Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Một Cành Mai Trắng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Bảy 7 24, 2010 6:19 am    Tiêu đề: Một Cành Mai Trắng Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Truyện Ngắn

MỘT CÀNH MAI TRẮNG
Hoàng Thủy Biển

Trong tình yêu, luôn luôn có một chút điên cuồng. Nhưng trong điên cuồng, luôn luôn có một chút lý trí.”
Friedrich Nietzsche – “Zarathustra Đã Nói Như Thế





I.

Thứ sáu, chiều tan học, tôi và Nhuận ghé vào nhà sách Sông Đà. Hai thằng chúi mũi vào đống sách báo mới phát hành còn thơm mùi giấy mực. Coi cọp. Và chia sẻ nhận xét với nhau về những cuốn sách và tạp chí mới ra lò. Chừng một giờ sau, từ nhà sách bước ra một hè phố thoi thóp nắng, hai thằng tôi thấy Mai tan trường về muộn đi ngang. Tôi đứng khựng lại, và nghe rõ tim mình bỗng đập mạnh hơn. Ôi thôi, chết tôi, trái tim tôi bao giờ cũng đập nhanh nhịp khi ngắm thấy một giai nhân. Còn Nhuận, khuôn mặt ửng đỏ, ngó lơ về hướng khác. Tôi biết thằng bạn tôi; hắn quay mặt không dám nhìn thẳng vào nhan sắc giai nhân chẳng qua là để che giấu một cơn sóng đang oà ập vào lòng. Thấy tôi, hình như Mai có rộng lượng ban cho tôi một nụ cười, và chào tôi bằng ánh mắt lấp lánh. Tôi sung sướng nhận lãnh cử chỉ ban phát hoan lạc của nàng, và kêu khẽ tên nàng: “Mai!” thay cho một lời chào đáp trả. Rồi Mai cúi đầu, kéo nghiêng vành nón xuống, giấu khuôn mặt trái soan thanh tú dưới chiếc nón lá mỏng, tiếp tục rảo bước. Dáng Mai đi trên hè phố nhẹ nhàng thanh thoát như bay như lượn. Đôi mắt tôi bám riết theo lưng Mai thon thả, rồi trèo lên mái tóc đen mượt chảy xuống một vòng eo thon. Tôi thả hồn tôi lượn lờ theo hai vạt áo Mai quấn quít lả lơi dưới một mái phố hoàng hôn. Và tôi biết tính tôi, hễ cặp mắt tôi đã chụp ảnh người đẹp nào, thì chắc chắn đêm ấy tôi cũng trằn trọc mở mắt và mở hồn mình ra nhìn ngắm lại--suốt đêm.

Nhuận đi bên cạnh, mầu da trắng nổi gân xanh về lại trên khuôn mặt, vỗ vai tôi, nói: “Mai nhìn mi, sướng không mi?”
“Nhìn tao?” tôi nói, bĩu môi và co hai vai lên, nhìn sâu vào mắt Nhuận dò xét. Đôi mắt nâu của thằng bạn gốc người Hà Tĩnh chiều nay lờ mờ có mây xám giăng ngang. Tôi nói tiếp: “Đời nào mà nó thèm nhìn tao. Nó nhìn mày thì có.”
“Nhìn mi. Tau nhìn vào mắt Mai là tau biết ngay.”
“Nhìn mày.”
“Nhìn mi.”
“Ừ, thì nó nhìn cả hai thằng mình,” tôi nói. “Bằng lòng chưa?”

Nhuận và tôi vẫn mỗi ngày sáng chiều cùng nhau tới trường và cùng nhau tan trường về. Chiều nay sau hơn mấy tháng học chung lớp, lần đầu tiên tôi mới thấy Mai bên ngoài lớp học và sân trường. Chúng tôi tiếp tục đi song song bên nhau. Hai thằng im lặng một lúc lâu. Tiếng gió từ mặt sông thổi lên. Tháng mười một chở hơi lạnh về trong gió. Lá vàng nằm chết từng đống, và lá chết rải rác bay lả tả trên hè đường.
“Mọi khi Mai vẫn có xe hơi đưa rước mà,” Nhuận nói. “Răng hôm ni lại về bộ ta?”
“Mày hỏi tao, tao chỉ biết hỏi trời,” tôi nói, có cùng thắc mắc như Nhuận.
“Đi bộ về rứa tội nghiệp hè!” Nhuận nói.
“Ai tội nghiệp cho tao và mày?”
“Nhà Mai ở tuốt dưới nhà ga lựng, mi ơi.”

Khoảng năm cây số, tôi tính; cũng khá xa cho một đôi chân chỉ quen được đưa rước bằng xe hơi.
“Sao mày không chạy theo cõng nó về nhà cho em khỏi mỏi chân,” tôi nói. “Ê, mà làm sao mày biết nhà nó ở gần nhà ga?”
“Thì nghe mấy thằng trong lớp nói rứa thì biết rứa,” Nhuận nói, đầu cúi thấp.
“Mày bám vạt áo nó về nhà thì ngoan ngoãn khai ra.” Tôi cười, vỗ vỗ vai Nhuận. “Đừng hòng qua mặt tao.”
Tôi và Nhuận chơi thân với nhau từ lớp ba trường làng. Hắn không phải là thằng ưa giấu diếm bạn bè. Nhưng, tôi nghĩ, dễ gì nó tự khai ra cái rung động tâm hồn của hắn cho tôi nghe. Còn tôi thì đã giấu hắn nhiều điều về rung động trai gái, vì tôi nghĩ khi nào tôi biết chắc ăn, nghĩa là em cũng yêu tôi như tôi yêu em thì tôi mới bộc bạch tâm sự với bạn bè. Như phe ta chiếm được chiến lợi phẩm của phe địch rồi ta mới đem chiến lợi phẩm ấy ra triển lãm; nôm na nghĩa là khoe khoang thành tích hay chiến công. Thật ra thì tôi đã đôi lần đi ngang nhà Mai, đưa mắt lấm lét nhìn vào như kẻ trộm quan sát địa điểm để chờ cơ hội thuận lợi ra tay chôm chỉa. Ngôi nhà Mai hai tầng lầu quét vôi trắng kiểu nhà của Pháp, có hàng rào với những thanh sắt sơn đen nhọn hoắc nom như những ngọn giáo đâm thẳng lên không, và trên cánh cổng là tấm bảng sơn đỏ chói: COI CHỪNG CHÓ DỮ. Tôi nghĩ dường như mọi gia đình có con gái đẹp đều nuôi chó dữ để canh chừng con gái khỏi bị bắt cóc. Với Nhuận, tôi đã bằng tấn công hắn trước để ngăn chặn hắn vặn hỏi, nhằm che giấu cái rung động đầu đời của mình.

Ngày đã phai nắng, bóng nhâm lan dần về, và những cột đèn đường đỏ lên tù mù. Trước cổng khu xóm, chúng tôi chia tay. Nhuận nói: “Au revoir!” Thằng cu ni ưa chào tạm biệt bằng tiếng Tây nghe cho ra vẻ tây nguyên tây tạng, tuy môn Pháp Văn hắn đứng gần đội sổ.
“Ừ, về,” tôi nói. “Thứ hai gặp.”
“Ê , Văn, túi mai mi rảnh không?” Nhuận ngoái đầu lại hỏi.
“Còn tuỳ,” tôi nói, nghĩ tới việc ôn tập bài vở cho kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt sắp tới. “Rảnh thì sao, không rảnh thì sao?”
“Rảnh thì túi mai, mi đi uống cà phê với tau. Cho vui.”
“Đi uống cà phê hả?” tôi nói. “Rảnh. Rảnh. Rất rảnh.”

II.

Đêm thứ bảy, quán cà phê Hồng Ngọc đông khách. Hai dãy bàn phủ khăn trắng, đặt song song dọc theo hai vách quán đã đầy kín ghế ngồi. Cái bóng đèn dạ quang hình cầu treo giữa trần nhà, quay vòng, quạt những tia xanh tím vàng đỏ hồng. Đêm lung linh đủ màu. Dòng nhạc liên tục tuôn ra đổ đầy lòng quán. Nhạc tiền chiến đan xen với nhạc phản chiến. Khói thuốc phà ra dầy đặc, như mây mù như sương muối.

Nhuận và tôi đã neo chân ở một cái bàn vuông kê trong góc quán từ hồi chiều còn nhạt nắng. Và bây giờ, đêm đã về khuya, chiếc đồng hồ treo trên vách bảo đã hơn chín giờ. Bên ngoài vách kính, đêm tô đen một con đường vắng xe và một hè phố thưa thớt khách bộ hành vãng lai. Tiếng tranh cãi từ một bàn bên cạnh vẳng qua; hình như họ đang luận bàn về hiện tình đất nước, về những trận đánh nổ ra đâu đó trên quê hương. Tôi nhìn Nhuận. Hắn đang cúi đầu xuống trên mặt bàn, khuôn mặt vùi giữa hai lòng bàn tay chắp lại. Mái tóc hắn dài chấm tới cổ áo và loà xoà che phủ khuôn mặt, không cho tôi đoán hắn đang nghĩ gì. Tôi nghĩ, đi uống cà phê và nghe nhạc mà sao hắn lại ôm đầu rầu rĩ như một người nghe tin cha vừa tạ thế vậy thì ở nhà uống nước giếng còn vui hơn. Điều thuốc lá nằm lỏng lẻo hờ hững giữa hai ngón tay hắn thấy như một niềm chán chường. Nhuận đêm nay ít nói, khuôn mặt có vẻ đang chìm sâu vào một nỗi buồn thăm thẳm, khác hẳn một Nhuận thường ngày tôi biết, miệng mồm tía lia. Suốt gần chiều dài năm cây số từ nhà lên phố, và suốt mấy tiếng đồng hồ trong quán, Nhuận biếng nói. Khoảng cách giữa tôi và hắn chỉ cách một mặt bàn vói tay qua là đụng được nhau, nhưng hình như có một bức tường vô hình chắn ngang. Một không khí bất thường. Tôi hỏi, hắn trả lời qua quít; không hỏi thì hắn ngồi im như một bức tượng đá.

“Đêm nay mày có chuyện gì mà mặt mũi mày xìu như cái lốp xe lủng ruột thế?” tôi nói.
“Có chi mô. Có chi mô,” Nhuận nói, cái đầu hắn không thèm ngước lên.
“Chẳng có gì thì thôi,” tôi nói. Mặc xác mày, tôi nghĩ, chả phải độc mỗi mình mày biết buồn trên thế gian này đâu. Quên hắn đi, thà để tai nghe giọng hát Duy Quang vừa cất lên. Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá. Thà như giọt mưa rớt trên mặt em. Nếu phải hóa thân thành một giọt mưa, tôi ngu dại gì lăn trên tượng đá cho dù tượng đá ấy là một kiệt tác phẩm điêu khắc của Michelangelo. Nếu là hạt mưa, tôi sẽ tìm mọi cách chui rúc vào những vùng da thịt kín khuất nhất của Mai. Hãy để thằng Nhuận tự nguyện làm những giọt mưa lăn suốt đời trên khuôn mặt một em rỗ chằng rỗ chịt nào đó.
Bản nhạc chấm dứt. Tôi không cảm thấy hứng thú ngồi lì thêm nữa. “Khuya rồi, về được chưa?” tôi nói, nghe giọng mình có mùi muối.
Nhuận ngẩng đầu lên, rồi dán mắt vào một bức tranh của một hoạ sĩ khá nổi tiếng trong thành phố. “Ngồi thêm một chặp nữa đi,” hắn nói, mắt vẫn không rời người thiếu nữ trên vách.
“Đã mấy chục cái một chặp của mày rồi, đốt mất tiêu của tao mấy tiếng đồng hồ,” tôi nói, giọng hậm hực vì cảm thấy tiếc đã mất thời giờ gạo bài vở cho kỳ thi đê nhất lục cá nguyệt.
Rời mắt khỏi bức tranh, quay mặt về phía tôi, đôi mắt Nhuận sau mặt kính trắng chợt sáng lên. Tia nhìn hắn đâm thẳng vào mắt tôi khiến tôi chột dạ. Không biết tôi có làm gì sai trái với hắn không?
“Tau nói mi nghe cái ni,” Nhuận nói, nhấp những giọt cà phê còn sót dưới đáy ly. “Nhưng nghe xong mi phải giữ trong bụng. Tau cấm ngặt mi không được hé môi, biết không?”
“Dính dáng gì tới tao không?” tôi nói.
“Cũng có mà cũng không.”
“Không thì không, có thì có. Làm gì có chuyện vừa có lại vừa không. Mày lúc nào cũng mở giọng ỡm ờ.”
“Ừ thì không.”
“Không thì mắc mớ gì tới tao mà mày phải hăm he răn đe ghê thế,” tôi nói. “Tao đếch cần biết chuyện người khác.”
“Nhưng tau mô phải là người khác,” hắn nói, giọng nghe như ẩm hơi nước. “Tau là bạn của mi mà.”
“Nói lẹ đi. Tao nghe,” tôi nói, “Kẻo không là tao để tai nghe nhạc đấy.”
Nhuận móc một điếu thuốc Bastos xanh, châm lửa, hút. Rít một hơi thuốc, nhấp một ngụm nước lạnh, nói, “Tau . . . . tau . . . . .” Nhuận ấp a ấp úng. Tôi không rõ hắn mắc chứng cà lăm tự bao giờ.
“Chuyện gì thì nói đại ra đi. Còn về ngủ ngáy nữa chứ.”
“Thủng thẳng nghe tau nói.”
“Nói đi. Lẹ lên!”
“Tau biết yêu, mi ơi.”
“Cái gì?”
“Yêu. Tau biết yêu.”
Tôi phì cười, văng cả khói thuốc vào mặt hắn, nói: “Yêu?”
“Tau yêu con . . . .” Nhuận nói, giọng nghe thành khẩn và sùng kính như một con chiên thú tội với giáo chủ. Khuôn mặt hắn trông nghiêm trang và khổ hạnh như khuôn mặt tu sĩ đạo Bà La Môn toạ trên bàn đinh.
Tôi bụm môi, nín cười, kẻo không dễ văng nước miếng vào mặt hắn. “Dĩ nhiên là mày phải yêu một con nào đó rồi, nên mặt mũi mày nom buồn thiu như mặt cá ươn,” tôi nói. “Chẳng lẽ mày lại đem lòng đi yêu một thằng đực rựa như tao. Mà mày yêu đứa nào thế?”
“Yêu Mai.”
“Mai nào?” Tim tôi đập nhanh hơn. Lạy xin Chúa Giêsu là đấng lòng lành vô cùng, và Đức Mẹ Maria là đấng ưa hằng cứu giúp, và một tá Thánh Tông Đồ ưa có lòng thương người (trừ thằng Giuđa ra) bắt hắn yêu con nào cũng được, nhưng đừng để hắn yêu Mai của con nghe. Đừng yêu Lê Thị Bạch Mai, nghe mày, tôi nhủ thầm.
“Lê Thị Bạch Mai!” Nhuận nói.
Thế là lời nguyện cầu chân thành của tôi thành nước chảy đầu vịt. Tôi cầu nguyện thành khẩn hết lòng thế này mà thánh thần không chịu nhậm lời khiến tôi dễ bỏ đạo quá.
“Con nhỏ Mai làm thư ký lớp mình đó hả?” tôi hỏi, giả vờ chưa nghe rõ mà lòng đang dâng lên những đợt sóng lo âu. Đâu còn Mai nào khác nữa. Mai mà Nhuận và tôi cùng biết thì chỉ có một Mai thôi. Lê Thị Bạch Mai. Mai, được tôi “tấn phong” hoa khôi của lớp tức khắc hiện về trong tâm trí tôi. Mai với khuôn mặt trái soan, với mầu da trắng ngà, với mái tóc rậm đen mượt mà chảy dài xuống eo, đã làm hơn bốn chục nam sinh lớp tôi ngây ngất, và riêng tôi thì đâm ngu ngốc thêm hơn. Mai, với nụ cười khoe chiếc răng khểnh bên khoé miệng trái, đã chào tôi mới hôm qua đây thôi. Mai đã ban cho tôi nhớ thương, và đã hành tôi nhiều đêm trương mắt ngó lên đỉnh mùng. Mai, một nhan sắc có khả năng biến bốn chục nam sinh lớp tôi thành những bệnh nhân rối loạn tâm thần trong nhà thương điên Biên Hòa.
Khuôn mặt Nhuận thộn cứng lại như đông đá. Im lặng trùm xuống mặt bàn. Thời gian nặng nề trôi qua bằng chiều dài một bản nhạc.
“Mày nói thật hay nói đùa vậy, mày?” tôi nói, cố gắng chọc thủng màn im lặng khó thở.
“Yêu chớ mô phải chuyện chơi mà đùa giỡn, mi.” Nhuận nói, đầu cúi gầm xuống mặt bàn. Giọng nói hắn giãn ra như một sợi dây thun đã căng ra quá độ, sắp đứt.
“Thế là mày yêu nó thật?”
“Mi nói răng nghe lạ. Yêu thì yêu phải thiệt, chơ làm răng mà yêu giả cho được.”
“Mày mà dám cả gan yêu nó.”
“Yêu thì yêu chớ có phải ôm mìn xông vào lô cốt mà không dám.”

Thằng Nhuận, bạn tôi, con nhà lao động tay chân, dám đem lòng tơ tưởng một hoa khôi, con gái tướng tá giàu xụ. Hắn đang đùa với lửa. Hắn đang gắp than hồng bỏ vào lòng bàn tay trắng trơn của hắn đây mà.
“Lo học đi con! Lựa nồi mà úp vung con ạ,” tôi nói, nghe giọng mình như giọng một ông cụ già sắp lìa bỏ thế gian. Chiếc xe hơi du lịch Toyota mầu trắng bóng loáng như gương soi mặt vẫn từng ngày đậu trước cổng trường đưa Mai đến và rước Mai về. Hình ảnh ấy là hình ảnh cao sang của một thứ đời sống quyền quí. Còn tôi và Nhuận, với trường lớp mỗi ngày hai buổi đi về, cuốc bộ rã chân và uớt đẫm cả áo sơ-mi trắng. Hai thế giới xa lạ; hai thế giới tách biệt. Tao và mày đang sống trên mặt đất, còn Mai thì đang sống ở một hành tinh khác. Đừng ham trèo cao, rớt xuống là toác đầu, là hộc máu tươi ra mồm đó con ạ, tôi nghĩ, nghe như một lời nhắc nhở thầm kín cho chính tôi.
“Về được chưa?” tôi hỏi. Lòng tôi chợt gợn lên xót xa cho số phận học sinh nghèo của cả hai thằng, dù gia đình hắn khá giả hơn gia đình tôi nhưng cũng đều là dân lao động tay chân mặt mũi lấm lem cả.
“Chờ tau một tí,” Nhuận nói. Hắn kéo ghế, rời bàn, bước về phiá quầy tính tiền có cô thâu ngân xinh đẹp được mướn ngồi làm cảnh cho đàn ông ngắm nghía hơn là để thu tiền khách hàng.
Trở lại bàn, Nhuận nói: “Nghe xong bản nhạc ni rồi về.”
Tiếng hát Thái Thanh trong sắc như những mảnh thủy tinh, cất lên cao, bay vút lên trần quán. Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài.
Nửa bản nhạc, Nhuận kéo ghế, đứng dậy, nói: “Về!”
Tôi xô cánh cửa kính, theo sau lưng Nhuận, bước ra một hè phố đêm. Sau lưng tôi, tiếng hát Thái Thanh quyến luyến níu kéo. Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm. Thương hoài ngàn năm. Thương hoài ngàn năm.

III.

Tôi đứng trước cánh cửa phòng của Nhuận. Đó là căn phòng lồi của ngôi nhà cất theo hình chữ L. Ánh đèn điện trắng đục nhờ nhợ từ khe cửa hắt ra. Tôi gõ cửa.
“Cửa mở,” giọng Nhuận nghe có vẻ ngái ngủ. “Vô đi!”
Tôi xô cửa, bước vào phòng riêng của Nhuận. Dòng nhạc vang lên rè rè từ một cái máy cát-xét. Mai, anh đã yêu em thật rồi, một tình yêu quá không may. Tôi không ưa bản nhạc này, chả lẽ hễ cứ tình yêu đến với người nào là mang lại xui xẻo cho người đó sao? Khói thuốc bay lởn vởn khắp căn phòng hẹp. Ánh sáng màu nước vo gạo từ một bóng đèn nê-ông sáu tấc hắt xuống, soi dáng Nhuận đang lụi cụi trên mặt bàn học. Tôi đoán hắn đang đang ôn bài vở cho kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt bắt đầu vào ngày mai.
“Học bài?” tôi hỏi, bước về phía Nhuận đang ngồi.
Nhuận không trả lời, cũng chẳng quay đầu ngó tôi. Đầu hắn cúi thấp xuống gần chạm mặt bàn, tiếp tục hí hoáy viết.
“Viết thư cho em?” tôi hỏi tiếp.
Nhuận ngẩng đầu lên, mỉm cười. Nụ cười có vẻ bí mật. Hắn cầm tờ giấy đưa lên mũi hôn. Rồi xé tờ giấy thành nhiều mảnh nhỏ, bỏ vào miệng, nuốt. Từng mảnh, từng mảnh, nuốt, nuốt.
“Mày đang làm cái trò khỉ gì thế?” tôi hỏi, vừa cảm thấy kinh ngạc vì cái trò nhai giấy của hắn, vừa bực mình vì hắn không thèm trả lời tôi.
“Tau đang học bài,” Nhuận mở miệng.
Tôi lướt mắt khắp mặt bàn học. Không thấy một cuốn sách giáo khoa hay tập vở học nào. Những tờ giấy trắng nằm vung vãi trên mặt bàn. Một gói thuốc Bastos xanh nằm bên cạnh cái gạt tàn thuốc đã đầy nhóc mẩu tàn thuốc. Tôi nhặt lên một tờ. Đọc. Trang giấy viết đầy kín tên một người nữ: Lê Thị Bạch Mai.
“Học hành kiểu quái gì lạ thế này?” tôi nói.
“Phương pháp mới, do tau phát minh,” Nhuận nói. “Tau học kiểu ni không bao lâu sẽ có một bụng đầy chữ. Thi chắc chắn phải đậu.”
Nhuận nhặt một tờ giấy khác lên, áp vào mũi hít hà, khoái trá như gã keo kiệt hôn lên tiền bạc của y. Hắn lại xé tờ giấy thành nhiều mảnh nhỏ, vò lại bỏ vào miệng, nuốt. Trò khùng, tôi nghĩ. Tôi muốn đấm một quả vào ngay mặt hắn cho hắn tỉnh ra. Khi Nhuận hôn lên tờ giấy ghi hằng trăm cái tên của người con gái mà tôi cũng có lòng thương mến, tôi cảm thấy khó chịu như hắn đang thực sự hôn lên khuôn mặt nàng. Khi hắn vày vò mảnh giấy ghi tên Mai tôi cảm thấy như hắn đang thực sự vày vò thân thể nàng.
“Mày đã đớp mấy ngàn cái tên của nó rồi?” tôi nói.
“Hơi sức đâu mà ngồi đếm,” Nhuận nói, phà thuốc, với tay vặn nhỏ nút điều chỉnh âm thanh máy cát-xét đang chơi một bản nhạc tình ca giếng nước khác. “Đâu chừng trên dưới một triệu cái.” Rồi hắn nhìn tôi cười ruồi, “Mà mi có muốn đớp một cái cho đỡ nhớ em không?”
“Đớp mà tế mả ông bà cố nội nó à?” tôi đáp. Rồi thả lưng xuống chiếc giường kê cạnh bàn học, ngó lên đỉnh mùng.
Cái máy cát-xét rè rè giờ đã câm tiếng. Tôi nghe Nhuận đánh diêm, mồi một điếu thuốc khác. Từ đêm Nhuận thổ lộ với tôi rằng hắn đã yêu Mai thiệt lòng, hắn đâm ra ghiền thuốc lá, có ngày đốt sạch cả gói Bastos xanh. May mà hắn là con trai một, nên mẹ hắn cưng chiều, cho tiền mua thuốc lá phì phèo nhả khói cho tương tư lên mầu khói mây. Chứ như tôi, thì chỉ có bốc cát bỏ vào mồm. Chưa hết, hắn còn ghiền thêm cà phê đen nữa để đêm về trương mắt thương nhớ em. Hình như, tôi nghĩ, biết yêu là biết hút thuốc; biết yêu là biết thèm cà phê. Mùi thơm phức của thuốc lá trộn với vị đắng của cà phê pha thêm hương vị cho tình yêu chăng?
Tôi nhổm dậy, ngồi bên mép giường, nhìn lưng Nhuận còng xuống trên bàn học.
“Chấm dứt cái trò điên khùng của mày đi,” tôi nói. “Ngày mai thi rồi đó, con.”
Nhuận quay mặt về phía tôi, một bàn tay áp vào ngực trái, và bàn tay kia khua vẫy trong không, và ngửa mặt cười khà khà. “Tau đang làm bùa nhốt Mai vào lòng tau,” hắn nói.
“Cải lương hồ quảng,” tôi sủa lại. “Sến lắm!”
“À, Văn nì, mi biết ai có đôi bàn chân đẹp nhất lớp không mi?”
“Vớ vẩn!”
“Tau hỏi thiệt mi đó.”
“Tao đếch có dư mắt để ý chân cẳng đàn bà con gái,” tôi đáp. “Mắt tao chỉ khoái ngắm mông ngực.”
“Mi đúng là một thằng tục tĩu dâm đãng,” Nhuận nói.
“Còn mày là thằng sến ngửi không nổi,” tôi phản pháo.
“Ngày mai mi nhìn bàn chân Mai rồi mi mới thấy là Mai có bàn chân đẹp kể chi xuể.”
“Mày đã xây hồ bán nguyệt rửa chân cho nó chưa.”

Nhuận không trả lời. Hắn rời bàn học, đi lòng vòng khắp phòng, đi tới rồi đi lui. Vừa đi, hắn vừa múa may tay chân như một thằng hề, vừa rè rè cất lên cái giọng Hà Tĩnh trọ trẹ: Mai, anh đã yêu em thật rồi, một tình yêu lắm chua cay . . . . Lời ca này hàm ý tình yêu là một thứ cây trái như me như ớt. Hay là khi đã yêu nhau thì thế nào cũng có một người nhai nhằm ớt hiểm, và người kia thèm thuồng me, khế chua.
“Ngậm cái mồm thối ình của mày lại cho tau nhờ,” tôi nói. “Nhức óc quá!”
“Mi không muốn nghe thì cứ tự nhiên bịt hai lỗ tai lại. Tau không cấm cản chi mô,” Nhuận nói. “Hay là mi có quyền tự do bước ra khỏi nhà tau. Tau cũng không cấm cản chi mô.”
Tôi cảm thấy da mặt nóng bừng bừng. “Dẹp mẹ mấy trò yêu đương lăng nhăng đi,” tôi nói. “Lo học.”
“Tau không cần mi dạy đời tau.”
“Không lo học, rớt là đâm đầu vào đại học Đồng Đế đó con ạ.”
“Mi rán học rồi đeo bông mai vàng bông mai trắng cho le lói cuộc đời. Còn tau thì đã có riêng một cành mai trắng rồi.”

Một cành mai trắng--Lê Thị Bạch Mai. Không phải chỉ mỗi mình mày ao ước sở hữu cành mai đó đâu. Ngoài tao và mày ra, còn có ít nhất vài ba chục thằng nữa cũng ưa hái cành hoa ấy về chưng lên bàn thờ đó, con ơi. Riêng tôi, tôi đang đóng kịch với Nhuận. Tôi đang giấu diếm hắn về tình cảm tôi dành cho Mai, và dối gạt tôi về rung động của lòng mình. Suốt cả tuần nay, khuôn mặt Mai khiêu vũ trên từng trang sách vở, và những bầy chữ nghĩa cứ như là bầy mọi rợ nhảy múa loạn xạ lung tung quanh dung nhan ấy. Cùng một thiếu nữ, bạn tôi yêu đôi bàn chân đẹp (cứ tạm tin lời Nhuận như thế), còn tôi thương nhớ nụ cười và mái tóc. Cả tôi lẫn Nhuận đang bị cơn sốt tình ái quần xây xẩm hồn xác. Bệnh tương tư trầm trọng, xanh mặt như nhau.

IV.

Mùa thi đệ nhất lục cá nguyệt chấm dứt. Chỉ còn hai tuần nữa là tết đến. Đà Nẵng, tháng chạp, trời đổ những cơn mưa dầm dề. Nhuận cắt, vẽ những tấm thiệp xuân.
“Thiệp tết, sao không mua mà lại tự làm gì cho cực?” tôi hỏi Nhuận.
“Thiệp mua mà có giá trị chi,” Nhuận nói, mặt vác lên trời. “Thiệp tặng Mai, phải tự tay tau vẽ mới được.”
“Mày làm cho tao một tấm với,” tôi nói. “Một tấm thôi.”
“Để làm chi?”
“Thiệp thì để tặng chứ để làm gì nữa.”
“Tặng O mô rứa?”
“Tặng ai, mày thắc mắc làm gì.”
“Mi không nói; tau không làm.”
“Bộ mày tưởng ngoài phố hết bán thiệp rồi sao.”
“Ra phố mua gấp đi. Nhanh chân lên, kẻo không thì hết sạch đó.”
Tôi đành phải xuống nước, ngậm bồ hòn làm ngọt. “Ừ, từ từ rồi tao cũng nói cho mày biết mà. Có chuyện gì mà tao không chia sẻ với mày đâu.”
“Ai? Cho ai?”
Giọng kẻ ban ơn nghe hách dịch, phách lối như giọng luật sư công tố đang chất vấn bị cáo. Được, tôi nghĩ, có ngày rồi tao sẽ trả món nợ vặt này.
“Ai? Cho ai?” hắn lặp lại.
“Mai. Cho Mai,” tôi đáp.
“Mi cũng thương mai nữa hỉ?”
“Tầm bậy. Thương gì mà thương! Tao không có tính gieo vãi tình cảm lung tung bừa bãi như mày,” tôi nói. “Bạn học cùng lớp thì tặng thiệp không được sao.”
“Răng lại tặng chỉ một mình Mai?” Nhuận vặn vẹo tra khảo. “Lớp mình có mấy chục O lựng mà.”
“Mày dám vẽ cho tao thêm mấy chục tấm nữa không?”
“Tại răng không O nào khác mà phải là Mai?”
“Mai đặc biệt hơn,” tôi nói, giả vờ lớn tiếng.
“Đặc biệt! Là đặc biệt ra răng?”
“Mày làm thì làm, không làm thì thôi. Đừng tra khảo nhiều quá!” tôi nói, xẳng giọng. Rồi lập tức sửa giọng lại cho ngọt hơn. “Tại nó là thư ký của lớp mình mà.”
“Lý do mi đưa ra nghe không lọt lỗ tai tau chút mô hết cả. Nhưng mà thôi, để tau làm cho mi một tấm.”

Cuối cùng, Nhuận vẽ xong hai tấm thiệp xuân. Một của hắn, một của tôi, cả hai sẽ được dâng lên cho thánh nữ.
Tôi viết đôi dòng vào lòng tấm thiệp chúc mừng Mai.
“Mi viết chi trong nớ?” Nhuận hỏi. Thằng này, tôi nghĩ, làm nghề cảnh sát thẩm vấn nghi can chắc chắn là hợp khả năng.
Tôi đọc lại những dòng chữ tôi nắn nón trên tấm thiệp. “Thân chúc Mai và gia đình ba ngày đầu năm mới vui vẻ đầm ấm, và trọn một năm mới an khang thịnh vượng.” Có bao nhiêu chữ biết về chúc mừng năm mới tôi tương ra hết. Cạn ý.
“Mi viết chi mà dài dòng dầm dề rưá,” Nhuận nói, rồi liệng tấm thiệp về phía tôi. Tôi chụp kịp tấm thiệp trước khi nó rơi xuống nền xi-măng.
“Tao đâu biết viết gì khác,” tôi đáp. “Còn mày?”
“Đừng hỏi.”
“Mi xem của tao thì được. Tại sao tao xem của mày không được.”
Nhuận đặt nhẹ nhàng tấm thiệp của hắn vào lòng bàn tay tôi, nói: “Đừng làm dơ nghe mi.”

Thiệp của tôi thì hắn liệng xém rơi xuống sàn nhà, còn thiệp của hắn thì hắn biểu tôi phải nâng niu gìn giữ. Được, tôi nghĩ, mày ỷ có chút tài vặt vẽ vời, muốn chơi gác cơ tao. Tôi mở tấm thiệp, lướt mắt đọc: “Nhuận thương Mai lắm, Mai ơi!
Trời ơi! Từ khi biết đọc chữ tới giờ, đã xem qua hằng trăm thiệp chúc tết, tôi chưa hề thấy ai viết những lời chúc mừng năm mới có tính chất xin xỏ tình yêu như thằng bạn của tôi.
“Sao mày không viết thêm là: Và xin Mai yêu tui với, Mai ơi! Mai mà không đáp trả tình yêu của tui dành riêng cho Mai là tui buồn tui khổ rồi tui uống nguyên cả chai thuốc chuột tui chết ngay trước mặt cho Mai coi.”
Khuôn mặt hắn đỏ ửng lên. Hắn quay mặt về hướng khác, nói: “Viết ngắn gọn rứa được rồi. Tau không ưa viết dài dòng như mi.”
Càn khôn thiên địa ơi, tôi đã nói thế mà hắn còn rán gân cổ lên nói thêm nữa mới tài chứ. Chẳng lẽ thằng nào ăn trúng phải bùa mê tình ái là cái đầu đều u mê mụ mị như hắn hết sao?
Tôi đi về phiá cửa sổ, nhìn ra con đường cái chạy ngang nhà Nhuận. Cơn mưa phùn bay lất phất ngoài trời tháng chạp xám xịt. Gió lách qua những chấn song sắt, luồn hơi rét vào căn phòng. Tôi chợt rùng mình. Tôi run rẩy vì hàn khí cuối năm, hay run rẩy vì lo sợ trước lời tỏ tình của Nhuận với Mai. Trong cuộc chạy đua tình ái âm thầm mà đích tới là trái tim Mai, Nhuận đã nhanh chân chạy trước tôi một đoạn khá xa. Có lẽ tôi không bao giờ bắt kịp hắn.
Tôi đi về cánh cửa ra vào. Đứng tựa vào một bên khung cửa, đốt thuốc, và ngó mông lung ra màn mưa càng lúc càng đan nhặt hơn. Khuôn mặt Mai hiện về mù mơ trong tâm tưởng. Và tôi cảm thấy khoảng cách giữa tôi và Mai càng lúc càng xa ra, và đứng ngáng ngay chính giữa là cái thằng bạn ưa vung vãi tình yêu của tôi. Rồi tôi nghe tiếng Nhuận thốt lên: “Văn nì, mi giúp tau chuyện ni được không?”
“Chuyện gì thì nói đi,” tôi nghe giọng mình chùng xuống.
“Nhờ mi trao tấm thiệp của tau cho Mai với.”
“Mày què tay cụt chân bao giờ thế,” tôi nói. “Bộ mày tưởng tao là con chim bồ câu đưa thư tình cho mày chăng?”
“Gặp Mai là tau run, tau nói không ra lời, mi ơi.”
“Chứ mày nghĩ là tao không run?”
“Mi có tình ý chi với Mai mà run.”
“Cần gì phải có tình ý mới run. Thằng nào đứng trước mặt nó cũng đều run rẩy lẩy bẩy như nhau,” tôi nói. “Run ít hay run nhiều mà thôi.”
“Bề chi mi cũng trao thiệp của mi cho Mai, thì luôn tiện mi trao giùm cho tau luôn,” Nhuận nói. “Một công hai chuyện mà.”
Một ý nghĩ hắc ám loé chớp trong đầu tôi. Cái bếp lửa nhà tôi cháy sáng lên. “Được,” tôi nói, “Nhưng mày không được hé răng cho ai hay đấy nhá. Mấy thằng cùng lớp biết được là mất mặt mày lắm đấy. Mất mặt cả tao nữa.”
“Tau ngu chi nói,” Nhuận đáp.

V.

Tan buổi học cuối năm, Nhuận và lũ nam sinh phóng ra trước; bầy nữ sinh rề rà ngồi lại soi gương chải tóc. Tôi ngồi nán lại, cúi đầu xuống hộc bàn, giả vờ sắp xếp lại sách vở. Thỉnh thoảng, tôi liếc mắt về phía dãy bàn đầu của lớp học, chỗ Mai ngồi. Tôi thấy Mai vừa trò chuyện, cười đùa với mấy cô bạn học, vừa chải tóc.
Khi lớp học chỉ còn lại Mai và tôi, tôi đứng dậy, đi về chỗ Mai. Mai đang cặm cụi xếp lại sổ sách. Tôi đi chầm chậm tới gần bên Mai. Tim tôi đập thình thịch như đánh trống. Tôi cảm thấy hai cánh tay tôi dài lòng thòng như hai nhánh thịt thừa. Hai bàn tay tôi xoa xoa vào nhau.
Mai vén tóc, ngước đầu lên nhìn tôi. Trong đôi mắt đen thăm thẳm ấy, tôi không dò ra được nàng đang suy nghĩ gì. Hai con mắt nàng như thể hai lòng giếng sâu không đáy dẫn vào vực thẳm hun hút của tâm hồn.
“Có chuyện gì không, Văn?” Mai nói.
Tôi nghe giọng nói nàng nửa nhã nhặn nửa kiêu kỳ. Đầu óc tôi chợt trở nên trống rỗng như một cái thùng nước lũng đáy, bao nhiều điều muốn nói sắp xếp suốt đêm qua trôi tuồn tuột ra khỏi trí nhớ. Tôi tính nói: “Không có gì,” rồi phóng ra khỏi lớp học. Nhưng tôi gồng mình đứng lại.
“Văn muốn nói với Mai vài điều,” tôi nói.
Đôi mắt đen láy mở ra, môi hé cười, Mai nói: “Văn nói đi! Mai nghe đây.” Rồi Mai đứng dậy, bước ra khỏi bàn học. Nàng đứng cách tôi bằng chiều một cánh tay vói, nhưng tôi thấy khoảng cách ấy còn xa hơn cả ải Nam Quan tới mũi Cà Mau.
“Năm mới sắp tới, Văn chúc Mai vui vẻ,” tôi nói nhanh như thể cố trút tảng đá ngàn cân ra khỏi lồng ngực càng sớm càng tốt.
Mai nhìn tôi, mắt ánh lên nét như ngạc nhiên, rồi cúi đầu xuống, nói: “Cám ơn Văn. Mai cũng chúc Văn hưởng một cái tết vui vẻ.”
Mai chẳng cần phải chúc tôi vui vẻ, tôi nghĩ. Và cần gì phải đợi tết đến. Nếu Mai muốn, nàng có thể ban niềm vui cho tôi tại đây và ngay bây giờ. Chỉ cần nàng đắm đuối nhìn tôi như tôi đang ngây ngất nhìn nàng thì nàng đã đốt pháo vào tâm hồn tôi nổ vang tưng bừng mừng xuân mới. Chợt nhớ, Nhuận có lần ca tụng đôi bàn chân nàng, mắt tôi cúi xuống tìm kiếm đôi bàn chân ấy. Tôi hoàn toàn chẳng thấy gì, ngay cả đầu những ngón chân. Hai cái ông quần trắng mỏng mảnh và rộng thùng thình che lấp đôi bàn chân nàng; kiểu quần với hai ống thênh thang thông thoáng mà tôi thường nói với Nhuận là một chỗ núp thoải mái cho những thằng trốn quân dịch.
Mai lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi, giọng nàng nghe dịu dàng biết bao:
“Văn còn muốn nói gì nữa không? Nói đi, Mai đang nghe Văn nói đây. Nói đi!”
Hai tiếng “nói đi” thốt lên từ môi nàng nghe như lời khuyến khích tôi bật lên đôi tiếng tình tự cất giấu lâu ngày dưới đáy hồn mình. Nhưng đấy là tôi suy đoán thôi, mà suy đoán của tôi rất ít khi đúng. Đoán trật nói bậy và bị từ chối là tự chuốc lấy bầm dập cho tâm hồn mình.
“Có . . . có . . . . có,” Sao bỗng nhiên tôi cà lăm thế này. Thằng Nhuận, bạn tôi, đã cà lăm; và tôi bắt chước cà lăm theo. Biết yêu là mắc chứng cà lăm. “Văn có . . . có tấm . . . thiệp, xin . . . xin . . . tặng Mai. Và . . . và . . . xin . . . Mai nhận . . . . giùm . . . . cho . . . .” Tôi định nói tiếp, “kẻo tội ngiệp”, nhưng tôi kịp ngấp mồm.
“Ồ, Mai nhận chứ, ” Mai nói. “Của Văn mà.”
Tôi lập tức lấy tấm thiệp nằm kẹp giữa những trang vở học, đặt vào lòng bàn tay Mai. Tôi chỉ trao tấm thiệp của tôi cho Mai. Còn tấm thiệp của Nhuận tặng nàng nhờ tôi trao đã hoàn về lại với tro bụi, đâu đó trong đống tro than bếp lửa nhà tôi. Tôi cố trao tấm thiệp thật nhanh, và dọt ra khỏi lớp học thật lẹ. Tôi sợ Mai đổi ý trả thiệp lại thì tôi chỉ có nước đứng trên cầu Trình Minh Thế nhảy xuống sông Hàn . . . tắm may ra mới bớt quê mặt.
“Cám ơn Văn,” Mai nói lí nhí.
“Không có gì. Không có gì,” tôi nói. “Mai nhận là Văn vui rồi.”
“Thiệp Văn Làm đẹp quá hà, không thua gì thiệp mua ngoài chợ,” Mai nói.
Tôi cảm thấy buồn buồn và nghe trái tim đau nhẹ. Thiệp tự tay Nhuận vẽ, cắt, dán sao lại đem so sánh với thiệp mua nơi phố chợ.
“Không phải Văn làm đâu,” tôi nói. “Một người bạn làm hộ cho Văn đấy.”
Rồi Mai bước ra cửa lớp. Tôi lẽo đẽo theo sau lưng nàng. Và như chợt nhớ ra điều gì, nàng đứng lại, quay đầu về phía tôi, nói: “Chiều mùng ba tết, Văn tới nhà Mai chơi nghe.”
Lạy Chúa tôi, niềm vui như sóng vỗ ào ào trong lồng ngực tôi. Tôi muốn hét lên: “Trời ơi!” Tôi cảm thấy tôi như một gã ăn mày trúng số độc đắc cặp sáu.
“Nhà Mai ở đâu?” tôi nói dối.
“Nhà Mai mà Văn không biết sao?” Mai nói, cười khoe chiếc răng khểnh bên khoé miệng trái. “Nhiều anh trong lớp biết nhà Mai lắm.”
“Văn thực sự không biết.” Đã lỡ nói dối thì nói dối luôn cho trót, tôi nghĩ.
Mai chỉ tôi cái địa chỉ ngôi biệt thự mà tôi đã chục lần đi ngang và lấm lét ngó vào.
“Cám ơn Mai đã mời Văn,” tôi nói. “Văn sẽ tới. Chắc chắn.”
“Nhớ tới nghe Văn. Mai đợi.” Mai nói. “Đừng cho Mai leo cây nghe, Văn.”

VI.

Nhuận và tôi lang thang qua những khu chợ tết. Từ sáng sớm mặt trời vừa trồi đầu trên mặt vịnh, hai thằng đã rời nhà đi lên chợ Hàn, tiện đà phóng lên chợ Mới, trưa tấp xuống chợ Cồn, rồi chiều xuống ghé qua chợ vườn hoa Diên Hồng ngắm bà con tấp nập đi sắm tết. Khi nắng chiều phai mầu, nghe mỏi mỏi chân, chúng tôi tạt vào một quán cà phê mọc kề vai nhau dọc theo đường Hùng Vương.
Gọi mỗi đứa một ly cà phê sữa đá, và mua dăm điếu thuốc lá Capstan từ một em bé gái có tủ thuốc bán lẻ bên lề đường. Nhuận và tôi ngồi nhấm nháp cà phê, phì phèo thuốc lá,và ngắm nghía dòng người dòng xe lên xuống.
“Mi đã trao thiệp của tau tặng Mai cho Mai chưa?” Nhuận nói.
Tôi vẫn dõi mắt ra lòng đường, nói: “Tận tay.”
Nếu Nhuận biết tôi đã hỏa táng lời tỏ tình của nó trong bếp lửa, chắc hắn ném cả ly cà phê sữa đá vào mặt tôi.
“Mai có nói năng chi không, mi?”
“Mai bảo nó sẽ treo thiệp mày đầu giường ngủ để hằng đêm vừa đọc kinh vừa nhớ tới linh hồn tan nát của mày,” tôi nói, rít một hơi thuốc.
“Đừng xạo nữa mi ơi,” Nhuận nói. “Mai có nhắc tên tau không, mi?”
“Có. Mai khen thiệp tết của mày vẽ đẹp không thua gì thiệp của hoạ sĩ Vi Vi,” tôi nói, cười cười, ngó ra mặt đường.
“Mai nói rứa, thiệt không mi?”
“Nhưng nó còn bảo tao nhắn lại với mày rằng thì là mày đừng nên vẽ nữa. Lo học. Vì vẽ vời thì chỉ có bốc sơn bỏ mồm.”
Tôi oà cười. Ánh mắt Nhuận trong sáng trở lại.
“Mai mời mày tới nhà nó vào chiều mùng ba tết,” tôi nói.
“Thiệt giả rứa mi?”
“Tao không đùa. Mai mời cả tao nữa.”
“Răng lại có thêm mi nữa. Mi lại phá đám tau rồi.”
“Thì mày tới nhà nó một mình đi,” tôi nổi cáu. “Tao đếch thèm tới.”
“Nói giỡn chút mà. Hai đứa mình cùng tới. Vui hơn.”

Rời quán. Đã hơn mười giờ đêm. Nhuận và tôi, bên cạnh nhau, đi bộ trên đường Bạch Đằng chạy ôm vòng theo bờ sông Hàn. Tháng chạp thổi về những cơn gió bấc se buốt. Chiếc áo len mỏng manh không đủ dày che tôi khỏi cái hàn khí cuối năm đâm vào xương thịt. Chốc chốc tôi lại rùng mình. Bên cạnh tôi cách một gang tay, Nhuận có vẻ ấm áp hơn trong cái áo jacket nhà binh. Những đôi tình nhân tay cầm tay, vai kề vai, và đầu tựa đầu, hay ôm ấp nhau trên những băng ghế đá nằm dưới hàng cây khuynh diệp run rẩy. Khi đi ngang qua chỗ họ ngồi, mùi nước hoa hay mùi da thịt phụ nữ toả ra thoang thoảng trong gió. Mùi hương làm dậy trong tôi một niềm mơ ước. Ước gì, một đêm nào, tôi được ngồi bên Mai trên một trong những băng ghế đá này. Tôi sẽ kéo vai Mai kề sát vào vai tôi; tôi sẽ đặt đầu Mai tựa hẳn vào ngực tôi. Tôi nhất định sẽ kiếm cách hôn nàng. Ngày đó biết có bao giờ?
“Văn nì, về nhà chừ không biết làm chi cho hết đêm,” Nhuận nói.
“Ngủ,” tôi đáp.
“Ngủ chán chết. Ngủ cả đời mà,” Nhuận nói. “Tới nhà Mai, mi hè.”
“Giờ này ma nào cho mày vào nhà?”
“Tụi mình đứng bên ngoài nhà ngó vô thôi mà.”
“Thế thì được cái giải gì.”
“Ngó chút xíu thôi rồi về nhà ngủ cũng được.”
“Mày đi một mình. Tao về.”
“Đi với tao một chút. Đừng một mình buồn lắm, mi ơi.”

Thực ra, tôi cũng đang nhớ Mai. Nhớ da diết. Nhớ bầm da bầm thịt. Tôi muốn thấy khuôn mặt nàng. Tôi muốn thấy bóng dáng nàng. Mỗi buổi học, ngồi cách Mai ba dãy bàn phía sau bên nam sinh, tôi còn nhìn chéo qua dãy bàn nữ sinh, lén lút ngắm nàng suốt buổi. Thế mà đêm về nỗi nhớ vẫn khôn nguôi. Một tuần nghỉ học đón tết, từng ngày trôi qua dài lê thê, thời gian khoét một khoảng trống trong lòng tôi. Tôi cảm thấy ngày tháng vô vị, tẻ nhạt, và thiếu thốn một điều gì. Tôi cũng đang khao khát đi tới nhà nàng.
“Đi thì đi,” tôi nói. Lòng thắp lên một tia hy vọng được nhìn thấy nàng.
Rồi Nhuận và tôi cuốc bộ tới nhà Mai. Con đường dẫn tới nhà nàng về đêm khuya âm u thanh vắng, có hai hàng cây cổ thụ chạy dọc hai bên đường với tàng lá chụm đầu nhau như những đôi tình nhân lén lút tình tự trong đêm tối. Con đường có nhà người mình thương mình nhớ luôn luôn là con đường đẹp nhất trần gian. Đó là con đường của mơ mộng. Con đường của tình yêu.
Tìm được một gốc cây lớn, thân cây to chừng hai vòng tay ôm, hai thằng đứng núp hai bên mà nếu có người trông thấy có thể nghĩ là hai người lính đang tham dự vào một trận đánh. Hai thằng im lặng như đang mặc niệm cho nỗi tương tư, chốc chốc ngó qua ngôi biệt thự hai tầng bên kia đường. Chiều ngang con đường hẹp, chỉ vừa đủ rộng cho hai chiếc xe hơi qua lại. Ngôi nhà về đêm trông như một toà nhà ma trong phim kinh dị. Không ánh sáng hắt ra, không tiếng động vọng tới. Hai cánh cửa sắt khép chặt lại. Trên cánh cổng sắt có những thanh sắt nhọn hoắc như mũi giáo ấy, tôi đã thấy cái tấm bảng nền vàng chữ đỏ như màu máu: COI CHỪNG CHÓ DỮ. Nhà nào có con gái đẹp là nhà ấy có nuôi chó—chó dữ, tôi nghĩ.
Một cơn gió mạnh vút qua, thốc vào da thịt tôi. Lá cây rụng xuống lào xào, đậu lại trên vai trên tóc tôi. Tôi run rẩy. Tôi thèm hút một điếu thuốc mong tìm chút lửa sưởi ấm thân tôi. Nhưng tôi không dám đốt thuốc, sợ đốm lửa sẽ thành thật khai báo hành động lén lút của hai đứa.
“Mày rủ tao tới đây để chết cóng như thế này hả,” tôi nói, miệng run lập cập. Tôi thấy đôi vai gầy của Nhuận nhô lên co lại. Nó cũng đang rét, run rẩy như tôi.
“Rán với tau một chút mà.”
“Đứng thế này suốt đêm cũng đéo thấy được cái quái gì.”

Tới nửa đêm, Nhuận và tôi vẫn không thấy bóng dáng Mai. Hai thằng đành bỏ cuộc trông ngóng mong thấy dung nhan giai nhân. Trên đường về nhà, tôi thấy Nhuận và tôi như hai con chuột nhắt đi tìm thức ăn, lủi thủi bò về hang ổ, với hai cái dạ dày trống rỗng.
Và đêm sau, rồi đêm sau nữa, Nhuận và tôi như hai chú mục đồng chăn cừu trong một chuyện cổ tích. Vì mãi mê ngắm bầu trời đêm vằng vặc trăng và lấp lánh sao, hai chú quên dẫn đàn cừu về chuồng. Mai cũng như một vì sao sáng, tôi nghĩ, một vì sao cách tôi xa xăm. Xa lắm. Cách nhau cả hàng triệu triệu quang niên.

VII.

Đêm ba mươi tết. Nhuận và tôi song song bên nhau, đi lên đi xuống nhiều vòng một khúc đường. Cứ mỗi lần bước ngang cổng sắt nhà Mai, tôi liếc xéo vào tìm kiếm bóng dáng nàng. Mỏi chân, tôi rủ Nhuận ngồi bệt xuống lề đường, cạnh một gốc cổ thụ. Hai thằng ngồi im lặng bên nhau. Mỗi đứa chìm trong dòng suy nghĩ tư riêng. Tôi tự hỏi không biết Nhuận đã biết tôi cũng đã thương Mai chưa.

Khoảng gần nửa đêm. Đêm về khuya thanh vắng hơn, âm u hơn. Đêm biến con đường chạy ngang nhà Mai thành một đường hầm xe hỏa tối hù. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ từ đâu đó vọng lại. Chốc chốc, một chiếc xe gắn máy chạy vụt qua, nổ oang, rồi mất hút vào bóng tối của con đường dẫn tới một nhà ga đóng cửa vì cuộc chiến. Một mùi hoa, tôi không rõ loài hoa gì, tỏa ra mùi thơm dịu dàng. Mùi thơm đánh thức một nỗi rạo rực trong tôi. Mắt tôi vẫn đăm đăm băng qua đường, chỉa thẳng vào nhà Mai. Khúc đường trước nhà nàng được thắp sáng keo kiệt bởi vài bóng đèn đường hiu hắt chiếu xuống. Không có một dấu hiệu nào hoặc một âm thanh nào cho tôi biết là Mai đang thức.

Tôi không còn kiên nhẫn ngồi chờ nữa, bất cứ ai, ngay cả thiên thần từ trời giáng thế. Tôi ghé miệng vào tai Nhuận, nói: “Biết đâu nó đang học bài.”
“Mi ngu như heo,” Nhuận xẳng giọng phang tôi. “Không ai học bài đêm ba mươi tết cả.”

Ngồi thêm chừng nửa giờ, tấm rèm cửa sổ tầng trên, như màn rạp hát, từ từ kéo ra. Ánh đèn nê-ông mờ mờ đóng khung trong ô vuông cửa. Rồi tôi thấy nửa thân hình trên của Mai xuất hiện sau khung cửa kính. Khuôn mặt nàng trên khung kính trông như một bức tranh chân dung giai nhân được lộng kính treo trên không trung. Hình như Mai mới tắm xong, đang lau đầu và chải tóc. Hình như nàng đang nhìn xuống mặt đường. Trừ phi nàng có đôi mắt hồng ngoại tuyến thì nàng mới có thể phát hiện hai đứa tôi đang ngồi núp bên gốc cây tối om, ngước mắt ngó lên.
Nhuận nhích lại gần tôi. Bàn tay hắn run run trên vai tôi, và hơi thở hắn nghe hối hả. Hắn nói thầm vào tai tôi, từng tiếng một: “Mai, mi ơi! Mai, mi ơi!” Ba tiếng “Mai, mi ơi!” từ miệng Nhuận thốt ra nghe như một thứ mật ngôn của kinh điển thánh thư.
Tôi vẫn nín thinh. Mắt tôi băng qua đường, xuyên thủng bóng tối, ngước lên khung cửa kính. Tôi dán mắt tôi vào khuôn mặt Mai hiện trên mặt kính ô cửa. Rồi tôi thấy nàng thò đầu ra ngoài khung cửa ấy, như thể nàng đang hít vào lòng hương gió đêm cuối năm. Và tôi bỗng thấy Nhuận và tôi, cả hai đều như nhau--tội nghiệp. Hai thằng như hai con chiên ngoan đạo cùng ngước mắt chiêm ngưỡng thánh nữ đồng trinh mười tám.
Bên tôi, bàn tay Nhuận vẫn nằm trên vai tôi, thỉnh thoảng lại bóp chặt xương vai tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng nó đang run lật bật như kẻ mắc chứng động kinh lên cơn. Không hiểu nỗi run rẩy của hắn là do hàn khí mùa đông rét mướt hay là do lạnh từ trong lòng lạnh ra. Hắn thầm thì lải nhải bên tai tôi: “Mai ơi, Mai ơi.”
Tiếng gọi thầm của Nhuận làm tôi vừa bực mình vừa thương xót. Tôi đưa ngón tay trỏ chặn dọc miệng nó. “Xì . . . Xì . . .” tôi nói. “Chuẩn bị chạy.”
“Việc chi mà phải chạy?” Nhuận hỏi gắt.
“Im đi!” tôi nói. “Mồm mày lép bép hoài.”

Rồi tôi chụm hai bàn tay lại làm thanh một cái loa. Tôi dồn hết hơi, hét lên:
“Mai ơi! Mai ơi! Mai ơi!”
Tôi kêu tên Mai lớn tiếng và nhiều lần. Tên Mai vang vang trong đêm đen. Tên nàng lan dài theo một khúc đường vắng. Vài cánh cửa sổ của những ngôi nhà kế bên mở ra, và vài đôi mắt nhìn ra đường, có lẽ sửng sốt khi nghe tiếng hét điên cuồng của tôi. Hay đó là tiếng tru hú của một con chó dại.
Và tôi cắm đầu chạy. Chạy. Chạy không dám ngoái đầu lại. Tôi hoàn toàn không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào khiến tôi bật kêu tên nàng. Tôi cũng không hiểu rõ vì sao tôi bỏ chạy. Có lẽ tôi sợ Mai nhận ra tôi. Tôi sợ nàng biết tôi thương nàng quá lộ liễu Tôi cảm thấy mất mát như vừa đánh vỡ một món đồ cổ quý giá nâng niu cất giữ trong hồn tôi. Tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút khỏi lồng ngực một khối đá đè tôi đã lâu ngày.
Chạy một mạch tới một góc ngã tư đường, tôi dừng lại. Thở. Nhuận chạy bám theo tôi. Hai thằng ngồi bệt xuống lề đường thở hồng hộc.
Đột nhiên, tiếng pháo giao thừa đua nhau nổ vang, như muốn xé toang màn đêm trừ tịch. Giây phút giao thừa đã điểm. Năm cũ đã lui vào quá vãng. Và năm mới vừa mới bước chân về.
Hơi thở hai đứa bình thường trở lại. Nhuận thụi cùi chỏ vào bụng tôi. Tôi ôm bụng còng lưng xuống hứng chịu cú đánh của bạn tôi. Rồi tôi nghe Nhuận nói: “Tổ cha mi, Văn! Té ra mi cũng yêu hắn.”
Bỗng nhiên hai đứa tôi cùng cười oà.


Hoàng Thủy Biển
Very Happy


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 7 26, 2010 1:06 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đọc " Một cành mai trắng " của Hoàng Thuỷ Biển, truyện hay quá - kỷ niệm một thời áo trắng kịp ùa về, bỗng nhiên mà nhớ cái cổng nữ sinh ngó phía sông Hàn, nhớ cái lớp 10 B2 quá đổi. Tuyết Nhung cũng đã một thời làm cô ký, khó đăm đăm nên nam sinh gán cho cái biệt danh " Bà La sát ". Mới đó mà đã gần 38 năm trôi qua... Ôi ! thèm được sống lại cái thưở làm học trò con gái, hồn nhiên, vô tư ...chi lạ.
Rất mong được tiếp tục đọc những câu truyện của Hoàng Thuỷ Biển.

Thân mến.
Tuyết Nhung


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
THAINGO-A1
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 08 8 2008
Số bài: 3616

Bài gửiGửi: Hai 7 26, 2010 4:54 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hoàng Thủy Biển thân mến ! Ai đó đã nói " Người đàn bà đau khổ nhất - là - người đàn bà không có thời con gái " . Theo THAI NGÔ nghĩ -thời con gái đây là thời tung tăng cắp sách đến trường - thời giận hờn vu vơ - thời mưa , nắng thất thường ...vui đó rồi buồn đó ....thường là những nổi buồn không tên ...
THAI NGÔ lội sông quá sớm ....đã nhiều năm dài trong đời - cứ thao thức , trăn trở mãi ....sao mình chẳng có " một chút gì để nhớ "....về thời cắp sách dễ thương đó ....rồi ....gặp lại bạn bè ...rồi ...nổi nhớ lại ùa về ...nhưng - vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó ...để bây giờ - đọc - " Một cành mai trắng " ....thật dễ thương , thật sống động ( riêng với THAI NGÔ ) .

Cám ơn HOÀNG THỦY BIỂN .Chúc VUI - KHỎE .Viết nhiều về thời Áo trắng cho tui thưởng thức nhe !

Nè , Cô Ký trong bài sao giống Cô Ký lớp tui quá dzậy ?????


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 7 26, 2010 5:13 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nì Thái Ngô nớ ! chơ O bỏ bạn lội sông quá sớm, vậy mà răng lại có cái nick name THAINGO-A1, chơ O học A1 mô rứa , mau khai cho tui nghe thử nào.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
THAINGO-A1
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 08 8 2008
Số bài: 3616

Bài gửiGửi: Hai 7 26, 2010 6:08 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Mệt ghê , Chứ O nớ hỏi chi cắc cớ rứa hè ...Tui nhớ có lần đã nói - lấy chồng rồi -mà vẫn cắp sách đến trường
...Sáng xe đưa đi , trưa đón về ....Có những buổi trễ phà -lang thang - nhớ bạn bè ....nhớ Sao Mai ...quá đỗi ....THAI NGÔ - A1 ni là ở QUY NHƠN đó . Có khi buồn buồn tui còn " tự phong " cho mình là THAI NGÔ - Xê nữa đó .Lớp Xê của Ôn Mạnh Lâm , Thiên Hương .Cung Quảng , Lê Long , Thanh Tú , Minh Mộng , Phạm thị Hiền ,P Thị Hoa , Mai thị Bông , Huỳnh Anh ..........

Có lần Thầy NGÔ KHÔN LIÊU hỏi tui - em học lớp Xê với Thiên Hương , Cung Quảng ....lớp Thầy Chủ Nhiệm - Răng mà Thầy chẳng nhớ em .... Thế là ....rưng rưng nước mắt - Thưa Thầy - Nếu tiếp tục học ở .SAO MAi - chắc chắn - em sẽ theo lớp XÊ Thầy ạ ! THẦY gật đầu thương cảm ...

Chỉ chừng đó thôi . Hết " théc méc " chưa O nớ ? .


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 1 07, 2012 7:34 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Saigon những ngày cuối năm, đường phố chật như nêm, người ta vội vã mua sắm..Thèm được về Đà Nẵng để hưởng cái tết ở quê nhà.

Đọc lại truyện ngắn Một cành mai trắng, nhớ lại nhiều kỷ niệm thời đi học...tái hiện lại không khí tết thời trung học...thèm được sống lại cái tuổi mười lăm mười bảy quá đi thôi.

Cám ơn anh HTB đã cho đọc một bài văn hay.

Bên thềm xuân Nhâm Thìn , xin được chúc HTB cùng Quý Quyến vui đón Năm Mới tràn đầy An Khang, Thịnh Vượng và Vạn Điều Như Ý.

Thân mến,
Tuyêt Nhung


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lolem
HS SaoMai


Ngày tham gia: 25 10 2011
Số bài: 18
Đến từ: AUS

Bài gửiGửi: CN 2 19, 2012 4:24 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

TRUYEN HAY GHE ,KO NGO HTB CUNG CO TAI VIET VAN RAT CHUYEN NGHIEP.DE NGHI NHA VAN-THO POST HINH LEN CHO SAO MAI NHAN DIEN CHAN DUNG,LO LEM NGHI LA NEN DOI CAU THANH NGU TREN THANH NHU RI THI DE HIEU HON"TRONG TINH YEU CO LY TRI,TRONG LY TRI CO SU DIEN CUONG" NHA VAN THAY RA RANG?


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Tulip
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 8 2008
Số bài: 1925

Bài gửiGửi: CN 2 19, 2012 7:36 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Nhờ Lolem mà hôm nay TH cũng mới đọc cái bài ni của HTB , năm ngoái đi du lịch nên bỏ sót , nhớ lại chuyện yêu đương thuở học trò thật là dễ thương và hồn nhiên ,Cám ơn HTB đã viết bài này , Lâu quá không thấy HTB viết thêm gì cả , Chúc HTB và Lo Lem vui với diễn đàn Sao mai
Thân mến


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Hòang Thủy Biển
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 18 1 2010
Số bài: 167

Bài gửiGửi: Ba 2 21, 2012 12:49 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chào bạn Lọ Lem,

Tại hạ mới về nhà sau một chuyến đi chơi xa cuối tuần, sáng nay lên diễn đàn và đọc được những dòng của bạn. Và bây giờ trả lới cho bạn liền đây.

Thứ nhất, tại hạ cám ơn bạn đã đọc cái truyện ngắn này vì người viết nào chẳng ao ước có người đọc bài của mình. Cám ơn nữa là bạn đã có đôi lời khen ngợi khiến tại hạ cảm thấy vui và dễ thở hơn. Dể thở hơn là vì hai lỗ mũi tại hạ nở to ra hết cỡ nên nhờ đó hit thở có phần dễ dàng thoải mái hơn.

Còn chuyện sửa đổi lại câu văn trích dẫn thì quả thật tại hạ chưa dám to gan đến thế. Vì Nietzsche là nhà thơ và nhà triết học, cả hai, đều là hàng đầu của nhân loại. Tại hạ dù có uống cả trăm toa thuốc liều cũng chả dám sửa một dấu phẩy của một thiên tài lẫy lừng như Nietzsche.

Chân dung tại hạ vốn méo mó và tối tăm, dùng để làm ma dọa còn nít thì được; tuy nhiên, nếu bạn Lọ lem dám "post" chân dung của bạn lên diễn đàn thì tại hạ cũng sẽ liều mạng cùi đưa chân dung của tại hạ lên, để so sánh ai xấu hơn ai cho thiên hạ biết mặt, mà khiếp . . .

Cám ơn cuối cùng là nhờ bạn đọc truyện ngắn và viết đôi dòng nhận xét nên bạn Tulip mới đọc truyện ngắn này, mặc dù nó đã nằm chình ình trên dẫn đàn đã lâu, và còn có mặt trong tuyển tập Mùa Sao Mai số 2 nữa. Hu hu hu.

Chúc bạn Lo Lem và Tulip vui khỏe trẻ đẹp.

HTB


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Xỉn
HS SaoMai


Ngày tham gia: 26 3 2009
Số bài: 412

Bài gửiGửi: Ba 2 21, 2012 7:33 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hòang Thủy Biển đã viết :

Cám ơn cuối cùng là nhờ bạn đọc truyện ngắn và viết đôi dòng nhận xét nên bạn Tulip mới đọc truyện ngắn này, mặc dù nó đã nằm chình ình trên dẫn đàn đã lâu, và còn có mặt trong tuyển tập Mùa Sao Mai số 2 nữa. Hu hu hu.

Chúc bạn Lo Lem và Tulip vui khỏe trẻ đẹp.

HTB



Tui thì thích đọc truyện tranh ( hình mấy O Sao Mai) hơn là đọc truyện chữ ! Ha ha ha ...


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Tulip
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 8 2008
Số bài: 1925

Bài gửiGửi: Ba 2 21, 2012 9:14 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hu Hu xấu hổ quá , Xin lổi HTB hỉ , đã nói là đi du lịch nên về bận bịu không xem một số bài , dù chình ình ở Mùa Sao Mai 2... Laughing Laughing Laughing
Kỳ sau sẽ ráng khắc phục với điều kiện HTB cho thưởng thức thêm tác phẩm mới nhe ..
Laughing Laughing


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
lolem
HS SaoMai


Ngày tham gia: 25 10 2011
Số bài: 18
Đến từ: AUS

Bài gửiGửi: Tư 2 22, 2012 9:03 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

HA..HA..HA..HTB OI,BAN LAM LO LEM CUOI CHAY CA NUOC MAT,BAN THIET LA CO OC KHOI HAI DO,CON VE CHAN DUNG THI KHOI CAN SO SANH VI DA GOI LA LO LEM CO NGHIA LA XAU DUNG DAU BANG ROI,CHO NEN BAN YEN TAM MA POST HINH LEN,HANG NHI CUNG CON DO HON HANG NHAT.
TULIP OI,O CO BIET TULIP LA LOAI HOA LO LEM UA THICH NHAT KO,MOI MUA DONG LA LO LEM BAT DAU TRONG,KHI MUA XUAN DEN HOA NO DAY VUON AI DI QUA CUNG PHAI NHIN DAY,


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Hoàng Thủy Biển Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI