Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

TÌNH ANH BÁN CHỮ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Tác Phẩm Thầy Lưu Như Hải
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Bảy 8 28, 2010 6:39 pm    Tiêu đề: TÌNH ANH BÁN CHỮ Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này




Tình anh bán chữ

Niên khoá 1957-1958 tôi theo học lớp Đệ Nhất trường Chu Văn An, Sài Gòn. Trước đó, năm 1952 tại Hà Nội, Giáo-sư (GS) Hiệu Trưởng đã đặc cách cho tôi vào học thẳng lớp Đệ Lục không qua thi tuyển. Ông Bà GS là bạn lâu năm của cha mẹ tôi.

Đứng trước GS thì tôi run sợ mặc dù ngài rất nhân từ. Đứng trước cô con gái áp út của GS thì tôi coi như người chết rồi. Nói theo ý thi sĩ người Anh John Keats (1795-1821) trong bài thơ Ode on a Grecian Urn thì thời gian đã ngừng trôi. Gia đình GS thuộc giai cấp thượng lưu, thuần thành theo Thiên Chúa Giáo La Mã, còn gia đình tôi là trung lưu, đa số thì thờ cúng ông bà, có người đi lễ nhà thờ, có người đi lễ chùa.

Tôi may mắn được giao công việc dạy kèm môn Toán cho cô bé chị (lớp đệ tam) và cô bé em (lớp đệ ngũ). Chắc hẳn năng khiếu sư-phạm của tôi phát sinh từ thời điểm này? Cô bé chị (từ đây gọi là nàng) còn gián tiếp luyện tập trí nhớ cho tôi qua việc khuyến khích tôi học thuộc lòng một số bài in trong cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Việt. Thật vậy, tôi học bài do Thầy/Cô ở trường bắt học thì chán nản và chậm chạp, nhưng học Kinh Thánh do nàng khuyên thì tôi hào hứng và thuộc rất mau, vẫn còn nhớ cho đến tận bây giờ. Tại sao sau hơn 50 năm mà tôi vẫn còn nhớ? Xin trả lời bằng một câu thơ của thi sĩ Lưu Quang Thuận (1921-1981), quê quán Hải Châu, Đà Nẵng:

“Tôi đã thấy cái vô cùng trong chớp mắt…”.

Quả vậy, nỗi niềm rung động thoáng qua trong chớp mắt đã đóng băng và trở thành cái vô cùng.

Từ năm 1952 tôi thường được đi theo Cha Mẹ đến thăm gia đình Ông Bà GS Hiệu Trưởng, và đôi khi được gặp hai chị em nàng. Thỉnh thoảng tôi cũng được tháp tùng đi lễ ở Nhà Thờ Lớn Hà Nội, nhất là vào dịp lễ trọng như Noel. Với một cậu bé 12 tuổi như tôi lúc đó thì đầu óc còn ngơ ngác và trong sáng, chịu ảnh hưởng nặng của những truyện cổ tích và thần tiên. Trí tưởng tượng của tôi chưa hề lấm bụi trần mà thanh khiết như “những đóa hoa tươi mỉm cười trước gió” (theo Thanh Tịnh?).

Nàng ở trong ca đoàn của Nhà Thờ cho nên vào những dịp lễ lạc như thế thì nàng hiện ra như trong ánh hào quang của Đức Mẹ Maria. Hình ảnh cô bạn của tôi chập chờn như cánh bướm trong vườn xuân, mờ ảo khói sương như trong một giấc mơ tiên, với dư âm thánh thót, êm đềm, có lúc lên cao vút như giai điệu và ca từ của nhạc sĩ Hùng Lân. Sau năm 1954 thì tôi không được hưởng hồng ân như thời ở Hà Nội, cho mãi đến kỳ nghỉ hè năm 1956, khi Bà GS đưa hai cô con gái từ Sài Gòn ra Nha Trang nghỉ mát tại căn nhà thuê của gia đình tôi.

Hai bà Mẹ thì lúc nào cũng bận rộn chuẩn bị cơm nước và chương trình du ngoạn, còn tôi là người vui mừng hơn Tôn Hành Giả bay trên mây: làm hướng dẫn viên, săn sóc viên , bảo vệ viên, linh tinh viên, nghĩa là kiêm nhiệm mọi công việc của một nô lệ viên tình nguyện. Thánh Đường ở Nha Trang ngày thường đã nên thơ, mà trong kỳ nghỉ hè 1956 thì lại càng lộng lẫy, tráng lệ hơn.

Một ngày chủ nhật kia, sau khi đi lễ nhà thờ, hai bà Mẹ bận đi thăm ai đó trong khoảng thời gian ngắn, cho nên tôi được giao phó sứ mạng thần tiên là dẫn dắt hai em (đúng ra là cô chị “dẫn dắt” tôi và cô em) đi dạo chơi chung quanh khuôn viên Nhà Thờ toạ lạc trên một ngọn đồi rất ngoạn mục. (Ai ở Nha Trang cũng đều biết ngọn đồi này). Thời gian đó tôi vẫn còn ngơ ngáo, nhưng đã biết cảm thấy thinh thích cô chị một cách mơ hồ, không thể diễn tả bằng lời.

Sau khoảng nửa giờ, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi gần một bức tượng vĩ đại để hai em nghỉ chân, còn hồn tôi thì vẫn còn bay lơ lửng trên tầng cao, chưa thấy mỏi mệt gì cả. Vào thời điểm đó tôi không quan tâm là bức tượng làm bằng chất liệu gì, xi măng hay là kim loại, hay bằng đá? Bằng gì cũng được, miễn là thời gian chờ đợi hai Bà Mẹ càng lâu càng tốt! Thôi cứ cho là bằng đá cho nên thơ hơn. Bỗng nhiên trời đổ mưa chòm mây [mưa bóng mây] trong vài phút. Khi trời quang mưa tạnh thì như một phép lạ, trên đôi mắt của bức tượng còn đọng lại những giọt lệ long lanh, phản chiếu ánh sáng mặt trời, tạo ra những cầu vồng tí hon lóng lánh nhiều màu sắc.

Cô chị có vẻ đa cảm nên hỏi tôi: “Anh có thấy bức tượng đá đang khóc cho tội lỗi của loài người không?”

Tôi giật mình trước câu hỏi trí tuệ này, nhưng “nhanh trí … dại” áp dụng bài quang học lớp Đệ Tứ mà ba hoa rằng: “Đó là một hiện tượng quang học do tia nắng mặt trời và giọt nước mưa tạo ra”. Giê-su-ma! Lạy Chúa Tôi, tôi đã phạm sai lầm chết người. Ý của nàng muốn tôi trả lời một đằng, tôi lại nói một nẻo. Nàng có vẻ suy tư và buồn mông lung, không hé môi lấy một lời, kể từ lúc đó cho đến khi về đến nhà.

Năm mươi năm sau tôi tình cờ xem lại cuốn album cũ có tấm ảnh của nàng:

Ảnh này đã mấy mươi năm,
mà em thì vẫn trăng rằm không phai
Thơ ngây, mỹ lệ, tinh khôi,
thanh xuân, em vẫn không rời cõi tiên.
Dưới trần còn một người điên
năm mươi năm ngủ, một đêm giật mình
ở trong tiềm thức vô biên
rưng rưng chữ viết nghiêng nghiêng của nàng
đằng sau tấm ảnh hoen vàng:
"… tặng anh ... kỷ niệm ... Nha Trang”

Nghẹn ngào!

(VBL, Nha Trang, 4 - 8 - 1956)

Nhớ lại năm học lớp đệ nhất tôi còn may mắn được thụ giáo môn Pháp Văn sinh ngữ 2 với ân sư và cũng là thân phụ của nàng. Trời phú cho tôi “thiên tài” tình lụy sớm cho nên tôi lơ là mấy môn chính có hệ số cao trong kỳ thi Tú tài 2, mà chỉ chú tâm vào môn phụ Pháp Văn. Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, tôi được ân sư phê trong học bạ như sau:
“Tính láu táu. Chăm, ngoan.”

Trong một giờ dạy kèm hai ái nữ cuả Thầy, tôi cố tình giả vờ để quên cuốn học bạ của tôi ở trên bàn và ra về. Ngày hôm sau, tôi mở ra xem thì thấy một tờ giấy có chữ của nàng:

Tính láu táu: rất đúng, và còn nhanh nhẩu đoảng
Chăm: chỉ học chăm môn Pháp Văn mà thôi, để lấy lòng Papa
Ngoan: ngoan nhất trong số những học sinh hư.

Tôi ngước lên nhìn thì thấy nàng đang tủm tỉm cười ý nhị. Tôi sướng mê tơi vì như vậy là Mỵ Nương đã có chút để ý đến Trương Chi rồi. Tôi tự hỏi không biết người-dạy-kèm kiêm thi sĩ nào mà dám liều mạng thốt lên:

“Hôm xưa em biếng học
“Khiến cho anh bất bình
“Khẽ đánh em cái thước
“Vào bàn tay xinh xinh …” (xin lỗi, tôi không nhớ tên tác giả dũng cảm này)

Tôi bèn nẩy ra trò tinh nghịch là chép lại bốn câu thơ trên và lén kẹp vào trong cuốn vở bài tập của nàng.

Tuần sau tôi thấy bài thơ họa dấu trong cuốn sách toán. Nàng không dám viết anh/em như lối xưng hô khi nói chuyện với tôi, mà viết rằng:

“Hôm nay ai biếng học
“Ai kia dám bất bình
“Thì ai đây sẽ khóc
“Ai còn thấy ai xinh?”

Không biết được bà nhập hay ma ám mà tôi “lên đồng” viết lại. Tôi vẫn xưng hô anh/em như thường ngày:

“Em tha hồ biếng học
“Anh đâu dám bất bình
“Thôi xin em đừng khóc
“Mà em khóc càng xinh!”

Việc dạy kèm cô bé là một nguồn cảm hứng như mê tửu, là khúc dạo đầu [prelude] cho định mệnh sư phạm của tôi sau này. Và cũng là một vết thương êm ái cho tôi là đã chớm, đang, và sẽ bị “cảm nặng hết thuốc chữa” trước một nữ ca viên ở trong ca đoàn. Vì thế, công việc của tôi lúc bấy giờ như một giấc kê vàng, khác hẳn công ăn việc làm sau này. Những buổi học nối tiếp nhau dường như phảng phất tiếng sáo diều vi vu trong một cuốn phim quay cảnh đồng quê trữ tình mà tôi mong không bao giờ kết thúc, và tiếc thay, không có nút bấm rewind để mà được sống lại những giây phút mộng du.

Một hôm chúng tôi làm bài tập về qũy tích có liên quan đến hình ellipse với định nghĩa và phương trình rắc rối. Nàng có vẻ không thích cho nên tôi lấy hết can đảm nhẹ nhàng hỏi :

-- “Tại sao em không thích làm bài tập về hình ellipse?”
Nàng nhỏ nhẹ đáp:

-- “Vì ellipse có đến hai tiêu điểm cố định, mà em thì chỉ thích một tâm điểm cố định thôi”.

Tôi bèn đề nghị làm bài tập về đường tròn là quỹ tích những điểm trên một mặt phẳng có khoảng cách không đổi R [gọi là bán kính] đến một điểm cố định [gọi là tâm của đường tròn].

Trước phần bài tập của cuốn sách giáo khoa có câu hỏi gợi ý:
(1) Cho ví dụ minh họa lấy ra từ đời sống hàng ngày,
(2) Bán kính R có thể triệt tiêu không? Nếu R triệt tiêu thì kết qủa ra sao?

Tôi cứ đinh ninh rằng nàng sẽ trả lời theo như bài học trong sách giáo khoa thì thật dễ dàng. Nhưng không. Câu trả lời của nàng rất bất ngờ. Hình như phái nam không thể nào hiểu nổi phái nữ, cho nên trong tiếng Việt mới có chữ kép “tìm hiểu”, nghĩa là “tìm mãi, mà vẫn không hiểu!”
Nàng trả lời như thế này:

--(1) Em là tâm điểm cố định, anh là điểm chuyển động liên tục chung quanh chiếc ghế em ngồi, và luôn giữ khoảng cách không đổi từ anh đến em là 3 mét. Con đường anh đi là một đường tròn, với em là tâm, và bán kính R = 3 mét.

--(2) Bán kính R không thể nào triệt tiêu. Nếu anh mà cho bán kính R triệt tiêu thì… anh sẽ chết với Papa và Maman!

Tiếng Việt vô cùng phong phú, có vào khoảng 40 (bốn mươi) nhân xưng đại danh từ chỉ ngôi thứ nhất/ngôi thứ hai số ít, tôi thầm mong ước cô chị và cô em xưng hô “anh/em” với tôi trong những ý nghĩa khác nhau, nghĩa là:

--- Với cô chị: tôi mong chữ “anh” không phải là được coi như người anh ruột, anh chú bác,…, hay người nam lớn tuổi hơn,…, mà là “anh” với ý nghĩa biểu cảm (emotional/sentimental, even romantic connotation); và tôi mong chữ “em” nàng thốt ra cũng ở trong ngữ cảnh (context) đặc biệt như đã mô tả. Đó là niềm hy vọng mong manh của tôi, và cũng có thể là ẩn số của bài toán vô nghiệm (!)

--- Với cô em mà sự có mặt có thể là làm thám tử cho song thân, hoặc cũng có thể là đồng minh đắc lực trong nhiều tình huống, thì dĩ nhiên hai chữ “anh/em” chỉ là lối xưng hô lịch sự thông thường.

Tiếng Việt cũng còn phong phú ở chỗ “chết với” không có nghĩa là chết cùng nhau, mà có nghĩa là chết vì, chết dưới bàn tay của, chết bởi sự trừng phạt của. Và ngay chữ “chết” ở đây cũng không phải là chết thật, cũng không phải là bị giết. Do đó, nàng đã nói “Nếu anh mà cho R triệt tiêu thì anh chết với Papa và Maman!”, mà nàng không nói “Nếu anh mà cho R triệt tiêu thì anh sẽ chết với EM!” bởi vì nàng đã đi guốc trong bụng tôi (she could read to the bottom of my heart) rằng tôi đã sẵn sàng tình nguyện “chết với EM” (dưới bàn tay em) thì tôi cứ như con thiêu thân, không sợ gì cả. Nói cách khác, nàng phải viện đến oai phong của song thân thì tôi mới run sợ, và nàng thừa biết rằng tôi chỉ có gan cho bán kính R giảm dần đến giới hạn cuối cùng là R = 50 centimét để bảo vệ nữ thần Aphrodite.

Ghi chú: Theo thần thoại Hy Lạp thì Aphrodite là nữ thần nhan sắc và ái tình, tương ứng với nữ thần Venus trong thần thoại La Mã.

Một dịp may cho tôi đã đến. Trong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt năm đó, điểm trung bình môn toán của hai chị em đạt 18/20. Ngoài hiện kim, tôi được tưởng thưởng nhiều món mà qúy nhất là được phép đưa hai tiểu thư đi xem ciné ở rạp sang trọng nhất thủ-đô, với phim hoạt họa tô màu, màn ảnh đại vĩ tuyến, nhan đề “Hải Âu và Phượng Hoàng”. Vì là vé thượng hạng nên ghế ngồi rộng rãi qúa mức cần thiết (!) làm khổ thân tôi vì tôi ngồi ở ghế gìữa, với khoảng cách ở hai bên là d = distance = 50 centimét, với cô chị ở bên trái và cô em làm thám tử ở bên phải. Nhưng được như thế cũng là thần tiên rồi, chứ “ăn mày mà lại đòi xôi gấc” sao?

Ở trong rạp ciné tôi cứ phải nhìn thẳng lên màn ảnh mặc dầu tôi chỉ thích quay qua bên trái để gợi chuyện với cô chị. Trong khi đó thì cô em có vẻ theo dõi nhất cử nhất động của tôi. Thật là nản qúa. Nhưng cũng may là tôi đã chuẩn bị sẵn mấy phong chocolat của Pháp là món cô em ưa thích để làm quà hối lộ, nhờ thế mà nhiều lúc cô ngó lơ cho tôi liếc qua bên trái thầm thì đôi điều gì đó. Tâm trạng của tôi hồi hộp khác hẳn lúc dạy học kèm ở nhà. Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử (?)

“… Run như run thần tử thấy long nhan,
“Run như run hơi thở chạm tơ vàng…”

Giê-su-ma, lạy Chúa tôi! Tôi đã áp dụng sai hai câu thơ này một cách phạm thượng vào tình trạng của tôi trước mặt nàng. Tôi đã “sa chước cám dỗ”, mặc dầu nàng không bao giờ có ý cám dỗ tôi mà nàng chỉ hiện ra tự nhiên như áng mây chiều phiêu bạt, như cơn gió mát lang thang, như trăng lên trên đầu núi, cùng sóng biển rì rào như lời Mẹ ru tôi vào giấc ngủ hồn nhiên …

Trở về với cuốn phim hoạt họa “Hải âu và Phượng hoàng” đang chiếu trên màn ảnh là một chuyện tình lâng lâng không ranh giới, giữa một chú hải âu non vì mải vui mà bay lạc từ bờ biển vào ngọn núi kia rồi gặp và làm bạn với một cô phượng hoàng trong tuổi còn thơ. Chúng không hề để ý đến việc khác chủng tộc tuy thuộc cùng một loài. Hàng ngày đôi trẻ bay lượn vô tư như một đôi bạn tình trên trần thế, được kể lại trong một ca khúc trữ tình (xin lỗi, tôi không nhớ tên tác gỉa):

“…Đuổi bướm hái hoa,
“nàng cất tiếng ca
“bên tôi những chiều lộng gió
“Kết hai mảnh hồn
“đã bao trăng tròn …”

Kịp đến khi đôi bạn đã trưởng thành thì mới nhận ra sự kỳ thị: Hải âu không thể bay chung với phượng hoàng. Cho nên một đêm trăng kia đôi trẻ bay lên một ngọn núi đá có hình thù hòn vọng phu để nói lời ly biệt:

“Hai ta giờ ly biệt
“Lặng thầm cùng nước mắt
“Đôi má em lạnh ngắt
“Đôi má em tái rồi
“Nụ hôn giá băng thôi
“Sương mai sao u uất
“Xuyên lạnh trên mắt tôi
“Báo động giờ chia phôi
… “Mai sau mà gặp mặt
“Sau nhiều năm mây trôi
“Tôi chào em ngây ngất
“Lặng thầm cùng lệ rơi”.

Nguồn: George Gordon Lord Byron (1788-1824), When We Two Parted.
Lưu Hoài Phương phỏng dịch.

Sau khi nói xong lời ly biệt thì đôi trẻ không nỡ chia tay mà bay vút lên trời cao, rồi bay cao, bay cao mãi, cho đến khi chỉ còn hai chấm đen và rồi cuối cùng biến mất. Lời diễn giải trên màn bạc ghi câu kết thúc: “Đôi trẻ đã bay lên Thiên Đàng, nơi thanh bình vĩnh cửu”.

Khi hết phim và đèn bật sáng thì cô chị tỏ ra xúc động và nói với tôi: “Phim này có hậu đấy, anh nhỉ?” Tôi nói thầm vừa đủ cho nàng nghe: Anh mong mai sau đời anh cũng được giống như thế.

Nàng sa sầm nét mặt: -- Nhưng ai sẽ là phượng hoàng?

Tôi bối rối và nguyện thầm, ước gì nàng nói: “Coi chừng, anh sẽ chết với em!”

Nhưng không. Nàng lại gặng hỏi:

-- Thế ai sẽ là phượng hoàng?

Tôi đánh trống lảng và trả lời gián tiếp:

-- Em còn nhớ bài thơ “Tình tuyệt vọng” của Khái Hưng, dịch bài Sonnet của Alexis Felix Avers không? Hai câu cuối cùng là:

“Lạnh lùng, lòng khẽ hỏi lòng:
“Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?”

Nghe vậy thì nàng có vẻ thấm thía với đôi má hồng lên cùng đôi môi nhu ra, dường như muốn nói — hoặc tôi chủ quan tưởng tượng là nàng muốn nói — “Coi chừng, anh sẽ chết với em”.

Lúc còn đang xem phim trong rạp ciné, đến đoạn hải âu và phượng hoàng nói lời ly biệt ở trên mỏm núi đá thì tôi liếc qua bên trái và thấy cô chị đưa khăn tay lên chấm nhẹ nơi mi mắt. Sau đó, đến cảnh đôi chim tung cánh bay lên trời cao với câu dẫn giải chấm dứt chuyện tình tưởng-là-tuyệt-vọng-nhưng-bất-ngờ-có-hậu là bay lên Thiên Đàng thì nàng mỉm cười rạng rỡ. Tôi cũng vui lây và nghiệm ra rằng nàng rất nhạy cảm (sensitive) và đa cảm (sentimental).

Có lẽ đa cảm và nhậy cảm là một trong những nét đẹp nội tâm nhưng cũng lại là tử huyệt (Achilles’s heel) của phần đông thiếu nữ đang ở tuổi … biết buồn. Chẳng thế mà các cụ thời xưa không cho con gái học chữ (e sợ biết viết thư?), không cho nghe tiếng đàn (nhất là đàn bầu), không được kể chuyện Thúy Vân - Thúy Kiều…

Ghi chú: Theo chuyện thần thoại thì sau lúc sinh ra Achilles, bà mẹ là Thetis đã cầm hai gót chân của đứa con và nhúng cả cơ thể em bé vào nuớc sông Styx để cho Achilles trở nên không thể nào bị thương (invulnerable). Do đó Achilles trở thành dũng sĩ anh hùng bách chiến bách thắng, ngoại trừ trong trận đánh cuối cùng ở thành Troy (tiếng Pháp viết là Troie) thì Achilles bị tử thương do hoàng tử Paris bắn một mũi tên trúng vào tử huyệt là gót chân (vì chỗ đó là nơi bàn tay bà mẹ cầm cho nên khô ráo, không được nhúng trong nước sông Styx).

Trong những buổi học sau đó thì cô em vẫn vui cười thản nhiên, nhưng cô chị và tôi trở nên e dè, giữ kẽ, cẩn trọng trong lời nói và ánh mắt. Tôi có linh cảm giống như là lưỡi gươm Damoclès treo chỉ bằng một sợi tóc đang lơ lửng ở phía trên đầu. Tôi lờ mờ nhận ra — nhưng cố chối bỏ - rằng hải âu không thể nào bay chung với phượng hoàng giống như trong cuốn phim cổ tích đã xem.

Biết đâu nàng chỉ dành cho tôi tình bạn thuần túy? Biết đâu chỉ là lòng thương hại? Chẳng lẽ tôi lại hy vọng vào câu “Lòng thương hại rất gần với tình yêu” (Pity is akin to love) thì tôi thật không xứng đáng với nàng chút nào cả! Tôi thường hãnh diện là giỏi toán ở bậc trung học, nhưng đến bài toán chỉ có một ẩn số ẩn số này thì tôi đành chịu thua. Thật là “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Thôi đành thử làm vài câu thơ để thăm dò ý nghĩ của nàng xem sao.

“Tháng sáu anh đậu tú tài
“Anh đi, đi mãi tận ngoài chân mây
“Hải âu vỗ cánh từ đây
“Biệt ly tuổi ngọc thơ ngây phượng hoàng
“Lỡ rồi một chuyến đò ngang
“Mai sau trong phút muộn màng bên sông
“Tôi về mang thiệp chúc mừng
“Mừng ai hạnh phúc bên chồng, bên con…”

Rồi một hôm ... nàng gởi cho tôi một lá thư ngắn như sau:

Câu đầu thì viết là "anh"
Mà sao câu cuối lại thành chữ "tôi"?
Thôi thôi ai đã hiểu rồi:
Ai kia hờn dỗi một người, phải không?
Ai còn nhỏ học chưa xong
Mà ai kia đã động lòng xa bay!
"Rằng hay thì thật là hay
"Không hay sao lại đậu ngay tú tài!
"Xưa nay em vẫn chịu ngài!" (Theo ca dao)

Tôi đọc thư xong thì đầu óc rối như mớ bòng bong, bài toán vẫn chưa có nghiệm số. Bây giờ lại thêm chữ "chịu" viết bằng mực đỏ.

Tôi bèn chạy ra hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi để tra tự điển (cọp) vì tôi không có tiền mua cuốn Tự Điển Tiếng Việt.

Theo tự diển này thì chữ chịu có nhiều nghĩa:

a. chịu thua, đầu hàng
b. khâm phục
c. bằng lòng, đồng ý
d. trả nợ sau, như mua chịu...

Thật khổ thân tôi. Bây giờ lại thêm một bài tập nhức đầu nữa (sau này, khoảng đầu thập niên 1970 gọi là bài thi “abc” khoanh, tức là bài trắc nghiệm.

Nàng trả lời như thế này là trớt huớt (= trớt quớt?), lại càng làm khổ tôi thêm. Hồi xưa anh Trương Chi tương tư cô Mỵ Nương chắc cũng thê thảm đến như tôi là cùng:

"Nợ tình biết trả cho ai
"Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!" [tác giả?]

Tôi bèn viết ra năm miếng giấy nhỏ rồi gấp lại làm tư, để thử rút thăm xem số phận mình ra sao. Năm cái thăm theo thứ tự ghi như vầy:
(a) chịu = chịu thua; (b) chịu: khâm phục; (c) bằng lòng; (d) cho thiếu chịu; và thêm (e) ? [một dấu hỏi to tướng]

Sau khi "lầm rầm khấn vái nhỏ to" [theo truyện Kiều] tôi rút một cái thăm nhưng chưa dám mở ra xem ngay vì hồi hộp qúa. Vả lại, hồi nhỏ tôi có thói quen ăn dè (= dè xẻn) mỗi khi được Bà Mẹ đi chợ về cho cái bánh, gói quà, nên tôi không đọc trọn vẹn cái thăm ngay, mà bắt chước mấy anh bạn đánh bạc khi rút một quân bài ra thì nặn ra chầm chậm, xem từ từ cho thêm phần gay cấn.

Kết qủa cái thăm tôi rút được mang một dấu chấm hỏi "?" to đùng.
Đúng là hết thuốc chữa.

Ngày hôm sau trong buổi dạy học kèm, cô bé em thấy tôi cầm theo mấy cuốn sách bài tập bằng tiếng Pháp của Lebossé và Brachet thì cắc cớ chọc quê tôi:

"Anh làm toán nhiều thế thì chắc là không bao giờ bị bí nhỉ?"

Tôi chụp ngay lấy cơ hội này để gián tiếp tỏ nỗi lòng đến cô chị:

"Thế mà có đấy. Anh đang bị bí bài toán chỉ có 1 ẩn số".

Cô bé chị xen vào: "Anh thử nói ra để em xem trong sách tiếng Việt đã có ai giải ra chưa?"

Tôi làm bộ bí mật: "Không, không ai giải được, ngoại trừ một người".

Cả hai chị em ngạc nhiên: "Ai mà giỏi thế. Ai nhỉ? Ở đâu hả anh?"

Tôi ỡm ờ: "Ở ngay trong phòng học này".

Hai chị em đưa mắt nhìn nhau rồi cô chị phá lên cười: "Ơ cái anh này. Thế mà người ta cứ tưởng thật".

Tôi phán chắc nịch: "Thật chứ lỵ. Anh có bao giờ nói đùa đâu".

Như tôi đã nói, cô chị rất thông minh nên mắt nàng cười sáng lên (Vâng, tôi không viết lầm đâu, nàng cười bằng mắt mới chết tôi chứ), rồi như nói với riêng tôi, mặc cho cô em ngẩn ngơ không hiểu ất giáp gì cả.
"Em biết là ai rồi. Nhưng anh đừng hỏi tiếp".

Tôi thừa thắng xông lên: "Ờ, anh cũng biết rồi. Nhưng khổ nỗi người đó không chịu cho đáp số!"

Cô em thấy anh giáo hôm nay sao có vẻ mát mát nên nói thầm với cô chị: “………………..”

Phan thị My


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
THAINGO-A1
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 08 8 2008
Số bài: 3616

Bài gửiGửi: CN 8 29, 2010 5:48 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đọc đi đọc lại truyện Tình anh bán chữ - hay thật .
Thầy ơi ! Em xin phép Thầy cho em '' réo '' bạn em một chút .
Bớ ...Hoàng Thủy Biển -Ôn cũng chuyên Viết truyện , làm thơ ....
Ôn rất nhạy ... -.mọi chuyện khó mà qua ....mặt Ôn - Vậy THAI NGÔ xin nhờ ÔN chiện ni nè -Cuối câu truyện Tình anh bán chữ - Cô em đã nói thầm với Cô chị điều gì ???? Làm ơn nghe .Thanks .




Được sửa bởi THAINGO-A1 ngày CN 8 29, 2010 8:36 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Nguyen Ngoc Hai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 9 2009
Số bài: 1789
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: CN 8 29, 2010 11:52 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Xin được vinh dự kính chào Thầy LưuNhưHải - một nhà văn, một nhạc sĩ của "Ngôi nhà SaoMai"

Kính chúc thầy luôn an khang trường thọ - để cho chào đời nhiều tác phẩm mới...

Học trò của quý thầy cô...

NguyenNgocHai.


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email Địa chỉ AIM
THAINGO-A1
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 08 8 2008
Số bài: 3616

Bài gửiGửi: Hai 8 30, 2010 5:24 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Hoàng Thủy Biển ơi ! Bạn nhanh nhanh dzô trả lời cho tui đi .Tui sốt ruột lắm - không biết Cô em nói gì ?
THAI NGÔ thấy - có nhiều bạn muốn trả lời lắm , mà họ chờ BIỂN nói trước đó !!!!!!!


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Hai 8 30, 2010 5:52 pm    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đăng hộ cho Tác giả : Phan Thị My

Sau khi được đông đảo bạn đọc khích lệ qua phone, Email, website saomaidanang, v.v...,tác gỉả truyện Tình Anh Bán Chữ có lời cảm ơn tất cả những tâm-hồn-văn-nghệ, nhất là các bạn sau đây nếu có thiếu sót thì vui lòng bỏ qua cho.

--- Xếp theo thứ tự ABC:

Phạm N Chinh, Phạm Th Cường, Nguyễn Ngọc Hải, Phan Gia Hiền, Phan Khánh Hòa, Nguyễn M Hương, Lê Minh Mộng, Huỳnh Tuyết Nhung, Phạm Ng Phước, Ngô Thị Thái, Lưu K Thơ, Huỳnh Đ Trung, v.v...
Chúc qúy bạn mạnh khoẻ để ... có sức đọc tiếp mà không ngủ gục.

Thân ái,
Phan T My


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Huynh thi Tuyet Nhung
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 14 8 2008
Số bài: 3657

Bài gửiGửi: Tư 9 01, 2010 5:23 am    Tiêu đề: Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Đăng hộ tác giả Phan Thị My

Tác giả truyện Tình Anh bán Chữ (với nhan đề cũ là Truyện Cổ Tích Tuổi 17) đặc biệt cảm tạ qúy Sao Mai Dư Ngọc Hạnh (DNH), Lê Minh Tâm (LMT), & Trương Đặng Nguyệt Thanh (TĐNT) về những lời bình tóm tắt dưới đây:
- DNH: ... không ngờ Thầy viết văn vừa hay mà lại có chút dí dỏm của
tuổi học trò trong đó ...
- LMT: ... đọc đến đây (thấy) ức ghê ...
- TĐNT: ... đọc truyện của tác giả (thấy) sốt ruột qúa...

Thân ái,
Phan T My

Ghi chú: Nhờ bạn Phạm T Cường ở Nha Trang cho biết nhan đề "Truyện Cổ Tích Tuổi 17"trùng lặp với nhan đề một truyện xưa của một bậc tiền bối (bạn Cường không nhớ tên tác gỉả tiền bối này) cho nên tôi phải đổi nhan đề thành "Tình Anh Bán Chữ"để tránh bị kết tội (oan) là sử dụng một nhan đề đã có sẵn.
Tôi trân trọng xin lỗi vị tác giả tiền bối (mà tôi không rõ phương danh), xin lỗi bạn đọc, và cảm ơn bạn Phạm T Cường.



Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Tác Phẩm Thầy Lưu Như Hải Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI