Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Y NGHĨA VỀ CON RỒNG ...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn Hoá - Khoa Học & Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Toc Trang
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 1767

Bài gửiGửi: Hai 1 02, 2012 2:01 am    Tiêu đề: Y NGHĨA VỀ CON RỒNG ... Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này




Ta về giữa cõi vô thường
Đào trong kỷ niệm tìm hương cuối mùa




Biểu tượng con Rồng trong văn hóa Việt


Rồng – một con vật tưởng tượng đầy tính siêu nhiên, được nâng lên thành vật biểu cho phương Đông và là hình ảnh phổ thông đối với mọi người dân Việt.
Xét về nguồn gốc, con rồng xuất hiện như là kết quả của một lối tư duy tổng hợp và linh hoạt của dân cư nông nghiệp Nam Á, gắn liền với các cặp đối lập mang tính âm dương như nước – lửa, nước – trời,…
Rồng được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông thì chữ Rồng trong tiếng Việt và Long trong từ Hán Việt đều bắt nguồn từ Krong, Krông, Klong trong tiếng Đông Nam Á cổ có nghĩa là Sông nước, là sự kết hợp giữa cá sấu và rắn, sinh ra từ dưới nước và bay lên trời mà không cần có cánh, miệng vừa phun nước, vừa phun lửa. Ja.V. Chesnov cho rằng, hình tượng con rồng phát sinh từ Đông Nam Á và đã thâm nhập đến những vùng xa xôi nhất của châu Au, còn D.V. Deopik lại khẳng định “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”(1).
Đối với người Việt Nam, con rồng ra đời từ thời Hồng Bàng với truyền thuyết Con Rồng – cháu Tiên đầy huyền thoại. Tiên và Rồng là một cặp đôi – vật tổ theo lối tư duy từ triết lý Âm Dương mà có, để giải thích cội nguồn tổ tiên của người Việt, trong đó, Tiên được trừu tượng hóa từ giống chim để rồi Mẹ Au Cơ đẻ trứng, còn Rồng là con vật được trừu tượng hóa từ hai con vật phổ biến ở Đông Nam Á là rắn và cá sấu, xuất phát từ tính cách trọng tình cảm, hiếu hòa của người dân nông nghiệp.
Con cá sấu vốn độc ác đã biến thành con rồng cao quý và hiền lành, phù hộ, giúp đỡ cho người nông dân. Từ con rồng biểu trưng cho cội nguồn nòi giống, người Việt đã sử dụng hình ảnh rồng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ dân dã đến ngôi cao chín bệ, từ trong văn hóa vật thể đến đời sống tâm linh.Cha ông ta thường có tục xâm mình.
Mãi đến thời Trần, Thượng hoàng Nhân Tông còn dạy vua “nhà ta vốn là người hạ bạn, đời đời ưa chuộng hùng dũng thường trổ hình rồng vào đùi; nếp nhà theo nghề võ, nên trổ rồng vào đùi là để tỏ ra không quên gốc”(2).Nếu như Long mã là con vật biểu tượng làm cơ sở cho sự hình thành Hà Đồ có từ thời Phục Hy – một trong những yếu tố xuất phát của văn hóa phương Đông theo cách giải thích của người Trung Hoa, thì con cá sấu là vật nguyên mẫu của con rồng Việt Nam mà người Hán gọi là Giao long (Rồng của xứ Giao Chỉ)(3) đã có mặt trên những chiếc rìu lưỡi xéo bằng đồng từ thời Đông Sơn như hai cặp cá sấu – rồng đang giao chân giao tay với nhau và hình ảnh ba con hươu hay ba con người, nói lên sự chuyển tiếp từ tư duy hai con số – Âm Dương đến tư duy ba con số – Tam Tài; hoặc trên chiếc qua đồng tìm thấy ở núi Voi (Kiến An, Hải Phòng) có khắc hình con cá sấu – rồng ở bên trái, hay chiếc thuyền trên thạp đồng Đào Thịnh với hình rồng giao nhau,…
Rồng còn là một trong 12 con vật tương ứng với Thập nhị Địa chi trong lịch Am Dương mà chúng ta đang dùng.Trong sinh hoạt bình thường của người dân Việt, con rồng gắn liền với ước mong phồn thực, với biểu tượng cầu mưa, bởi với cư dân nông nghiệp lúa nước, mưa thuận gió hòa là yếu tố hàng đầu, cho nên hình ảnh con rồng thường đi kèm với mây trời, sóng nước.
Dân ta vẫn cho rằng, hiện tượng gió lốc cuốn nước ngoài biển khơi là hình ảnh con rồng thò đầu xuống uống nước để lên trời làm mưa tưới xuống ruộng đồng. Có lẽ từ ý nghĩ này mà cái tên Vịnh Hạ Long được giải thích như rồng xuống uống nước làm mưa. Mở rộng ra, kết hợp trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt mà Vịnh Hạ Long, một cảnh đẹp duyên dáng và thơ mộng khó nơi nào sánh bằng, được giải thích theo một cách khác.
Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa, một lần đất nước ta có giặc ngoại xâm, Trời đã sai rồng mẹ mang một đàn con xuống giúp. Giặc tan, rồng mẹ và đàn con ở lại hạ giới. Chỗ rồng mẹ xuống nước là Hạ Long, nơi đàn con xuống là Bái Tử Long, còn đuôi đàn rồng quẫy tung sóng trắng là Bạch Long Vỹ,… Chính vì lẽ đó nên trong sách cổ thường nhắc đến Rồng vàng xuất hiện như một loại điềm tốt, và chữ Long thường được dùng để đặt tên cho nhiều địa danh ở nước ta như Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Long Môn, Long Điền, Cửu Long, Bình Long, …Nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã có lý khi khái quát rằng: con rồng đã “ẩn phục mấy nghìn năm bổng nó bay lên ở thành Thăng Long vào đầu thời đại nhà Lý 1010 và đi theo con đường phát triển của dân tộc trong gần một nghìn năm để biến thành một bộ chín con nằm trên vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Nam Bộ, ngước nhìn ra biển Đông.
Sức sống của nó cũng lâu dài và mãnh liệt như chính lịch sử tiến hóa của dân tộc”(4).Con rồng đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền lực, gắn liền với hình ảnh của ông vua trong chế độ phong kiến Việt Nam. Trước khi được đổi thành Long Thăng (Thăng Long) để định vị đế đô của vua Lý Thái Tổ vừa mới lên ngai vàng, từ Long phi (rồng bay) – một từ cổ được dùng để chỉ việc vua lên ngôi, một số từ thông dụng khác như long nhan (mặt vua), long sàng (giường vua nằm), long xa (xe vua đi), bệ rồng, sân rồng,v.v…Sự thay đổi về hình tướng con rồng thể hiện sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến qua các triều đại.





Nếu như con rồng thời Hùng Vương còn gần với nguyên mẫu con cá sấu thì rồng thời Lý đã có sự kết hợp hài hòa của cá sấu và rắn với thân hình uốn lượn nhịp nhàng, uyển chuyển, biểu trưng cho sự ổn định của xã hội và biểu trưng cho mây mưa sóng nước, mưa thuận gío hòa, cộng thêm chòm tóc, chòm lông dài và dày cùng viên ngọc trong miệng nói lên sự mềm mại, hiền từ, phù hợp với tinh thần Phật giáo đang chi phối toàn bộ đời sống xã hội bên cạnh vương quyền mà đại diện là những ông vua đức độ, giàu lòng vị tha.
Rồng thời Trần uốn lượn có phần thoải mái, linh hoạt hơn, phản ánh sự phát triển năng động của thời đại, sự củng cố một bước cao hơn quyền lực xã hội của giai cấp phong kiến, của chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Rồng thời Hồ thân hình mập mạp, to khỏe hơn cho thấy sự sung sức, táo bạo của vương triều vừa mới sáng lập bằng cuộc cải cách của Hồ Quý Ly.
Thời Lê, khi Nho giáo đã trở thành “quốc giáo”, một xã hội có “kỷ cương” hơn, uy lực của nhà vua lên đến tột đỉnh, thì hình dáng con rồng dũng mãnh, dữ tợn hơn với móng quặp, sừng dài, râu rậm, mặt mũi đanh, sắc, bờm dựng,…
Sang đến thời Mạc, rồng uốn khúc tuỳ tiện, với hình dáng chấp vá phản ánh một thời kỳ hỗn độn, phân liệt, tranh chấp liên miên. Nhà Nguyễn được thiết lập, Nho giáo trở lại vị trí “quốc giáo” nhưng đi vào giai đoạn suy tàn nên khác với con rồng thời Lê cái hung hãn là của một sức mạnh thực lực bên trong, còn rồng thời Nguyễn thì hình dáng hung tợn nhưng thiên về dọa nạt bên ngoài.Rồng biểu trưng cho sức mạnh của các triều đại phong kiến nên được trang trí một cách phổ biến trên mọi công trình kiến trúc ở cung đình, lăng tẩm của các ông vua. Trong việc chọn đất để dựng đế đô, xây lăng tẩm bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc tả thanh long, hữu bạch hổ. Phải là người am hiểu phong thổ địa lý mới được giao cho việc tầm long (tìm long mạch) và công cụ để tìm đất là cái tróc long (nhỏ hơn la bàn một ít).
Tương truyền khi Cao Biền được cử sang cai trị đất Giao Châu, ông đã dùng phép thuật để tìm long mạch ở nước ta mà ém đi với hàm ý làm cho dân tộc ta không còn có cơ may để giành lại độc lập và phát triển. Gần đây, trong cuộc khai quật với quy mô lớn Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật có từ thời Lý – Trần – Lê gắn liền với biểu tượng rồng. Chẳng hạn, những lá đề nóc mái bằng đất nung có hình hai con rồng; chiếc vảy rồng bằng gốm mày và đầu rồng bằng đất nung thời Trần; phù điêu rồng men xanh lục trang trí trên gạch thông gió thời Lê Sơ thế kỷ XV, v.v…
Khi dân gian bắt chước dùng hình ảnh con rồng để trang trí ở đình chùa miếu mạo thì rồng năm móng thuộc đặc quyền của vua, dân gian chỉ được phép dùng rồng bốn móng hoặc ít hơn. Rồng trong dân gian tuy đơn giản hơn nhưng kiểu thức thì linh hoạt, phong phú hơn và gần gũi với đời sống nông thôn.Theo truyền thuyết, khi đức Phật Thích ca ra đời có chín con rồng phun nước tắm, nên các tượng Thích Ca đản sinh ở Việt Nam thường thuộc kiểu tượng Cửu Long, hoặc tượng Quan Âm chuẩn đề ở bệ thường có hình rồng nổi trên mặt sóng biển giơ hai tay đỡ lấy toà sen, còn gọi là Quan Am Nam Hải.
Ngoài ra, hình rồng được trang trí ở nhiều bộ phận lớn nhỏ của các công trình chùa tháp như gạch trang trí hình rồng hay cánh cửa gỗ chạm hình rồng ở chùa Pháp Minh, rồng ở bậc đá lên xuống chùa Đậu, rồng chầu mặt nguyệt ở chùa Bút Tháp, bao lam chạm rồng ở chùa Bửu Lâm, Tiền Giang,…
Trong bộ tứ linh (long – ly – quy – phụng), rồng là linh vật đứng đầu, biểu tượng cho uy lực, cho nam tính, vì vậy, Rồng – Phượng biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi (phượng biểu tượng cho nữ tính). Không những thế, rồng còn là một mô típ quan trọng xuyên suốt trong nền nghệ thuật tạo hình cổ, trên gốm sứ Việt Nam. Múa rồng là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc ở nước ta.Rồng còn đi vào lĩnh vực văn chương như một biểu tượng đẹp đẽ, cao quý, có giá trị về cả tinh thần lẫn vật chất:
- Trứng rồng lại nở ra rồng,Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
- Một ngày ngồi tựa mạn rồng,Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.
Tuy nhiên, rồng cũng không phải là loài vật thiêng liêng tuyệt đối. Ngay cả vua Tự Đức, trong một bài thơ chữ Nôm cũng đã viết:
Khuyên kẻ theo đòi đừng chịu nhọc
Đuôi rồng vin đặng lọ râu rồng (5)
Chỉ là một con vật tưởng tượng, song con rồng đã len lõi vào trong cuộc sống của người Việt Nam, nó đi vào tâm thức của người Việt như một biểu tượng đẹp đẽ và đẹp hơn cả là con rồng ở tư thế bay lên.
Bằng sức mạnh Thăng Long, hy vọng sẽ tạo ra một sự chuyển mình tốt đẹp để đưa nhân loại nói chung và nhân dân Việt Nam đi vào thiên niên kỷ mới vững vàng hơn, tự tin hơn. Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một trong những con rồng của châu Á.

st



_________________
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Văn Hoá - Khoa Học & Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI