Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Chuyện Nghỉ Hưu Tại Hải Ngoại

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: CN 11 13, 2011 10:27 am    Tiêu đề: Chuyện Nghỉ Hưu Tại Hải Ngoại Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

CHUYỆN NGHỈ HƯU TẠI HẢI NGOẠI

Trong đời sống của mọi người, đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải ngưng làm việc để nghỉ hưu.
Đây là một giai đoạn mới vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.

Hai vợ chồng tác giả cũng đã gác kiếm từ quan từ 2-3 năm nay rồi.

***

Tuy có chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn bị shock

Ai cũng vậy, làm việc đến một tuổi nào đó thì cần nên nghỉ.

Tuy luật không bắt buộc mình phải nghỉ nhưng thông thường thì thiên hạ nghỉ khi họ được 65 tuổi. Đây là tuổi quy định của luật pháp để lãnh tiền già ( pension du Canada hay old age pension).
Đây là nói chung chung trường hợp mình làm công cho người khác, làm công chức cho chánh phủ v,v…Còn trường hợp mình làm chủ thì muốn nghỉ lúc nào mà chẳng được.

Mặc dù đã có chuẩn bị tư tưởng từ nhiều năm trước nhưng khi bắt đầu ngưng làm việc thật sự, bỏ lại sau lưng tất cả các thói quen cũ để bước vào một nề nếp sinh hoạt hoàn toàn mới, thì mấy tháng đầu vợ chồng người gõ cũng phải chịu đựng nhiều xáo trộn về tinh thần lẫn vật chất.

Phải cần một thời gian đôi ba tháng mới quen và thích ứng được vào với hoàn cảnh mới!

Nhiều thay đổi trong cuộc sống

Thời gian nghỉ hưu thường tạo ra nhiều sự thay đổi trong đời sống.

Đó có thể là sự thay đổi chỗ ở và phải hòa mình vào một khung cảnh mới, bởi lý do nầy nên hưu viên phải chịu mất đi một số bạn bè và mối giao tiếp xã hội của mình từ xưa nay.

Chúng ta phải cần có một thời gian để tìm hiểu và thích ứng vào nếp sinh hoạt mới.

Không ít người nghỉ hưu bán nhà để dọn đến những nơi gần con cái.

Có người chọn giải pháp mua condo để ở cho đỡ phải dọn dẹp, và khỏi lo săn sóc nhà cửa cũng như để tiện bề đi du lịch trong thời gian dài.
Có người nhảy ra làm từ thiện hay làm thiện nguyện.

Đi du lịch

Điều kiện là cần phải có sức khỏe và có chút đỉnh tiền.

Đi du lịch xa là cái mode thường thấy nhất trong mấy năm đầu khi vừa mới nghỉ hưu.
Theo nhiều cụ kinh nghiệm, thì mấy năm đầu lúc vừa mới nghỉ thì thiên hạ có khuynh hướng đi du lịch ào ào.
Từ 75 tuổi trở đi thì họ bắt đầu thấm đòn, sức khỏe yếu đi, hay mỏi mệt bất tử, nên sự hăng say du lịch của buổi đầu cũng dần dần giảm theo năm tháng.

Các tours du lịch xa có guide hướng dẫn rất được giới cao niên ưa chuộng vì tiện lợi và rất khỏe. Ngược lại,tụi trẻ thì thích được tự do quyết định nên chuộng giải pháp mướn xe, muốn chạy đâu, viếng đâu tùy thích.

Hầu như không ít bà con mình, đặt ưu tiên chuyện về Việt Nam trong chương trình du lịch của họ… Kế là qua Mỹ hoặc qua các nước Âu Châu, trước là đi chơi và sau là ghé thăm bà con hay bạn bè một thể.
Có nhiều người đi tours Trung Quốc, đi hành hương Ấn Độ, v.v…
Bạn bè chí thân thường rủ nhau đi du lịch chung cho vui.
Người thì đi tours nghỉ mát tại các resort ở Mexico, Cuba hoặc các đảo vùng Caribbean, v.v…
Tùy theo mùa, giá cả có khác nhau. Trung bình, nguyên trọn gói, bao vé máy bay khứ hồi từ Montreal, ăn ở một tuần trong hotel 4 sao của resort lối 1300- 1500$.
Nếu là mùa ế low season, giá có thể còn rẻ đi rất nhiều.

Người khác thì theo tours du thuyền cruise trong một tuần lễ tại vùng biển Caribbean. Ghé qua các đảo như Saint Martin, Sainte Croix, Saint Kitts, Virgin Islands, Grenada…
Có người đi tours vùng Nam Mỹ, Panama…hoặc tours vùng Hawaii, tours Alaska xem gấu trắng.
Các tours du thuyền vùng Caribbean, tàu chạy ban đêm cho tới sáng lúc 7 giờ là cập bến vào một đảo. 8 giờ sáng thì bắt đầu cho du khách lên bờ chơi. Đi đâu thì đi nhưng phài trở xuống tàu trước 5 giờ chiều.
Lối 80% du khách đều là các người cao tuổi.
Có người đi theo các tours du thuyền lâu nhiều tuần bên Âu Châu hay bên Á Châu. Mục đích để thăm viếng được nhiều xứ.
Du thuyền Princess Cruises ghé qua nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Tp Hồ Chí Minh, Hong Kong, Tp Pusan Nam Hàn v,v…

Tours du thuyền có thể được xem là sang trọng và rất thích hợp cho lớp tuổi già.

Nhưng có một sự thật là đi đâu lâu ngày, khi trở về tới nhà mình thì vẫn cảm thấy khỏe gì đâu.
Được nằm ngủ trên cái giường của mình thì không có gì sung sướng hạnh phúc cho bằng!

Mỗi ngày dân nghỉ hưu thường hay đi đâu?

