Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Hãy cùng suy ngẫm ...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
ThieuNu
HS SaoMai


Ngày tham gia: 02 4 2011
Số bài: 601

Bài gửiGửi: Sáu 3 02, 2012 6:46 am    Tiêu đề: Hãy cùng suy ngẫm ... Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chuyên mục: Nhật ký

Ca “vượt cạn” kinh hoàng

Xã miền núi Xuân Phước nằm cách thành phố Tuy Hòa hơn 70 km. Cách đây 23 năm, anh nông dân Nguyễn Dưỡng ở thôn Phước Hòa đã tình cờ gặp rồi kết duyên với một cô gái đất võ Bình Định là chị Nguyễn Thị Mủn (còn có tên là Hoa) trong một lần chị Mủn vào đây làm thuê. Gặp giản đơn rồi thành vợ chồng cũng đơn giản bằng cách “cáp nhau ở” chứ không hề cưới hỏi.
Không có đất ở, hai vợ chồng xin ở tạm trên một miếng đất của một người hàng xóm. Căn nhà của anh chị là một túp lều được mọi người trong làng dựng giúp bằng tranh tre. Hàng ngày họ đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Tuy nghèo khổ nhưng vợ chồng sống với nhau hòa thuận, được mọi người trong xóm quý vì tính tình thật thà hiền lành.
Mấy năm sau, hai đứa con trai lần lượt ra đời. Gia đình vốn nghèo bây giờ lại càng nghèo hơn vì có các con nhỏ. Đói nghèo sinh ra nhiều hệ lụy, kể cả việc làm khai sinh cho con cũng không có. Hai đứa con trai lớn lên cũng chẳng có tên họ đàng hoàng, chỉ được ba má gọi bằng “thằng chó anh”, “thằng chó em”. Đủ cặp con nhưng hồi đó không có kế hoạch hóa gia đình, hơn nữa vợ chồng cũng muốn có một đứa con gái cho “vui nhà vui cửa” về sau nên chị vợ quyết định lại mang bầu.
Ca vượt cạn lần thứ 3 của người phụ nữ nghèo này có lẽ cũng là ca vượt cạn kinh hoàng nhất mà người dân địa phương từng được nghe. Trong cơn nguy kịch, vợ đau bụng đẻ kêu la dữ dội và không thể rặn đẻ, nhà không có một xu, không chuẩn bị hành lí đi bệnh viện nên người chồng đã đánh liều “tự xử” bằng “đồ nghề” là… con dao thái rau. Sự việc “có một không hai” này xảy ra vào ngày 8/1/1996. Nhớ lại sự việc, ông Nguyễn Văn Mến (ngụ khu phố Long Hà, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, anh ruột của nạn nhân) nhớ lại: “Chiều hôm đó, tôi đang ở nhà thì nghe mọi người báo hung tin chồng con Mủn thấy vợ không đẻ được nên đã tự cứu con, vợ nó chết rồi”. Tức tốc ông Mến vượt trên 15 km đến thôn Phước Hòa thì sự việc đã rồi.
Một người dân trong thôn Phước Hòa kể lại, vợ chồng anh Dưỡng đẻ đứa đầu thì còn có tiền gọi y tá trong thôn đến đỡ đẻ, đến đứa thứ hai vì không có tiền nên anh chị ở nhà “tự xử”. Vợ đau bụng đẻ, túng quẫn làm liều, vợ bảo thế nào anh cũng làm theo. Vợ sinh trên chiếc chõng tre tại nhà, anh chồng lấy sợi lạt cây mò o làm dao cắt rốn cho con rồi tự tay tắm cho bé... Nhờ “trời thương” nên mọi việc đâu vào đó, đến khi vợ chồng anh nói lại thì mọi người mới hay vợ anh đẻ rồi.
Đến lúc vợ sắp đẻ đứa thứ 3, khi cô vợ đau bụng, Dưỡng thầm nghĩ “vợ mình đẻ dễ ẹt” nên chẳng gọi bà đỡ làm gì, vả lại có tiền đâu mà gọi? Đau bụng từ trưa tới buổi chiều, vợ chuyển dạ mạnh kêu la, tưởng sự việc êm xuôi như lần trước nhưng không ngờ đây là ca đẻ khó. Sau này Dưỡng khai với công an: “Khi vợ tôi đau quá, nó quát tôi “Lấy dao rạch ra, không rặn đẻ được nữa, cứ để thế con chết ngạt bây giờ””. Lục cả nhà cả cửa chỉ còn 500 đồng, sai thằng con chạy hàng xóm mua dao lam nhưng không đủ tiền vì lưỡi lam giá 800 đồng. Vậy là anh chồng khù khờ đâm ra quẫn trí, không chạy đi kêu la hàng xóm hay nhờ chính quyền giúp mà nảy ra “tối kiến” sử dụng con dao xắt rau để rạch bụng vợ lấy con ra.
Bản án lương tâm




Người mẹ sau cơn “vượt cạn” kinh hoàng thì trút hơi thở cuối cùng ngay trên giường, riêng đứa con gái thì không hiểu nhờ sức mạnh thần kỳ nào mà đã được cứu sống. Đám tang của người mẹ tội nghiệp này được nhiều người và chính quyền địa phương đến viếng, lo liệu. Sau đám tang nạn nhân, vì xét cho cùng động cơ của Dưỡng là để cứu vợ, anh lại là người thiếu hiểu biết nên dù anh đã gây ra cái chết thảm cho vợ nhưng cơ quan chức năng đã cân nhắc đủ đường, rồi cũng xếp lại hồ sơ. Nỗi đau trong gia đình này đã đến tận cùng, cũng không ai muốn kéo dài thêm bi kịch cho những con người đáng thương hơn đáng giận.
Vợ mất, anh nông dân Nguyễn Dưỡng cũng tan nát cõi lòng. Có lẽ tòa án lương tâm đã dằn vặt khiến anh ngày ngày chìm trong những cơn sầu muộn và tìm đến rượu để giải sầu, chẳng bao lâu sau đã trở thành một kẻ nghiện rượu. Dưỡng gửi các con mỗi đứa một nơi rồi lang thang khắp nơi. Riêng bé gái được cứu sống do sinh trong hoàn cảnh đặc biệt nên được nhiều người biết đến. Chị Trần Thị Mâu, một người phụ nữ cùng xã bị chồng bỏ rơi vì không có con đã xin cháu về làm con nuôi, lấy họ mình đặt tên họ cho con là Trần Thị Mỹ Xuyến.
Nhớ lại chuyện hơn 15 năm trước, chị Mâu xúc động: “Hồi đó bé Xuyến yếu lắm. Ba má tôi cũng quý nó nên ẵm bồng suốt ngày. Riêng tôi phải đi làm thuê kiếm tiền mua sữa, mua thuốc cho nó”. Lúc này, cũng có nhiều người hảo tâm đến trợ giúp mua cho bé Xuyến sữa, quần áo, bánh kẹo... “Riêng ông Chủ tịch Công ty Minh Phụng có hứa tặng con Xuyến mỗi tháng 500 ngàn đồng. Nhưng mới gửi được 3 tháng thì công ty ông ấy bị đổ bể thì thôi”, chị Mâu thuật lại.
Một điều không bình thường là mắt Xuyến từ nhỏ cứ mờ dần, có lẽ do những di chứng từ khi sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt và tật mờ mắt khiến mọi sinh hoạt, học tập của em đều rất khó khăn. Gia đình nghèo không có tiền đi khám, tuy nhiên cứ mỗi lần có đoàn bác sỹ ở Tuy Hòa, hay Tp HCM ra khám bệnh miễn phí cho người nghèo thì chị đều đưa con nuôi đến khám. Bé Xuyến đi học chậm 4 năm so với tuổi nhưng học cũng được và rất hiền ngoan. Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, khi học hết lớp 4 thì em đến trường xin các thầy cô giáo cho em được nghỉ học luôn. Khi hỏi vì sao cháu không đi học nữa, có phải vì lớn tuổi rồi nên mắc cỡ với bạn bè, bé Xuyến trả lời rất dễ thương: “Vì nhà cháu nghèo nên cháu nghỉ học ở nhà đi làm giúp má chứ không phải vì mắc cỡ”.
Hỏi về gia đình, bé Xuyến cho biết: “Má cũng đã nói rõ hoàn cảnh ba má ruột của cháu, nhưng nhờ có bà ngoại, ba má nên cháu ít nghĩ chuyện cũ”. Tôi hỏi Xuyến có bao giờ gặp ba Dưỡng và hai anh ruột của mình không, Xuyến nói hồn nhiên nhưng giọng buồn: “Ba cũng có về thăm con một hai lần, nhưng vì lạ quá nên con không dám nhận, rồi sau ba không trở lại nữa. Còn hai anh “Chó anh” và “Chó em”, lâu rồi cháu có gặp một lần, anh bảo cháu về ở với hai anh, cháu không chịu rồi hai anh đi, đến giờ không gặp lại”.
Sau khi cho con, Dưỡng trở thành người nghiện rượu rồi bỏ làng dắt hai đứa con trai đi khắp nơi. Bao nhiêu tiền thiên hạ ủng hộ, Dưỡng đều làm bạn với ma men, chẳng hề gửi cho con gái một đồng. Lâu lắm, Dưỡng mới tạt qua thăm con một lần. Theo lời chị Mâu: “Hai thằng anh con Xuyến bây giờ xóm làng cũng chẳng biết nơi đâu. Tuy nhiên, nó cũng rất thương em gái. Hồi tụi nó còn đi ăn xin ở chợ La Hai, có lần tụi nó ghé lại đây nói với con Xuyến “em ơi, em về ở với tụi anh đi” nhưng con bé không chịu”.
Nghe một số người hàng xóm nói Dưỡng giờ đang lang thang ở thị trấn La Hai nhưng khi tôi tới thì không thấy, không biết giờ này anh đang ở nơi đâu. Có lẽ bản án lương tâm đến giờ vẫn không thôi dằn vặt anh. Bóng chiều buông xuống, tôi rời phố huyện La Hai mang theo câu chuyện thương tâm về cặp vợ chồng cùng cực và cô bé Xuyến tội nghiệp. Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ năm nào để con được sống làm người nghe càng xúc động hơn.
Câu chuyện đã qua 16 năm nhưng người dân nơi đây vẫn nhắc đến, như một cách tự nhủ mình phải vượt qua đói nghèo, để không một ai phải còn rơi vào thảm cảnh như bi kịch mà gia đình này đã phải trải qua.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
ThieuNu
HS SaoMai


Ngày tham gia: 02 4 2011
Số bài: 601

Bài gửiGửi: Năm 3 15, 2012 9:49 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đua đòi ăn chơi, học sinh nhà nghèo trượt dốc


Những năm gần đây, khi nền kinh tế nước ta phát triển, một bộ phận lớn người dân đã bắt đầu có của ăn của để thì cũng là lúc xã hội xuất hiện một tầng lớp ăn chơi mới. Và không chỉ giàu mới chơi, nhiều cô cậu học sinh, sinh viên, gia đình chạy ăn từng bữa nhưng vẫn cố đua đòi để thể hiện “đẳng cấp” của mình...

1.Ngồi trước mặt tôi là một thiếu nữ còn rất trẻ với khuôn mặt khá xinh xắn. Tên cô là Liên, 17 tuổi, học sinh lớp 11 thuộc một trường trung học phổ thông ở quận 1, TP HCM. Trong suốt cuộc nói chuyện, cô cứ nhìn xuống đất chứ không dám ngước lên. Bên cạnh cô là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, gầy gò, nước da xám xịt mà theo lời giới thiệu của Trung tá Phó Công an phường, thì đó là cha cô bé.

Phó Công an phường cho biết, cô bé đã lấy cắp của một người bạn cùng lớp chiếc điện thoại iPhone trị giá 14 triệu đồng. Lúc được Ban giám hiệu nhà trường gọi lên động viên, khuyên nhủ, cô vẫn chối. Cực chẳng đã, Ban giám hiệu đành phải báo cho công an khu vực rồi sau đó, công an khu vực mời cô về trụ sở.

Mới chỉ học lớp 11, nhưng Liên đã được bạn bè trong trường biết đến như một "playgirl" mặc dù gia đình Liên thuộc dạng "ăn bữa trước, nhịn bữa sau". Ba Liên làm nghề chạy xe ôm và sáng nào ông cũng cặm cụi đưa con đến trường. Thế nhưng vì sĩ diện với bạn bè, Liên luôn nói rằng: "Ba má mình không cho đi xe máy, nên thuê ổng chở mình đi học".

Trong lớp mà Liên đang theo học, chẳng hiểu từ bao giờ đã hình thành nên 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm "quý tộc" - nghĩa là đi học bằng xe hơi, hoặc bằng SH, @ hay Piaggio. Điện thoại di động của các cô, cậu trong nhóm hầu hết đều là iPhone, còn máy tính là máy tính bảng chứ hơi đâu mà ôm cái laptop cho nó nặng!

Nhóm này thường hẹn nhau đến lớp rất sớm rồi kéo qua một nhà hàng gần đó ăn điểm tâm. Bữa trưa - học bán trú - thay vì ăn cơm của trường, cả nhóm xuống căng tin, thích gì gọi nấy. Chiều tan học, lại rủ nhau đi cà phê, hoặc fast food rồi mới về nhà.




Những cảnh thác loạn ở vũ trường là một trong những liều thuốc kích thích giới trẻ.

Biết "lực" mình không đủ để tham gia vào nhóm “quý tộc”, Liên chọn nhóm thứ hai - gọi là nhóm "giữa đường" - hay còn có tên khác là "dân chơi cu Lịch". Đây là khẩu ngữ mà nhóm thứ nhất hay dùng mỉa mai nhóm thứ hai. Để có tiền ăn chơi cho bằng chị bằng em, Liên nói dối với gia đình là phải học thêm môn này, môn nọ. Thương con, ba Liên chạy xe dư được đồng nào lại tích cóp cho con đồng đó.

Ông nói như khóc: "Mới gần đây thôi, nó kêu nó chuẩn bị thi tiếng Anh để lấy bằng quốc tế nên nó cần tiền mua thêm sách vở. Má nó phải năn nỉ người ta cho hốt hụi trước để cho nó 6 triệu đồng...". Tất cả những món tiền này - ngoài việc mua một chiếc điện thoại di động Sony Ericson, mua mấy bộ váy áo rồi gửi bạn bè cất hộ, chỉ khi nào đi chơi mới đến nhà bạn lấy ra mặc - Liên ném vào những cuộc ăn chơi đàn đúm. Mà nào có sang trọng gì cho cam!

Liên kể: "Tiền ít nên tụi con thường kéo nhau đi ăn... lẩu dê, bò bía, bánh xèo, thỉnh thoảng cũng vô mấy cái bar bên quận 8 hay quận Bình Tân cho rẻ". Dịp Lễ Quốc khánh 2-9, nghe bạn bè rủ đi Đà Lạt 3 ngày, mỗi đứa tham gia góp 2 triệu đồng. Không có tiền và biết rằng cũng không thể xin cha mẹ thêm nên lợi dụng lúc ra chơi, Liên lục túi xách của cô bạn chung lớp, lấy chiếc điện thoại đem giấu trong một chậu cây kiểng ngoài sân trường sau khi đã cẩn thận tắt máy.

Phó Công an phường nói: "Cháu đã thú nhận và chỉ chỗ cất giấu. Người mất không thưa kiện gì. Ban Giám hiệu cũng sẽ giữ kín chuyện này nên nếu có viết, nhà báo cũng viết tránh đi để cho cháu nó còn có cơ hội trở lại trường học".

2.Có thể nói, những nhân vật mà chúng tôi từng tiếp xúc để hình thành nên bài phóng sự này, thì đều thuộc dạng con nhà nghèo nhưng lại muốn chứng tỏ mình không thua kém ai trong lĩnh vực ăn chơi nhảy múa. Đọc qua hồ sơ một số vụ án mà thủ phạm là những cô cậu học sinh, sinh viên, thì nguyên nhân phát xuất từ sự đua đòi chiếm tỉ lệ không phải là ít.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, trong đó số vụ học sinh, sinh viên gây trọng án có chiều hướng tăng đột biến. Bên cạnh đó, tình trạng sinh viên "sống thử" với nhau như vợ chồng cũng đang là vấn đề đáng quan tâm, chưa kể một số sinh viên vì tiền nên đã biến mình thành gái bao, trai bao hoặc mại dâm cao cấp.

Thảo, nhà ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long, lên TP HCM học đại học ngành tài chính tiền tệ. Gia đình chỉ trông nhờ vào 3 công ruộng nên Thảo phải thuê phòng ở ghép cùng với một cô bạn khác bên quận 8. Nhiều lần Thảo thắc mắc không hiểu vì sao cô bạn nhà cũng ở tỉnh, cha mẹ làm mướn mà chỉ sau vài tháng, đã sắm được xe Air Blade, máy tính xách tay có webcam, có USB 3G nối mạng Internet, tiền bạc tiêu xài rủng rẻng. Có lần, khi nhà chưa kịp gửi tiền lên để trả tiền phòng thì cô bạn đã hào phóng: "Chuyện nhỏ. Để đó mình lo".

Một bữa trời mưa, lại được nghỉ học, Thảo tò mò hỏi thăm cô bạn về gia đình. Ai dè cô cười sằng sặc: "Bộ bồ tưởng nhà mình giàu lắm hả? Toàn mấy đại gia lo cho mình hết đó. Nếu bồ muốn, mình sẽ giới thiệu cho một ông, hơi già chút nhưng hề chi, miễn là có tiền. Với lại mình có làm gì bậy bạ đâu. Đi ăn, đi chơi cho vui thôi. Con gái chỉ có một thời, không tận dụng uổng lắm".

Thoạt đầu, Thảo còn ngại. Nhưng rồi nghe cô bạn rủ mãi, Thảo quyết định thử một lần cho biết với suy nghĩ "chỉ đi ăn uống thôi". Lần ấy, Thảo đã choáng váng bởi cái không gian cực kỳ sang trọng của một nhà hàng, của những món ăn cầu kỳ, đắt tiền.

Đại gia mà cô bạn giới thiệu cho Thảo dù đầu hói, bụng phệ, tóc muối nhiều hơn tiêu nhưng lại chăm chút cho Thảo như thể cả hai đã quen nhau từ lâu lắm. Đã thế, khi rót rượu cho Thảo, lão lại nhỏ nhẹ: "Em còn đi học, nhắp môi chút thôi kẻo mệt" trong lúc cô bạn Thảo cũng vẫn còn... đi học, mà đại gia của nó ép nó uống tì tì!

Người ta nói "đầu xuôi, đuôi lọt". Lần thứ nhất, Thảo còn ngại nhưng lần thứ hai, rồi lần thứ ba thì mọi việc đã trở nên bình thường.

Theo sự cố vấn của cô bạn, Thảo đã biết sử dụng tuyệt chiêu… moi tiền đại gia bằng cách khi đại gia hẹn đi chơi, Thảo từ chối vì "Em phải chép bài. Sách giáo khoa đắt tiền quá, em mua không nổi nên phải mượn sách của bạn bè về chép lại". Chiêu ấy hiệu quả đến nỗi ngoài 2 triệu đồng để "mua sách", đại gia còn hào phóng tặng thêm cho Thảo chiếc điện thoại di động để: "Anh liên lạc trực tiếp với em, khỏi qua trung gian của bạn em, mất công làm phiền".



Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Ngoài việc trở thành gái bao - không chỉ của một đại gia, Thảo dính vào ma tuý. Bữa gặp cô ở trạm trung chuyển, đợi giờ đi trường cai nghiện, Thảo cười buồn: "Cái gì cũng có giá của nó hết anh ơi. Chỉ tới khi nhận ra là mình đã phải trả giá đắt, thì coi như… xong rồi!".

3. Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "con nhà nghèo cũng chơi". Về mặt chủ quan, họ bị vật chất cám dỗ và mặc dù không đủ khả năng để "chơi", nhưng họ vẫn cố tìm mọi cách để chứng tỏ đẳng cấp, đơn giản nhất là xin tiền gia đình học thêm, mua sách vở, đóng góp vào quỹ này, quỹ nọ. Khi không còn xin được nữa, họ vay mượn, hoặc lừa gạt, hoặc trộm cắp, hoặc "quan hệ tình cảm" với những người có tiền.

Ông Phong, một đại gia trong ngành kinh doanh ôtô du lịch nhập khẩu nói với chúng tôi: "Giới ăn chơi giàu có bây giờ nhiều người chỉ thích "rau" - nghĩa là những cô gái nhà lành, mới lớn, là học sinh, sinh viên - chứ không thích "hàng" - là gái mại dâm, kể cả mại dâm cao cấp".


Hai năm trước, gần xóm tôi có gia đình làm nghề gia công in lụa. Một bữa, ông chủ nhà lôi đứa con gái 18 tuổi, đang học lớp 12 ra đánh một trận thừa sống thiếu chết khiến cả xóm phải xúm vào can ngăn. Hỏi ra mới biết cô gái tập tành đua đòi quán bar, vũ trường với đám bạn. Và bởi vì không có tiền nên cô bé tìm đến những mối hàng quen của gia đình, hỏi mượn người này 1 triệu, người kia 2 triệu với lời hứa "bữa nào giao hàng, ba con trừ vào tiền công". Tới hồi món nợ lên đến gần 15 triệu thì vụ việc mới vỡ lở!

Về mặt khách quan, kinh tế phát triển dẫn đến cuộc sống có thêm nhiều tiện nghi vật chất mà trong đó, có những loại vật chất luôn tạo ra sự kích thích với giới trẻ, chẳng hạn như chiếc xe gắn máy cao cấp, cái điện thoại di động hàng hiệu, rồi trang sức, đồng hồ đeo tay, quần áo, giày dép…, sản xuất bởi những hãng nổi tiếng. Khi đó, nếu không biết "liệu cơm gắp mắm" thì rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy đua đòi.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý tâm thần Đào Trần Thái, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần học, Đại học Y Dược TP HCM, giải thích: "Về phía nữ giới, phần lớn những cô gái xuất thân từ những gia đình nghèo - nhưng đua đòi ăn chơi là những người có nhan sắc. Và bởi vì họ luôn nhận được sự săn đón của các bạn trai nên ít nhiều họ cũng ý thức được "thế mạnh" của họ. Với họ, những món quà tặng, những lời mời đi ăn, uống, đi bar, vũ trường là chuyện tất nhiên. Nếu không làm chủ được bản thân, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, học đường thì họ rất dễ sa ngã".

Về phía con trai, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái giải thích tiếp: "Bản tính của nhiều cậu trai mới lớn là hiếu thắng, bốc đồng, sĩ diện. Đã từng xảy ra những vụ cướp giật mà nguyên nhân là cậu trai chỉ muốn có tiền để dẫn bạn gái đi bar. Trong môi trường học đường, sự phân hoá giàu, nghèo giữa học sinh với nhau đã khiến họ xuất hiện mặc cảm. Với những người mà gia đình luôn quan tâm giáo dục, cộng với ý chí của bản thân thì mặc cảm này chỉ thoáng qua, không đáng kể. Nhưng với những người gia đình buông lỏng, bản thân lại thích chơi trội thì sự trượt dốc là chuyện dễ dàng"…


st


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
BaBop
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 6 2008
Số bài: 297

Bài gửiGửi: Hai 3 26, 2012 9:55 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này



"Độc chiêu" tham nhũng của quan tham Hoà Thân

- Hoà Thân là viên quan đại thần được hoàng đế Càn Long, triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) sủng ái bậc nhất. Sự sủng ái đặc biệt của Càn Long cộng với năng lực bản thân, Hòa Thân sau đó đã được thăng các chức hàm quan trọng như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.

Nét văn hóa "kinh hoàng" của người Trung Quốc
Đồng hành với những chức hàm trọng yếu đó, Hoà Thân còn khét tiếng bởi danh xưng "đệ nhất quan tham" cùng những độc chiêu tham nhũng ghê gớm.

Mua quan bán tước
Hòa Thân xuất thân là một công tử Mãn Châu. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vị Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình, vì thế Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Theo như lời đồn đại, Càn Long có một ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Vẻ ngoài ấy hao hao giống với một người tì thiếp đã bị thất sủng và qua đời do lỗi của Càn Long khi ông còn nhỏ. Vì vậy Càn Long luôn có một sự ưu ái đặc biệt với Hòa Thân, thường bỏ qua các sai sót và nuông chiều ông ta.

Chân dung Hòa Thân

Khi là viên đại thần đứng đầu các bộ như Bộ Hộ, Phủ Nội vụ - nơi có quyền hạn phụ trách các vấn đề điều phối lương thực, vũ trang trong quân đội, Hòa Thân đã luôn đánh tiếng để các quan lại dưới quyền hối lộ khi muốn thăng quan tiến chức. Không những thế, bất kỳ việc chi tiêu nào cho triều đình muốn được thông qua nhanh chóng, giới quan lại đều phải "qua cửa" Hòa Thân thì mọi việc mới được diễn ra thông suốt.




Ngoài việc ăn hối lộ và ăn chặn tiền bạc của triều đình, tài sản của Hòa Thân còn được nhân lên hàng ngày nhờ việc mua quan bán tước. Được hoàng đế Càn Long sủng ái và lần lượt giữ những ngôi vị cao nhất trong hàng ngũ đại thần, Hòa Thân luôn nắm trong tay danh sách quan lại trong toàn quốc. Những ai muốn thăng chức nhanh hoặc muốn mua một chức vị quan nào đó dù nhỏ hay to cũng đều phải qua tay Hòa Thân. Có những viên quan liêm khiết không muốn thăng tiến bằng con đường hối lộ thì sẽ bị Hòa Thân gây khó dễ. Trong 24 năm đương quyền, Hòa Thân đã đút túi khoảng 40 triệu lạng bạc với riêng việc mua quan bán tước này.

Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi nhuận từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán... Tuy nhiên, điều này đã không làm khó được kẻ ham tiền và ưa lũng đoạn như Hòa Thân. Trong khi đương chức, viên quan này đã tự mình mở hàng loạt những ngành nghề kinh doanh hái ra tiền như cửa hàng lương thực, cửa hàng buôn bán vũ khí, nhà hàng, quán rượu, ngân hàng. Trong chốn thương trường, Hòa Thân luôn tỏ ra là một người ngang ngược, ngạo mạn, trắng trợn chụp giật. Ngay trong xử lý mối quan hệ xã hội, y cũng mượn oai, trịch thượng hiếp đáp kẻ khác. Trong lĩnh vực kinh doanh, dựa vào thân thế cùng với quyền lực của mình, Hòa Thân đã thâu tóm hầu hết những cửa hàng buôn bán cùng nhiều mặt hàng tại kinh thành và nhiều tỉnh lớn khác tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Tất cả chuỗi cửa hàng của Hòa Thân tại kinh thành đều có những kẻ có máu mặt cầm đầu và sẵn sàng trừ khử những đối thủ không thích nằm dưới trướng của đại thần họ Hòa.

Không chỉ dừng lại ở đó, để kiếm thêm tiền bạc vào túi của mình, Hoà Thân còn nghĩ ra mọi biện pháp để vơ vét tài sản từ quốc khố. Vì quá sủng ái Hòa Thân, vào năm 1788 trong 3000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Trong lần này, với tài biến hóa sổ sách kế toán, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng.
Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố. Còn 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân. Theo ước tính vào những năm đó, số châu báu quý hiếm trong phủ của viên đại thần họ Hòa này còn lớn gấp 3 đến 4 lần so với triều đình. Có những viên ngọc hoặc trân châu quý hiếm đến nỗi, đến hoàng đế còn chưa được nhìn thấy thì trong tay Hòa Thân lại có … vài viên. Vậy nên, thời đó dân gian đã lưu truyền câu nói nổi tiếng: "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có".

Không hối lộ nhiều không gặp mặt

Một điều đặc biệt nữa trong cách thức nhận hối lộ của Hòa Thân chính là ở "đẳng cấp": Không hối lộ nhiều không gặp mặt. Không phải ai Hòa Thân cũng tiếp, vì thế muốn gặp được vị đại thần này, các quan lại cũng phải đưa ra một mức giá hợp lý.

Hình ảnh nhân vật "đệ nhất quan tham" Hoà Thân (bên trái) được tái hiện qua phim ảnh Trung Quốc
Chuyện kể rằng, có vị quan tuần phủ trong dịp ngao du đến kinh đô đã nghe người nói đến cái tên Hòa Thân. Vì muốn được thăng chức sau nhiều năm phải giữ chân tèm nhèm trong tỉnh, vị này đã mang số tiền 5000 lạng bạc để làm lộ phí. Kết quả là viên quan này chỉ được một tên hầu trong phủ họ Hòa ra tiếp kiến. Trong buổi gặp gỡ này, tên hầu đã đánh tiếng rằng muốn gặp được Hòa Thân ít nhất phải mang 20 vạn lạng, còn dưới mức đó thì đừng bao giờ bước chân tới phủ.

Cũng có viên quan biết được sở thích sưu tập ngọc trai của Hòa Thân nên đã nghĩ ra một cách để được tiếp kiến vị quan tham này. Viên quan trên đã mua rất nhiều ngọc trai cao cấp về rồi sai người bọc vàng xung quanh nhằm tăng giá trị quà tặng. Kết quả là trong lần đầu bước chân vào phủ họ Hòa, viên quan này đã được đích thân Hòa Thân đón tiếp.

"Núi" tài sản không cứu nổi mạng sống

Trong những năm tháng trên đỉnh cao của quyền lực, số của cải mà Hòa Thân đã tham ô, nhận hối lộ thì không có bất kỳ một vị quan tham nhũng nào trong lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện đại vượt qua được. Lòng tham vô đáy của Hòa Thân tựa nạn đại dịch hoành hành khắp nơi khiến quan bé, quan lớn, quan thấp, quan cao đều bị "lây nhiễm" và ra sức tham nhũng.

Những vụ tham ô của Hòa Thân dần hé mở khi vua Càn Long thoái vị vào tháng 1/1796. Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã thâu tóm, vơ vét được một số tài sản lớn tới khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu khi hoàng đế Gia Khánh lên ngôi gồm có: Những dinh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km2) đất; 42 ngân hàng; 75 hiệu cầm đồ. Ngoài ra, còn có: 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 600 cân nhân sâm Cát Lâm thượng hạng, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả mơ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn, 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng vàng (10 bộ mỗi bàn), 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có cẩn 8 loại đá quý khác nhau), 460 đồng hồ tốt của châu âu cùng với 606 gia nhân, 600 tì thiếp trong phủ...

Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Tuy nhiên, sau khi hoàng đế Càn Long băng hà chỉ có 15 ngày, Hòa Thân đã phải phụng chỉ tự thắt cổ chết trong ngục thất, kết thúc cuộc đời khét tiếng gian tham của mình.

Thủy Bình (Theo Hoàn cầu)


Tể Tướng Lưu Gù


Vườn thượng uyển theo vua dạo chơi, Hồ Thái Dịch, tiến sĩ hùng biện
Truyền thuyết về Lưu Dung và Hòa Thân, mỗi người một kiểu, tuy chưa đến nỗi thâm thù, nhưng người này đối với người kia chẳng thú vị gì. Chẳng hề chơi với nhau, nhưng lại có mối ràng buộc, để sau này, mười năm cùng làm quan trong triều, người này đấu lại người kia; lúc giữa ban ngày, lúc trong âm thầm lặng lẽ; một đằng giữ thần, giúp dân, yêu đất nước , một đằng lòng tham, tay nhuốm bẩn, thâm hiểm đầy , cũng là do mỗi người một vẻ mà ra, càng ngày càng rõ.
Kỳ thi tiến sĩ vừa rồi, bởi Lưu Dung, tên có chữ Dung là bức thành đất(1) nên Đức Vua đánh xuống đứng thứ hai đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Vua Càn Long mở khoa thi xong, triều chính vô sự, nhân lúc xuân về hoa nở, đãi yến các ông nghè mới đỗ, liền hạ chỉ đến mồng 10 tháng 4, mở tiệc đãi các tiến sĩ tân khoa ở vườn Thượng Uyển
Đúng mồng 10 tháng tư, khi lui chầu, Càn Long đến vườn Thượng Uyển. Trong vườn, bá quan văn võ, các tiến sĩ tân khoa đang chầu chực, thấy Vua đến, đều nhất tề quỳ xuống, ba lần hô Vạn tuế. Vua bước ra khỏi hiệu rồng, nhìn một lượt, chỉ thấy trước kiệu một đám đen ngòm những người là người, liền nghĩ lại rằng: Ta mới hé ra nửa lời, mà họ đã kéo đến đông thế. Ta chỉ muốn ban ân sủng đến đám tiến sĩ mới thôi, đám kia té nước theo mưa, chẳng qua một lũ ăn theo, uống theo thôi! Cái đám này có đến già một nửa! Nhưng chiếu vua đã ra, thu lại làm sao được, liền truyền rằng: Các tân khoa tiến sĩ hãy theo Trẫm đến vườn hoa, các người khác hãy dùng ở sân vườn nghỉ ngơi. Mọi người tạ ân, mấy vị tiến sĩ mới theo vua tiến vào trong vườn.




Thực ra nhà vua là người rất thích chỗ ồn ào, náo nhiệt, sao hôm nay lại không thích tụ tập đông người? Vốn là người rất thích thơ phú, từ khúc, văn chương, muốn trong đám bề tôi mới toanh kia, hiện rõ tài hoa. Bữa nay lại là buổi đầu tiên gặp mặt các tân tiến sĩ, trước hết muốn lấy ân sủng để rõ tài đức, thứ hai là xem cái đức học của đám quan nghè trẻ này so với các bậc cựu thần, trời vực là bao? Với lại cái đám bề tôi cũ kla, vốn đã quen ăn chơi, cho dự chung làm gì, lúc nào cũng lăm le, cơ hội là bám theo vua, họ mà ùa theo đông như kiến, ban thưởng làm sao cho xuể, họ nào có chú ý đến chuyện đã già yếu, có học hoặc không có học, có tài hoặc không có tài! Nghe vua bảo dừng lại, họ đâu đã hết hào hứng, nhưng không dám đi theo, chỉ đưa mắt tìm xem chỗ nào có thể ngồi nghỉ.
Lại nói mấy vị tân khoa tiến sĩ, nghe nói đức vua muốn ban yến, mấy bữa nay vui mừng, ngủ không được, ăn không biết ngon. Bụng nghĩ: Hoàng thượng ban yến, hẳn là rôm rả, còn bây giờ trọ ở quán tồi, ăn cơm xoàng mãi, bao giờ mới thôi đây? Lần lần lữa lữa, lúc nào cũng nhắc đến ngày mồng 10 tháng 4! Bữa nay, trong vườn hoa, lại nghe đức vua chỉ cho đám tiến sĩ mới theo hầu, cao hứng thầm nghĩ: Đúng là, ơn trời vằng vặc, ân sủng càng thêm" vậy.
Mấy ông nghè này đều lần đầu mới đến kinh đô, đã bao giờ thấy vườn vua đâu. Bữa nay đuợc thăm, quả là, hoa thơm cỏ lạ khắp nơi, đình, gác, lầu, đài tranh sáng, nước hồ xanh trong, bờ liễu phơ phất; chim quý đua hót hay, cung nữ người nào cũng đẹp, khiến mấy ông tân khoa cứ ngây người, trố mắt. Thấy họ như thế nhà vua bất giác mỉm cười, chưa thử tài vội, dể họ dạo chơi. Thật là:
"Mấy chú trước nào biết vườn vua, nay hiện lù lù trước mắt!
Nhà vua vừa đi, vừa cười nói, còn đám tiến sĩ tân khoa nín như gà ăn thóc. Nghe vua nói cười, họ rất hân hoan. Vua chợt nhìn thấy Lưu Dung, lung gù, đầu nhỏ,
liền nhân lấy Dung để đùa vui, liền hỏi: "Khanh..., vị quan này là....?" Lưu Dung xưa nay, diện mạo chẳng được như ai, nên không dám đi trước, giờ thấy nhà vua hỏi đến, liền vội chạy lên trước thưa: Tâu hoàng thượng, thần là Tân khoa nhị giáp tiến sĩ Lưu Dung!
Càn Long nghe, vui vẻ nói: Khanh là Lưu Dung?
“Chính là vi thần đây ạ!" - Lưu Dung vội trả lời.
- Hầy! Triều đình ta mở khoa thi lấy người giỏi, hướng về chọn nhân tài, thế mà lại chọn được một vị "tầm thường, vụng về" (2) liệu có là người vẩy bút, chữ đẹp như cắt hiện ra không?
Mọi người nghe đều cười ầm lên. Lưu Dung lòng dạ nhói đau, chẳng vui gì, nhưng đâu dám bộc lộ, miệng chỉ tâu: “Đó là ân điển của Hoàng thượng!".
Vua nhân đó liền bảo: - Lưu Dung, thế thì hãy nhân đó làm đầu đề, vịnh một bài thơ xem nào!
- Thần đâu dám
- Đùng nói đâu dám!
- Thần lĩnh chỉ!
Mọi người đều phụ họa: "Anh hãy làm đi, bất tất quá khiêm tốn!".
Lưu Dung vốn đang chẳng cao hứng gì, lại nghe vua bảo làm thơ, biết rằng vua lấy mình ra đùa thôi. Lại nghĩ: mình nào muốn khoe khoang, chẳng qua là họ hùa nhau trêu mình, thế thì không thể không làm. Liền cất tiếng ngâm:
Lưng gù cõng Trời, Đất,
Bụng chứa đầy kinh luân,
Mắt nhìn rõ trung, ninh,
Một bước đến thềm rồng.
Hết lòng vì Xã Tắc.
Nguyện đền đáp ơn vua,
Xấu xí mà tài lớn,
Hiền đức vốn dư thừa!

Nghe Lưu Dung ngâm xong, các ông nghè thảy đều kinh ngạc, cúi đầu đưa mắt nhìn vua. Nhà vua nghe rồi lòng rất ưng, lại nghĩ: "Ta chưa nói người là lưng gù, người đã tự nói ra rồi. Lại cho ta là nhìn mặt lấy tài. Thế thì ta gọi người là "Thằng gù”, xem ngươi ăn nói ra sao?" Nghĩ thế, vua cười, liền bảo:
- Thơ hay đấy! Nhưng Lưng Gù thì giảng như thế nào?
Lưu Dung đáp lại:
- Tâu "Lưng gù” là gù lưng ạ!
Càn Long lại hỏi:
- Thế gù lưng giảng ra sao?
- Xin Đúc vua tha tội, thần không biết ạ!
Càn Long nghe đoạn, cười lớn bảo: "Ái khanh, đó chính là Chàng Gù. Chẳng lẻ khanh không xúng đáng với mấy chữ ấy ư?”, nói rồi, vua cứ liên hồi bảo. "Lưu lưng gù? Lưu lưng gù !"
Mọi người nghe thấy đều cười vang.
Lưu Dung nghe hết, liền tiến lên một bước, khấu đầu ba cái, miệng thưa luôn: Tạ ơn Đức Vua, kẻ bầy tôi nhỏ mọn này quả là đáng với ba chữ ấy!
Đám người theo dõi cử chỉ của Lưu Dung hết sức ngạc nhiên. Càn Long thấy thế nói luôn:
- Khanh tạ ơn gì vậy?
- Lưu Dung này tạ ơn được phong là Chàng Gù!
Vua nói:
- Phong là Chàng Gù thì được cái việc gì?
- Được chứ ạ. Mỗi năm thần sẽ được hưởng lộc đến hơn vài vạn lạng bạc.
Chuyện gì thế này? Số là đời nhà Thanh đã định rõ, khi Đức vua, tuyên phong bằng miệng cho ai thì cứ mỗi chữ, mỗi năm được hưởng lộc một vạn lạng bạc. Vì thế mà Lưu Dung vội lên tạ ơn ngay. Khoảng niên hiệu Quang Tự, Tây Thái hậu sau này là người hưởng lộc cao nhất hàng năm, nghe nói riêng tiền son phấn của Tây Thái hậu đã tới mười sáu vạn lạng. Số tiền ấy, muốn rút cũng không nổi. Đó là vì nhà Thanh đã qui thành chế độ. Thái hậu đã được tuyên phong đến mười sáu chữ, đó là. "Từ Hi. Đoàn Hứa. Khang Hi. Chiêu Dự. Trang Thành. Thọ Cung. Khâm Hiến. Sùng Hi”. Mỗi chữ là một vạn lạng, mười sáu chữ là mười sáu vạn lạng.
Lưu Dung đã hai chữ "Chàng Gù” hẳn là mỗi năm phải được hai vạn lạng. Nhà vua thấy sự thể như thế, liền nghĩ. "Ta có tiền thì cũng đâu thưởng cho như thế!”
Liền cùng với Lưu tranh luận: "Lưu Dung, ta phong cho ngươi là chàng Gù, là chuyện khác, là nói đùa thôi!".
Lưu Dung nói:
- Muôn tâu, Vua đâu có nói giỡn, Bệ hạ bảo câu này không tính nếu câu này không được tính, thì những lời sau của Đức vua ai còn tin !
Vua nói:
- Tính!
Hoàng thượng đã nói "không tính trước rồi, sao làm ngược được!” “Tính" là tính đấy! Đến nhà vua mỗi năm bổng lộc cũng chỉ được vài vạn lạng, thế là từ đó bụng dạ vua không yên. Vua nghĩ, ta tưởng đùa gã, nào ngờ gã lại tính luôn thành tiền. Gã này cũng láu thật. Quả là không nên nhìn người qua vẻ bề ngoài!
Đám ngươi đi lên, rồi dùng từ một tòa nhà nhỏ nhìn thấy hồ Thái Dịch nước trong xanh, nhà vua quay lại nhìn Lưu Dung, nghĩ đến chuyện hai vạn lạng bạc, bụng nghĩ thế nào ta cũng tìm mọi cách xóa cái chuyện phong hai chữ Chàng Gù mới được. Giả dụ, mỗi năm hai vạn, mười năm hai mươi vạn, hắn sống đến một trăm , tám mươi tuổi, ta lấy tiền đâu mà trả. Trước mặt các quan rồi, biết làm sao! Nghĩ vậy Vua liền quay đầu lại gọi:
- Lưu Dung?
- Có thần !
- Vua bảo bầy tôi chết, bề tôi không chết thì sao?
Lưu Dung nói:
- Dạ, là bất trung ạ!
- Cha bảo con chết, con không chết thì sao?
- Thế là bất hiếu ạ!
- Đúng như vậy. Ta là vua, ngươi là bề tôi, ta bảo ngươi chết, người chết chứ?



Mọi người nghe, sợ thay cho Lưu Dung, trong lòng nghĩ đang lúc nhà vua cao hứng, đáng lý nên nhân đấy làm cho vua vui thêm, đằng này lại chẳng chịu nghe ra, mượn lời vua, với cái lợi vào mình, khiến đức vua nổi bực, nghĩ ra mẹo mới. Làm thế nào bây giờ. Nếu như vua cứ ban lời, thì anh chàng ắt là phải chết.
Lưu Dung nghe vua nói, nghĩ rằng: Hỏng rồi, xem ra hoàng thượng nói đùa mà làm thật. Chà, làm sao bây giờ! Không làm theo lời hoàng thượng ư! Cũng chết. Làm thì chết thật ư! Nhưng xem việc gì rồi cũng có sơ hở. Ta sẽ liệu cách.
Làm thế nào đây? Bảo ngươi chết, ngươi không chết thế là kháng chỉ không tuân, tội đáng chết. Nếu ngươi tuân chỉ thì sống sao nổi? Thế là dành cho Lưu Dung chỉ là hai chữ thôi. Lưu Dung đưa mắt thưa "Thần, hầu chỉ!".
Vua hỏi:
- Ngươi hầu chỉ, theo chỉ nào? Ta bảo ngươi chết thì đi mà chết đi!
Lưu Dung hỏi:
- Tâu, Bệ hạ bảo Dung chết, nhưng chưa nói chết như thế nào, xin ban chủ ý.
vua nghĩ: Dĩ nhiên là bảo người chết rồi, ban chủ ý thì ban, bèn bảo:
- Trước mặt là hồ Thái Dịch, sâu tới hơn một trượng, nhảy xuống mà chết. Ngươi nhảy đi!
- Thần lỉnh chỉ!
Nói đoạn, Lưu Dung săm săm tiến tới hồ.
Càn Long thật ra trong lòng không muốn bắt Lưu Dung chết, chỉ muốn dọa hắn một chút, để xóa chuyện hai vạn lạng bạc.
Lưu Dung đâu biết được ý đồ của vua, cứ tiến lên, đúng đến chỗ không bước thêm nổi nữa, đám tiến sĩ thấy Lưu Dung hăm hở, ai nấy đều sợ thay cho Lưu Dung đến chớm bên bờ hồ, thì lại không nhảy, chỉ nghiêng mình xuống hồ ba lần rồi quay lại, đến trước mặt Càn Long nói:
- Thần xin được dâng lại chiếu chỉ!
Nhà vua chun mũi lại bảo:
- Nhà ngươi giao chiếu chỉ nào vậy?
- Tâu, thần vừa định nhảy, dưới nước có một người ngăn lại, bảo cho hỏi vài câu, hỏi xong thì hãy nhảy!
Vua lấy làm lạ hỏi:
- Dưới nước có người ư! Ai vậy?
Dạ, là Khuất Nguyên ạ?
- Khuất Nguyên nói với ngươi điều gì? ông ấy nói với thần thế này: "Ta gặp hôn quân nên mới chết, ngươi gặp vua sáng suất nên quay lại!". Khuất Nguyên thấy vua mê tối, vô đạo, khiến ông phải nhảy xuống nước mà chết, còn thần, Lưu Dung gặp được Người là minh chủ, thì chết làm gì! Do thế Dung này quay lại. Chủ thần là đức Càn Long, thần không chết, không chết đượcl
Hoàng thượng nói:
- Vậy là ngươi đừng chết! Ta bảo ngươi chết, hóa ra ta là vua mê tối ư! Thôi được, ta cho ngươi được sống.
Vua nghĩ: Hầy, xóa được chuyện phong hai chữ “Thằng gù”, đỡ tốn vài vạn lạng bạc, ta lại mang tiếng hôn quân ưl Nhất định phải nghĩ cách khác để xí xóa hai vạn lạng này!
Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
Vì thế, đám tiến sĩ, vừa mới thăm vườn hào hứng đôi chút, giờ không dám hí hửng thêm, chỉ cung cúc theo vua, đến Ngũ Long Đình, xem khu Tiểu Tây Thiên, rồi đến Lầu Vạn Phật. Vừa đến cửa, thấy hai chậu Mã lan, nhà vua chợt nghĩ ra điều gì, có thể nhằm chỗ yếu của Lưu Dung, lấy tay chỉ vào hỏi:
- Lưu ái khanh, hai chậu này là cây gì vậy?
Lưu Dung thuận miệng đáp luôn đó là Mã Lan. Hoàng thượng lại vặn hỏi thêm: Thế nào gọi là Mã Lan?
Đối với các quan, trả lời thô dụng là bị phạt bổng, nhân đó là xí xóa hai chữ phong "Chàng Gù”, hai vạn lạng coi như không có! Lưu Dung nhanh trí, lấy tay chỉ luôn một chậu Mã Lan nói:
- Tâu như chậu này là Vạn niên thanh, mùa nào cũng đẹp cả!
- Lưu Khanh, sao lại gọi là chậu vạn niên Thanh?
Lưu Dung nói:
- Tâu, thần nghĩ đó là Đại Thanh giang sơn nhất thống, do đó gọi là "nhất thống" (một chậu) vạn niên Thanh (3).
Nhà vua nghe quả là thích thú, liền tỏ lời vỗ về, khen là khá.
Càn Long có một chiếc vuốt đeo ở đầu ngón tay cái, là một đồ tiến cống của phương tây, vô giá. Vua liền nói:
- Chuyện nhất thống vạn niên thanh giỏi đấy! Lưu Dung Trẫm thưởng cho ngươi chiếc vuốt này?
Vua nói xong, liền rút trao cho Lưu Dung. Thực ra, vua nào có thực tâm thương đâu, nếu vua trao cho Lưu Dung cầm lấy đeo vào, là mắc tội khi quân. Ta là vua, ngươi là bề tôi, dù là cái của ta rút ra trao, ngươi dám đeo ư! Tội khi quân đấy. Dẫu không bị giết thì chuyện phong hai chữ "Chàng gù” coi như xí xóa. Lưu Dung biết thừa, chỉ nói: "Thần xin cảm tạ ơn vua!".
- Chỉ tạ ơn thôi ư! Ngươi đeo vào đi!
Lưu Dung nói:
- Dạ thần đâu dám.
Vua nói:
- Không đeo, hay là ngươi chê! Nếu ngươi nói không thích, tức là kháng chỉ, không có hai vạn lạng bạc nữa đâu!
Lưu Dung chỉ nói:
- Đức Vạn Tuế thưởng cho thần, thần đâu dám không nhận.
- Nhận, sao ngươi không đeo.
- Tâu, nếu đeo vào thì mắc tội khi quân, không đeo tức là kháng chỉ, không kính vua!
Vua nghĩ, hắn bảo ta nói ỡm ờ đây, liền bảo:
- Thế bây giờ ngươi định thế nào?
- Bệ hạ tặng thần chiếc vuốt này, thần không dám đeo, thần xin được đưa cho người hầu theo thần, xin được đem về quê tại huyện Gia Thành, phủ Thanh Châu, tỉnh Son Đông, dâng lên thờ tổ tiên thần.
- Được!
Chuyện chiếc vuốt thế là qua. Chả còn cách gì. Vua tôi lại cùng dạo bước, tiến tới điện Phật. Đám người đi theo chẳng ai nói năng gì. Lưu Dung thì mồ hôi dầm trán, bụng nghĩ: Không biết vua còn thử chuyện gì nữa đây. Vào đại điện, chỉ thấy một pho tượng lớn, một vị A di đà bụng rất to. Vua hất đầu chỉ tay nói:
- Lưu ái khanh, pho tượng này là vị phật nào?
Lưu Dung xuýt nữa thì buộc miệng thưa là Phật A Di Đà bụng to, sợ vua lại vặn hỏi. Phật là Phật, sao dám bảo là A di đà to bụng. Làm quan to mà ăn nói thô lỗ, ắt bị phạt giáng cấp. Hai chữ phong “Chàng gù" coi như xí xóa: hai vạn lạng bạc mất toi và chiếc vuốt quý cũng phải trả lại.
Biết vậy, Lưu Dung chạy lên thưa: "Đức vua hỏi đến, thần xin tâu đây là vị Phật Vui ạ!".
Câu trả lời thật đúng, vị Phật kia chẳng toét miệng đang cười là gì? Vua tuy thấy Lưu Dung trả lời rất giỏi xong lại hỏi thêm một câu: "Sao ông ấy lại cười, cười trẫm ư?".
“Sao? Phật thấy Phật cười ư?” Vua nói đoạn liền đi đến bên, kéo Lưu Dung đối mặt với Phật, rồi nói: Lưu ái khanh, Phật thấy người cũng cười đấy!
Trả lời được câu này quả rắc rối, nếu như Lưu Dung thuận miệng nói theo: Vâng Phật thấy, Phật cười, thì ông cũng giống như vua ư! Lại tội khi quân. Mọi thứ thu hồi tất, đẩy ra chém ở trước cửa Ngọ Môn, chuyện phong hai chữ "Chàng gù” cũng xí xóa. Người chết ngoẻo rồi, tiền cấp cho ai. Lưu Dung đảo mắt, vội thưa: Tâu, Phật cười thần không chịu sửa đạo, còn Phật nhìn thấy bệ hạ mà cười tức là Phật thấy “Phật" mà vui, để nghênh giá. Phật thấy thần cười là muốn bảo rằng người bên là Hoàng thượng, đứng bên để làm gì? Ngốc thế? Sao không biết lễ? Thế là Phật cười thần không chịu sửa đạo thần tử, ông ấy cười là nhạo thần đấy ạ!
Vua nghe nói thế rất vui, liền bảo: “Lưu ái Khanh, một quãng đường quả là bao khó khăn cho Khanh đấy nhỉ! Nếu như Ngươi tài trí hơn người, ta phải xem việc người đỗ nhị giáp tiến sĩ có uẩn khúc gì không?” Mọi người thấy vua vui vẻ, lòng cũng nhẹ nhõm.
Cuộc dạo chơi vườn Thượng Uyển của Lưu Dung chấn động cả kinh thành.

Chú Thích:
(1) Ý nói khiêm tốn lại gần dân dã, nên vua Càn Long đánh tụt hạng.
(2) Chỗ này Càn xong chơi chữ bởi chữ Dung (bức thành đất) đồng âm với Dung là tầm thường, vụng về.
(3) chỗ này chơi chữ Đại Thanh nhất thống, ca ngợi nhà Thanh nhất thống (thâu tóm) cả thiên hạ, nhưng chữ nhất thống còn có ý nghĩa là một chậu.



_________________
Ba Bớp


Được sửa bởi BaBop ngày Ba 9 11, 2012 11:22 am; sửa lần 4.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email
phale
HS SaoMai


Ngày tham gia: 19 7 2008
Số bài: 448

Bài gửiGửi: Tư 4 04, 2012 11:37 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hai cụ 90 muốn kết hôn, bị con cản trở !

Đôi bạn già kẻ chết chồng, người chết vợ định kết hôn để sống thủ thỉ với nhau. Nhà thờ và chính quyền địa phương ủng hộ nhưng con cái hai bên ngăn cản quyết liệt, thậm chí cản trở họ tiếp xúc người ngoài.
Khoảng nửa tháng nay, người dân ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) xôn xao bàn tán về một bà cụ nay đã 91 tuổi đang bị cản trở kết hôn. Người hôn phối với bà rất xứng đôi vừa lứa là một ông cụ ngang tuổi, ông này cũng rất mực thương bà và cả hai quyết tâm tiến tới. Nhưng con cái của cả hai bên đều phản đối ngăn cản. Chúng tôi đã tìm đến tận nơi tìm hiểu thực hư.

Cần người chia sẻ



Khi gặp bà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì hình thức, dáng vẻ bà trẻ hơn số tuổi. Dáng người thon nhỏ, tay chân nhanh lẹ, giọng nói hào sảng, vẻ mặt luôn vui tươi yêu đời, bà tự giới thiệu tên Bùi Thị Vinh (Mụ Bảy), ở ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Chồng bà mất đã hơn 40 năm. Hiện bà có ba người con. Một người con ruột và hai người con nuôi, tất cả đều có gia đình và có nhà cửa ở riêng.

Bà Vinh kể: Thời gian gần đây, bà và ông Mười Út (Hà Văn Tới) ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, Chợ Lách rất thương nhau. Cả hai đều có ước nguyện về sống chung một mái nhà để thủ thỉ sớm tối.

Cụ Vinh chia sẻ chỉ muốn có bạn tâm sự tuổi già mà con cái không hiểu

Khoảng nửa tháng trước, ông Mười Út có đem một số sính lễ đến nhà thờ Phú Phụng để nhờ cha xứ làm phép kết hôn cho ông với bà. Cha xứ đồng ý và nói: “Không có lý do nào cấm việc hai người này sống chung với nhau. Một bên chồng chết, một bên vợ cũng đã chết. Hai bên đến với nhau tự nguyện thì cha sẵn sàng tác hợp”. Nhưng ngay lúc đó, những người con của bà đến can ngăn phía nhà thờ rồi chửi bới bên ông Mười Út đủ điều.

Dư luận còn cho rằng sau khi bị cản trở không cho làm lễ hôn phối ở nhà thờ Phú Phụng, hai ông bà đã đi đến một nhà thờ khác xa hơn làm lễ nhưng cũng bị cản trở.

Ngại chuyện tài sản?

Phía những người con của bà Vinh cho rằng bên ông Mười Út chẳng thương yêu gì bà hết. Chẳng qua họ có ý đồ về tài sản và của cải của bà thôi. (Hiện bà Vinh có số tiền mặt hơn trăm triệu đồng đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng và đứng tên sở hữu nhà cửa, đất đai). Với lại bà nay đã già, đã lẫn lộn và không còn biết gì hết; ngày nào đi nhà thờ bà cũng thoa son, thoa phấn ăn diện như một thiếu nữ, nay lại còn đòi lấy chồng nữa. Điều đó cho thấy bà không bình thường. Cho nên tất cả đều không chấp nhận yêu cầu kết hôn của bà.

Chúng tôi đến nhà định tiếp chuyện với ông Mười Út thì người con trai của ông ngăn cản. Anh này tuyên bố không thông tin bất cứ điều gì về cha của mình. Hiện dư luận bên ngoài làm mất uy tín gia đình nên việc lên báo lại càng không thể.

Sau một hồi thuyết phục, anh này giải thích trước kia khi còn làm trong nhà bảo sanh, bà Vinh là người đỡ đầu, là người ơn của gia đình. Việc cha của anh có tình cảm với bà Vinh, gia đình không phản đối. Tình cảm đó ở mức độ nào thì tùy thuộc ở hai người nhưng vượt quá giới hạn để người khác dị nghị anh không muốn.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
ThieuNu
HS SaoMai


Ngày tham gia: 02 4 2011
Số bài: 601

Bài gửiGửi: CN 4 08, 2012 7:20 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nhiều người trong chúng ta thường không biết quý trọng những gì mà người khác đem lại cho mình, đặc biệt là tình cảm mà những người thân yêu đem đến cho ta.




Có khi ta xem đó là điều đương nhiên, có khi ta cảm nhận điều đó giống như những điều bình thường khác trong cuộc sống !

Chỉ đến khi chúng không còn bên cạnh ta nữa ta mới chợt nghẹn ngào nhận ra: mình đã bỏ lỡ quá nhiều!

Có anh chàng nọ vác hồ sơ đi xin việc, vị trí mà anh ta muốn ứng tuyển là nhân viên quản lý !

Người tuyển dụng nhìn anh ta và hỏi: chắc bố anh là người trả học phí học đại học cho anh?

Anh nhìn nhà tuyển dụng nọ và nói: Không, bố tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ! Người nuôi dưỡng tôi là mẹ!

- Công việc của mẹ anh là gì? Anh có tự hào về mẹ anh không?

Người thanh niên nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng nói:

- Mẹ tôi là người giặt quần áo thuê cho người khác! Tôi hãnh diện vì là con trai của một người mẹ như thế!

Người tuyển dụng đề nghị anh hãy về nhà và rửa đôi bàn tay đó của mẹ!

Anh ta ngỡ ngàng không biết nhà tuyển dụng muốn gì ở mình!

Nhưng hông chút đắn đo, anh trở về! Nhìn thấy mẹ đang ngồi bên đống quần áo, anh đề nghị được rửa tay cho mẹ và anh kể lại câu chuyện giữa anh và nhà tuyển dụng cho mẹ nghe!

Khi bàn tay anh vuốt nhẹ trên đôi tay của mẹ anh mới chợt nhận ra, bàn tay ấy đã nhăn nheo và gầy guộc lắm rồi!

Thời gian đã lấy đi đôi tay xinh xắn của mẹ anh ngày nào thay vào đó là bàn tay lam lũ cùng với những mảng da đồi mồi thay thế.

Anh nghẹn ngào, nước mắt rơi lã chã, giờ đây anh mới nhận ra rằng: để nuôi được anh học hành đàng hoàng, mẹ anh đã phải vất vả vì anh quá nhiều.

Mẹ đã hi sinh cho anh để anh có thể bằng bạn, bằng bè mà không lời kêu ca oán thán! Sau khi rửa sạch đôi bàn tay mẹ, anh giặt luôn đống đồ còn lại.

Anh nhận ra để kiếm đượcđồng tiền, không dễ dàng như nhặt lá trên bãi cỏ.





Hôm sau, anh trở lại để gặp nhà tuyển dụng, ông ta hỏi anh đã rửa sạch tay cho mẹ chưa? Anh nhìn ông ấy mỉm cười:

- Tôi đã rửa sạch đôi tay của mẹ, nhưng không rửa sạch được vết hằn của thời gian trên đôi tay ấy!

- Anh học được gì cho mình không?

- Tôi học được rằng: nhờ có mẹ mà tôi mới có được ngày hôm nay, tôi cũng học được rằng để kiếm được đồng tiền khó khăn hơn tôi tưởng và bài học cuối cùng, tôi học được cho mình đó là gia đình quan trọng và có ý nghĩa lớn lao nhất với mỗi con người trong suốt cuộc đời! Nếu không có gia đình, chắc chắn tôi không thể có được hạnh phúc của ngày hôm nay!

Con người, đôi lúc trong cuộc sống, vì sự vội vả của dòng chảy mà quên mất rằng : gia đình là nguồn cội của yêu thương. Nhiều người đánh mất những giây phút hiếm hoi được quây quần bên người thân để lao vào những cuộc chơi với bạn bè. Để đến một lúc nào đó khi hơi ấm của gia đình nguội lạnh mới hối tiếc cho những gì mình đã gây nên.

Kiếm tiền chưa bao giờ là một việc dễ dàng với những người làm ăn lương thiện. Nhưng chính sự vất vả để kiếm ra đồng tiền ấy ta mới nhận ra được một điều: cha mẹ yêu thương con cái bao nhiêu và họ cũng kỳ vọng vào con cái rất nhiều.

Chỉ khi bạn lao vào công cuộc kiếm tiền mới ngộ ra rằng: mẹ cha quá vất vả vì mình! Khi còn bé, đồng tiền với bạn chẳng khác nào những tờ giấy nhiều màu sắc! Nó không có chút giá trị gì với bạn, nhưng bạn biết không, lớn lên bạn sẽ biết rằng: không có tiền bạn sẽ chẳng có chút tiếng nói gì trong cuộc đời này!

Đừng tin vào những lời bao biện: con người chỉ cần sống với nhau bằng tình cảm chân thành! Còn vật chất không có gì quan trọng! Đó chỉ là những lời nói khách sáo đẩy đưa mà thôi! Hiện thực cuộc sống phũ phàng hơn nhiều, bạn ạ!

Người xưa từng nói: có thực mới vực được đạo! và một sự thực ai cung biết: rằng tình cảm chân thành là điều cần có nhưng vật chất cũng góp phần quan trọng không kém trong việc tạo dựng nền tảng cuộc sống!

Thế nên, hãy quý trọng đồng tiền bạn có được và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý cho nó!

Đừng bao giờ để phải chạy ngược chạy xuôi những khi bạn có việc cần đến vật chất!

Trong cuộc đời con người, có ba bài học bạn cần phải ghi nhớ:

Thứ nhất: người đã dày công vun đắp và nuôi dưỡng bạn là ai? Hãy trở thành một con người biết ước mơ, biết tranh đấu và biết ơn những người đã nuôi dưỡng mình! Đừng vì chạy theo cám dỗ vinh hoa phú quý mà quên hết nghĩa tình, đạo lý! Đừng để người đời nhìn vào mình mà sỉ vả, lên án bạn nhé! Dù bạn là ai, thành đạt đến thế nào bạn hãy luôn ghi nhớ nguồn cội của mình và biết ơn những ai đã giúp đỡ cưu mang bạn, bạn nhé!

Bài học thứ hai: đó chính là kiếm tiền rất khó! Thế nên hãy quý trọng đồng tiền bạn kiếm được! Hãy học cách tiêu tiền trước khi bạn muốn mình trở thành một người giàu có hay dư giả!

Bài học thứ ba: đó là gia đình là nguồn cội của yêu thương! Dù đi đâu làm gì bạn đừng bao giờ bỏ rơi mái ấm gia đình của mình! Đừng để cha mẹ mòn mỏi ngóng tin con, hãy gọi điện hỏi thăm và an ủi cha mẹ khi về già! Hãy đỡ đần và yêu thương cha mẹ khi tuổi xế chiều, bạn nhé! Đừng làm cha mẹ buồn vì sự vô tâm của mình.



****************


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn , Truyện /Sưu Tầm Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI