Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Đi Dự Tiệc Cưới !!!

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Gio
HS SaoMai


Ngày tham gia: 10 6 2008
Số bài: 326

Bài gửiGửi: CN 3 27, 2011 7:18 am    Tiêu đề: Đi Dự Tiệc Cưới !!! Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

ĐI DỰ TIỆC CƯỚI !!!!

Trước hết, tui giải thích vì răng chuyện đi dự tiệc cưới là điều không thể tránh được:

Chuyện tham dự tiệc cưới là một vấn đề không thể tránh được vì đây là một sinh hoạt thật phổ thông đại chúng. Sống trong xã hội mà không thù tạc vãng lai thì còn gì buồn nản cho bằng! Lại nữa, đây là một sự công bằng, không thể viện cớ này cớ nọ để than ngắn thở dài vì lúc đám cưới con của mình, mình mời người ta, thì bây giờ người ta đón dâu về hay gửi rể đi, người ta mời lại mình là lẽ đương nhiên, bánh ít trao đi bánh dầy trao lại chứ than van cái nỗi gì? Đây cũng là một dịp để gặp mặt bạn bè vì có khi ở cùng một thành phố mà suốt năm chằng hề gặp nhau, nay có dịp gặp lại nhau để cùng hàn huyên tâm sự, kể cho nhau nghe những vui buồn đời tỵ nạn, tưởng chẳng khoái lắm ru! Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng được ngồi chung với bằng hữu!

Mà nếu lỡ thiếu may mắn thật, vì chẳng được ngồi cùng bàn với bạn bè thân thiết, thì chuyện gì có khả năng xảy ra?

Nếu chẳng may ngồi bên cạnh kho đạn Long Bình, nghe nổ tưng bừng chuyện con cái cháu chắt, chuyện về Việt Nam du hí ném tiền qua cửa sổ, cặp bồ cặp bịch với đào nhí đáng tuổi con cháu nội, con cháu ngoại, thì những lúc đó thật là gồng mình chịu đựng cực hình, chỉ muốn đến chào hai họ mà ra về cho tâm hồn thoải mái để vui hưởng một cuối tuần an bình sau 5 ngày cày bở hơi tai ở sở làm.

Như Tui đã thưa cùng qúy vị, vì hiện nay là mùa cưới ở miền Bắc Mỹ ni, chi nên đám cưới được tổ chức lia chia, hà rầm, nhiều lắm! Và chính vì lý do ni, mà có khi bà con ta được “thỉnh” tới hai tiệc cưới trong cùng một ngày! Làm sao chừ?

Đôi lúc cũng thật là bối rối, tiến thoái lưỡng nan vì cùng một ngày mà được mời tham dự hai tiệc cưới, chỗ nào cũng thân tình, không biết từ chối nơi nào vì hai nơi mình đều mang nợ phải trả, gia đình nào cũng đã từng được mình mời tham dự tiệc cưới con mình! Giải pháp hay nhất là đành xé lẻ, biệt phái vợ đi một nơi và mình đi một nẻo cho vui vẻ bạn bè.

Theo Tui " thì “dự tiệc cưới, nếu đem cân đo kỹ càng, thì thấy gặp nhiều chuyện bực mình hơn là vui.”

Vì răng như rứa? Xin cho biết lý do..?

1. Trước tiên là phải "thắng bộ" tươm tất gồm áo sơ mi trắng dài tay, ủi thẳng nếp, kèm thêm cái cà vạt màu sắc thật nhã để khỏi bị chê là già mà còn "ngựa"! Đấy là chưa kể cái cà vạt đã bắt mình phải nhóng cổ suốt bữa tiệc, mỏi ơi là mỏi! Lại còn cái quần dài che phủ gót giày khiến đi đứng phải e dè sợ vấp phải đá, quàng phải dây! Cái jacket cũng là một vấn đề không mấy vừa ý vì vừa cấn cái không thoải mái lúc ăn uống, vừa nóng nực! Lúc bấy giờ mới thấy thèm cái tự do thoải mái, thèm cái hạnh phúc nhỏ bé của chiếc áo thun, quần xà lỏn, ngồi thênh thang trước bàn ăn trong gia đình, tha hồ mà khề khà ăn tục nói phét cùng bạn bè.

2. Tiếp đến là thường thường gia đình hai họ trai gái không chú trọng đến việc xếp chỗ ngồi, nên gần như lúc nào cũng bị xếp ngồi ở một bàn tiệc chẳng có người quen để trò chuyện dù đã cố uốn ba tấc lưỡi để làm quen mà vẫn gặp phải một tảng băng lạnh lùng, hay những câu chuyện đầu Ngô mình Sở, chẳng ra đâu vào đâu! Thật chán ơi là chán, nên chỉ biết gầm đầu mà ngốn ngấu vì bụng đã cồn cào lắm rồi! Mấy con kiến đã hành quân tả xung hữu đột trong chiếc bao tử trống không từ hồi chiều đến giờ vì theo thiệp mời, tiệc cưới bao giờ cũng bắt đầu đúng 6:00 chiều không sai chạy, nhưng trên thực tế, bà con hai họ phải mỏi mòn trông đợi món khai vị chỉ được nhân viên phục dịch nhà hàng mang ra lúc 8:00 hay 8:30 tối. Tôi thán phục vô cùng cái nhà ông nào đã phán một câu thật chí lý: "Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam." Dân Việt Nam ta, dù văn minh tân tiến đến đâu, cũng đành phải hành sử theo số đông đồng hương để mà đến trễ trong tiệc cưới vì nếu đến đúng giờ thì chỉ ngồi trơ trẽn ngáp ruồi trong phòng tiệc trống trơn như chùa Bà Đanh. Thường thường, trước khi đi dự tiệc cưới, vì tuii vốn xấu bụng đói, nên Tui luôn luôn thủ sẵn một ít thức ăn trong dạ dày để kiến khỏi bò trong bụng lúc chờ nhập tiệc!

3. Nếu ta có duyên với văn nghệ, ta sẽ được hay bị xếp ngồi gần sân khấu bên cạnh cái loa to tổ bố và nó sẽ làm tình làm tội ta với tiếng chiêng trống tưng bừng như trong những lễ hội ngày xưa ở thôn quê được mô tả trong sách giáo khoa thuở bé:"Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang lừng. Người bé lớn chen nhau xem hát bội".(Nếu tui trích dẫn sai nguyên văn xin các bạn niệm tình tha thứ cho tuổi già lú lẫn). Không gì khổ bằng mình đã già chỉ ưa thanh tịnh mà phải ngồi bên cạnh cái loa quái ác đang tra tấn màng nhĩ mình bằng những âm thanh như sấm động rền vang đến tận mãi đâu đâu. (Tui vẫn thường mang theo một nhúm bông gòn để bít lỗ tai khỏi phải nghe tiếng nhạc rền vang inh ỏi trong các tiệc cưới. Tại sao lại không chơi nhạc êm dịu trong tiệc cưới nhỉ? Không trả lời được!)

4. Các bạn sắp tổ chức tiệc cưới cho con nên thử làm một cuộc cách mạng bằng cách thuê một ban nhạc cổ truyền chơi toàn nhạc êm dịu cho các thân bằng quyến thuộc khỏi bị tra tấn lỗ tai bằng những điệu nhạc ồn ào lại căng như nhạc Rap, nhạc Rock đinh tai nhức óc, để khỏi phải nghe những bản nhạc mà nội dung chẳng mảy may gì dính líu đến tiệc vui ngày cưới như "Đồi thông hai mộ", "Chuyện tình Lan Và Điệp" v.v... hay là những câu ca ai oán: "Em nói đi, em nói đi, dù chỉ một lời làm tan nát lòng nhau" hay: "Em nỡ lạnh lùng đến thế sao... em đem băng tuyết lấp hoa hồng" hay não nuột hơn nữa như: "Nhiều đêm bên người tình không quen biết, tim em thấy cô đơn" vv và vv.

5. Chẳng những phải nghe âm thanh đinh tai nhức óc do các nhạc khí tạo nên mà ta lại còn phải nghe những tiếng la hét chói tai của anh chàng MC đang gân cổ cương những ngôn từ thậm vô duyên không biết đổ đâu cho hết. Anh ta pha chè mà dù cho có nhờ ai bên cạnh mình thọc tay vào nách để cù léc thì cũng không thể nào cười được và chỉ mang hại vào thân tức là chiếc nách bị cào rách tươm máu. Anh ta cứ luôn mồm xin một tràng pháo tay rồi lại còn thòng thêm ba chữ: "Được không ạ?" y chang cô ca sĩ Mỹ Tâm khiến tui chỉ muốn buột mồm bảo: "Không được! Xin gì mà xin lắm thế!" Không thể đếm được anh MC thượng thặng này xin bao nhiêu tràng pháo tay trong tiệc cưới hôm đó. Anh cứ xin lia lịa không ngượng mồm! Mỹ Tâm lúc phát ngôn "Được không ạ?" dù đôi môi xinh đẹp duyên dáng và âm điệu nũng nịu nhưng nghe lắm cũng thấy kênh kiệu không còn dễ thương nữa, huống hồ gì anh MC của chúng tui hôm đó, nhan sắc không bằng Mỹ Tâm, giọng nói không du dương bằng tiếng ca của Mỹ Tâm, nét duyên dáng nũng nịu như Mỹ Tâm tìm hoài chẳng thấy đâu thì làm sao có thể chấp nhận được cái giọng điệu và ngôn từ lấc ca, lấc cấc của anh ta. Tui không biết tên của anh MC này nhưng giá mà anh đổi tên thành "MC... Xin Được Không Ạ!" thì thật là đúng với tài nghệ độc đáo của anh ta.