Sáng sáng, dân nghỉ hưu thường hay đến mấy cái thương xá, tiệm cà phê bình dân ngồi chùm nhum với nhau đấu láo và ngó thiên hạ đi qua đi lại.
Hẹn nhau ra quán cà phê tâm sự là giải pháp hay nhứt, thích hợp của đám đàn ông. Tha hồ tán dóc, ăn tục nói phét, tha hồ dòm ngó mà khỏi sợ mấy bà bắt lỗi sửa lưng cụt hứng.

Tại Quận Cam/Westminster, thương xá Phước Lộc Thọ được xem là nơi hẹn hò, tụ họp của các đồng hương cao niên.

Các bà thường có thú đi la cà, đi tà tà, đi vòng vòng trong thưong xá. Hết tiệm nầy, đến tiệm khác, để rửa mắt windowshopping mà thôi. Vô tiệm, lấy cái nầy, rờ cái kia, ướm lên người, đeo vào cổ, lại xem kiếng, ẹo qua ẹo lại, rồi bỏ món hàng trở lại chỗ cũ cũng thấy sướng rồi.
Rửa mắt là một cá thú của phụ nữ bất luận tuổi tác nhưng không phải là kiểu của bọn nình ông.
Khoa học nói rằng shopping là một cái thú của đàn bà để giúp họ giảm đi stress. Vậy chúng ta nên thông cảm cho mấy bà.
Some studies have led to a conclusion that shopping is one of the ways to combat depression. A woman tends to get so engrossed in shopping, that she can shop for hours together without eating or getting tired.
Thankfully most of the shopping malls have a coffee shop, where men can enjoy sipping their espresso while women enjoy a stress free experience! Happy shopping ladies!!!

Các ông thì ngồi chờ tại các băng ngoài hành lang, ngắm cô đi qua bà đi lại, ngáp ngắn ngáp dài. Có ông thì dọc sách, đọc báo… tìm ý gõ bài.

Tin đồn rằng, một số ít cụ nhà ta rất có lòng từ tâm và hào hiệp hoặc muốn tự thưởng mình sau bao năm dài đăng đẳng làm việc vất vả, nên thường hay du lịch về Việt Nam trước thăm mồ mả ông bà, luôn tiện giúp các cháu gái thoát cảnh nghèo đói để đổi đời, cả hai đều có lợi…
Nội cái được nghe cháu gọi mình bằng anh xưng em ngọt sớt thì cũng thấy sướng tê người, trẻ ra được 30 tuổi rồi.
Nghe nói với số tiền trợ cấp hưu pension hay tiền già 1000$ một tháng bên nầy, nhưng về bển thì tha hồ mà ăn chơi phè phỡn, dư sức qua cầu gió bay!
Phó tế Nguyễn Manh San có viết một bài về vấn đề nầy: Tiền trao cháo múc
Vậy các cụ phải cẩn thận để khỏi bị sập bẫy.

Tổ chức cuộc sống lại cho có ích lợi

Đa số người già nghỉ hưu rất rảnh rỗi. Đôi lúc được con cái nhờ cậy giữ cháu nhỏ hộ trong một hai ngày. Đây thật sự là một niềm vui của các bậc ông bà hay những người lớn tuổi!

Giử cháu:một niềm vui của tuổi già

Ngoài ra, người lớn tuổi đều có ý thức quan tâm đến vấn đề sức khỏe của chính mình, nên họ thường năng luyện tập thể dục thí dụ như chạy bộ jogging (rất ít thấy), đi bộ (thường thấy nhứt), tập tài chi dưỡng sinh, khí công, dịch cân kinh, aerobic, chơi golf, đánh tennis, ping pong, hoặc chơi đánh cờ tướng với nhau.. Món nầy người gõ thấy rất phổ biến tại Lion Plaza, San José/Cali…Đó là chưa kể các môn rửa xe, xúc tuyết, lau nhà, hút bụi, đổ rác, xách giỏ cho bà nhà…đều là những môn thể dục rất tốt và rất thiền.
Muốn sang thì ghi tên vào một club thể dục thẩm mỹ để tập vui hơn.

Ngày trong tuần, nếu vô các thương xá chúng ta thường gặp toàn là cụ ông cụ bà từ 50- 60 tuổi trở lên đi tới đi lui không hà.

Một số cụ thì quan tâm đến việc tu hành, thiền định để tìm sự an lạc cho tinh thần cũng như để chuẩn bị cho kiếp sau!

Chán quá

Cũng có người thì cảm thấy quá nhàn rỗi…
Không biết làm gì trong ngày, hết đứng thì ngồi, ra vô, đi tới đi lui, ngó trước ngó sau, hết ngồi rồi nằm.Vào phòng nghiền ngẫm internet, check email. Ra salon mở tv. Đọc báo hết tờ nọ tới tờ kia. Rồi lướt qua tin xe cán chó, đến các mục quảng cáo bán nhà, sang nhà hàng, sang tiệm nails đang đông khách.
Kế đến là mục tìm bạn bốn phương sao thấy nhiều phụ nữ, đẹp, hiền, công dung ngôn hạnh mà số lại có số cô đơn, hẫm hiu thấy tội nghiệp quá vậy?
Rồi làm luôn tất cả các tin vui lẫn tin buồn, cáo phó phân ưu cho biết…chừng nào tới phiên mình đây.
Đôi khi lấy phone gọi đầu nầy đầu nọ cho đỡ buồn.
Tình trạng nầy nếu kéo dài sẽ khiến nhiều cụ dễ bị rơi vào sự buồn chán hay trầm cảm!

Riêng người gõ thì không có gì đặc biệt cả:
Chiều chiều về tới cổng nhà,
Nhà tôi trông ngóng từ nhà ngó ra.
Nghỉ hưu lẩn quẩn quanh nhà,
Nhà sau nhà trước, buồn vui với bà.
(Nguyễn Thượng Chánh)

Khó khăn trong đời sống vợ chồng lúc nghỉ hưu

Hơn nữa, trong gia đình, sự chạm mặt nhau hằng ngày dễ làm xẹt điện, đưa đến khẩu chiến (thầy bói gọi là khắc khẩu hay khắc tuổi) giữa vợ chồng với nhau.

Không biết có phải tại vì già nên tánh tình thay đổi khiến vợ chồng thường hay kiếm chuyện cằn nhằn với nhau về những cái gì không đâu, lãng nhách không hà.

Khoa học nói là bà bị xáo trộn hormones của tình trạng mãn kinh ménopause, hay bị rối loạn nhân cách giáp ranh Borderline personality Disorder BPD,còn ông thì bị mãn dục andropause tánh tình cũng hơi gàn, khi vầy khi khác, buồn vui bất thường ai mà biết được.

Nhưng phải nhìn nhận là hình như mấy bà có phần chủ động khởi xướng chiến tranh hơn là các ông. Tại sao?
Theo các nhà tâm lý học thì trong đời sống vợ chồng, cần phải có hai người. Nhưng cả hai vợ chồng muốn sống như chỉ có một người thì làm sao mà được. Chiến tranh lạnh nổi lên vì lẽ đó.
Rồi còn người nầy (thường là madame) muốn cải hóa bắt buộc người kia phài theo ý mình, phải giống y chang mình.
Cần nên biết rằng mỗi người đều có sở thích riêng rẽ, kiểu cách riêng biệt cũng như có nhu cầu khác nhau.
“Une des principales raison de discordance dans les couples est le désir de vivre à deux comme si on était seul. Il est alors difficile d’accepter que l’autre ait des goûts bien à lui, des manières qui lui sont particulières et même des besoins différents”. ( Michelle Larivey, Psychologue).

Chuyện tâm đầu ý hiệp chỉ là chuyện của mấy năm 5-10 năm đầu tiên khi mới sống với nhau mà thôi. Sau đó thì cả hai vợ chồng phải biết tự điều chỉnh để thích ứng adjust với nhau mới mong sống chung được tới ngày xuống lổ. Lâu lâu hai vợ chồng cần phải đi hâm nóng tune up tình yêu lại.
Thực tế cho thấy đàn ông và đàn bà, càng già càng trở nên khó chịu với nhau. Cái khác biệt là một người (thường là vợ) dám nói ra và nói hoài, nói mãi nagging khiến đối phương khó chịu bên trong, muốn khùng luôn nên phải cố gắng làm thinh theo đúng câu của ông bà đã dạy: Vợ giận thì chồng bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.(theo tài liệu của hội Sovo Bắc Mỹ)
Đây là chân lý.
Đàn ông đàn bà là hai thế giới riêng biệt như đã nói trong tác phẩm Why Men Don’t Listen & Women Can’t Read Maps by Barbara and Allan Pease, Broadway Books, New York

Một nguyên nhân khác trong sự xung đột vợ chồng là guerre de territoires hay vấn đề tranh chấp lãnh thổ của họ, chốn riêng tư, chẳng hạn như cái nhà bếp của bà bị ổng xâm nhập thường xuyên.
Bà có cảm giác là ông xã tối ngày quanh quẩn chàng ràng bên chân mình làm bà khó chịu và đổ quạu không cần báo trước.
Bà sắp đặt đồ đạc có thứ tứ ngăn nắp theo một kiểu cách nào đó, ông vô bếp không để ý, mà có ý đâu mà để, xớn xa xớn xác để không đúng chỗ là bà nẹt liền. Các ông mà có lãi nhãi lại thì bị cho là già sanh tật khó chịu không biết lỗi.
Ngược lại có bà thì cảm thấy quá bất công, tủi thân phận mình, sao thằng chả ở không mà hổng biết thương vợ, san sẻ công việc nhà cho người ta nhờ, không giống như chồng của người ta(?).

Phần các ông thì nói mấy bà xâm lấn quyền hạn, khó chịu quá, đòi hỏi quá đáng. Ngày xưa, di làm ở sở, ở hãng vậy mà tự do, khỏe hơn, không ai xài xể mình hết. Về tới nhà mệt đừ, có thì giờ đâu mà cằn nhằn, mà cãi lộn với nhau. Thật ra lúc còn đi làm, thời gian ở trong sở nhiều hơn thời gian ở bên vợ bên con nhờ vậy mà ít đụng chạm.
Để tránh sư gần gủi trên (hay sự lấn đất), nguyên nhân của xung đột, của cãi vả nên nhiều ông chồng tìm đến ẩn thân tại những vùng đất mới bình yên hơn, như quanh nhà, như di tản xuống dưới sous sol (basement), hoặc vô garage hay ra ngoài vườn vv…để tránh chạm mặt bả.
Thôi, tịnh khẩu cho yên chuyện.

Ráng chịu riết rồi cũng quen

Nghỉ hưu cần phải có một thời gian điều chỉnh trong cuộc sống lứa đôi. Cả vợ lẫn chồng phài tập sống lại với nhau trong bối cảnh hai người chớ không phải của một người.

Theo L’Institut national d’études démographiques INED (Pháp), ly dị ở lớp tuổi 60 đã tăng lên gấp hai từ năm 1985. Nguyên nhân do những khó khăn trong thời gian nghỉ hưu đem đến.

Retraite en couple, comment dépasser les problèmes? (Leatitia Maury-Abello Psychologue)

Những năm cuối cuộc đời

Những năm cuối cuộc đời, vì sức khỏe kém nên có cụ cần phải được giúp đỡ trong sinh hoạt hằng ngày.
Có cụ chọn giải pháp dọn vô ở trong nhà dành cho dân nghỉ hưu (retirement home) và có cụ khác thì bắt buộc phải vô sống trong viện dưỡng lão (nursing home) để có người săn sóc cho đến ngày ra đi. Ôi sao mà thê thảm đến thế!

Gặp lại bạn bè

Bạn bè lâu ngày gặp lại vợ chồng người gõ thì thường hay hỏi những câu đại loại như sau:

-/ Lúc rày nghỉ có khỏe không? (trả lời: khỏe chớ)
-/ Lúc này nghỉ rồi làm gì? (không có làm gì hết, nghỉ mà)
-/ Có đi đâu chơi không?( có khi đi có khi không, huề vốn)
-/ Có đi về Việt Nam không?(chưa tính lúc nầy, huề vốn)
-/ Có đi làm thiện nguyện không? (có làm từ lâu, làm cho bà xã mà)
-/ Có đi làm thêm gì trong nghề không?(nghề gì? Chỉ làm ở nhà theo lệnh bà mà thôi)
-/ Có làm nghề gì khác không?( nhiều quá, nhớ hổng hết)
-/ Nghỉ ở nhà có chán không?( Đâu có thời gian rảnh đâu để mà chán)
-/ Nghỉ ở nhà có thường bị bả đì không? (Anh sao tui vậy. Huề vốn)
-/ Nghỉ ở nhà, ổng thường làm cái gì?( lúc nào? Sáng hay tối? Cũng như bạn vậy thôi)
-/ Sao cũng còn trẻ (?) hoặc job thơm (?) mà nghỉ chi cho uổng vậy! ( Bộ xỏ ngọt người ta hả? )

Bao nhiêu câu hỏi trên cũng đủ nói lên tâm trạng lo lắng chung của mọi người trước viễn tượng về hưu.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau không ai giống ai hết. Cũng có người phải nghỉ hưu vì hãng đóng cửa, vì bị mất việc, vì vấn đề sức khoẻ hay cũng vì hoàn cảnh bắt buộc, v.v.

Nhưng, những điểm lo lắng chung của mọi người mà người gõ nhận thấy quan trọng chính là ở ba điểm như sau:
1/mối quan hệ giữa vợ chồng,
2/sức khỏe,
3/tiền bạc.

Giai đoạn “tang chế” sau khi nghỉ làm

Ai cũng phải trải qua một giai đoạn buồn chán vì phải thay đổi nếp sinh hoạt thường ngày từ mấy chục năm nay lúc còn đi làm. Thời gian nầy dài hay ngắn tùy theo người.

Các nhà tâm lý học gọi là giai đoạn “tang chế” (période de deuil), nghĩa là hưu viên cảm thấy mất mát một cái gì đó mà mình hằng quen thuộc trong đời sống.

Trong thời gian nầy, họ rất dễ bị rơi vào tình trạng trầm cảm, dépression.
Nếu tình trạng nầy kéo dài thì cần phải đi khám bác sĩ.

Tại sao có người sợ nghỉ hưu?

-/ Có người đã đủ tuổi về hưu nhưng không muốn nghỉ vì còn quá yêu…công việc hay ghiền việc (workaholic)!
-/ Có người muốn nghỉ hưu nhưng phải ráng cày vì họ còn phải nuôi con ăn học thêm một vài năm nữa!
-/ Có người vẫn còn duy trì sự làm việc, nhưng chỉ làm bán thời gian (part time) hoặc chỉ làm một hay hai ngày trong tuần!
-/ Có người đã nghỉ hưu, nhưng sau đó trở vô xin làm việc lại!

“Tui sợ ở nhà hoài sanh bệnh”
“Tui cũng muốn nghỉ lắm nhưng sợ ở nhà không có gì làm, chán lắm”

Đây là những câu tâm tình mà người viết thường hay nghe các bạn đàn ông nói.

Phải chăng đây là một lý do thật sự?

Và cũng không hiểu tại sao dân chúng lại phản đối dữ dội khi chính phủ sở tại muốn kéo dài tuổi làm việc ra thêm nữa? (tuổi chính thức được chính phủ Canada chấp nhận cho nghỉ hưu là 65 tuổi)

Báo Tây có nêu lý do tại sao một số người vẫn còn muốn tiếp tục đi làm mặc dù họ đã tới tuổi cần hưu trí rồi:
* Tại vì ông anh sợ phải ở nhà thường xuyên với bà chị, nhưng ít khi nào nghe trường hợp ngược lại là bà chị không dám nghỉ hưu ở nhà vì sợ chạm mặt thường xuyên với ông chồng mình.

*Kinh tế, tài chánh khó khăn nên cần phải đi làm thêm để kiếm thêm chút đỉnh cho bả vui.

Có bạn thì thành thật hơn “tui ngại ở nhà vì phải chạm mặt thường xuyên với bà xã quá!”.

Vấn đề nầy là một sự thật mà ai cũng phải đành chịu thôi. Chạy đâu cho khỏi bạn ơi!

Trong các khóa học coaching “chuẩn bị nghỉ hưu” (Pre retirement courses) cho nhân viên nhà nước hoặc cho các công ty, thuyết trình viên là các nhà tâm lý học thường nêu cái vấn nạn nầy lên để chúng ta đừng ngạc nhiên lúc phải ở nhà thường trựcvới người hôn phối của mình.

Ai cũng vậy mà thôi!

Nhưng nếu nghĩ cho cùng, thì còn đôi bạn cũng vẫn còn thấy may mắn và hạnh phúc hơn nhiều!

Cái gì cũng cần phải có sự chuẩn bị hết

Theo ý riêng của người gõ, thì cần phải chuẩn bị tư tưởng trước khi nghỉ hưu.

-/ Cái gì cũng phải có ngày chấm dứt, để bước sang một giai đoạn khác trong cuộc sống;
-/ Phải ý thức là mình già rồi, cần phải nghỉ ngơi để đi đây đi đó khi còn đầy đủ sức khỏe;
-/ Bệnh hoạn có thể đến với mình bất cứ lúc nào;
-/ Nghỉ hưu để vui sống với vợ, với chồng mình mà hình như từ mấy chục năm nay mình không có thể sống cho nhau một cách trọn vẹn được vì sự ràng buộc về sinh kế, về con cái, vân vân;
-/ Nghỉ hưu để có thể có nhiều thời gian bên cạnh các cháu nội ngoại, để nhìn thấy chúng lớn lên;
-/ Nghỉ hưu để mỗi sáng tĩnh lặng có thể, bên cạnh tách cà phê nóng, cùng thảnh thơi nghe tiếng chim hót líu lo sau nhà hay cùng ngắm nhìn những giọt sương đêm còn lấp lánh đọng trên các tàn cây ngoài mái hiên nhà, hoặc thong thả thưởng thức mặt trời toả đủ màu sắc trước khi lặn vào mỗi chiều hoàng hôn, vân vân và vân vân.

Muốn cho sự nghỉ hưu được tốt đẹp, không nhiều sóng gió thì chúng ta cần phải tạo cho mình một lịch trình sinh hoạt đều đặn, để nó trở thành một routine (nếp quen thuộc) trong cuộc sống và mình phải tuân hành theo bằng mọi giá.

Đừng bao giờ để bị rơi vào tình trạng quá rảnh rỗi vì sẽ dễ bị đưa đến sự buồn chán.

Nói tóm lại, mình phải tạo cho mình một thời khóa biểu…bận rộn busy.

Mỗi người mỗi kiểu mỗi cách!

Kết luận

Cần phải nghỉ lúc mình còn sức khoẻ để đi đây đi đó chớ chần chờ đến lúc ngồi xe lăn hay hui nhị tì thì có hối tiếc cũng không kịp.
Nay, con cái cũng đi hết rồi, nhà trống vắng chỉ còn có đôi ta mặt sức mà lớn tiếng…cãi qua cãi lại mà không cần phải đóng cửa.

Nghỉ hưu, một giai đoạn mới trong cuộc đời bắt đầu với không đồng hồ, không ngày, không tháng, không stress, muốn ngủ lúc nào, muốn thức lúc nào, ăn lúc nào, ăn ở đâu, ăn cái gì, ăn làm sao, cho dù mưa rơi bão tuyết cũng chẳng làm cho ta lo lắng nao lòng.

Ôi, tự do ơi, một lần nữa, ta chào đón mi bằng hai tay và…cả hai chân!

Đồng vợ đồng chồng, tát bể…Hưu cũng cạn!

(Đối với tôi, nghỉ hưu là sự khám phá ra cái đẹp. Trước nay, tôi chưa từng bao giờ có thời giờ để nhận thấy nét mỹ quan của các cháu tôi, của vợ tôi và của cây ngoài ngõ. Và cả cái đẹp của thời gian nữa).
“Retirement has been a discovery of beauty for me. I never had the time before to notice the beauty of my grand kids, my wife, the tree outside my very own front door. And, the beauty of time itself.” Harman Jule.

(Tôi đã nghỉ hưu – Giả từ căng thẳng, chào đón hưu liễm).

“I’m retired – goodbye tension, hello pension!”
– Author Unknown

( ST )



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
phale
HS SaoMai


Ngày tham gia: 19 7 2008
Số bài: 448

Bài gửiGửi: Ba 11 15, 2011 4:42 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này



Năm điều giúp bạn cảm thấy sung sướng hơn

Đi tìm hạnh phúc đôi khi nói thì dễ nhưng thật ra cũng khó

Một số nhà khoa học cho rẳng hanh phúc (happiness ) được định đoạt nhiểu nhất bởi di truyền, sức khỏe và những yếu tố khác mà con người không kiêm soát được. Nhưng theo nghiên cứu mới đây thì chúng ta thật sự có thể chăm lo hạnh phúc cho chính mình và gia tăng thêm hạnh phúc nhờ vào một số điểu thực hành

Nhân xét trên đã được đăng trong tạp chí Journal of Chlinical Psychology, và dưới đây là năm điểu mà nhóm nghiên cứu nhận thấy có thể cải tiến hạnh phúc

1- Biết ơn- Một số người đã được yêu cầu viết những thư cám ơn cho các người đã giúp đỡ ho vể bất cứ một việc gì đó. Nghiên cứu cho thấy những người này cảm thấy đuợc sung sướng hơn một cách lâu dài-- cả tuần và có khi cả tháng---sau khi tập được thói quen trên đây. Điều đáng ngạc nhiên hơn là ngay cả khi viết thư rổi mà không gởi đi cho người nhận họ vẫn cảm thấy dễ chiụ hơn sau đó

2- Lạc quan- Một cuôc tập dượt khác cũng tốt là tập suy nghĩ một cách lạc quan. Các người tham gia đã được yêu cầu tưởng tượng tới một tượng lai lý tưởng: chẳng hạn như có một người vơ/chồng thượng yêu, hoặc kiếm được một việc làm mong muốn..Sau khi tâp dượt như vậy nhiểu tuẩn lễ, những ngưới này cho biết là họ cảm thấy hạnh phúc hơn

3- Đếm nhửng điều tốt lành nhận được - Theo nghiên cứu thì khi được yêu cầu viết xuống ba điều tốt lành đến với họ trong mỗi tuẩn,các người tham gia cảm thấy hạnh phúc của họ được thăng tiến đáng kệ (boosts in happiness). Dường như việc tập trung suy nghĩ một cách tích cực giúp người ta nhớ lai các lý do để cảm thấy được sung sướng

4- Sử dụng năng lực- . Có nghiên cứu khác yêu cầu các người tham gia nhận định ra năng lực tối ưu nhất của mình và sau đó thử phát huy năng lực này theo nhửng phượng hướng mới. Chẳng hạn như một người có tài hài ước có thể thử kể truyên “tiếu lâm” trong các buổi họp bàn chuyễn làm ăn hay để giúp vui cho bạn bè đang có chuyện buồn

5- Làm điểu tốt.- Tục ngữ có câu: Giúp người là giúp ta. Những người cống hiến tiển bạc và thởi gian vào việc thiện, hoặc có lòng vị tha giúp đỡ những người thiếu thốn cảm thấy sung sướng hơn


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Toc Trang
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 1767

Bài gửiGửi: Ba 11 15, 2011 8:17 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Chương này bàn về cái tuổi chưa già nhưng không còn trẻ, là lứa tuổi có nhiều chuyển biến về sức khoẻ và tinh thần. Tuỳ cơ thể, nhân sinh quan và hoàn cảnh sống của từng người, những thay đổi này đến với người này thì sớm, với người khác lại chậm hơn, do đó mới có một chương “vơ đũa cả nắm” tên là “Tứ ngũ lục tuần”.

Một số tâm trạng của tuổi tứ ngũ lục tuần

Đến tuổi này, người ta nhận thấy có gì đó đang thay đổi trong cơ thể mình. Một vài nếp nhăn xuất hiện đâu đó trên khuôn mặt, mái tóc xen lẫn những sợi bạc, mắt nhìn kém tinh tường, phải nhờ tới đôi kính, cơ thể thi thoảng trục trặc theo thời tiết... Đôi lúc, ta không tránh khỏi cảm thấy chạnh lòng nuối tiếc cái tuổi sung sức. Có nhiều người bắt đầu chiến dịch níu giữ tuổi xuân. Phụ nữ khéo léo dùng đồ trang điểm để che vài nếp nhăn, nam giới vuốt chút thuốc nhuộm tóc, ăn mặc chỉn chu hơn. Người ta vẫn thường gọi đây là tuổi “hồi xuân” mà.

"Mình càng có tuổi cần phải chăm sóc sắc đẹp, cho chồng không chán mà các con nó cũng hãnh diện chứ. Mỗi khi ra đường tôi rất cẩn thận trong quần áo, trang điểm. Các con nó bảo trông mẹ cứ như bà phu nhân Marcot cốt ấy. Trông tôi thế này không ai bảo hơn 60 đâu".

(bà Thảo, 62 tuổi)

"Tôi thay mỗi ngày một bộ quần áo, ở cái tuổi của mình luộm thuộm là không chịu được".

(ông Phương, 56 tuổi)

Cũng có những người mới ngoài 50 tuổi đã nghĩ mình “già rồi”, chẳng cảm thấy cần phải chăm sóc cho bản thân nữa:

"Ôi dào, có sao mặc vậy. Quần áo tôi toàn là của con lớn thải ra hết. Gớm, già rồi thì làm đẹp cho ai ngắm mà phải cầu kỳ".

(bà Lịch, 48 tuổi)

Ở thời gian này, công việc xã hội của con người cũng có những điều đáng nói. Giờ đây, ta đã có thể tự hào về kho tàng kinh nghiệm được tích luỹ sau mấy chục năm công tác, đã trải qua một chặng đường dài để có thể tự coi mình là người “biết tuốt sự đời”. Nhưng đây cũng là lúc tư duy kém nhạy bén, ngại mạo hiểm, ngại thay đổi hơn trước, điều này có thể khiến bạn gặp những hạn chế trong công việc.

"Tôi không còn nhận được nhiều ưu ái như trước. Tôi bực vì nhiều khi những phần việc đó tôi có thể làm tốt hơn, hay chí ít thì cũng bằng những người được sếp giao việc. Được giao việc gì tôi đều làm tốt hơn người trẻ, nhưng quả thực phải bỏ nhiều thời gian. Nhưng cũng không thể trách người trung niên về cường độ làm việc được, vì người ta tích luỹ được nhiều kinh nghiệm rất có giá trị. Người ta được quyền tự hào về điều đó".

(ông Tuấn, 50 tuổi)



Hoàng hôn


Sau nhiều năm công tác, những người ở tuổi tứ ngũ lục tuần bắt đầu phải suy nghĩ và chuẩn bị cho một bước thay đổi lớn, đó là khi ta ngừng công tác, nhường cho “măng mọc”. Chuyện nghỉ hưu là một thách thức không nhỏ đối với đời sống và tâm lý của mỗi người. Có người coi về hưu là sự mất mát to lớn, giảm sút về kinh tế, tâm trạng chán nản, hụt hẫng:

"Nhịp sống của mình đột nhiên thay đổi, sự nhàn rỗi làm mình thấy mệt mỏi, chán nản. Nhiều khi thấy thèm được làm việc, được đến cơ quan bàn tán chuyện thời sự".

(ông Phong, 60 tuổi)

"Bây giờ tôi coi như hết rồi cô ạ, đi làm bác sĩ cả đời, lên đến trưởng phòng, rồi về hưu thì cũng thế thôi, chả biết làm gì, chả ai cần mình nữa".

(ông Trung, 65 tuổi)

Song cũng rất nhiều người không chịu bó tay đầu hàng tuổi tác. Họ vẫn không ngừng hoạt động, phấn đấu, thực hiện nhiều công trình hữu ích. Họ còn tích cực chuẩn bị cho khi về hưu với những kế hoạch mà trước đây không có thời gian thực hiện: làm vườn, chăn nuôi, đi dã ngoại, chụp ảnh nghệ thuật, tham gia công tác từ thiện...

"Ngoài các công việc thường lệ, tôi vẫn phải theo lớp tại chức tiếng Anh buổi tối và theo những khoá đào tạo nâng cao về chuyên môn".

(bà Thành, 50 tuổi)

"Mấy năm còn công tác lúc nào cũng lu bù với công việc, không hở ra phút nào mà ngồi vào bàn viết được. Bây giờ nghỉ hưu mới tĩnh tâm ghi chép, sắp xếp những kiến thức, kinh nghiệm về môn khoa học mà tôi đã theo đuổi hàng chục năm trời. Việc này vừa đem lại niềm vui cho bản thân vừa hữu ích cho thế hệ sau".

(ông Ngọc, 62 tuổi)

"Cứ đến phiên chợ Bưởi là tôi dắt xe đi từ sớm, lọ mọ tha về được đủ thứ cây hay hay. Chăm sóc cây cũng là một cái thú, nhưng phải có nhiều thời gian, mà cũng phải kiên nhẫn lắm. Bà nhà tôi cứ cằn nhằn tôi suốt ngày lẩn mẩn cây lá quên cả ăn, nhưng đến khi cây nào ra hoa đẹp đẹp thì chẳng thấy nói gì".

(ông Lục, 69 tuổi)

"Tôi bỏ thời gian đi vào Nam ra Bắc, tìm hiểu về các món ăn chay của các miền, để lập cái quán chay này".

(bà Phúc, 57 tuổi)

Trong gia đình, quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái có những thay đổi đòi hỏi phải thích nghi. Mấy chục năm qua hai vợ chồng luôn bận rộn với những lo toan của đời sống thường ngày, chuyện kiếm sống, chuyện học hành của con cái... Đến thời điểm rút khỏi công việc xã hội, các con đã trưởng thành, họ lại có thời gian sống bên nhau nhiều hơn, ôn lại những năm chung sống. Nhiều cặp vợ chồng như tìm lại được tình yêu với bạn đời, yêu thương, chăm sóc nhau hơn:

"Dạo này con cái lớn cả rồi, chúng nó có cuộc sống riêng của chúng nó, ông nhà tôi lại đâm ra chiều tôi ra phết. Đi công tác đâu về, ông ấy cũng mua quà. Có lần lại mua cho tôi một cái váy mặc ở nhà, trông cũng điệu lắm, nhưng mà tôi cả đời có mặc váy bao giờ đâu. Ông ấy bảo: “Mình cứ mặc đại đi, con nó diện thì mình cũng phải diện chứ”

(bà Hà, 50 tuổi)

"Ngày trước tôi yêu bà ấy 8 phần thì giờ tôi yêu bà ấy 10, 12 phần. Đúng là mình mải công mải việc, rồi bạn bè bù khú nên bao nhiêu việc nhà, con cái đều tới tay bà ấy cả. Tôi vẫn bảo với bạn bè là tôi biết ơn vợ tôi nhiều".

(ông Bình, 58 tuổi)

Nhưng cũng vì nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý ở người tuổi tứ ngũ lục tuần mà có những cặp vợ chồng trở nên khó tính, khó nhường nhịn với những khuyết điểm của bạn đời nên ít gần gũi hơn xưa:

"Chồng ơi là chồng, sao mà chán thế cơ chứ. Lúc nào cũng khó tính, lúc nào cũng chì chiết người khác. Càng ngày càng thấy ông ấy dở hơi. Nói thực không có các con thì tôi không sống nổi".

(bà Vân, 47 tuổi)

"Thời gian hai vợ chồng tôi thực sự sống bên nhau rất ít ỏi. Lấy nhau được vài ba tháng thì tôi nhập ngũ. Hết chiến tranh tôi tiếp tục công tác trong quân đội. Doanh trại đóng xa nhà mấy trăm cây số, mỗi năm chỉ được về ăn tết với vợ con được vài ngày, mọi việc con cái, họ hàng vợ tôi gánh vác cả. Đến khi phục viên về nhà thì đúng là tôi không có thực tế gia đình, cứ như người ở trọ, làm bà ấy không chịu nổi. Thành ra có hai vợ chồng mà mỗi người một nồi ăn riêng".

(ông Tuấn, 55 tuổi)

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng thường nảy sinh nhiều bất đồng. Các con tự thấy mình đã trưởng thánh, mọc đủ lông cánh, có thể tự lập, thoát khỏi sự bao bọc của cha mẹ, còn cha mẹ luôn có xu hướng dạy bảo, lo lắng, bởi vì “trứng làm sao khôn hơn vịt”.

"Tôi đặt bao nhiêu hy vọng vào nó, thế mà học xong nó lại không muốn làm việc nhà nước cho ổn định lâu dài, lại thích đi làm tư nhân, rồi nay việc này, mai việc khác, lúc thì thất nghiệp. Nhưng nói thì nói, có bao giờ nó nghe".

(bà Thắm, 49 tuổi)

Tâm lý của người ở tuổi trung niên là muốn được con cái quan tâm chăm sóc nhiều hơn, dành thời gian lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Còn cái tật chung của lớp trẻ là ngại đàm đạo với “các cụ”, sợ nghe lại những lời giáo huấn mà họ đã thuộc lòng. Chính vì ít thời gian, ít cơ hội giao tiếp nên cha mẹ và con cái thường không hiểu nhau. Khi con cái yêu và lập gia đình, cha mẹ thường cảm thấy cô độc, tủi thân, nghĩ rằng con mải chăm sóc người yêu, vợ, chồng mà quên mất cha mẹ.

"Tôi công việc bừa bộn, hay phải làm tối, mới có người yêu mà tuần chỉ dám đi chơi một hai buổi để có được hai ba buổi ngồi nhà với mẹ. Thế nhưng mẹ tôi không biết, lại đi phàn nàn với một chị bạn của tôi: “Thằng Đức dạo này nó cứ đi suốt với người yêu nó, chẳng quan tâm đến gia đình, chẳng quan tâm gì đến mẹ nữa”.

(Đức, 28 tuổi)

"Vẫn biết con nhà mình ngoan hơn ối đứa, tháng nào cũng đưa một phần lương phụ mẹ chi tiêu, chịu khó mua sắm tặng mẹ mảnh vải, tặng bố két bia... Nhưng lắm lúc vẫn thấy buồn vì nó cứ đi tối ngày, mình lại muốn hai mẹ con nói chuyện, tâm sự nhiều hơn".

(bà Thi, 62 tuổi)

Vậy đấy! Mỗi tuổi đều có những vấn đề riêng, tuổi tứ ngũ lục tuần cũng vậy, mỗi người ở tuổi này đều phải vượt qua những khó khăn nhất định. Có lẽ đối với mỗi người, điều quan trọng là biết chuẩn bị trước cho mình để trải qua bước chuyển này một cách lạc quan, vui vẻ... Cũng rất cần có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ để trong gia đình, tại nơi làm việc cũng như ngoài xã hội, người trẻ, người tuổi trung niên và cả người già có được sự thông cảm, tôn trọng và nâng đỡ cho nhau.



_________________


Được sửa bởi Toc Trang ngày Ba 11 15, 2011 9:34 pm; sửa lần 12.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
BaBop
HS SaoMai


Ngày tham gia: 17 6 2008
Số bài: 297

Bài gửiGửi: Ba 11 15, 2011 8:30 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Còn BB tui thấy được nghỉ hưu là "phẻ" nhất là gặp phải cái môi trường công tác phức tạp, con người với con người chưa tốt với nhau... he he ...
Thứ nữa, về hưu có nhiều thời gian để dành cho yêu thương hơn, có nhiều thời gian để "tám" với bạn bè nhất là bạn hợp với mình ... muốn ngủ tới đâu cũng được ... nhưng khổ nỗi ... sao khó ngủ quá ! ha ha ...
Cần người thông cảm và chia xẻ, không muốn cãi cọ ... mà đã cãi thì đến nơi đến chốn đó nghe ! Rolling Eyes



_________________
Ba Bớp
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email
Toc Trang
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 1767

Bài gửiGửi: Ba 11 15, 2011 8:54 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Những đặc điểm tâm lý trong thời gian khủng hoảng của người cao tuổi




1)Suy nghĩ hỗn độn
Suy nghĩ của họ lẫn lộn và hỗn độn, không rõ ràng Những tình cảm sợ hãi, bẽ bàng, sốc, mất tự chủ ngoài dự kiến, vô vọng, bị tổn thương, giận dữ và tự sỉ vả và đến cùng một lúc và có thể làm tăng thêm sự rối loạn → là tiền đề của rối loạn tâm lý

Người bị khủng hoảng gặp rất nhiều khó khăn và cách nghĩ, sự kiện hành động theo một hệ quả logic chủ quan. Các chi tiết quan trọng có thể bị lờ đi hoặc không nhìn thấy được. Người đó có thể đi từ ý kiến này sang ý kiến, tạo ra sự giao tiếp rất khó kết nối. Nỗi sợ hãi và lòng mong muốn có thể bị lẫn lộn trong thực tế. Người đó có thể không biết phải nghĩ như thế nào về tình hình và làm sao để đánh giá thực tế. Điều này có thể làm tổn hại năng lực tạo các giải pháp và đánh giá hiệu quả.

2)Thiếu khả năng thực hiện các chức năng có hiệu quả

Theo sau sự kiện khủng hoảng, người đó có thể làm thái quá những chuyện đơn giản mà họ có thể kiểm soát và làm chủ. Làm như vậy có thể làm dịu căng thẳng phát sinh từ việc thiếu khả năng đương đầu với khủng hoảng. Sự tham dự tạm thời vào những công việc lặp đi lặp lại có thể có hiệu quả trong việc tạo cho người đó cảm giác đã hoàn thành chúng và đánh giá cao bản thân trong khi người khác đang chuẩn bị đương đầu với khủng hoảng.

Những hành động như vậy có thê tạo nên việc phủ nhận sự thiếu thích nghi, thể hiện cho nỗ lực tránh phải đương đầu với khủng khoảng với nhau. Bởi vì thể hiện cảm xúc sau khủng hoảng là rất quan trọng cho mọi người, loại hình thái độ cư xử như thế là không lành mạnh.

3) Sự thù địch và thái độ xa cách về tình cảm

Những người khủng hoảng đã trở nên quá thất vọng về việc mất tự chủ và cảm giác bơ vơ không nơi nương tựa, từ đó mà họ sẽ trở nên thù địch với mọi người. Họ có thể phẫn nộ trước nhu cầu hỗ trợ hay cảm xúc tổn thương của chính mình. Nhà tham vấn cũng có thể là một trong những đối tượng họ trút giận hoặc bạo hành. Một người gặp phải chuyện hết sức đau buồn có thể tự mình rút ra khỏi xã hội và đóng chặt cửa lại.

Họ có thể bị áp đảo bởi hoàn cảnh và bởi những phản ứng của cảm xúc không thể kiểm soát được, từ đó mà họ cố gắng chống tất cả sự kích thích của môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến họ. Họ có thể tự phong toả trong hoàn cảnh và thái độ xa cách về tình cảm và họ có thể chỉ phản ứng bằng sự câm lặng.

4) Thái độ bốc đồng

Một số người có thể phản hồi và hành động ngay tức thì để phản ứng lại khủng hoảng, những hành động như vậy có thể chưa suy nghĩ được kỹ càng hoặc chưa được đánh giá. Khi thất bại xảy ra do hành động bốc đồng thì càng khoét sâu hơn mức độ trầm trọng của khủng hoảng.

Chúng ta vừa trò chuyện về một giai đoạn khó khăn trong cuộc sống của những người cao tuổi. Hy vọng quý vị có được những thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn tâm trạng, cảm xúc của những người cao tuổi trong gia đình. Và trong chuyên mục Gia Đình kỳ sau chúng ta sẽ bàn đến vấn đề làm sao để sống hòa hợp và giúp người cao tuổi trong gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng nhất.

st



_________________


Được sửa bởi Toc Trang ngày Ba 11 15, 2011 8:58 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI