Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Đường hầm bí mật của cung Nam phương Hoàng h

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Tin Tức
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Nguyen Ngoc Hai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 9 2009
Số bài: 1789
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Sáu 4 06, 2012 11:03 pm    Tiêu đề: Đường hầm bí mật của cung Nam phương Hoàng h Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nhân chứng đào hầm bí mật cung Nam Phương hoàng hậu

Theo ông Đào Văn Ơn, để đào công trình này người Nhật đã huy động hàng nghìn người dùng hai khúc cây đính cái thúng ở giữa làm cáng, khiêng đất từ trong hầm ra đổ thẳng xuống triền núi.

Rất ít người Việt sống ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trước năm 1945 và phần lớn đã qua đời nên các nhân chứng biết về đường hầm dưới cung Nam Phương hoàng hậu rất hiếm. Người dường như duy nhất chứng kiến những ngày xa xưa là ông Đào Văn Ơn, sinh năm 1928, coi trai cụ Đào Thúc, người nổi tiếng Đà Lạt vào thập niên 40 của thế kỷ 20 vì nuôi rất nhiều ngựa.

Ông Ơn kể lại, cha ông đến sống dưới chân núi sau lưng cung Nam Phương hoàng hậu từ năm 1928. Năm ấy ông Ơn được sinh ra ngay dưới chân núi này. Thập niên 30 của thế kỷ 20, trong những chuyến đi săn quy mô của vua Bảo Đại thì bầy ngựa của thân phụ ông đôi lần được cựu hoàng thuê. Hiện mảnh đất của cụ Thúc do cháu gái nội là chị Nga My (con gái ông Ơn) sinh sống.

Theo ông Ơn, lúc người ta đào đường hầm ở cung Nam Phương hoàng hậu thì ông đã có nhận biết, đứng từ nhà nhìn lên đỉnh núi thấy rõ cửa miệng hầm ở lô đất số 5 Bis hiện nay. Miệng hầm này lúc đó nằm giữa hai dinh thự, một là cung Nam Phương hay còn gọi là Dinh Nguyễn Hữu Hào (nhạc phụ của vua Bảo Đại và là đại điện chủ xứ Gò Công lúc bấy giờ). Bên phải miệng hầm là dinh thự của Chú Hỏa, thương nhân người Hoa giàu bậc nhất vùng Sài Gòn - Chợ Lớn vào thời đó.


Cụ Đào Văn Ơn khi còn nhỏ chứng kiến cảnh đào đường hầm cung Nam Phương của người Nhật.

Thời gian đào hầm không lâu lắm vì đường hầm này do người Nhật xây dựng chỉ trong giai đoạn Nhật đảo chính Pháp, sau đó không lâu thì Nhật thua trận nên rút về nước. Nhân công đào đường hầm có cả nghìn người, chia làm nhiều vị trí miệng hầm, từ đó đào sâu vào bên trong. Nhật đã sử dụng tù binh để đào đường hầm nên người lao động rất nhiều màu da.

Đứng từ nhà, cậu bé Ơn khi đó nhìn lên đỉnh đồi thấy lực lượng nhân công chuyền và đổ đất trong hầm ra hoàn toàn cáng bằng tay, hai khúc cây song song với hai người, ở giữa là thúng đựng đất. Đất đào được người Nhật cho đổ trực tiếp xuống các triền núi phía dưới, trắng xóa cả mấy ngọn đồi nơi có đường hầm. Khối lượng đất cát khổng lồ này sau đó trôi xuống các khe suối hạ lưu, cỏ cây mọc che lấp.

"Nếu khai quật lớp đất mặt dọc các triền núi ở những vị trí có hầm chắc chắn vẫn dễ nhận ra loại đất trắng pha cát từ trong lòng đường hầm này", cụ Ơn quả quyết.

Cụ cho biết, lúc Nhật thua trận thế chiến thứ hai phải rút về nước, trong thời gian giao thời chưa ai quản lý, người dân xung quanh đã đến đường hầm chơi. Ông lúc đó cùng với nhiều người đã vào miệng đường hầm gần cung Nam Phương và đi ngược lên tới Dinh I. Nhiều đoạn đường hầm rất rộng, người Nhật đã chạy xe trong đó, loại xe quân sự 4 bánh kích cỡ nhỏ hơn xe Jeep của Mỹ một chút.

Toàn bộ đường hầm được Nhật cho kè ván rất kiên cố để chống sạt lở, có lẽ đào đến đâu họ kè ván đến đó. Nhưng sau khi Nhật rút, người dân đã vào hầm tháo ván về làm nhà, ván dày tới 4 cm. Nhà ông lúc đó cũng lấy ván về. "Đường hầm này có rất nhiều cửa nhưng ngày nay đã bị người dân bít lại để xây nhà. Dọc đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, đường dẫn lên Dinh II (Dinh toàn quyền Đông Dương) cũng có tới 3 cửa hầm dẫn vào đường hầm chính", cụ Ơn nói.


Gần gốc cây thông cổ thụ này có một cửa vào đường hầm cung Nam Phương hoàng hậu nhưng hiện nay đã bị lấp mất.

Theo ông Phan Đảo, 82 tuổi, nhà gần cửa đường hầm bí mật ở đường Yên Thế - Đà Lạt, năm 1976 ông là cán bộ của Bộ Lâm nghiệp được điều động tăng cường cho Ty lâm nghiệp Lâm Đồng. Cơ quan ông đóng trên đường Yên Thế, sát bên những cửa hầm. Lúc mới về Ty Lâm nghiệp ông nghe một số anh em nói ở đây có đường hầm bí mật được đào từ thời Pháp thuộc, có mấy cửa nằm xung quanh khu vực cơ quan nhưng chưa ai dám chui vào.

Năm 1977, ông Đảo rủ thêm một người địa phương cùng chui vào đường hầm, lúc đó ông chọn cửa hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế để vào (cửa hầm này hiện đã bị người dân xây nhà bít lại). Từ miệng hầm này muốn vào trong thì phải đi xuống dốc cả chục mét, tức hầm đoạn này được âm xuống lòng đất rất sâu. Vào trong khoảng 20 m thì có một đường hầm chạy dọc theo hướng đỉnh đồi cung Nam Phương về chân dốc nga ba Trại Hầm dẫn lên đồi Dinh I gần đó.

Ông Đảo nói rằng đoạn hầm nằm dưới lòng đất của Ty lâm nghiệp và cơ quan Định canh - Định cư lúc đó rất rộng, chiều ngang trên 4 m, chiều cao trên 3 m, ôtô có thể chạy được. Nền hầm được lót đá chẻ rất kiên cố, đỉnh và vách đường hầm thì vẫn bằng đất không hề gia cố bê tông.

Quan sát của ông Đảo lúc đó, ở đoạn hầm rộng này cứ một quãng là có một cái ngách lỏm sâu vào khoảng một mét và được lót bằng đá chẻ. Lần xuống khám phá đường hầm năm 1977 ông chỉ dám đi đoạn hầm rộng có lót đá. Hai đầu đoạn hầm này chạy dọc từ hướng Dinh Nam Phương xuống nga ba Trại Hầm là đường hầm nhỏ, rộng chỉ khoảng 2 m và nền không lót đá nên không dám đi.

Năm 1987 ông Đảo thêm một lần xuống miệng hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế đi sâu vào trong và ra được miệng hầm ở lô đất 5 Bis hiện nay. Hai miệng hầm này cách nhau gần 200 m nhưng hiện tại không thể đi thông được vì đất sập.

Từ trước tới nay nhiều người cho rằng đường hầm Đà Lạt còn nhiều bí ẩn. Nhưng theo lời ông Ơn thì người Nhật đã làm hầm rất công khai.

_____________________________________

Khám phá đường hầm bí mật cung Nam Phương hoàng hậu

Sau đám dã quỳ lộ ra một cửa hầm xây bằng đá chẻ rất kiên cố, được kẻ chỉ đẹp mắt. Cửa hầm có bề ngang trên 2 m, chiều cao 2,5 m, đỉnh được thiết kế hình vòm, dẫn sâu vào cung hoàng hậu của vua Bảo Đại.

Nhiều người dân sống ở đường Yên Thế (Đà Lạt, Lâm Đồng) khẳng định, quanh ngọn đồi khu dân cư Yên Thế, nơi tọa lạc cung Nam Phương (nay là Bảo tàng Lâm Đồng) có ít nhất 3 lối dẫn vào hệ thống đường hầm bí mật. Đường hầm giờ bị hoang phế vì không được bảo vệ. Cơ quan chức năng cũng không khẳng định có một hệ thống hầm ở Đà Lạt.

Cụ Khoái, 82 tuổi ở đường Yên Thế cho biết, thời trai trẻ đã 3 lần khám phá đường hầm này, đi vào một số ngõ ngách và thông từ cửa hầm này sang cửa hầm khác. Tuy nhiên, hiện nay 2 cửa hầm đã bị người dân xây nhà lên và chắn bít, chỉ còn một cửa hầm tại lô đất số 5 Bis Yên Thế. Trẻ con trong phố thỉnh thoảng vẫn vào bắt dơi trong đường hầm.

Không biết về nguồn gốc, lai lịch đường hầm, song Phan Thế Tài (lớp 10 THPT Bán công Chi Lăng - Đà Lạt) rất rành các ngõ ngách của nó. Tài cho biết từ nhỏ đến nay đã hàng chục lần chui vào đường hầm chơi và bắt dơi. Đi vài ba người thì bình thường nhưng khi cả nhóm đông vào sâu bên trong có cảm giác hơi khó thở.

Tài dẫn khách đi vào đường hầm. Vừa chui qua đám dã quỳ thì lộ ra cửa hầm xây bằng đá chẻ rất kiên cố, được kẻ chỉ khá đẹp mắt. Cửa hầm bề ngang trên 2 m, chiều cao 2,5 m, đỉnh được thiết kế hình vòm.


Cửa vào đường hầm cung Nam Phương Hoàng Hậu.

Từ cửa đi vào 5 m rêu xanh bám đầy hai bên vách đường hầm. Ở đoạn ngoài cùng này còn có ánh sáng mặt trời hắt vào, sâu vào trong một tảng đá lớn che kín gần hết đường hầm nên người đi có cảm giác hơi rờn rợn. Tài phải bật đèn pin, khom người chui qua khỏi tảng đá. Cậu bé nghịch ngợm tắt đèn, mọi vật xung quanh đột ngột đen đặc, người đứng cách nhau 2 m hoàn toàn không thấy nhau.

Đường hầm gây ấn tượng bởi những khối đá liên kết khổng lồ và đất pha cát có từng vân thớ màu trắng ngà, có thể dùng tay gỡ và bóp vụn. Đất hầm ẩm ướt nhưng hoàn toàn không có nước rịn ra từ các khe, thỉnh thoảng xuất hiện một vài cục đá tổ ong tròn tựa quả bóng. Đi trong đường hầm, thỉnh thoảng vài con dơi bay sạt qua tóc, ngoài ra không có một loại sinh vật hay côn trùng nào.

Những đoạn hầm ở đây được thiết kế gần như thẳng tắp, các ngã rẽ vuông góc như bàn cờ. Vài chục mét đầu đường hầm thì nền bằng phẳng như nhà ở, vào sâu bên trong bắt đầu gồ ghề do những tảng đất trên đỉnh hầm lâu ngày đã bị lở. Có đôi chỗ phải hơi khom người mới đi được vì đất sập nhiều xuống nền hầm.

Vào sâu bên trong hầm khoảng 30 m, có một ngã rẽ bên trái. Nếu so sánh với vị trí trên mặt đất thì ngã rẽ dưới hầm ngang với cung Nam Phương Hoàng hậu và chỉ cách cung chưa tới 100 m. Tiếp cận ngã rẽ này được hơn 20 m thì đường hầm bị tắc do đất lở chắn ngang.

Quay trở ra tiếp tục đi sâu vào thêm 30 m thì xuất hiện thêm một ngã rẽ vuông góc bên phải nhưng nơi này cũng bị đất lở che kín. Tính từ đầu ngã rẽ nhánh này chạy về hướng đầu đường Yên Thế (ngã ba Trại Hầm) rất gần với Dinh I. Dinh thự này trước đây là nơi ở, làm việc của vua Bảo Đại và tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tính từ miệng đường hầm ở số 5 Bis Yên Thế đi vào sâu được khoảng 140 m thì đường tắc do lở đất không thể đi tới trước được nữa. Rất có thể đây là đường hầm dẫn ra một số biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo và lên Dinh II (Dinh toàn quyền Đông Dương trước đây).

Những người dân ở đường Yên Thế cho rằng, nếu thực sự cơ quan chức năng muốn làm cuộc khảo sát thì việc thông đường hầm là rất đơn giản. Vì những chỗ đường hầm bị đất lở chỉ xảy ra cục bộ và từng đoạn ngắn, có thể khơi thông bằng bằng cuốc xẻng. Trước đây có những chỗ lở nhưng chưa che kín miệng hầm, nhiều người vẫn liều chui qua và thấy đường hầm tiếp tục thông thương. Tuy nhiên họ không dám vào sâu vì sợ thiếu dưỡng khí.

Đại diện Ban giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, hiện chưa tổ chức cuộc khảo sát nào vào đường hầm.

________________________________________

Bên trong đường hầm cung Nam Phương Hoàng hậu


Cung Nam Phương Hoàng hậu, nay là Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng.


Miệng hầm trên đường Yên Thế được dân địa phương cho là đường dẫn duy nhất vào hầm còn mở. 2 cửa hầm khác đã bị người dân xây nhà lên trên. Cậu bé dẫn đường tên Phan Thế Tài nhiều lần vào đường hầm này từ nhỏ đến nay.


5 m đầu đường hầm vẫn còn ánh sáng trời nên rêu xanh mọc đầy hai bên vách và nền đất.


Một nhánh rẽ phải khom người mới vào được.


Ngách bên trái rẽ thẳng về hướng cung Nam Phương Hoàng Hậu.


Ngách bên phải dẫn về phía trại Hầm để lên Dinh 1 của vua Bảo Đại.


Đất hai bên vách hầm giống tảng đá khối nhưng thực chất rất mềm, có thể vỡ vụn trên tay nên nhiều đoạn bị sạt lở bít lối vào hầm.
_________________________________________

Cuộc sống hoàng gia Bảo Đại trong mắt người hầu cận

Vua Bảo Đại có sở thích săn bắn. Mỗi chuyến săn có trên 100 người phục vụ, cùng một con voi trắng. Trong các cuộc chiêu đãi, ông xuất hiện với thứ phi Mộng Điệp, trong khi hoàng hậu Nam Phương thường xuyên ở Pháp.

Năm 1949 Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền với cương vị Quốc trưởng. Bảo Đại ban sắc dụ số 06, Đà Lạt trở thành Hoàng triều cương thổ, từ đó vị cựu hoàng dành nhiều thời gian làm việc ở Đà Lạt. Khi Hoàng thân Bửu Lộc từ Pháp về Sài Gòn lập chính phủ ngày 20/11/1953 thay thế chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm cho đến khi Bảo Đại sống lưu vong, thì ông dành gần như toàn bộ thời gian sống tại Đà Lạt. Thú vui săn bắn chiếm rất nhiều thời gian của vị vua cuối cùng triều Nguyễn.

Thời gian ở Đà Lạt, rất nhiều người dân tại đây đã tham gia phục vụ vua Bảo Đại và gia đình cựu hoàng, có cả một trung đoàn Ngự lâm quân, Đội công xa Biệt Điện và đội ngũ máy bay riêng. Người hầu cận thân tín và lâu nhất là ông Nguyễn Đức Hòa đã qua đời tại Đà Lạt cách đây chưa lâu. Ông Hòa là người được Bảo Đại tin dùng và tuyển phục vụ từ lúc còn ở Huế, sau này đưa lên Đà Lạt. Ông Hòa gắn bó với Dinh 3 (Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt) liên tục hàng chục năm qua trong vai trò người thuyết minh cho khách tham quan, đến lúc qua đời mới đây.


Tòa nhà của trung đoàn Ngự lâm quân phục vụ cựu hoàng Bảo Đại, nay là trụ sở UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng.

Theo lời kể của ông Hòa trước đây, vua Bảo Đại có sở thích săn bắn và việc săn bắn tiêu tốn rất nhiều thời gian , tiền bạc. Có những chuyến đi kéo dài gần cả tháng. Mỗi chuyến đi Bảo Đại đều gọi ông Hòa tháp tùng để phục vụ với những công việc như sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, quần áo… cùng trên 100 người phục vụ với nhiều bộ phận khác nhau như lính gác, người mang vũ khí, người mang vác thức ăn, lái xe… Đoàn săn dừng chân ở đâu sẽ có đội ngũ dựng lều bạt và phục vụ hậu cần ăn uống rất bài bản.

Ông Bảo Đại còn có một con voi màu trắng để đi săn bắn ở những địa hình hiểm trở mà xe chuyên dụng không phục vụ được. Những chuyến săn bắn xa có thể đi tới Đăk Lăk và xuôi về mạn sông Đồng Nai, sông La Ngà. Cùng là hầu cận thân tín với ông Hòa thời đó còn có ông Lê Kỷ. Ông Kỷ cũng chọn Đà Lạt sinh sống sau khi Bảo Đại ra đi.

Cụ ông Nguyễn Viết Thùy, năm nay 94 tuổi, tai đã rất nặng nhưng vẫn cố gắng kể lại, thập niên 50 của thế kỷ 20 ông làm việc ở tòa thị chính Đà Lạt. Tuy không nằm trong đội ngũ những người phục vụ cựu hoàng nhưng cũng có đôi lần ông được điều động đi theo đoàn săn bắn. Nhờ vậy thời đó ông Thùy đã có dịp đến những vùng rừng còn nguyên sinh giáp với tỉnh Bình Thuận. Sau thời Bảo Đại ông Thùy còn có dịp tháp tùng săn bắn cho gia đình ông Ngô Đình Nhu.

Theo cụ Thái Viện, 92 tuổi, một nhân sĩ ở Đà Lạt thì nhớ lại thời Bảo Đại sống tại phố núi, cụ Viện làm ở khách sạn Đà Lạt Palace, phục vụ những cuộc chiêu đãi của vua Bảo Đại tại khách sạn này. Lúc đó Bảo Đại thường xuất hiện với thứ phi Mộng Điệp vì Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt không nhiều, chủ yếu bà dành thời gian sống tại Pháp, hơn nữa bà Mộng Điệp được hoàng tộc chấp nhận.

Bảo Đại đã mua lại một biệt thự của người Pháp tại đường Hùng Vương để tặng thứ phi Mộng Điệp. Tòa biệt thự này hiện nay là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng.

Tuy chỉ là nhân viên ở khách sạn lớn, không làm trong các cơ quan hành chánh nhưng cụ Thái Viện nhận định, vua Bảo Đại những năm cuối ở Đà Lạt trước khi lưu vong hầu như chỉ dành thời gian vào sở thích săn bắn. Việc triều đình, chính sự gần như giao toàn bộ cho ông Đổng lý văn phòng Nguyễn Đệ và thư ký của Bảo Đại là ông Phạm Bích. Những dịp lễ lớn, Bảo Đại cũng chỉ xuất hiện nhanh chóng có tính lễ nghi và dành nhiều thời gian để giải trí.

Ở Đà Lạt lúc đó có cả một trung đoàn Ngự lâm quân do đại tá Trần Văn Tuyên chỉ huy, nhiệm vụ chính là bảo vệ vua Bảo Đại. Ngoài ra còn có đội công xa Biệt Điện rất hùng hậu. Thời đó Đà Lạt còn ít dân nên sự xuất hiện của đội ngũ này rất rộn ràng. Tòa nhà trụ sở của đội Ngự lâm quân ở đường Quang Trung, nay là trụ sở của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
_______________________________________

[size=18]Gia đình của Nam Phương hoàng hậu


Vua Bảo Đại đi dạo cùng hoàng hậu Nam Phương và hai con lớn là thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai. Gần 80 năm trôi qua, 150 bức ảnh gia đình vị vua cuối cùng Việt Nam đã ngả màu thời gian, lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng.


Vợ chồng vua Bảo Đại cùng hai con đầu lòng là thái tử Bảo Long và công chúa Phương Mai trong buổi dạo chơi vườn hoa tại cung Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt.


5 người con của vợ chồng nhà vua là thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, công chúa Phương Dung, công chúa Phương Liên và hoàng tử Bảo Thăng trong vườn thượng uyển của gia đình ở Đà Lạt.


Bà Nam Phương trong ngày tấn phong hoàng hậu.


Cung Nam Phương hoàng hậu được gia đình Bảo Đại dùng để ở khoảng 4 năm từ 1934 đến 1938 trước khi có Dinh Bảo Đại (nay là Dinh 3, Đà Lạt). Nơi đây từng được vợ chồng nhà vua và nhạc phụ là Quận công Nguyễn Hữu Hào dùng tiếp những đoàn khách quan trọng. Vài ngày trước một đường hầm bí mật được phát hiện dưới tầng hầm tòa dinh thự, hiện chưa được khai phá cũng không có tư liệu hay nhân chứng lịch sử nào ghi nhận có đường hầm này.
_____________________________________
NNH Sk... [/size]


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email Địa chỉ AIM
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Tin Tức Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI