Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng
Đăng Nhập Đăng ký Trợ giúp Thành viên Tìm kiếm Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng

Cảm nhận văn học: Đứng dưới trời đổ nát..

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Phan Xuân Sinh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Tác giả Thông điệp
Nguyen Ngoc Hai
Moderator
Moderator


Ngày tham gia: 10 9 2009
Số bài: 1789
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Hai Tháng 5 03, 2010 3:26 am    Tiêu đề: Cảm nhận văn học: Đứng dưới trời đổ nát.. Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Tôi đã đọc được nhiều văn phẩm của Sư huynh PhanXuanSinh, nhưng ngoài những vần thơ... tôi còn chú ý đến những áng văn của sư huynh và muốn xem những "bậc đại phu làng văn" có cái nhìn như thế nào về cho sư huynh, lần này tôi xin giới thiệu một bài, nói đúng hơn là một cái nhìn trong văn học của Đại thụ VươngTrùngDương về cho sư huynh PhanXuanSinh, từ đó tôi hay lấy đó làm một bài học.....
NNH.
____________________________________________

Phan Xuân Sinh,
Đứng Dưới Trời Đổ Nát

Bài của Vương Trùng Dương

“Le moi est haisable”. Hơn ba trăm năm về trước, Blaise Pascal (1623 – 1662) để lại cho đời câu nói “cái ta – thì, là, thật – đáng ghét”. Albert Camus (1913 – 1960) đã lặp lại lời đó và được đề cập rất nhiều trong thời hiện đại. Paul Valéry (1871 – 1945) cho rằng cái ta đáng ghét nhưng đó là cái ta của người khác. Ba khuôn mặt lẫy lừng trong văn học Pháp cùng nhận định khe khắt về cái ta, không biết trước Pascal, có danh nhân nào đã nói câu đó nhưng sau Camus thì bắt gặp rất nhiều, đôi khi bị lạm dụng thái quá, có phần phiến diện?.

Nhìn lại thi ca Việt Nam, cái ta trong ngôn ngữ thi ca thể hiện qua ca dao rất nhiều, điển hình về cái ta với hình ảnh “ta tắm ao ta”, cái ta đó, chan chứa tình người, gói trọn tâm tư tình cảm cho nhau với quê hương, đất nước. Lãng mạn, trữ tình trong tình yêu như: “Mình ơi, có nhớ ta chăng? Ta như sao Vượt, chờ trăng giữa trời” để tỏ bày tâm sự, nỗi niềm nhớ thương như thông điệp tình yêu được dàn trải tự nghìn xưa cho đến mai sau.
Vào thế kỷ XV, Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) với vần thơ trác tuyệt về cái ta trong bài thơ Thú Thôn Ở, cái ta trong Tự Thuật của tiên sinh vào tuổi bát thập được truyền tụng qua bao niên kỷ. Trên thi đàn Việt Nam, rạng rỡ với cái ta trong thơ Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Thâm Tâm… của thời tiền chiến, Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn… tuyệt vời, thân thương và làm sao nhẫn tâm ghét bỏ.
Mùa Hè năm 2000, thi phẩm Đứng Dưới Trời Đổ Nát của Phan Xuân Sinh, tạp chí Văn xuất bản, được góp mặt trong dòng văn học lưu vong. Với Phan Xuân Sinh, vào đầu thập niên 60, tôi đã cảm mến đôi bài thơ của anh trong tuổi học trò. Trải dài những bốn thập niên, đợi vào thời điểm thiên niên kỷ mới, chào đời tập thơ.
Đứng Dưới Trời Đổ Nát gồm năm mươi bài thơ được tuyển chọn, trong đó có bốn mươi sáu bài với bóng dáng cái ta. Cái ta trong thơ Phan Xuân Sinh được trang trải trong tình yêu, bằng hữu, cái ta với rượu, cái ta của người lính trận trong cơn binh lửa, cái ta trong thân phận kẻ chiến bại lưu lạc phương xa… nó tàng ẩn, bàng bạc, thoáng hiện trong cuộc sống giữa thế nhân, mang nặng tình người, gắn bó với hệ lụy cuộc đời và bi kịch thời đại.

Ta, Tuổi Trẻ, Tình Yêu

Sinh trưởng và lớn lên ở Đà Nẵng, mang tâm hồn lãng mạn ngay từ thuở học trò, Phan Xuân Sinh đã si tình bóng hình thục nữ đất thần kinh:

“ta chết điếng một thời, em Thượng Tứ
bởi nụ cười, môi mỏng gái thâm cung”
(chút tình cho Huế)

“em đỏng đảnh treo mảnh tình trên giá
ta ngước nhìn thèm ứa máu chạy quanh”
(vài đoạn tứ tuyệt… mùi hương)

Ngày xưa, Nguyễn Nhược Pháp qua bài thơ Chùa Hương ghi lại thiên ký sự cô gái đi chùa, gặp một văn nhân, tâm hồn say đắm “Em cầu xin Trời Phật. Sao cho em lấy chàng”. Ngày nay, tuy ngoại đạo nhưng mãnh lực tình yêu đã đưa đẩy chàng trai:

“ta tắm gội ăn chay nằm đất
cũng chắp tay khấn vái tứ phương…
… ta cũng có đôi ba ngày tịnh khẩu
bởi vì em tụng mãi những tràng kinh”
(theo em lên chùa)

Và, thổ lộ tâm trạng của kẻ si tình, có lẽ đó cũng là tâm trạng của hầu hết chàng trai khi vương vấn trong cuộc tình bàng bạc qua dòng thơ:

“ta bâng khuâng đứng bên đường
xa em còn chút vấn vương bên lòng”
(mờ phai)

“hai tay đưa chén ngang mày
mời em cạn chút rượu nầy cùng ta
ngồi đây, ta trải chiếu hoa
đặt đôi gối gấm để mà tựa lưng”
(mời em uống rượu)

Theo dòng thời gian, Phan Xuân Sinh vấp phải nỗi đau thương, khổ lụy để rồi bày tỏ qua dòng thơ đầy ngậm ngùi, xúc động:

“mới hay đâu dễ gì quên được
em một thời dậy sóng đời ta
là để lại lưỡi dao oan nghiệt
cứa nát ta bằng êm ái mượt mà”
(cho người tình phụ)

“gặp nhau chi giữa con đường
nên lời ta đượm hàng hàng cách ngăn
em về chia nửa vầng trăng
khóc giùm ta giữa gối chăn bạc tình”
(gặp người xưa giữa phố Boston)

Bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ, bao năm đeo đuổi theo bóng hình với thú đau thương. Trở về với thực tại, trở về tình yêu đích thực, kẽ tình si đành tạ lỗi vời người bạn đời:

“một đời em tối ngày tất bật
nên yêu em ta gác chuyện ăn chơi
ngựa hoang đàng là ngựa quen đường cũ
ta hoang đàng ta chỉ biết hầm hơi…
… ta chết lặng, trách mình lầm lỡ
tạ lỗi cùng em. Em thiệt dễ thương”
(ta lỗi với vợ hiền)

“em vì ta lao mình cứu rỗi
trải lòng ra, phơi giữa đất trời…
… ta gượng dậy qua cơn bạo bịnh
đời có em. Ta thật bình yên”
(sớm chiều lặn lội)

Ta, Bằng Hữu, Lưu Linh

Lớn lên trong thời chiến, Phan Xuân Sinh cũng phải “Xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung” như hầu hết bằng hữu của anh trong thời chiến. Và, một thời, chàng trai lãng mạn trong tình yêu và thơ văn, nổi tiếng Sĩ quan trẻ gan lì của Đại đội Trinh sát thuộc Trung đoàn 51 Biệt Lập ở Quảng Nam.

“ta bao năm lửa hờn tàn rụi
chuyện đao binh như giấc chiêm bao
gặp lại bạn, lòng ta quay quắt
chuyện xa xưa như mới thuở nào”
(gặp lại bạn ta)

Đơn vị anh nhiều lần xung trận, và anh đã nhiếu lần ngã xuống trên quê hương với nhiều chiến tích. Trong hoàn cảnh đó, niềm vui còn lại trong anh với rượu và bằng hữu.

“quanh ta, bạn bè đâu chết tiệt
chỉ thấy toàn một lũ hám danh…
… bạn hiền ta, cùng nhau nâng chén
giũ sạch bên ngoài chút hư danh”
(nói chuyện với những bạn hiền)

“ta uống cùng ta thêm cốc nữa
lừ đừ ta cất giọng say say…
… ta muốn quên đi đời hệ lụy
nhủ với lòng ta cố gắng cười”
(lu rượu đầu xuân)

“chếnh choáng vài ly quên ráo trọi
ngủ vùi khi thiên hạ ngả nghiêng”
(trong cơn say)

“đêm nay, ta muốn say cùng bạn
chuyện bên ngoài, vất lại đằng sau”
(chén rượu, tạ lòng bạn hiền)

Năm 1990, Phan Xuân Sinh được định cư tại Hoa Kỳ, vẫn như thuở nào, trọn đời anh sống với bạn bè dù cuộc sống xứ người bị xô đẩy bởi nhu cầu cuộc sống.

“gặp lại bạn, lòng ta quay quắt
chuyện xa xưa như mới thuở nào”
(gặp lại bạn ta)

“chén ruoụ đựng chút tình thân cũ
ta thấy đời đang dậy mùi hương
nhìn nhau hai đứa đâu còn trẻ
mái đầu điểm bạc chút phong sương”
(uống rượu với bạn cũ bên bờ vịnh Half Moon bay)

Đời nhà Tấn ở Trung Hoa, Lưu Linh tự Nguyễn Lãng ở Trúc Lâm suốt đời sống phóng đãng với rượu và bằøng hữu,, tiên sinh nổi danh với bài Tửu Đức Tụng, được lưu truyền qua bao thế kỷ. Người đời mến chuộng tiên sinh nên khi thả hồn trong rượu, muốn làm đệ tử người xưa. Thuở còn đi học, Phan Xuân Sinh rất mê bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác vào thời tiền chiến. Và, hình như nó đã lôi cuốn cả tâm hồn yêu thơ, con người PSX nhập cuộc qua mấy thập niên.

Ta, Chiến Chinh, Đời Lính

Đã từ lâu, trong lần gặp anh, Phan Xuân Sinh tâm sự: Trong chiến cuộc khủng khiếp đó luôn luôn đe dọa và ám ảnh cuộc sống, đôi khi men rượu như ngọn lửa hâm nóng bầu nhiệt huyết, đôi lúc hòa nhập cùng đồng đội trong thời điểm tử sinh, phó mặc tuổi trẻ với chiến chinh. Vì vậy, dòng thơ của anh thể hiện cuộc sống bạt mạng của người lính trận:

“dừng quân ta cũng thường ngồi nhậu
rượu đế vài ly cũng sụt sùi…
… thì thôi, ta uống cho say đã
một chút danh rồi cũng tiêu ma”
(nhớ ngày ra quân)

“ta vẫn nằm. Trên đồi gió thổi
chim hót ban ngày, pháo dội ban đêm
em cứ chạy theo từng mốt mới
còn ta, uống rượu để tìm quên”
(nghe chim hót trên đồi 55)

“cái thuở ta làm tên lính trận
ôm ba lô ngồi mơ mộng một mình…
…ta mang vết thương làm người si dại
những tình thư ta viết thật điên cuồng”
(dấu xưa)

“thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
bầy làm chi trò chơi xương máu
để đôi bên nuôi mầm mống hận thù”
(uống rượu với người lính bắc phương)

Ta Với Tiền Nhân

Nghĩ lại thân phận tuổi trẻ trong hoàn cảnh đất nước đắm chìm trong hận thù và lửa đạn. Anh lại nghĩ về hình ảnh người xưa. Lâm Chương cho rằng, nói với người xưa là cái cớ để anh tỏ rõ cái uất của mình.

“đêm nay nằm, ta lại nhớ tới ngài
gối lên nỗi đau của người thất thế”
(đêm nằm nhớ Ức Trai)

Ức Trai là bút hiệu của Nguyễn Trãi vào thế kỷ XV, thời Hậu Lê, tiên sinh là bậc khai quốc công thần đã cùng với anh hùng đất Lam Sơn Lê Lợi, suốt mười năm nằm gai nếm mật để kháng quân Minh, khôi phục lại sơn hà xã tắc. Trong đỉnh vinh quang của danh vọng, tai ương tại vườn Lệ Chi đem lại thảm thương cho tiên sinh và dòng họ bị tru di tam tộc!.

“ta bạc đầu sao chẳng ra chi
ngài bạc đầu làm nên việc lớn…
… người với ta cùng quê người đất lạ
ta hư cả đời ngài đã thành danh”
(hầu chuyện cùng Ngũ Tử Tư)

Vào thời Chiến Quốc, Sở Bình Vương giết thân phụ và anh của Ngũ Tử Tư nên Ngũ Tử Tư tìm cách trốn ra khòi nước Sở để mong ngày phục hận. Trên đường đến cửa ải Chiêu Quan, quân Sở canh phòng cẩn mật, trong một đêm tìm cách vượt biên giới, tóc bạc phơ. Đông Cao Công cảm kích tìm phương kế trốn thoát, sang nước Ngô, phò Hạp Lư, thôn tính nước Sở. Sau, Phù Sai lên ngôi vua, Câu Tiễn dùng mỹ nhân kế Tây Thi, Ngũ Tử Tư can ngăn, Phù Sai nổi giận chém đầu.

Thời Tam Quốc, Tào Tháo bỏ chạy và sau đó lập nên nghiệp dĩ. tào Tháo, Tôn Quyền vàn Lưu Bị trang giành quyền lực, chia trung Hoa ra làm ba. Người đời cho Tào Tháo là kẻ gian hùng nhưng PXS lại có cái nhìn ngược lại, đem lòng ngưỡi mộ:

“ta kẻ hậu sinh, giở lại pho sách cũ
mà khen ông đúng là bậc tài hoa
ta vỗ án thư thét lên khàn cổ
phải giải oan nầy mới thỏa được lòng ta”
(giải oan cho Tào Tháo)

Ta, Đất Nước, Tình Người

Trần Hoài Thư cho rằng thơ Phan Xuân Sinh ngậm ngùi như một dòng sông cũ mang theo những nỗi buồn của lịch sử và thân phận. Vâng, thời trai trẻ, PXS đã theo tiếng gọi của núi sông, gán bó với quê hương, đất nước vì vậy hình ảnh ấy vẫn canh cánh bên lòng. PXS mang trong lòng niềm đau trên đất khách:
“ta khách lạ lạc xứ người
manh hồn phương đông, văn vật”
(Chào New Orleans)

“ta một mình cuối bãi
lơ láo, kẻ cùng đường…
đứng giữa triền vực thẳm
ta thành đứa khùng điên”
(giữa đất trời, vật vã)

“đứng giữa lòng phố thị
ta làm tên thất thời…
,,, ta gian truân thấm mệt
khoanh tay nhìn tình trôi”
(bên kia nỗi nhớ)

Có lẽ, tâm trạng của PXS cũng là tâm trạng chung của nhiều người đã một thời sinh tử, gắn bó với quê hương. Ở đó, với bao hệ lụy, kỷ niệm buồn vui đã in đậm trong tâm tưởng.

“đứng bên bờ ta thử làm tráng sĩ
cứ nhìn theo người bước qua sông…
… ta chỉ biết ngó về sông nước cũ
tình đã sang cổ lụy mấy ai ghi”
(muộn màng)

“có một cái gì xôn xao rất lạ
để hồn ta bay theo lá vu vơ”
(lời tỏ bày cùng quê nhà)

“những tiếng kêu như xé nát lòng ta
thốn tận tim gan như lời trách móc
ta nghe như tiếng ai đang khóc
đầu ta dău như ai bửa làm đôi”
(quê nhà lũ lụt)

Qua bao năm xa cách, trở về cố hương, trở về nơi chôn rau cắt rốn, PXS vẫn như thuở nào với cảnh cũ người xưa.

“bao năm ta trở về chốn cũ
ngồi bên sông chờ chuyến đò qua
cây với ta một màu ủ rủ
người có hay ta lệ nhạt nhòa”
(bên sông nhớ người)

“ta cùng nhau uống giếng nầy
hình như giếng cũng mang đầy nhớ thương”
(bài lục bát cho Đà Nẵng)

“ta thèm chiếc xe trâu, thủng thẳng
trên đường làng ngất ngưởng chiều về”
(người lữ hành, lỡ chuyến tàu năm hai nghìn).

Kết

Qua năm mươi bài thơ được chọn lọc trong bốn thập niên với thi phẩm Đứng Dưới Trời Đổ Nát, cái Ta của Phan Xuân Sinh là nỗi niềm, tâm sự, khắc khoải, yêu thương… và hoài niệm trong tình bạn, tình yêu, quê hương.
Phan Xuân Sinh làm thơ vào đầu thập niên 60. Bài thơ đầu tiên Chiều Công Viên xuất hiện trên tuần báo Nắng Mới vào năm 1962. Và, trong năm đó anh được giải thưởng về thơ do Ty Thông tin Đà Nẵng tổ chức. Anh có vài bút hiệu, và cuối cùng trở về với tên tuổi bản thân.
Là bằng hữu, đọc lại từng bài thơ của anh, bao nhiêu kỷ niệm hiện về. Với thơ, với rượu, với bằng hữu, tha nhân… được dàn trải trong ngôn ngữ thi ca rất thật và sinh động.
Nếu có lần nào, ngồi bên Phan Xuân Sinh, uống rượu, nghe âm điệu trầm khuất qua giọng ngâm của anh, nhỡ có say cũng “cạn chén hồ trường”.

Vương Trùng Dương.
______________________________________


Về Đầu Trang
Xem lý lịch thành viên Gửi tin nhắn Gửi email Địa chỉ AIM
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng » Thơ Văn Phan Xuân Sinh Thời gian được tính theo giờ EST (U.S./Canada)
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn


Powered by SaoMaiDaNang © Nho'm SaoMai DaNang
Designed for SaoMaiDanang - Nam cuoi cung cua truong SAO MAI