Cách đây ít lâu tui được thưởng thức tài nghệ tuyệt luân của một MC tiệc cưới mà tui nghĩ gia đình của tân lang không nên trả tiền thù lao mà trái lại phải yêu cầu ông ta trả một đồng danh dự cho tân lang. Câu chuyện đầu đuôi như thế này:

Trong lúc giới thiệu bà con thân thuộc của họ đàng trai ông MC đã quên mất bài học về liên hệ gia đình nên đã giới thiệu như sau: ông CBS là anh của cha chú rể, ông NBC là em của cha chú rể, bà ABC là em gái của cha chú rể, cô MTV là em gái của mẹ chú rể! Tại sao trước khi đi làm MC ông ta không mở sách nói về liên hệ gia đình để học cho biết rằng anh của cha thì phải gọi bằng bác, em gái của cha phải gọi bằng cô, em gái của mẹ phải gọi bằng dì và em trai của bố phải gọi bằng chú. Bởi thế mới có câu: "Không cha thì níu chân chú, không mẹ thì níu vú dì!" để nói lên liên hệ mật thiết của hai người thân nhất trong gia đình có thể thay thế bố mẹ của mình. Đằng này ông MC cứ phang bừa là: "Cha chú rể, Mẹ chú rể" chẳng khác nào đem cha, đem mẹ chú rể ra mà chửi: "Cha mày nhé chú rể, Mẹ mầy nhé chú rể!" Cũng may là lúc giới thiệu anh em của chú rể ông MC không giới thiệu đây là con trai của cha mẹ chú rể, và đây là con gái của cha mẹ chú rể! Tội nghiệp thay cho chú rể hôm đó, mất công lặn lội khắp nơi, tưởng đã tìm được một MC duyên dáng; ai ngờ thay vì giúp vui buổi tiệc như một hoạt náo viên và nói lên những lời ca ngợi mát dạ anh hùng, chúc mừng đôi lứa bền duyên giai ngẫu, ca tụng nhan sắc, công dung ngôn hạnh của cô dâu và niềm trung hiếu lưỡng toàn của chú rể, xứng danh đôi lứa trai tài gái sắc, anh MC lại (nỡ lòng nào) chửi rủa chú rể sa sả không thương tiếc trước mặt bà con hai họ!

6. Một tiết mục mà chương trình tiệc cưới nào cũng không thể thiếu do ông MC trình diễn đùa dai bắt cô dâu và chú rể hôn đi hôn lại nhạt cả phấn son của tân giai nhân rồi cười hô hố một cách vô ý thức, nếu không muốn nói là khả ố cứ như ông ta khoái cái màn này lắm chẳng khác nào một anh "voyeur hay peeping Tom" vừa được dịp nhìn vào lỗ khóa mục kích được một màn cụp lạc. Có ông MC lại cương thêm rằng quý vị nào muốn hâm nóng lại cuộc tình của mình thì cứ tự nhiên bắt chước cô dâu chú rể đừng ngần ngại gì miễn là đừng hôn nhầm người bên cạnh.

Thật là không thể chịu nổi màn trình diễn vừa vô duyên vừa chẳng lãng mạn tí nào, dù rằng ai thì rồi cũng phải đi qua hay đã đi qua chiếc cầu này trong cuộc đời. Bạn có muốn xem cảnh hai anh chị "Xì" (Mễ) xà nẹo hôn nhau dưới một tàng cây bên đường không? Tuy không đẹp mắt nhưng cũng còn thơ mộng hơn cảnh tân lang và tân giai nhân ôm nhau hôn theo sự điều khiển nhi nhô nhi nhăng của ông MC cà chớn. Người ta biểu tỏ tình thương yêu bằng một nụ hôn nồng nàn do tự phát từ con tim mang nhiều ý nghĩa tình cảm sâu đậm thật khác xa với nụ hôn giữa đám đông người do sự ép buộc của một người chẳng có bà con dây mơ rễ má gì với mình.

Tui không là một nhà đạo đức dù thật hay giả, nhưng tui không thấy hứng thú với màn trình diễn chẳng ngoạn mục chút nào do các ông MC tiệc cưới đạo diễn. Bá nhân bá bọc chứa, mỗi người mỗi ý! Ai thích tiết mục này trong tiệc cưới cứ tha hồ mà nhìn ngắm, tui dị ứng với màn kịch này nên cúi gầm đầu ăn cho bõ công đi dự tiệc cưới, mất một buổi tối tự do nằm trên sopha xem truyền hình thể thao hay phim series hài hước.


Cuối bài viết, tui có một yêu cầu với các độc giả:“Các bạn đọc xong bài viết này thì:‘Xin các bạn một tràng pháo tay, được không ạ?’”

( ST )



_________________
Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ.
Chí anh hùng click chuột định giang sơn.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Bình Luận Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI