai đứa em này mới là “thầy” dạy cho tôi về đạo làm người, về những gì quý nhất con người cần phải giữ. Giờ tôi đã thấm sâu hơn câu: “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”.

Anh Tư xin lỗi hai em, cảm ơn hai em đã nhắc nhở cho anh về “món nợ” này.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Tulip
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 8 2008
Số bài: 1925

Bài gửiGửi: Tư 4 25, 2012 12:34 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

O Tuyêt Nhung sưu tầm những truyện ngắn thật hay , đúng vậy ...tiền tài và vật chất chỉ là thứ ngoài thân , Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm con người sống không có ân tình thì sẽ thế nào hè ??? ....tùy mọi người nhận xét ..cám ơn bài viết của O nghe ..


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư 4 25, 2012 8:23 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Cám ơn Tulip và những ai đã dành thời gian đọc những mẩu chuyện mà TN sưu tầm. Tuy không phải văn TN viết nhưng các bạn đọc - mình cũng cảm thấy RẤT VUI !


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư 4 25, 2012 8:28 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hai mảnh đời ( Tác phẩm đoạt giải khuyến khích )

Tác giả : Phận Nghèo (Ninh Kiều, Cần Thơ)

Tôi gặp em không phải trên một chuyến xe, không phải ở một góc chợ hay một quãng đường mà trong một ngôi nhà bề thế giàu sang- nhà chồng tôi. Nhưng sao cuộc đời em chông chênh quá.

Ngày tôi lấy chồng, cả xóm xầm xì với nhau: “Con nhỏ lấy chồng vì nhà thằng đó giàu”. Đó là sự thật. Tôi tự nguyện lấy một người không yêu vì hoàn cảnh gia đình quá cùng quẫn. Cũng từ đó, tôi bắt đầu một cuộc sống với biết bao cay đắng, khinh miệt của bên chồng vì cái phận nghèo. Tôi “mồ côi” từ đó.

Còn em, mới tám tuổi đầu đã rời xa ba mẹ. Em chuyển lên thành phố để bắt đầu học lớp một, vào ở trong một ngôi nhà sang trọng và để bắt đầu một cuộc sống “địa ngục trần gian”. Em “mồ côi” từ đó!

Tôi và em gặp nhau như thể hai chúng tôi đã thân nhau từ trước. Bữa cơm đầu tiên tôi ở gia đình chồng, em lẽo đẽo theo tôi. Em chỉ cho tôi biết cái dao để bên sóng chén, cái thớt để trong tủ kéo…



Ảnh minh hoạ: Internet

Em thỏ thẻ nói cho tôi biết cách để chiều ý mọi người trong nhà. Buổi sáng, bà uống cà phê, ông uống trà. Cô hai thì không thích giặt quần áo trong máy giặt, phải giặt tay. Phòng của cô ba phải lau mỗi tối…

Em nhỏ xíu, người đen đúa, lại khiếm thị, chỉ nhìn được bằng một mắt. Em ở đây đã hơn bảy năm rồi! Mười mấy tuổi đầu. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, em đã hiểu biết và lặng lẽ làm bao công việc trong nhà mà tôi chưa từng nghĩ em có thể.

Từ ngày về đây, tôi giúp em lau nhà, quét sân, giặt quần áo… nên em rất vui. Tôi dạy em học, rồi hỏi em: “Sao học dở quá vậy?”. Em im lặng. Nhưng tôi hiểu, em làm gì có thời gian. Ban ngày, em làm viêc quần quật suốt ngày, ban đêm thì mấy đứa nhỏ con cô hai, cô ba đi nhà trẻ về, em phải trông nom chúng.

Tôi hỏi về gia đình. Em im lặng. Chỉ biết rằng lâu thật lâu, em mới có bà nội lên thăm. Những lúc đó, tôi thường nghe mẹ chồng tôi sang sảng giọng: “Sức mấy có chỗ sướng bằng ở đây, cơm ngày ba bữa, ở nhà cao cửa rộng, đi học đàng hoàng”.

Phải! Mẹ chồng tôi nói đúng. Cơm ngày ba bữa nhưng bữa sáng em luôn ăn cơm nguội với đồ ăn còn thừa của ngày trước. Có lần nhà đi vắng, tôi gọi cho em tô bún. Trong sự thòm thèm, em húp sùm sụp. Bất ngờ, ba chồng tôi về ném cho em một cái nhìn đay nghiến: “Mày ngon quá ha!”.

Từ đó, em không dám nhận những gì tôi cho nữa. Còn hai bữa cơm trưa, chiều không bao giờ thiếu tiếng tằng hắng, gầm gừ của ba chồng tôi. Còn phòng ở của em thì rất rộng, nhưng đó là cái phòng mà mọi người ném vào đó những thứ để thì không xài mà vứt thì tiếc.

Có lần, tôi nghe nội em kể: “Có bà con gì đâu! Nhà tôi ở gần nhà nội chồng cô dưới quê. Tôi cũng hiểu, nhưng nhà tôi đông người mà chỉ có hai công mía, khi đặng khi thất, ở đây, ít ra nó cũng được đi học. Nhà tôi không có ai đi học hết…”.

Rồi một ngày kia, em bệnh một trận thập tử nhất sinh. Em không được xuống tầng dưới vì mẹ chồng tôi sợ lây cho mấy đứa cháu. Em nằm ở tầng năm không một ai lui tới, ngoài tôi. Cái nắng mùa hè như thiêu như đốt cũng không thương hại em. Nó xăm xoi vào da thịt em. Tôi ngồi bên em mà lòng tê dại!

Tôi quyết định xin mẹ chồng về quê ít ngày vì nhà tôi có đám giỗ. Suy nghĩ mãi, mẹ bằng lòng. Tôi khéo léo xin cho em cùng theo vì ở đây em cũng chẳng giúp được gì. Mẹ chồng tôi ừ liền.

Chuyến xe cuối cùng trong ngày chở tôi và em, hai mảnh đời côi cút! Không biết sau này sẽ ra sao nhưng chỉ trong mấy ngày vô cùng ngắn ngủi này, tôi chắc một điều, tôi và em sẽ nhận được rất nhiều… Nhận những thứ mà thượng đế thường rộng rãi ban phát cho nhân loại…


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Năm 4 26, 2012 5:19 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chuyện cổ tích của anh và em ( Tác phẩm đoạt giải đặc biệt )

Tác giả : Dương Trần Ca (Bình Dương)

Em là cô gái miền Đông Nam bộ mà đường về nhà lắm đồi dốc chập chùng. Anh là chàng trai lớn lên bên dòng sông Vàm Cỏ Tây trĩu nặng phù sa. Gia đình hai đứa đều nghèo nên bốn năm đại học phải tự bươn chải làm thêm đủ thứ việc để lấy được tấm bằng cử nhân.
Run rủi sao cả hai đứa quen nhau khi đi làm thêm trong Khu du lịch Suối Tiên. Anh được giao vai Sơn Tinh, em vào vai công chúa Mỵ Nương trong hoạt cảnh miêu tả truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh đời Hùng Vương thứ 18. Lần nọ anh và em được diễn chung cùng nhau. Diễn xong chỉ nhìn nhau cười cười.

Từ đó, buổi nào được diễn chung với nhau thì vui lắm và diễn xuất như có “hồn” hơn. Công chúa Mỵ Nương thì tình cảm hơn, ướt át hơn còn Sơn Tinh thì oai hùng hơn, múa võ hay hơn. Hai đứa như diễn cho nhau xem và nhập vai đến quên cả khán giả.



Ảnh minh họa: Internet

Hôm nào anh làm Sơn Tinh mà người khác làm công chúa thì em thấy ghen ghen, hờn dỗi với anh. Còn anh thì thấy thằng bạn đóng vai Sơn Tinh nắm tay em mà máu nóng dồn lên đầu, thật là trẻ con. Anh cũng không biết diễn tả làm sao cái cảm giác ngất ngây, hạnh phúc mỗi lần đánh bại Thủy Tinh và đưa em về núi.

Chúng ta bên nhau trong những vai diễn suốt hai cái Tết và một mùa hè. Em lớn hơn anh một tuổi nên khi em tốt nghiệp ra trường, anh vẫn còn một năm trên giảng đường. Em nộp hồ sơ vào một ngân hàng gần đó và trúng tuyển. Bộ quần áo đơn sơ ngày nào đã thay bằng những chiếc áo dài quý phái đã làm em xinh đẹp hơn, đài các hơn, như con nhộng trong kén bỗng phút chốc hóa thành chú bướm rực rỡ, kiêu sa.

Mặc cảm tự ti cứ lớn dần trong anh dù khi yêu nhau, ta có thể cho người ta yêu tất cả, kể cả mạng sống của mình, anh luôn nghĩ thầm như vậy. Nhưng sự đời thì phức tạp hơn nhiều! Trong khi bạn bè cùng cơ quan có người yêu giàu có, sinh nhật, lễ Tình Nhân, 8-3… cũng được người yêu gửi hoa, quà đắt tiền, đón đưa bằng những chiếc xe xịn nhất thì anh vẫn cọc cạch với chiếc xe cũ mèm.

Quà cho em – dù không phải là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao – nhưng chẳng lẽ mua bằng tiền của em? Mà Sơn Tinh ngoài đời lúc này ngoài tấm lòng chung thủy và yêu em bằng trái tim cháy bỏng, chẳng còn gì khác nữa. Và anh dần xa em…

Em vốn rất hiền lành, hay thương người, lại là chị cả trong nhà nên luôn có thói quen chăm sóc cho người khác một cách tự nhiên, không nghĩ ngợi. Tiền lương em dành một phần lo cho anh yên tâm hoàn tất năm cuối trên giảng đường.

Nhưng với anh, chữ yêu lại đi kèm chữ ghen. Mấy lần nặng nhẹ khi bắt gặp em ngồi sau lưng cho bạn cùng cơ quan chở, rồi hết giờ làm mà vẫn cố làm cho hết việc trong khi anh dầm mưa đứng đợi. Chuyện tình Sơn Tinh-Mỵ Nương đẹp và trong sáng như chuyện cổ tích. Mà chuyện cổ tích ngày nào giờ đã vời vợi xa…

Và rồi ta chia tay. Lặng lẽ, đơn giản như chuyện đời phải vậy. Xa nhau nhưng vẫn xem nhau là bạn, thỉnh thoảng vẫn điện hỏi thăm nhau, vẫn gọi nhau là chồng là vợ như ngày nào. Anh tìm được việc làm đúng chuyên ngành đã học và tìm cách quên em bằng việc vùi đầu vào công việc.

Chủ nhật được nghỉ, anh trở lại khu du lịch đóng vai Sơn Tinh ngày nào. Sơn Tinh vẫn oai hùng, vẫn chân chất nhưng nàng công chúa ngày xưa đã thay bằng những nàng công chúa khác, cũng xinh đẹp, cũng dịu dàng nhưng trái tim Sơn Tinh giờ đã nguội lạnh.

Chuyện cổ tích nào cũng kết thúc đẹp, mà sao chuyện cổ tích của Sơn Tinh - anh và Mỵ Nương - em lại kết thúc thật buồn. Chàng Sơn Tinh, dù cố ra vẻ thản nhiên, khinh bạc trước mặt bạn bè nhưng làm sao không đớn đau, không quay quắt mỗi khi dìu nàng công chúa xa lạ nào đó về núi mà cứ ước nguyện đến tê lòng, người đó sẽ là em – dù chỉ một lần nữa trong đời…


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Năm 4 26, 2012 5:26 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Xin được đăng câu chuyện của Nhà văn Đoàn Thạch Biền - Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Chuyện bây giờ mới kể - thay cho lời kết của mục sưu tầm này .


CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Đoàn Thạch Biền
(Nhà văn – Thành viên Ban Giám khảo)

“Ngày xửa , ngày xưa...” chuyện cổ tích thời xưa thường bắt đầu như vậy. Chuyện có những nhân vật siêu phàm như ông Bụt, bà Tiên...Người kể chuyện chưa bao giờ sống trong thế giới thần tiên đó. Chuyện cổ thời nay bắt đầu gần hơn “ Hồi ấy, năm đó...” Nhân vật là những người gần gũi như cha mẹ, thầy cô, người yêu...Và người kể chuyện đã sống trong thế giới đời thường đó.

Có khác biệt gì giữa chuyện cổ tích thời xưa và thời nay ? Chuyện cổ tích xưa là ước mơ hạnh phúc chưa đạt được của người kể chuyện. Còn chuyện cổ tích nay là hành trình tìm kiếm hạnh phúc của người kể chuyện.

“ Chuyện cổ tích nào cũng kết thúc đẹp, mà sao chuyện cổ tích của Sơn Tinh – anh và Mỵ Nương – em lại kết thúc thật buồn “. Dương Trần Ca than thở trong Chuyện cổ tích của anh và em. Tác giả buồn vì không lấy được Mỵ Nương – em như trong chuyện cổ tích xưa. Nhưng tôi nghĩ anh đã có một thời yêu thương nồng thắm, khi cùng người yêu đêm đêm diễn hoạt cảnh truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Rồi người yêu đi làm việc, trích một phần lương cho anh ăn học tốt nghiệp đại học...Như thế chưa phải là hạnh phúc sao ?

Sự hy sinh của cha mẹ nghèo, cố gắng giúp các con nên người. Đấy là một chuyện cổ tích giữa đời thường vất vả mưu sinh. Những cây xương rồng của mẹ, Nguyễn thị Việt Hà viết về một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ. Bà một mình bương chải lo cho ba đứa con nhỏ. Khi bị ung thư thận, bà bảo các con bẻ gãy đám xương rồng trước cổng, vứt ra miếng đất sau nhà. Một tháng sau, bà chỉ cho các con thấy những mầm xanh đã vươn lên từ vết gãy của những cây xương rồng trước cổng. Trên miếng đất sau nhà, những cây xương rồng bị vứt đi cũng cắm rễ và nẩy mầm xanh tươi. Người mẹ muốn dạy các con một bài học trước khi bà ra đi : Hãy sống mạnh mẽ như cây xương rồng. “ Dù bị chà đạp, dù bị vứt bỏ vẫn cắm rễ vươn lên từ đất mẹ “. Nhờ bài học thị phạm đó, các người con đã vững chãi bước vào đời.

Món nợ của Phạm Kỳ là bài dự thi hiếm hoi viết về tình đồng đội. Năm 1968, anh vượt Trường Sơn về đơn vị Ban Kinh tài R, miệt Tà Nót, Bắc Tây Ninh. Anh vừa chiến đấu vừa dạy bổ túc văn hóa cho các bạn trẻ, trong đó có Hòa và Tâm. Khi anh bị bệnh, Hòa là chị nuôi đã bồi dưỡng cho anh những miếng cơm cháy. Tâm bồi dưỡng cho anh những trái dâu da rừng và những trái me xanh. Tình đồng đội đã nâng đỡ anh vượt qua gian khổ trong thời chiến. Thời hòa bình, anh tổ chức đám cưới cho con ở thành phố. Tuy không được mời nhưng vợ chồng Hòa – Tâm vẫn đến gửi phong bì chúc mừng, rồi vội vã ra về không dự tiệc vì bận rộn công việc ở miền quê.Anh chợt nhận ra : “ Chính hai đứa em này mới là “ thầy “ dạy cho tôi về đạo làm người, về những gì quý nhất con người cần phải giữ. Giờ tôi đã thấm sâu hơn câu :
“ Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm “.

Quỳnh Phạm cũng viết về một người thầy – Người thầy nằm nghiêng . Thầy Nghĩa bị bệnh bại liệt nửa người. Thầy không thể đứng lớp ở trường mà “ nằm lớp “ tại nhà, dạy miễn phí cho trẻ em nghèo. “ Tôi là người bại liệt nằm một chỗ nhưng vaaxn cố gắng làm việc có ý nghĩa”.Thế nên Nghĩa còn sống là còn tiếp tục làm việc nghĩa”. Những con chữ tâm huyết của thầy Nghĩa dạy các em, chắc chắn không phải là những con chữ “ nằm nghiêng “ mà là những con chữ đứng thẳng giúp các em bước vào đời.

Trong ba chuyện kể : Em tôi của Lê Chí Đức, Chú tôi của Hoàng Phương Nga, Hai mảnh đời của Phận Nghèo, người kể chuyện đã là “ nhân vật chính “. Họ quan tâm chăm sóc người thân và người đồng cảnh ngộ khi ốm đau. Sống không vô cảm, biết chia sẻ nỗi đau với người khác, đấy cũng là hạnh phúc .

Hạt bỏng ngày xưa là một chuyện kể nhẹ nhàng nhưng lại nặng sâu tình mẫu tử. Hương Phúc cho biết: “ Dù nhà nghèo nhưng sáng nào tôi cũng được ăn một đĩa bỏng gạo thơm ngon trước khi tới lớp”. Sau này cô gái mới thấy mỗi buổi sáng mẹ dậy sớm nấu bếp rơm, những hạt thóc còn sót lại ở cọng rơm nổ lách thành bỏng. Người mẹ góp nhặt từng hạt bỏng bỏ vào đĩa để dành cho con ăn sáng. Người con đã khóc òa và thầm hứa “ sẽ vượt qua mọi chông gai, vượt khó để trưởng thành, không phụ tình yêu thương vô bờ của mẹ...”Không kể những công lao to lớn của người mẹ, chỉ kể về những hạt bỏng nhỏ nhoi, tác giả cũng đã khẽ chạm vào trái tim người đọc.

Đa số bài viết tham dự cuộc thi Chuyện bây giờ mới kể đều viết về cha mẹ. Vẫn biết mỗi nhà mỗi cảnh vì “ đèn nhà ai nhà nấy sáng” nhưng những bài viết đó không tránh khỏi sự trùng lặp. Chỉ những bài viết có chi tiết “ đắt “ vì khác biệt như Những cây xương rồng của mẹ , Hạt bỏng ngày xưa, mới khiến người đọc quan tâm.

Điều đáng suy ngẫm là tất cả các bài viết về cha mẹ, đều viết về cha mẹ nghèo khó ở nông thôn. Không có bài viết nào về cha mẹ giàu có ở thành thị. Phải chăng những cha mẹ giàu có đều không biết chăm lo và không yêu thương con cái của họ ? “ Người giàu cũng khóc”. Những giọt nước mắt của họ cũng “ mặn”, cũng có cả niềm vui và nỗi buồn, cũng xứng đáng để chúng ta viết Chuyện bây giờ mới kể về họ . Vì cuộc sống muôn màu.

Chuyện kể càng viết giản dị và chân thật càng dễ thuyết phục người đọc. Một số chuyện kể đã được viết như truyện ngắn, hư cấu nhiều chi tiết, tưởng là độc đáo nhưng người đọc lại thấy khó cảm thông với người kể chuyện. Con đường ngắn nhất đến với sự đồng cảm vẫn là bắt đầu từ trái tim đến với trái tim.

Cuộc thi viết Chuyện bây giờ mới kể do Báo Người Lao Động tổ chức đã kết thúc. Nhưng chuyện cổ tích giữa đời thường vẫn đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống hiện nay. Và chúng ta ( người viết – người đọc ) chắc chắn sẽ còn gặp lại nhau, để cùng ngợi ca những tấm lòng nhân ái.

Tháng 3- 2012








Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI